Pháp khế lý khế cơ bậc nhất
Phật pháp rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không, lý vốn tự tâm, tuy hạng phàm phu sát đất vẫn chẳng thiếu sót mảy may nào, nhưng đạo vượt khỏi những tình kiến thông thường, nếu chẳng phải là mười phương chư Phật sẽ chẳng thể hiểu biết trọn vẹn. Nếu luận sâu sát về pháp khế lý khế cơ thì chỉ có tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương thật là bậc nhất. Đạo tự lợi lợi tha, chỉ có phước đức chẳng trụ vào tướng để bố thí mới bằng được mười phương hư không. Cư sĩ Liễu Nghĩa đã nghe được pháp môn Tịnh Độ, công huân thù thắng, dẫu là kẻ phàm phu sát đất trọn đủ Hoặc nghiệp, chỉ cần có thể sanh lòng tin phát nguyện trì danh hiệu Phật như con nhớ mẹ, tâm tâm tiếp nối, quyết định cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Do vậy, bèn phát đại Bồ Đề tâm, tu hạnh tối thù thắng. Lại muốn cho pháp giới hữu tình đều cùng được lợi ích, vì thế bèn dốc cạn tinh thần sức lực đề xướng tán dương. Con người có cùng một tâm này, tâm có cùng một lý này, đã được phát huy chỗ uyên áo thì không ai chẳng muốn được lợi ích.
So với cầu danh lợi, phước báo nhân - thiên, thật khác biệt một trời một vực
Do vậy, thiện tín dự hội nhiều đến mấy trăm người, đều đầy đủ tín nguyện, dốc sức tu Tịnh nghiệp. Cư sĩ mừng rỡ khôn ngăn, liền đem căn nhà của mình đang ở hiến cúng hết, biến nơi đó vĩnh viễn thành Cư Sĩ Niệm Phật Lâm. Ý ông chỉ muốn mình và người đều cùng tu Tịnh nghiệp, cùng trong một đời này vãng sanh Tây Phương, và hết thảy thiện tín xa gần, kẻ thấy, người nghe đều cùng phát khởi cho trọn khắp hoàn vũ, tồn tại vĩnh viễn chẳng suy mất. So với chuyện cầu danh dự trong thế gian và phước báo nhân - thiên thật khác biệt một trời một vực! Những người cùng liên xã cảm kích trước thạnh tình ấy, thầm sợ rằng nếu chẳng lập chứng cứ sau này sẽ bị mất đi, khiến cho tấm lòng một phen lợi người của cư sĩ bị biến thành đoạn diệt. Do vậy, bèn báo lên huyện lập giấy tờ, khắc bia đặt trong Niệm Phật Lâm, không chỉ nhằm để tán dương thạnh đức của cư sĩ mà quả thật còn nhằm để phát khởi nhiệt tâm cho người thấy nghe.
Khiến cho lời đức Như Lai đều [sớm] thành sự thực
Lại do Bất Huệ tu tông này đã lâu nên bèn gởi thư, sai viết lời tựa dẫn giải ngõ hầu người đọc nghe đến phong thái ấy bèn khởi tâm, lần lượt truyền dạy, hoằng dương, theo chiều dọc là đến tận đời vị lai, theo chiều ngang là trọn khắp mười phương, khiến cho lời đức Như Lai dạy “hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật” đều thành sự thực, chẳng đến nỗi còn có chỗ tiếc nuối! Bất Huệ vâng theo thạnh tình ấy, kính cẩn trình bày đại lược những chỗ khó - dễ, nhanh - chậm trong việc y theo hết thảy pháp môn và pháp môn Tịnh Độ tu hành hòng liễu sanh tử, chứng Vô Sanh, ngõ hầu ai nấy tự xét sức lực của mình mà tu hành, chẳng đến nỗi bị tổn hại vì theo pháp chẳng khế hợp căn cơ, luân hồi dài lâu trong tam đồ lục đạo, không thể thoát ra được!
