Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt trong cả một đời giáo hóa của đức Như Lai, thích hợp khắp ba căn, hoàn toàn thâu nhiếp trọn vẹn lợi căn lẫn độn căn. Bậc Đẳng Giác Bồ Tát sắp thành Phật chẳng thể vượt ra ngoài pháp này được; tội nhân Ngũ Nghịch, Thập Ác sắp đọa địa ngục cũng có thể dự vào trong ấy. Là con đường tắt để chúng sanh lìa khổ, thỏa thích bản hoài xuất thế của Như Lai. Vì thế, [pháp này] được vãng thánh tiền hiền, người người hướng về, ngàn kinh muôn luận chốn chốn chỉ quy. Xét từ khi đại giáo truyền sang phương Đông, Viễn Công mở Liên Xã đầu tiên, bậc cao Tăng, đại Nho dự hội gồm một trăm hai mươi ba người. Nếu xét trọn cuộc đời Ngài, trong hơn ba mươi năm những người tham gia Liên Xã tu Tịnh nghiệp được vãng sanh khi báo thân đã tận làm sao đếm xuể? Từ đấy trở đi, đời nào cũng có cao nhân hoằng dương truyền bá rộng khắp trong nước, ngoài nước. Tri thức các tông Luật, Giáo, Thiền, Mật hoặc chuyên chú ngầm tu, hoặc còn tán dương rõ rệt, đều lấy Tịnh Độ làm chỗ quy túc, vì đây là pháp môn tổng trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh.
Pháp môn tự hành, dạy người
Gần đây, thế đạo nhân tâm đắm chìm đến cùng cực, những vở tuồng xấu ác như phế kinh điển, phế luân thường, phế hiếu, không thẹn, giành đất, tranh thành, tàn sát lẫn nhau, mỗi mỗi đều diễn ra, đến nỗi thiên tai, nhân họa liên tiếp giáng xuống, vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống! Người có lòng lo cho thế đạo đua nhau đề xướng Phật học, nêu tỏ nhân quả ba đời, chỉ rõ luân hồi lục đạo, chỉ ra Phật Tánh sẵn có, tu Tịnh nghiệp niệm Phật để mong đẩy lùi cơn sóng cuồng loạn, khôi phục phong hóa thuần phác, lập Cư Sĩ Lâm, Tịnh Nghiệp Xã v.v… ở các nơi để làm phương cách cứu vãn. Nếu không, đạo làm người gần như bị diệt mất!
Cư sĩ Thí Nguyên Lượng ở Hải Môn, ngụ cư ở Phụ Ninh, khai khẩn đất hoang, thương người đời muốn tu Tịnh nghiệp nhưng khổ vì không có người biết pháp, rốt cuộc đi theo các thứ ngoại đạo luyện đan vận khí để cầu trường sanh và thành Đại La thần tiên, ăn trộm những câu nói trong kinh Phật để chứng tỏ đạo của chính mình là Phật pháp chân truyền, như kẻ ngu coi mắt cá là chân châu, thật đáng thương xót! Nhưng Phật pháp mênh mông, chẳng tranh với người. Nếu có thể tận lực tu trì chánh pháp, chắc chắn sẽ có ngày bọn họ nghe biết thanh danh rồi dấy lòng cải tà theo chánh. Phàm những người tham dự Liên Xã, ắt đều phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, dùng tín nguyện chân thành trì danh hiệu Phật, quyết chí cầu sanh thế giới Cực Lạc. Dùng pháp này để tự hành, lại đem giáo hóa người khác để trong là cha mẹ, anh em, vợ con, ngoài là xóm giềng, thân thích, bè bạn đều cùng được gội [ân] Phật giáo hóa, đều cùng tu Tịnh nghiệp, cùng trong đời này được nương theo Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, ngõ hầu chẳng phụ một phen thành tâm dự vào Liên Xã ngày hôm nay.
“Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”
Phải biết: Pháp môn Niệm Phật lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm Tông. Điều quan trọng của Niệm Phật là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Muốn “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” thì bất luận đi - đứng - nằm - ngồi hãy thường niệm Phật hiệu, hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm, đều cần phải lắng nghe tiếng niệm Phật của chính mình. Nếu làm được như thế thì nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước cao, phàm làm bất cứ điều gì đều thuận lợi. Đối với những nghề nghiệp sĩ - nông - công - thương chẳng những hoàn toàn không trở ngại gì mà còn có thể khơi mở tâm linh nơi nghề nghiệp của chính mình; do vì tâm không tán loạn sẽ tự chủ trong công việc. Như [đối trước] mọi lẽ rối ren, nếu tâm thần ngưng lặng sẽ [giải quyết] dễ dàng; nếu tâm thần chao động sẽ gặp khó khăn. Do vậy, những bậc lập đại công, dựng đại nghiệp thuở xưa, công huân trùm bốn biển, ngôn hạnh lưu lại ngàn thu, đều là do học Phật đắc lực mà ra!
"Điều quan trọng của Niệm Phật là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Muốn “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” thì bất luận đi - đứng - nằm - ngồi hãy thường niệm Phật hiệu, hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm, đều cần phải lắng nghe tiếng niệm Phật của chính mình."
Chúng ta có thể vào thẳng vấn đề, người tu Tịnh Độ hiện nay thì ngoài thời khóa thường đeo máy niệm Phật bên mình. Vậy làm sao để lắng nghe tiếng niệm Phật của chính mình đây, như lời Tổ sư dạy? Thật sự rằng, nếu để tiếng máy vang vang bên mình, chúng ta chỉ có thể nhiếp theo tiếng máy mà niệm theo, hoặc giả chỉ là lắng nghe tiếng máy niệm, gọi là "Văn danh được phước", hay "Tu thù thắng hạnh",... như trong Kinh dạy.
Thật sự, tu hành, mỗi người mỗi cảnh, mỗi người mỗi căn cơ, đeo máy niệm Phật hay không thì tùy duyên mỗi người, không nhất thiết ai ai cũng phải đeo máy niệm Phật suốt bên mình. Những người có công phu niệm lực đã mạnh mẽ, thuần thục, có thể luôn tự niệm, câu Phật hiệu thường tương tục không gián đoạn trong tâm thì không cần thiết đeo máy niệm Phật [đôi khi thành chướng ngại niệm lực của mình]. Còn đối với người bận rộn công việc suốt ngày, tranh thủ 'vừa làm vừa tu', hay tận dụng thời gian làm việc để công phu thêm [nhiều, ít] thì chiếc máy niệm Phật quả là phương tiện diệu dụng, chúng ta có thể nghe, niệm theo, tiếng niệm Phật luôn bên tai, ngày đêm không gián đoạn [đặc biệt dỗ giấc ngủ rất tốt]. Hoặc giả chúng ta cũng có thể kết hợp, luôn đeo máy niệm Phật nhưng vặn âm lượng ở mức tối thiểu, như một sự nhắc nhở, trợ duyên cho niệm lực của mình, giúp tâm nhiếp trọn vào tiếng niệm của chính mình [dễ dàng hơn].
Tóm lại, tùy nghi phương tiện, nhân duyên của mình mà hành trì, cốt sao đừng quên câu Phật hiệu, có thể “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” một cách càng sâu chắc càng tốt. Công phu ngày một tiến lên. Muốn thế, cần phải có tâm lực "Tín, nguyện" mạnh, chắc, kiên cố để thúc đẩy, tạo lực. Ngõ hầu một đời này đạt được "đại lợi ích".
Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ
Lời tựa trình bày duyên khởi của Tịnh Niệm Liên Xã tại trấn Hợp Hưng, thành phố Phụ Ninh
Đại sư Ấn Quang