Phẩm 5. Chí Tâm Tinh Tấn
Phẩm này tiếp ý phẩm trước. Pháp Tạng Bồ Tát phát đại nguyện rằng: Tôi đã phát tâm Vô Thượng Chánh Giác, lúc tôi thành Phật, quốc độ, Phật hiệu đều nổi tiếng mười phương, hết thảy hữu tình cho đến cả các loài trùng bọ hễ sanh vào nước tôi đều thành Bồ Tát, chẳng có thừa nào khác [ngoài Bồ Tát Thừa] và nguyện rằng do Nhất Thừa nguyện hải vừa được phát khởi ấy cõi nước của tôi sẽ siêu việt vô số cõi Phật. Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai đáp ứng lời thỉnh, hiện cho Pháp Tạng thấy hai trăm mười ức cõi Phật. Pháp Tạng liền tu tập siêng gắng trong năm kiếp, kết thành nguyện thù thắng, nhiếp thọ cõi nước vượt trội xa cả hai trăm mười ức Phật sát ấy. Do vậy, phẩm này mang tên Chí Tâm Tinh Tấn.
“Chí tâm” là các thứ tâm hạnh chí thành vô thượng như trong kinh dạy. Hiểu sâu hơn, Pháp Tạng sau khi đích thân được thấy vô biên cõi Phật “tiện nhất kỳ tâm, tuyển trạch sở dục” (liền nhất tâm chọn lựa lấy những điểm mình ưa thích). Nhất tâm tức là chí tâm vậy. “Tinh tấn” là “tinh cần cầu sách, cung thận bảo trì, tu tập công đức, mãn túc ngũ kiếp” (siêng năng, gắng gỏi, cung kính, thận trọng gìn giữ, tu tập công đức trọn cả năm kiếp), “thành tựu trang nghiêm Phật độ thanh tịnh chi hạnh” (thành tựu hạnh trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh).
Chánh kinh:
Pháp Tạng tỳ-kheo thuyết thử kệ dĩ, nhi bạch Phật ngôn:
- Ngã kim vi Bồ Tát đạo, dĩ phát vô thượng chánh giác chi tâm, thủ nguyện tác Phật, tất linh như Phật. Nguyện Phật vị ngã quảng tuyên kinh pháp, ngã đương phụng trì, như pháp tu hành, bạt chư cần khổ sanh tử căn bổn, tốc thành vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, dục linh ngã tác Phật thời, trí huệ quang minh, sở cư quốc độ, giáo thọ danh tự, giai văn thập phương, chư thiên nhân dân cập quyên nhuyễn loại, lai sanh ngã quốc, tất tác Bồ Tát. Ngã lập thị nguyện, đô thắng vô số chư Phật quốc giả, ninh khả đắc phủ?
Tỳ-kheo Pháp Tạng nói bài kệ ấy xong liền bạch Phật rằng:
- Con nay hành Bồ Tát đạo đã phát tâm Vô Thượng Chánh Giác, phát nguyện thành Phật ngõ hầu được như đức Phật. Nguyện Phật vì con rộng tuyên kinh pháp, con sẽ phụng trì, tu hành đúng như pháp, nhổ các cội rễ sanh tử nhọc nhằn, chóng thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Con muốn khi mình được thành Phật, trí huệ, quang minh, quốc độ mình ở, giáo thọ, danh hiệu đều nổi tiếng mười phương. Chư thiên, nhân dân và các loài bay, bò... hễ sanh về nước con đều là Bồ Tát. Nguyện con lập đây: “[Cõi nước của con] thù thắng hơn vô số nước của chư Phật” có thể đạt được hay chăng?
Giải:
Ðoạn kinh văn này tiếp ý đoạn trước, nối kết đoạn sau. Trong phẩm trước, Pháp Tạng dùng kệ tỏ bày thệ nguyện; trong đoạn kinh này, Ngài dùng lối văn trường hàng để bạch Phật: “Dĩ phát vô thượng chánh giác chi tâm” (Đã phát tâm Vô Thượng Chánh Giác). Ðấy là vì: Điều quan trọng để nhập đạo là trước hết phải phát tâm; việc cần gấp trước hết trong tu hành là phải lập nguyện. Vì vậy, Pháp Tạng Bồ Tát sau khi phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, mong kết đại nguyện vượt trỗi hơn vô số cõi Phật, nên Ngài thỉnh đức Thế Tôn vì mình diễn giảng kinh pháp.
Ðại ý của đoạn kinh này là: Con nay lúc hành Bồ Tát đạo, đã phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề. Nguyện lúc thành Phật, hết thảy đều được như Phật. Vì vậy, xin đức Thế Tôn vì con rộng nói kinh pháp, con sẽ tin tưởng, phụng trì, tu hành đúng như pháp, nguyện vĩnh viễn lìa khỏi hết thảy gốc sanh tử nhọc nhằn. Ấy là vì sanh tử rất khổ, nó lại chẳng cạn kiệt, nên bảo là “cần khổ” (nhọc nhằn). Muốn trừ khổ quả sanh tử phải nhổ rễ của nó. Rễ của nó chính là các Hoặc: Kiến, Tư, Trần Sa, Vô Minh... Do đoạn sạch các Hoặc nên bảo là “bạt chư cần khổ sanh tử căn bổn” (nhổ các cội rễ sanh tử nhọc nhằn).
