Thư trả lời cư sĩ Hùng Huệ Dực (trích lục)
(năm Dân Quốc 20 -1931)
Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao?
Cha mẹ ông tuổi đã cao, đúng là lúc nên mềm mỏng khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao? Hãy nên làm cho anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, họ hàng, bạn bè và hết thảy những người quen biết cùng tu Tịnh nghiệp. Đem công đức ấy hồi hướng cho cha mẹ ông, chắc chắn họ có thể cao đăng chín phẩm.
Thấy hết thảy các vị Tăng còn kính lễ
Ông muốn quy y, nhưng ở chỗ ký tên, tuyệt chẳng thấy một chữ nào nhún mình! Chiếu theo lý, quyết chẳng thể chấp nhận, bởi chấp thuận sẽ tạo thành cái tội mạn pháp (khinh thường pháp) cho cả đôi bên. Phải biết: Quy y giống như bái sư trong thế gian. Thế gian bái sư há chỉ nói “cẩn khải” (kính xin) là xong ư? Xưa kia, Thanh Thế Tổ gởi thư cho môn nhân của Ngọc Lâm Quốc Sư là Lữu Khê [Hành] Sâm còn ghi: “Pháp đệ Hành Si (tức pháp danh của Thế Tổ) hòa-nam”. Ông ta là hoàng đế gởi thư cho đồng môn mà còn như thế đấy! Ông muốn quy y mà chỉ nói “cẩn khải” với vị thầy mà ông tính quy y thì thất lễ đến cùng cực! Đi đường hỏi lối còn phải chắp tay, hoặc vái chào, huống chi muốn nhờ vào [chuyện quy y] này để liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, mà chỉ “cẩn khải” rồi thôi, há có được ư? Người thật sự tin tưởng Phật pháp thấy hết thảy các vị Tăng còn kính lễ, huống gì đối với vị thầy quy y ban đầu ư? Nếu đích thân [đến] quy y, phải dập đầu mấy chục lượt, quỳ hơn một tiếng đồng hồ. Dẫu nói dễ dãi, không thăng tòa thì cũng phải dập đầu mười mấy lượt.
Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, nên hướng đến sự cung kính mà cầu
Nhưng xem thư ông lời lẽ khá kiền thành, nên bỏ qua, nhưng vẫn phải nói rõ cho ông, chứ không phải mong được ông cung kính, mà là muốn cho ông biết Phật pháp tôn quý, ngõ hầu ông tự được lợi ích thật sự. [Tượng] đức Phật bằng đất nặn, gỗ khắc, nếu cung kính như đức Phật thật thì liền có thể siêu phàm nhập thánh. Nếu coi là đất - gỗ y như cũ thì tội ấy chẳng kham nói được! Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, nên hướng đến sự cung kính mà cầu. Ông có thể hành theo đây thì lợi ích ấy chỉ có đức Phật biết được. Nay đặt cho ông pháp danh là Huệ Dực, nghĩa là vốn sẵn Phật Tánh, nhưng không có Huệ sẽ không sao biết được. Nếu thường dùng trí huệ để giúp sức thì sẽ dần dần đoạn được phiền não, dần dần hiển hiện được Phật Tánh. Nhưng muốn đoạn, muốn hiển, chỉ có một pháp Niệm Phật là thẳng chóng nhất. Nên đọc kỹ Gia Ngôn Lục, Văn Sao v.v… thì sẽ tự biết được cách tu trì.
Như gieo hạt lúa tốt nơi đất cát mặn, khó trúng mùa lớn
Phải biết: Muốn học Phật thì trước hết phải bắt đầu từ giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện. Nếu việc làm, tâm tư trái nghịch với Phật, dẫu suốt ngày niệm Phật, lợi ích rất nhỏ! Như gieo hạt lúa tốt nơi đất cát mặn, khó trúng mùa lớn. Nhưng thường niệm Phật sẽ trọn chẳng có nuối tiếc gì. Cõi đời hiện thời nguy hiểm tột bực, nếu chí tâm thường niệm Phật hiệu và niệm kèm thánh hiệu Quán Âm, thảy đều gặp dữ hóa lành, gặp nạn thành may. Chịu lắng lòng đọc Văn Sao v.v… thì cũng có thể hiểu đạo tu trì một cách đầy đủ vậy!