Hễ bị phước làm mê, ắt đọa thẳng vào tam đồ!
Hết thảy các pháp môn được nói trong giáo pháp một đời của đức Như Lai không pháp nào chẳng nhằm làm cho chúng sanh đoạn phiền Hoặc liễu sanh tử, chứng Vô Sanh Nhẫn thành Phật đạo. Nhưng căn cơ của chúng sanh bất nhất, cho nên mỗi người đạt được lợi ích khác biệt. Những ai có túc căn sâu dầy thì có thể đoạn sạch được Kiến - Tư ngay trong một đời này, vượt thoát tam giới, tiến lên học theo đạo Bồ Tát “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh” để cầu viên mãn Bồ Đề, may mắn gì hơn? Nếu như căn cơ kém cỏi hơn đôi chút, dẫu có sức Thiền Định sâu, triệt ngộ tự tâm, nhưng chưa đoạn được Kiến - Tư, ắt vẫn phải luân hồi y như cũ! Huống gì từ đời này sang đời khác, làm sao có thể tự bảo đảm được? Hễ bị phước làm mê, ắt đọa thẳng vào tam đồ! Kẻ kém hơn thì còn gì để nói nữa! Đấy là chỗ khó khăn của việc dùng tự lực để liễu sanh tử vậy.
Tự chết được cái tâm chụp giựt, chuyên tu pháp môn này
Đức Như Lai sớm biết chúng sanh đời Mạt không có sức đoạn Hoặc, nên đặc biệt mở ra một pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, khiến cho hàng Pháp Thân đại sĩ và hạng phàm phu đầy dẫy triền phược cũng như tội nhân Ngũ Nghịch Thập Ác cực nặng đều cùng trong một đời này vãng sanh Tây Phương. Đã vãng sanh Tây Phương thì liễu sanh thoát tử siêu phàm nhập thánh, ai nấy tùy theo khả năng của chính mình mà ngộ chứng. Tâm từ bi vỗ về, nuôi dạy ấy dù có lấy thiên địa phụ mẫu cũng chẳng thể sánh ví được muôn một. Bởi lẽ, pháp môn này cậy vào sức tín nguyện niệm Phật của chính mình để cảm sức từ bi nhiếp thọ của Phật, cảm ứng đạo giao, cho nên chẳng cần đoạn phiền hoặc mà đới nghiệp vãng sanh. So với cách cậy vào tự lực thì khó - dễ dù có hết cả năm cũng chẳng thể nói trọn. Người niệm Phật nếu biết được nghĩa này sẽ tự chết được cái tâm chụp giựt, chuyên tu pháp môn này, chẳng đến nỗi ham cao chuộng xa, bị những lời lẽ của kinh giáo hay tri thức lay chuyển để rồi bỏ pháp này tu những pháp khác. Xin khắp những ai thấy nghe đều tin tưởng chắc chắn!
Ảnh: Một niệm Phật đường tại gia ở Hà Nội
Câu: Bất Huệ vâng theo thạnh tình ấy, kính cẩn trình bày đại lược những chỗ khó - dễ, nhanh - chậm trong việc y theo hết thảy pháp môn và pháp môn Tịnh Độ tu hành hòng liễu sanh tử, chứng Vô Sanh, ngõ hầu ai nấy tự xét sức lực của mình mà tu hành, chẳng đến nỗi bị tổn hại vì theo pháp chẳng khế hợp căn cơ, luân hồi dài lâu trong tam đồ lục đạo, không thể thoát ra được!
