Chánh Kinh
Ngã tác Phật thời, sở cư Phật sát, quảng bác nghiêm tịnh, quang oánh như kính, triệt chiếu thập phương vô lượng vô số bất khả tư nghị chư Phật thế giới. Chúng sanh đổ giả, sanh hy hữu tâm. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, cõi Phật tôi ở rộng rãi nghiêm tịnh, sáng ngời như gương, chiếu thấu mười phương vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn thế giới của chư Phật. Chúng sanh trông thấy sanh tâm hy hữu. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện bốn mươi hai: Chiếu tột mười phương)
Giải:
Ðây là nguyện thứ bốn mươi hai: “Chiếu tột mười phương”.
“Quảng bác” nghĩa là rộng rãi vô biên, “nghiêm tịnh” là trang nghiêm thanh tịnh. “Quang oánh” nghĩa là quang minh chiếu rực rỡ.
“Triệt chiếu” nghĩa là không vật gì nhỏ nhặt mà chẳng được chiếu rõ, không vật gì xa cách mấy mà chẳng thấy nổi.
“Hy hữu” là như kinh Niết Bàn nói: “Thí như thủy trung, sanh ư liên hoa, phi vi hy hữu; hỏa trung sanh giả, thị nãi hy hữu” (Ví như trong nước mọc lên hoa sen thì chẳng phải là chuyện hy hữu. Hoa mọc trong lửa mới là hy hữu).
Cõi nước Cực Lạc trang nghiêm thanh tịnh, sáng ngời thanh khiết như tấm gương chiếu tường tận mười phương, giống như Quán Kinh nói mão trời của Ðại Thế Chí Bồ Tát “hữu ngũ bách bảo hoa, nhất nhất bảo hoa, hữu ngũ bách bảo đài. Nhất nhất đài trung, thập phương chư Phật tịnh diệu quốc độ quảng trường chi tướng, giai ư trung hiện” (Có năm trăm hoa báu. Trong mỗi hoa báu có năm trăm đài báu. Trong mỗi một đài, tướng rộng lớn của các cõi nước tịnh diệu của mười phương chư Phật đều hiện rõ cả). Do vậy, ta biết được cõi Cực Lạc lớn nhỏ dung hợp lẫn nhau, rộng hẹp vô ngại, một mảy bụi, một sợi lông đều hiện bóng mười phương.
Vãng Sanh Luận ghi: “Từ nơi cung điện và các lầu gác, xem thấy mười phương một cách vô ngại”. Ðàm Loan pháp sư giảng câu ấy như sau: “Như gương sáng trong sạch, hết thảy các tướng tịnh, uế, nghiệp duyên thiện, ác của mười phương quốc độ đều hiện ra cả”.
Kinh Hoa Nghiêm cũng nói: “Thí như minh tịnh phát quang kim pha lê kính, dữ thập phương thế giới đẳng. Ư bỉ kính trung, kiến vô lượng sát. Nhất thiết sơn xuyên, nhất thiết chúng sanh, địa ngục, ngạ quỷ, nhược hảo, nhược xú, hình loại nhược can, tất ư trung hiện” (Ví như tấm gương bằng chất kim pha lê sáng sạch tỏa ánh sáng, đối với mười phương thế giới đều bình đẳng. Nơi gương sáng ấy thấy vô lượng cõi. Hết thảy núi, sông, hết thảy chúng sanh, địa ngục, ngạ quỷ, dù tốt hay xấu, các hình loại nhiều như thế ấy đều hiện trong đó).
Các kinh luận vừa dẫn trên đây đã giảng rõ ý nghĩa câu “quang oánh như kính, triệt chiếu thập phương vô lượng vô số bất khả tư nghị chư Phật thế giới” (sáng ngời như gương, chiếu thấu mười phương vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn thế giới của chư Phật).
Chữ “chúng sanh” chỉ nhân dân trong cõi Cực Lạc và chúng sanh trong mười phương thế giới: Hễ ai thấy được tướng chiếu tỏ cùng tột mười phương của thế giới Cực Lạc đều phát tâm Bồ Ðề thù thắng vô thượng. Tâm ấy hy hữu như sen nở trong lửa, nên bảo là “sanh hy hữu tâm”. Ðã sanh được tâm ấy thì sẽ được như bản Tống dịch nói: “Bất cửu đương đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Chẳng bao lâu sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).
Nam Mô A Di Đà Phật
Đoạn: “Quảng bác” nghĩa là rộng rãi vô biên, “nghiêm tịnh” là trang nghiêm thanh tịnh. “Quang oánh” nghĩa là quang minh chiếu rực rỡ.
“Triệt chiếu” nghĩa là không vật gì nhỏ nhặt mà chẳng được chiếu rõ, không vật gì xa cách mấy mà chẳng thấy nổi.
“Hy hữu” là như kinh Niết Bàn nói: “Thí như thủy trung, sanh ư liên hoa, phi vi hy hữu; hỏa trung sanh giả, thị nãi hy hữu” (Ví như trong nước mọc lên hoa sen thì chẳng phải là chuyện hy hữu. Hoa mọc trong lửa mới là hy hữu).