Thư trả lời cư sĩ Châu Nam Phố (trích lục)
(năm Dân Quốc 20 - 1931)
Bế quan tu hành tuy tốt, nhưng tại gia cố nhiên nên tùy duyên tùy phận, tự hành dạy người là hợp với căn cơ nhất, cần gì coi trọng bế quan? Nếu vướng bận gia đình mà cứ cưỡng muốn bế quan, sẽ đâm ra trở thành chướng ngại.
Bí pháp vô thượng để học Phật
Nếu nói “ban sẵn thứ quý báu, bí mật” [tức là] chẳng biết pháp môn Tịnh Độ trọn chẳng có gì là bí mật! Nếu có bí mật “truyền miệng, trao [ngầm] bằng tâm” (“cạn lòng thành, tận lòng kính” chính là bí pháp vô thượng để học Phật, hãy nên nói với mọi người! Chẳng nỗ lực nơi pháp này chính là bỏ gốc theo ngọn vậy) liền thành tà ma, ngoại đạo, chẳng phải là con Phật. Mật Tông thì có bí truyền, nhưng chẳng thẳng, chóng, ổn thỏa, thích đáng bằng Tịnh Độ! Ông chớ lấy những lời lẽ lớn lối “thành Phật ngay nơi thân này” làm điều tự mong, mà phải cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Nếu muốn thành Phật ngay nơi thân này, sợ rằng Phật chẳng thể thành, mà cũng chẳng được vãng sanh, đôi đằng đều thành không, đáng lo lắm!
Người thông minh [và lợi căn] trong thế gian liệu đã [thật sự] thông minh?
Trâu Hoa Lệ, Hoa Tùng đã dốc sức tu Tịnh nghiệp, đấy là đã có thiện căn Tịnh Độ từ trước. Nay đặt pháp danh cho hai người ấy: Hoa Lệ pháp danh là Huệ Vinh, Hoa Tùng pháp danh là Huệ Trinh. Trí huệ sáng rạng thì có thể tự lợi, lợi tha, trí huệ kiên trinh thì chắc là chẳng đến nỗi bị những tư tưởng khác lạ dời động. Người thông minh trong thế gian phần nhiều chẳng tự lượng, coi pháp môn Tịnh Độ là lười nhác, muốn nương theo các pháp môn thâm diệu cậy vào tự lực hòng được lợi ích lớn lao, rốt cuộc chỉ biết giáo nghĩa, chưa thể tâm đắc! Dẫu có tâm đắc, cũng chẳng thể thực hiện trọn khắp. Bỏ dễ cầu khó, biến khéo thành vụng, người thông minh mười kẻ hết chín phạm phải tâm bệnh này!
Chẳng bị xoay chuyển bởi những thứ tri kiến ấy, lại còn giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, chính là đệ tử thật sự của đức Phật, chắc chắn có thể liễu sanh thoát tử trong đời này. Xin đem lời này đưa cho họ xem.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Đoạn: [Tượng] đức Phật bằng đất nặn, gỗ khắc, nếu cung kính như đức Phật thật thì liền có thể siêu phàm nhập thánh. Nếu coi là đất - gỗ y như cũ thì tội ấy chẳng kham nói được! Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, nên hướng đến sự cung kính mà cầu. Ông có thể hành theo đây thì lợi ích ấy chỉ có đức Phật biết được.
Như trong Kinh Phật đã thuyết "Ác, kiêu, biếng nhác và tà kiến" là những thứ chướng nạn của người học Phật, đặc biệt với hành nhân Tịnh Độ này. Cho nên các Ngài mới cực lực khuyên răn người học Phật cần "chí thành, chí kính". Thật ra, nói về lý, thì Thành, Kính mới đi gần đến Tánh Đức của con người. Như thế thì mới khế hợp với Chân như tự tánh của chúng sanh, mới khế hợp tâm Phật, Bồ Tát, dễ cảm ứng đạo giao, hòng được lợi ích hiện đời lẫn [dụng tâm lực này] để gầy dựng giữ gìn Tín Nguyện tâm, niệm Phật, ngõ hầu vãng sanh liễu sanh thoát tử. Còn nếu thường ngày dụng tâm trái nghịch với những tâm này [không chỉ đối trước Phật Bồ Tát] thì là đang 'gầy dựng' cái tâm trái nghịch đạo, học Phật chẳng được lợi ích mà việc gầy dựng Tín Nguyện tâm cũng hết sức gian nan, khó đạt được một cách đầy đủ chân thật. Đạo lý là ở chỗ đó, thế cho nên các Ngài mới khuyên dạy rằng muốn được làm Phật làm Thánh thì cần phải học 'làm người' cái đã, hoặc giả cần kiêm tu song hành, chẳng thể thiếu sót. Chứ chẳng phải các Ngài cố 'vẽ vời' ra chi cho thêm phiền phức đâu! Thật sự vậy, ví dụ một người [tâm, hạnh] thường hay tà vạy, xiên lệch, hay cống cao ngã mạn thì thôi, chịu thua, dẫu ra sức gầy dựng Tín Nguyện cả đời cũng chẳng tới đâu, rồi việc học Phật, niệm Phật trong đời này cũng chỉ để gieo duyên cho mai sau mà thôi, đời này chẳng thể giải thoát được.
