Nguyện thứ bốn tám là “Ngay trong hiện tại chứng được bất thoái”. Lời nguyện như sau: “Ư chư Phật pháp, bất năng hiện chứng Bất Thoái Chuyển giả, bất thủ Chánh Giác” (Với các Phật pháp nếu chẳng thể chứng ngay Bất Thoái Chuyển thì chẳng lấy Chánh Giác).
Bất Thoái Chuyển nghĩa là những công đức thiện căn mình tu tập ngày càng tăng tấn, chẳng hề lui sụt, mất đi. Bất Thoái Chuyển gọi tắt là Bất Thoái, gọi theo tiếng Phạn là A Bệ Bạt Trí. Hạnh nguyện Bồ Tát tuy khó phát nhưng dễ bị thoái thất. Theo kinh Nhân Vương, bậc Bồ Tát thuộc Tín vị trong Biệt Giáo được gọi là Khinh Mao Bồ Tát vì giống như vật bị gió thổi bay. Kinh Niết Bàn bản Nam cũng chép: “Vô lượng chúng sanh phát A Nậu Bồ Đề tâm, kiến thiểu vi duyên, ư A Nậu Bồ Đề, tức tiện động chuyển, như thủy trung nguyệt, thủy động tức động” (Vô lượng chúng sanh phát tâm Vô Thượng Bồ Đề nhưng thấy chút duyên trái nghịch liền thoái chuyển Vô Thượng Bồ Đề như ánh trăng trong nước, nước vừa xao động, ánh trăng liền động).
Kinh còn ví von: Ví như cá mẹ sanh nhiều cá con, nhưng khôn lớn chỉ được chút ít; như cây Am La (cây xoài) hoa nhiều, trái ít. Chúng sanh phát tâm tuy là vô lượng, nhưng người thành tựu quá ít ỏi chẳng đáng nói đến; kinh chép: “Ngư tử, Am La hoa, Bồ Tát sơ phát tâm, tam sự nhân trung đa, cập kỳ kết quả thiểu” (Cá con, hoa Am La, Bồ Tát sơ phát tâm, ba thứ ấy nhân thì nhiều nhưng đến khi kết quả lại ít).
Kinh Thập Trụ Bồ Tát Ðoạn Kết cũng nói: “Thời Xá Lợi Phất cáo lai hội Bồ Tát: - Ngã nẵng tích, hoặc tùng Nhất Trụ tấn chí Ngũ Trụ, hoàn phục thoái đọa tại Sơ Trụ, phục tùng Sơ Trụ chí Ngũ Lục Trụ, như thị kinh lục thập kiếp trung, cánh bất năng đáo Bất Thoái Chuyển” (Khi ấy, ngài Xá Lợi Phất bảo các Bồ Tát đến dự hội: - Tôi khi xưa từ Nhất Trụ đạt tới Ngũ Trụ rồi lại thoái chuyển xuống Sơ Trụ, rồi lại từ Sơ Trụ đạt đến Ngũ Trụ, Lục Trụ; trải qua sáu mươi kiếp như thế trọn chẳng đạt đến bậc Bất Thoái Chuyển).
Kinh Bảo Vũ cũng nói: “Hữu thế giới danh Sa Bà, kỳ quốc hữu Phật danh Thích Ca Mâu Ni, nhược chư hữu tình văn bỉ danh, ư A Nậu Bồ Đề đắc Bất Thoái Chuyển. Do bỉ Như Lai bổn nguyện lực cố” (Có thế giới tên là Sa Bà, cõi ấy có Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni. Các hữu tình nếu nghe danh Ngài thì chẳng thoái chuyển Vô Thượng Bồ Đề; đó là do sức bổn nguyện của đức Như Lai ấy vậy).
Xưa kia, ngài Trừng Hiến đã từng ca ngợi lời nguyện ấy như sau: “Trong năm trăm đại nguyện của đấng Thích Tôn, nguyện này thù thắng nhất”. Rõ ràng, cả hai bậc đạo sư hai cõi cùng phát ra nguyện tối thắng này, thật là “cùng một đường dẫn đến cửa Niết Bàn” vậy.
Ấy là vì vô lượng Bồ Tát hễ chưa đạt địa vị Bất Thoái, dẫu cực kỳ dũng mãnh như cứu đầu cháy, nhưng bởi chướng duyên bời bời dồn tới nên lần lần bị thoái chuyển, đến nỗi người học đạo nhiều như lông bò, kẻ đắc đạo hiếm tựa vảy lân. Khi còn tu nhân, Phật Di Ðà thương xót họ nhọc khổ nên phát vô thượng nguyện. Do oai đức của Phật nên người được nghe danh hiệu liền chứng đắc ba thứ Nhẫn, chứng được Bất Thoái Chuyển. Vốn ở địa vị thoái chuyển, nhưng nương theo nguyện lực của Phật nên chỉ tiến chẳng lùi, mau chứng được Bồ Ðề. Ðây thật là nỗi mừng rỡ lớn.
Lời bình của Hội Sớ: “Nguyện lực khó nghĩ bàn, hễ được một thứ thì sẽ được hết thảy mọi thứ vì cùng một lúc được đầy đủ Bất Thoái và Tam Nhẫn” thật đã nêu rõ diệu dụng của phương tiện rốt ráo phát xuất từ Nhất Thừa nguyện hải của Phật Di Ðà một cách sâu xa.
Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận lại nói: “Nếu ai muốn mau chóng đạt đến địa vị Bồ Tát Chuyển thì nên dùng tâm cung kính chấp trì danh hiệu”.
Kinh Tiểu Bổn cũng nói: “Nhược hữu nhân dĩ phát nguyện, kim phát nguyện, đương phát nguyện, dục sanh A Di Đà Phật quốc giả, thị chư nhân đẳng, giai đắc Bất Thoái Chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Nếu có người đã phát nguyện, nay phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về cõi Phật A Di Ðà thì những kẻ ấy đều được bất thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).
Sách Hội Sớ cũng nói: “Tam Nhẫn, Bất Thoái đều nằm trong danh hiệu. Khi xưng danh, do danh và nghĩa chẳng rời nhau nên liền tự đạt được những đức như thế”.
Rõ ràng, nếu được nghe danh hiệu, chỉ cần Tín, Nguyện, Trì Danh thì ắt có thể ngay trong hiện đời chứng được Bất Thoái. Diệu đức của Di Ðà Nhất Thừa nguyện hải thật khó nghĩ suy nổi, sáu chữ hồng danh là phương tiện rốt ráo.
Đời thường
Ngài Hoàng Niệm Tổ