Thực tế là như Kinh văn này nói, quang minh cõi Cực Lạc chiếu tột khắp mười phương, không nơi cõi Phật nào không chiếu đến, không hiện diện. Như cõi Ta Bà đây cũng có quang minh từ cõi ấy soi rọi không sót chỗ nào, từ các cảnh giới Địa ngục, Ngạ quỷ, súc sanh, trời người... Vấn đề là không phải chúng sanh nào cũng thấy được, chúng sanh nào thấy được chắc chắn sẽ sanh tâm "hy hữu". Điều này cũng giống như quang minh A Di Đà Phật cũng soi chiếu khắp mười phương, không nơi nào không có, nhưng chỉ "nhiếp thủ không rời" chúng sanh niệm Phật.
Để so sánh một chút, chúng ta thấy ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, các vì sao... đều có giới hạn, gần thì tỏ, xa thì mờ, xa hơn nữa thì không thấy. Do các quang minh này được lưu xuất ra từ vật chất nên có 'sanh tử', có thành hoại, mà Kinh nói "phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng". Ví dụ, quang minh mặt trời chỉ soi chiếu mạnh các hành tinh ở gần mặt trời, còn ở xa thì vô cùng lạnh lẽo băng giá, vượt ra ngoài Thái dương hệ thì hầu như không còn cảm nhận được quang minh này nữa. Còn quang minh của Phật Di Đà, của thế giới Cực Lạc thì soi chiếu khắp mười phương, tột cùng khắp vũ trụ, dù xa xôi đến đâu, không nơi nào chẳng có. Chúng ta làm một chút so sánh để phần nào thấy được 'thần lực' của quang minh này. Vũ trụ rộng lớn bao nhiêu? Hàng chục tỉ năm ánh sáng. Những đêm quang đãng, chúng ta có thể nhìn thấy bầu trời chi chít những vì sao lấp lánh, thế nhưng khoảng cách giữa chúng thật sự là bao xa? Xa thì hàng tỉ năm, gần thì cũng vài năm ánh sáng. Nếu xét về mật độ ngôi sao trong vũ trụ, chúng ta nhìn thấy vậy chứ còn nhỏ hơn [thưa hơn] mật độ của một nguyên tử trong một mét khối vuông. Vũ trụ thật rộng lớn bao la, mười phương Chư Phật thật rộng lớn bao la, vô cùng vô tận! Thế mà ánh quang minh này soi chiếu [thấu tột] đến tất cả, không sót một vì sao xa xôi nào cả. Thật là bất khả tư nghì!
Trở lại vấn đề, chúng sanh nào thấy được quang minh này thì sẽ sanh tâm hy hữu, còn không thấy được thì ...thôi vậy. Vì sao Đức Phật không cho tất cả cùng thấy để cùng "sanh tâm"? Vấn đề này thuộc về lý Nhân Quả. Quang minh thì hiện hữu khắp nơi đấy, nhưng muốn thấy được thì phải như thế nào mới thấy được, phải gieo thiện căn, phải trồng căn lành thế nào đấy, không phải tự nhiên bỗng không mà có. Cũng vậy, quang minh của Phật soi chiếu muôn nơi, khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, ở mọi cảnh giới, mọi quốc độ, nhưng [ánh quang minh này] chỉ thấu nhiếp những chúng sanh niệm Phật. Như chúng ta đang niệm Phật đây thì ánh quang minh của Phật cũng đang soi chiếu nhiếp thủ chúng ta không rời vậy, chỉ là mắt phàm chúng ta không nhìn thấy mà thôi. Đây cũng là một hình thức Hộ Niệm cho người niệm Phật [dù cho có cầu vãng sanh hay không]. Đây thuộc về Nguyện chung hễ "văn danh được phước". Điều này giúp cho chúng sanh tăng trưởng Tín tâm mà niệm Phật, dần đi vào đường đạo cầu giải thoát, Tín Nguyện Niệm Phật, cầu sanh.
Những Nguyện này là những Nguyện nói về sự thù thắng của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nhân dân cõi ấy thì ai ai cũng đều thấy được những quang minh này nên đều được "sanh tâm hy hữu", mà chúng sanh các cõi khác hầu như không có được điều này. Đó là một sự khác biệt lớn, mà Phật Di Đà 'ưu ái' "tích lũy công đức' cho họ vậy, chúng sanh nào muốn được vậy thì tu tập 'mau mau về'.
Phật A Di Đà ra sức gầy dựng một quốc độ thù thắng vi diệu như vậy để đón chúng sanh thập phương về hưởng an lạc, tu hành thành Chánh quả, rồi lại độ tận vô biên chúng sanh, triển chuyển chẳng dứt. Tâm Bi Nguyện của Ngài rộng sâu tha thiết không ngằn mé, không cùng tận như thế, không lẽ Ngài đi 'trở ngại', đặt tiêu chuẩn cao [không thể với tới] với chúng sanh nào muốn sanh về? Không thể nào! Trở ngại hay không là ở chính chúng ta đây này. Một, có thể là thiếu Thiện Căn [không tin, không muốn về, thích phước báu nhân thiên]; hai, có thể là thiếu duyên phước [phước đức, nhân duyên] [gặp được Chánh Pháp, hành trì]. Chỉ có ba điều này thực sự đã trở ngại chúng sanh trên con đường tu tập cầu giải thoát mà thôi. Chúng ta đây hằng ngày tu tập cũng là để gầy dựng, vun bồi những điều này vậy.
Chúng ta cùng đọc các chú giải Kinh văn khác của các Ngài để cùng học tập.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