Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, quốc trung vô lượng sắc thụ, cao hoặc bách thiên do-tuần, đạo tràng thụ cao tứ bách vạn lý. Chư Bồ Tát trung, tuy hữu thiện căn liệt giả, diệc năng liễu tri. Dục kiến chư Phật tịnh quốc trang nghiêm, tất ư bảo thụ gian kiến, do như minh kính, đổ kỳ diện tượng. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, cây trong cõi nước có vô lượng màu hoặc cao đến trăm ngàn do-tuần; cây Ðạo Tràng cao bốn trăm vạn dặm. Trong các Bồ Tát, dù kẻ thiện căn kém cỏi vẫn có thể biết rõ. Muốn thấy sự trang nghiêm nơi Tịnh Ðộ chư Phật thì đều thấy rõ nơi thân cây ấy như từ nơi gương sáng thấy rõ vẻ mặt. Nếu chẳng được như vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện bốn mươi: Cây vô lượng sắc; nguyện bốn mươi mốt: Nơi cây hiện cõi Phật).
Giải:
Chương này gồm hai nguyện, từ đầu đến “diệc năng liễu tri” (vẫn có thể biết rõ) là nguyện bốn mươi: “Cây vô lượng sắc”; từ chữ “dục kiến” (muốn thấy) trở đi là nguyện bốn mươi mốt: “Trong cây hiện cõi Phật”.
Trong câu “quốc trung vô lượng sắc thụ, cao hoặc bách thiên do tuần” (cây trong cõi nước có vô lượng màu, hoặc cao đến trăm ngàn do tuần), cây có vô lượng màu vì hết thảy các cây báu trong nước do bảy báu hóa thành, màu sắc rực rỡ, quang minh chói lọi, mọc thành hàng lối thẳng thớm, thân cây ngang nhau. Các cây báu ấy mọc đầy khắp cõi nước, cây cao từ trăm do-tuần cho đến ngàn do-tuần. Một do-tuần là từ bốn mươi dặm đến sáu mươi dặm, trong phần trên đã giải thích rõ. Nơi đạo tràng lại có một thụ vương (cây chúa) gọi là Ðạo Tràng Thụ, tức là cây Bồ Ðề.
Ở Tây Vực, từ phía Tây Nam của núi Chánh Giác đi khỏi bốn mươi dặm, có một cây Tất Bát La (Pipala), Phật từng ngồi dưới gốc cây ấy thành Chánh Giác, nên cây ấy được gọi là cây Bồ Ðề. Trong bản chú giải kinh Duy Ma Cật của ngài Tăng Triệu, phần giảng về phẩm Bồ Tát Hạnh có ghi: “Phật thành đạo dưới cội cây, cây được gọi tên là Bồ Ðề. Cây ấy quang minh không đâu chẳng chiếu đến, mùi hương không đâu chẳng thơm ngát, hình sắc vi diệu tùy theo ý thích mà thấy [sai khác]. Cây vang ra tiếng pháp theo ý thích của mỗi người. Ðây là cây báo (quả báo) ứng (ứng hóa) của Như Lai vậy. Chúng sanh gặp được cây ấy, tự nhiên ngộ đạo”.
Phần nói về thành tựu sở nguyện của kinh Vô Lượng Thọ đây cũng chép: “Phục do kiến bỉ thụ cố, hoạch tam chủng Nhẫn, nhất Âm Hưởng Nhẫn, nhị Nhu Thuận Nhẫn, tam giả Vô Sanh Pháp Nhẫn” (Lại do thấy được cây ấy nên tự nhiên đạt được ba thứ Nhẫn, một là Âm Hưởng Nhẫn, hai là Nhu Thuận Nhẫn, ba là Vô Sanh Pháp Nhẫn). Cây Bồ Ðề ấy có thể làm cho người trông thấy nó tự nhiên ngộ đạo, chứng nhập Vô Sanh Pháp Nhẫn. Công đức của cây ấy thật vô thượng hy hữu, vi diệu khó nghĩ tưởng nổi. Vì vậy, cây ấy chính là do tâm trang nghiêm bí mật của đấng Di Ðà nguyện vương hóa hiện ra.
Mật Giáo phán định tâm ấy thuộc về Trụ Tâm thứ mười, là tâm được đức Như Lai chứng đắc trong địa vị thứ mười ba: Phật quả rốt ráo. Do vậy, tâm ấy có thể rốt ráo ban cho chúng sanh cái lợi chân thật. Cây ấy có những phẩm đức cao vòi vọi nên những Bồ Tát thiện căn kém cỏi trong cõi ấy khó thể thấy biết hết nổi, nhưng do đức Di Ðà rủ lòng Từ, dùng đại nguyện gia bị, nên họ đều được thấy biết rành rẽ cả.
Nguyện thứ bốn mươi mốt: “Cây hiện cõi Phật”. Nguyện “trong cây hiện cõi Phật” này giống như pháp Quán thứ tư trong Quán Kinh. Xin trích dẫn lời kinh tóm tắt như sau: “Thử chư bảo thụ sanh chư diệu hoa… dũng hiện chư quả, hữu đại quang minh, hóa thành tràng phan, vô lượng bảo cái. Thị bảo cái trung, ánh hiện tam thiên đại thiên thế giới nhất thiết Phật sự, thập phương Phật quốc diệc ư trung hiện” (Các cây báu ấy... sanh các đóa hoa mầu nhiệm, sanh ra các quả, có đại quang minh hóa thành tràng phan, vô lượng lọng báu. Trong các lọng báu ấy, hiện bóng hết thảy Phật sự trong tam thiên đại thiên thế giới. Mười phương cõi Phật cũng hiện trong ấy). Những cây báu được nói đến trong phép quán cây báu trong Quán Kinh chính là do nguyện này thành tựu.
