Phật cáo Di Lặc: - Nhữ đẳng năng ư thử thế, đoan tâm chánh ý, bất vi chúng ác, thậm vi đại đức. Sở dĩ giả hà? Thập phương thế giới, thiện đa ác thiểu, dị khả khai hóa. Duy thử ngũ ác thế gian, tối vi kịch khổ. Ngã kim ư thử tác Phật, giáo hóa quần sanh, linh xả ngũ ác, khử ngũ thống, ly ngũ thiêu, hàng hóa kỳ ý, linh trì ngũ thiện, hoạch kỳ phước đức. Hà đẳng vi ngũ?
Phật bảo Di Lặc: - Các ông nếu như có thể trong đời này đoan tâm chánh ý, chẳng làm các điều ác thì thật là đại đức. Vì sao vậy? Mười phương thế giới thiện nhiều ác ít, dễ bề khai hóa. Chỉ có thế gian ngũ ác này là khổ sở nhất. Ta nay làm Phật trong cõi này, giáo hóa quần sanh khiến cho họ bỏ năm sự ác, trừ năm sự đau, lìa năm sự đốt; hàng phục, cải hóa tâm ý của họ, khiến cho họ vâng giữ năm điều lành, đạt được phước đức. Những gì là năm?
Giải:
Phẩm này giảng rõ sự ác khổ trong cõi đời ô trược này. Ác là ngũ ác, Khổ là năm điều đau đớn, năm điều thiêu đốt. Phật khuyên dạy chúng sanh bỏ ác làm lành hầu lìa khổ, được vui. Tịnh Ảnh Sớ chép:
“Năm giới để ngăn ngừa năm sự ác là giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Tạo năm điều ác ấy thì hiện đời bị phép vua trị tội, thân gặp ách nạn, nên bảo là năm sự đau đớn. Do năm điều ác đó, trong đời vị lai sẽ chịu quả báo trong tam đồ nên gọi là năm sự đốt”. Ngũ Ác là nhân của sự ác. Ngũ Thống là hoa báo, Ngũ Thiêu là quả báo.
Gia Tường Sớ lại giảng năm điều ác như sau: “Vì sao chỉ nói đến năm điều này? Do người đời thích gây tạo [năm điều ấy] nên mới riêng nêu lên”.
“Ðoan tâm chánh ý” là tâm chân chánh, ý chân thành, khéo giữ gìn ý niệm của mình, xa lìa ba độc (tham, sân, si), chẳng mơ tưởng đến việc tà ác. Ngài Nghĩa Tịch lại giảng: “Hướng đến Bồ Ðề là đoan tâm, chẳng cầu việc khác là chánh ý”. Hiểu như vậy là hiểu ở mức độ càng sâu hơn nữa, bởi chỉ có hướng đến Bồ Ðề mới là “đoan tâm”, chẳng hề cầu mong điều gì khác là “chánh ý”. Nếu có thể đoan chánh thân tâm như vậy thì tự nhiên chẳng làm các điều ác nên bảo là “thậm vi đại đức” (thật là đại đức). “Ðại đức” là đức đến cùng tột.
Ngài Gia Tường giảng câu “thiện đa ác thiểu, dị khả khai hóa” (thiện nhiều, ác ít, dễ bề khai hóa) như sau: “Trong các cõi khác có nhiều duyên thù thắng, thiện báo lại càng mạnh mẽ, thù thắng hơn nên dễ làm lành. Cõi này chẳng có hai duyên ấy. ‘Khai hóa’ là Phật khai ngộ, giáo hóa vậy”. Tiếp đó, ý nghĩa của cả đoạn từ câu “duy thử ngũ ác thế gian” (chỉ có cái thế gian ngũ ác này) đến “ly ngũ thiêu” (lìa năm sự đốt) đã quá rõ.
Gia Tường Sớ giảng câu “hàng hóa kỳ ý, linh trì ngũ thiện” như sau: “Hàng phục, cải hóa tâm ý của họ nhằm làm cho tâm họ nhập đạo, vâng giữ năm điều lành, thuận theo lời dạy tu hành”.
Ngài Tịnh Ảnh và ngài Gia Tường đều cho rằng “ngũ thiện” chính là Ngũ Giới. “Phước đức” là phước lợi đạt được bởi thiện hạnh.
Gia Tường Sớ ghi: “Hoạch kỳ phước đức (Đạt được phước đức) là nêu lên cả hai quả gần và xa để thành cái hạnh”.
“Quả gần” là như Tịnh Ảnh Sớ bảo: “Do trì Ngũ Giới nên trong đời hiện tại thân yên ổn không khổ”.
“Quả xa” là được sanh về Cực Lạc, quyết định chứng Niết Bàn như Tịnh Ảnh Sớ bảo: “Ðời sau gặp Di Ðà, rốt cuộc chứng Niết Bàn”.
Ðời này an lạc, thân sau vãng sanh nên bảo là “hoạch kỳ phước đức”.
"Chỉ có thế gian ngũ ác này là khổ sở nhất"... "Do năm điều ác đó, trong đời vị lai sẽ chịu quả báo trong tam đồ nên gọi là năm sự đốt”. Ngũ Ác là nhân của sự ác. Ngũ Thống là hoa báo, Ngũ Thiêu là quả báo."
Có khi nào chúng ta tự nghĩ, vì sao chúng sanh cõi này lại thích làm chuyện ác như thế [hơn là làm điều thiện], rồi phải chịu báo khổ? Dạ đơn giản là vì chúng sanh cõi này đa phần là 'từ dưới chui lên', nên tập khí xấu ác còn dẫy đầy. Vừa thọ báo trả nghiệp khổ đau xong, ngoi lên, có được giáo dục, tu hành gì đâu. Rồi được thân người mấy ai được bắt gặp Phật pháp, rồi chịu tín thọ phụng hành trong đời này? Bởi, đa phần là 'sài' cái phước từ đời nào kiếp nào còn sót lại, sài hết, lại tạo đầy nghiệp ra, rồi lại trở thành 'thường trú nhân' của Tam đồ. Thật đáng thương xót biết bao!
Chúng ta nay được thân người, được gặp Phật pháp, rồi gặp ngay Tịnh Độ tông, Pháp môn đặc biệt [có một không hai] trong một đời giáo hóa của Đức Như Lai. Có thể gọi là 'vô tình nhặt được bí kíp' [Phật truyền trao]. Rồi chịu tin nhận, chịu thực hành, và chịu đi [về], không chấp nhận ở lại để phải tiếp tục chịu cảnh khổ đau cùng cực, xoay vần mãi miết... Thật là hàng hiếm trong hiếm, khó trong khó! Chắc chắn rằng, chỉ những ai một khi đã rời cõi này rồi, được trở về quê hương [Cực Lạc], có đầy đủ thần thông, trí lực... rồi nhìn lại xuyên suốt hành trình đã qua này, mới có thể cảm nhận hết được sự may mắn [và sự thù thắng vi diệu] ấy đến dường nào. Thật sự vậy!
Một câu A Di Đà Phật, chính là bảo vật vô giá, nếu ai biết tin tưởng, sử dụng [hành trì], nương Bổn Nguyện cầu giải thoát, chắc chắn đảm bảo trở thành bảo vật như ý [đạt đúng như sở nguyện cầu giải thoát].
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 35. Trược Thế Ác Khổ
Ngài Hoàng Niệm Tổ