Đoạn tiếp: Phải biết: Muốn học Phật thì trước hết phải bắt đầu từ giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện. Nếu việc làm, tâm tư trái nghịch với Phật, dẫu suốt ngày niệm Phật, lợi ích rất nhỏ! Như gieo hạt lúa tốt nơi đất cát mặn, khó trúng mùa lớn.
Mục đích học Phật của chúng ta đời này chắc chắn là để vãng sanh liễu thoát sanh tử, siêu phàm nhập thánh, cho nên cần một tâm lực và ý chí kiên định mạnh mẽ mới được, cộng với một môi trường hoàn cảnh tu học chẳng đến nỗi nào, bởi phần đông chúng ta hãy đều là phàm phu, cho nên cái gì gian nan quá đâm ra 'bắt đầu nản', đây là thực tế. Mà để có được điều này thì không phải ai sinh ra cũng tự nhiên mà có cả, đều phải ra sức gầy dựng, hun đúc, hành trì, tu tập không ngừng mới được. Ví dụ, muốn có một 'ý chí sắt đá', một 'đạo tâm kiên định' đâu phải tự nhiên mà có được ngay, cần phải qua truy rèn trong chốn trần lao này, ở cả ngoài đời lẫn trong đạo, thậm chí bị bao phen 'lên bờ xuống ruộng' để rèn giũa, giống như được tôi luyện thành sắt thép hay nung nóng thành gạch ngói vậy. Chứ còn với tâm lực yếu đuối đảm bảo chẳng thể giữ gìn đạo tâm này cả đời được, đặc biệt với Pháp môn này, trừ một sốt ít có nhân duyên đặc biệt tốt lành nào đó thôi. Còn lại đa phần đều là phải 'bơi trên dòng nước ngược', 'hoa sen nở trong lửa' tức là phải trái trần hiệp giác, tu chân nơi cõi tục, sống giữa trần lao mà hành đạo cả, như thế mà tâm lực yếu đuối thì làm sao 'kham' cho nổi, hay giữ vững cả đời được, rồi trước sau gì không bỏ cuộc thì cũng 'gió chiều nào theo chiều nấy' [mà thời Mạt này đa số là 'gió độc'!].
Chúng ta đều biết, "vạn pháp từ tâm", nếu ruộng tâm này chẳng tốt, dẫu hạt giống thật tốt gieo xuống cũng khó nảy mầm xanh tốt, còn như ruộng tâm này 'khô hạn', chẳng có giọt nước nào thì thôi chịu thua, hạt giống ấy sẽ nằm mãi ở đó đợi đến khi nào được tưới tẩm mới sanh chồi nẩy lộc được. Việc tu hành niệm Phật này cũng vậy, muốn đời này hạt giống Phật [gieo vào tâm] được phát triển tốt, và đặc biệt 'đơm hoa kết trái' thì cái tâm này phải dụng đúng như lời Phật dạy, tức tin tưởng chẳng được nghi ngờ [lời Phật thuyết] thì cái hạt giống kia mới phát sanh diệu dụng được [hay nói cách khác là 'đắc pháp'], như thế sẽ được liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này. Còn không, dẫu gieo chủng tử cho thật nhiều, tâm điền có tốt thật, nhưng không dụng đúng như lời Phật thuyết thì cũng chỉ thành viễn nhân mà thôi. Pháp môn này khác biệt với các pháp môn thông thường ở chỗ đó.
Các đoạn khác chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng
Đại Sư Ấn Quang