Thật sự, nếu chúng ta dụng pháp chẳng khế hợp căn cơ [của mình] thì không những chẳng được lợi ích chân thật mà còn bị tổn hại [chẳng nhỏ]. Nguyên nhân vì sao ngưởi tu hay bị vậy? Đó là vì họ chẳng "Y pháp bất y nhân", ấy là lời Phật dạy, thấy Người làm sao mình cũng bắt chước chạy theo làm y như vậy, mà chẳng xét đến căn cơ hoàn cảnh của chính mình. "Người" ở đây đa dạng, có thể là Chư Tổ Sư, Đại Đức, bậc Minh Sư, hay Thiện tri thức, Quý đồng tu... Hãy nên nghe những lời Pháp mà các Ngài [các vị] truyền trao, chỉ dạy chia sẻ lại, mà thực hành theo [một cách có chọn lọc, trạch pháp], đừng làm theo y như hạnh các Ngài làm, vì thật ra mục đích chính của các Ngài xuống đây là để độ sanh, chứ chẳng phải để tu hành cầu giải thoát sanh tử [như chúng ta], dĩ nhiên việc này các Ngài cũng ra sức hành trì nhưng chỉ là để biểu pháp, mục đích chính vẫn là thực hiện hạnh nguyện [nào đó] của mình xuống đây độ sanh . Chúng ta nếu cứ mù mờ chạy theo các hạnh các Ngài làm, chẳng y theo Pháp các Ngài chỉ dạy, có ngày hối tiếc không kịp! Vì sao vậy? Đó chính là như Chư Tổ nói bên trên "theo pháp chẳng khế hợp căn cơ". Liệu căn cơ chúng ta có thể so bì với căn cơ của các Ngài, các chư vị ấy chăng?
Câu: So với chuyện cầu danh dự trong thế gian và phước báo nhân - thiên thật khác biệt một trời một vực!
Rõ ràng, giúp sức, trợ duyên cho một chúng sanh thành tựu vãng sanh thành Phật [rồi đi cứu độ tha phương khắp pháp giới], phước báu nhân thiên nào có thể sánh nổi! Đó chính là ý nghĩa chân thật của pháp "Tự lợi, lợi tha", cùng tu hành, cùng cực lực giúp nhau thành tựu, một đời này cùng lìa khổ được vui, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Dĩ nhiên, việc này cần tùy duyên, tùy thân phận, sức lực của mình, tránh phan duyên, hay làm ảnh hưởng đến việc hành trì tu tập cầu giải thoát của chính mình [bằng việc y giáo phụng hành Pháp Phật, Tổ truyền trao].
Đoạn: Huống gì từ đời này sang đời khác, làm sao có thể tự bảo đảm được? Hễ bị phước làm mê, ắt đọa thẳng vào tam đồ! Kẻ kém hơn thì còn gì để nói nữa!
Chúng ta đã bao đời, bao kiếp tu hành rồi, bao phen 'lên voi xuống chó', lên thiên đàng [trời] xuống địa ngục, mà 'quê nhà, thường trú' ấy chính là tam đồ, địa ngục, chúng ta còn chưa khiếp hãi chăng? Phật thương xót chỉ thẳng cho cái Pháp một đời thành tựu [giải thoát, liễu thoát sanh tử], vậy mà chúng ta chẳng chịu tin thọ, y giáo phụng hành [nên giờ mới còn chịu khổ trầm luân nơi đây].
Đoạn cuối: So với cách cậy vào tự lực thì khó - dễ dù có hết cả năm cũng chẳng thể nói trọn. Người niệm Phật nếu biết được nghĩa này sẽ tự chết được cái tâm chụp giựt, chuyên tu pháp môn này, chẳng đến nỗi ham cao chuộng xa...
Thật sự là như thế, "biết đủ thường vui", trong đạo ai ai cũng thường nói câu này, và trong pháp hành trì cũng vậy, chẳng khác. "Đủ" ở đây là bao nhiêu, là cái gì? Dạ vâng, chắc chắn điều này Quý vị đã rõ [hơn chúng con] rất nhiều.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Nêu tỏ ý nghĩa việc cư sĩ Tào Vân Tốn lập Niệm Phật Lâm
Đại Sư Ấn Quang