Trong cõi Cực Lạc cây báu vô lượng, trong quang minh của mỗi cây hóa hiện vô lượng lọng báu. Trong mỗi lọng báu hiện bóng mười phương cõi Phật sáng sạch, thanh khiết như tấm gương sáng. Nơi những cây ấy, ta thấy được mười phương cõi Phật rõ ràng trọn vẹn như đối mặt với tấm gương sáng, tự nhìn thấy rõ vẻ mặt mình. Như vậy, cõi Cực Lạc hàm nhiếp hết thảy cõi Phật, tương nhập, tương tức chẳng thể nghĩ bàn.
Ảnh minh họa: "Lại này Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực Lạc có bảy lớp lan thuẫn, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây đều bằng bốn thứ báu vây quanh giáp vòng, cho nên nước ấy tên là Cực Lạc."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Chúng ta đọc phần chú giải đoạn Kinh văn này để biết thêm về cảnh giới nơi Tây Vực [cõi Cực Lạc]. "Các cây báu ấy mọc đầy khắp cõi nước, cây cao từ trăm do-tuần cho đến ngàn do-tuần. Một do-tuần là từ bốn mươi dặm đến sáu mươi dặm, trong phần trên đã giải thích rõ. Nơi đạo tràng lại có một thụ vương (cây chúa) gọi là Ðạo Tràng Thụ, tức là cây Bồ Ðề." Cây cối luôn mang lại cho con người ta vẻ mát mẻ dễ chịu, nơi nào có con người [sinh sống], nơi đó thường có cây cối. Ở cõi ấy, Đức Phật cũng 'quy hoạch thiết kế' như vậy, " cây báu ấy mọc đầy khắp cõi nước", nhưng khác với cây cối nơi đây, cây báu nơi đó làm từ "bốn thứ báu vây quanh giáp vòng". Trong đó có một cây 'cổ thụ', tức cây Bồ Đề, cao lớn vượt trội. Cảnh giới rất thù thắng trang nghiêm thanh tịnh, chúng ta chẳng thể nào hình dung nổi. Cho nên, chúng ta cần gấp rút 'di cư' về cõi ấy thôi, đừng tham luyến chi thế giới Ta Bà này nữa. Ở đây dẫu cho là bậc vua chúa ở cung điện lầu các dát vàng đi nữa, so ra cũng 'chẳng là gì' với nhân dân nơi cõi ấy!
Thật sự, để một đời này được về nơi cõi ấy, chúng ta cần có hai phần dung thông nhau, đó là Lý và Sự. Phần Lý thật ra rất đơn giản, chúng ta đã luận bàn khá nhiều rồi. Còn phần Sự đúng là cả một quá trình từ lúc phát tâm đến khi mãn phần, dài ngắn thì tùy nhân duyên phước đức mỗi người. Để duy trì đạo tâm xuyên suốt cả quá trình này, có khi đó là hai phần ba cuộc đời, có khi nửa cuộc đời, có khi một phần ba cuộc đời, có khi chỉ là mấy năm, mấy tháng, thậm chí mấy ngày [cuối cùng] mới bắt gặp, v.v... thật sự cũng chẳng phải điều đơn giản. Cần có môi trường tu học, nhân duyên thầy bạn đạo tràng đồng tu chia sẻ dìu dắt nhau thì thời gian mới 'qua mau' được, cũng đỡ bị 'lầm đường lạc lối' một mình, chẳng biết đường ra. Thật sự tu học thời này rất cần những 'đồng hành' tích cực bên cạnh, không thể thiếu được, nhất là với giới trẻ và trung niên vậy.
Với Pháp môn này, phần Lý rất quan trọng, tức là Tông chỉ đường lối tu học. Nói một cách không quá chút nào thì nó chính là yếu tố quyết định chuyện thành bại 'đậu, rớt' của chúng ta vậy, còn phẩm vị thì ở sự hành trì, công phu, thực hành... Sự Lý phải viên dung, "dùng Tín Nguyện sâu, trì danh Phật hiệu". Vậy "Tín Nguyện sâu" đó [lấy cơ sở] từ đâu? Dạ vâng, chắc chắn là từ Kinh giáo, chẳng thể từ nơi khác được! Hành giả niệm Phật chân thật cầu sanh cần gầy dựng Tín tâm theo kiểu như: Vì [cái gì đó], nên [chúng ta] "chắc chắn được vãng sanh", "không thể không vãng sanh" cho được... Ví dụ, vì Phật có lời Thệ Nguyện tiếp dẫn như thế, nên hành giả niệm Phật chúng ta chắc chắn được vãng sanh; hay, chúng ta niệm Phật, nương Nguyện lực của Phật, nên chắc chắn được sanh về; hay là, Quang minh Phật "nhiếp thủ bất xả" nên không thể không được vãng sanh... Nói chung bằng cách nào đó, dựa vào Kinh giáo, chúng ta tin tưởng chắc thật rằng chúng ta niệm Phật nên chắc chắn được Phật rước trong đời này, tức là tin chắc chẳng nghi Bổn Nguyện tiếp dẫn của Phật. Rồi dùng Tín nguyện tâm này mà dụng công hành trì, xuyên suốt cả một đời, cùng các hạnh tự lợi lợi tha khác...
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