Lại nguyện chóng thành Chánh Giác. Nghĩa của chữ Tốc (mau chóng) trong đoạn kinh này giống như chữ Tốc trong câu “tốc sanh ngã sát thọ an lạc” (chóng sanh về cõi tôi hưởng an vui) của phẩm trước.
Hai chữ Tốc này cùng nói về nhất tâm. Pháp Tạng Bồ Tát tâm độ sanh khẩn thiết nên nguyện: “Luân hồi chư thú chúng sanh loại, tốc sanh ngã sát thọ an lạc” (Các loài chúng sanh luân hồi trong các đường mau sanh về cõi tôi hưởng an vui).
Câu “chư thiên nhân dân cập quyên nhuyễn loại, lai sanh ngã quốc tất tác Bồ Tát” (chư thiên, nhân dân và các loài trùng bay, bò... sanh về cõi tôi đều là Bồ Tát) ý nói: Các loài quần sanh sanh về nước tôi chẳng có Nhị Thừa, chỉ là Bồ Tát, đều thuộc địa vị Bổ Xứ. Vì vậy, đại nguyện của ngài Pháp Tạng thật là Nhất Thừa nguyện hải.
“Tất thành Phật quả” (Đều thành Phật quả) là Nhất Thừa, chẳng có hai hay ba thừa. Vì vậy, ba bậc vãng sanh đều cần phải phát Bồ Ðề tâm. Rõ ràng, muốn mau thành Phật chỉ để chóng được độ sanh. Vì muốn độ sanh mau chóng nên lúc thành Phật cần phải đạt được “trí huệ, quang minh, sở cư quốc độ, giáo thọ danh tự, giai văn thập phương” (trí huệ, quang minh, quốc độ mình ở, dạy dỗ, danh hiệu đều nổi tiếng cả mười phương). Ðây chính là căn bản của nguyện thứ mười bảy: “Chư Phật khen ngợi”, nguyện thứ mười tám: “Mười niệm ắt vãng sanh”, nguyện thứ mười chín: “Nghe tên phát tâm” trong bốn mươi tám đại nguyện vậy. Muốn khiến cho mười phương chúng sanh nghe danh hiệu Phật liền phát được tâm Bồ Ðề, một dạ chuyên niệm, thậm chí chỉ mười niệm cũng đều được vãng sanh. Như vậy, chúng sanh đắc độ trước hết là do nghe danh. Do vậy, Pháp Tạng Bồ Tát nguyện lúc thành Phật thì quang minh, trí huệ của Phật, cõi nước thù diệu, siêu thắng, công đức, danh hiệu của Ðạo Sư (tức giáo chủ Di Ðà) vang dội mười phương. Do vậy, chúng sanh nghe danh, phát tâm liền được sanh Cực Lạc, quyết định thành Phật.
Câu cuối trong đoạn kinh văn này là lời thỉnh Phật chứng minh: “Ngã lập thị nguyện, đô thắng vô số chư Phật quốc giả, ninh khả đắc phủ?” (Nguyện con lập đây: [Cõi nước] thù thắng hơn vô số nước của chư Phật có thể đạt được chăng). Nguyện “cõi Phật đã thành sẽ thù thắng hơn các cõi Phật khác” đó chẳng biết có thể thành tựu được chăng, xin Phật dạy cho.
Ảnh minh họa: "Mười Phương Chư Phật Tán Thán"
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đoạn đầu: Điều quan trọng để nhập đạo là trước hết phải phát tâm; việc cần gấp trước hết trong tu hành là phải lập nguyện. Vì vậy, Pháp Tạng Bồ Tát sau khi phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, mong kết đại nguyện vượt trỗi hơn vô số cõi Phật, nên Ngài thỉnh đức Thế Tôn vì mình diễn giảng kinh pháp.
"Đại hùng, đại lực, đại từ bi", không có "đại hùng, đại lực" thì chẳng thể "đại từ bi" được, chắc chắn. Với tâm lực, định lực của Bồ Tát Pháp Tạng thì nguyện lực của Ngài phải là "vượt trỗi hơn vô số cõi Phật" mới được. Tất cả chẳng phải là cầu danh cầu tự phù phiếm chi ở đây, mà là tất cả vì chúng sanh [đại từ bi], Ngài muốn độ tận khắp Pháp giới chúng sanh chóng được lìa khổ được vui, chóng thành Phật đạo. Mà muốn được như vậy thì phải kiến lập được cõi nước thù thắng tranh nghiêm vượt trỗi hơn tất cả các cõi nước khác, đồng thời phải có phương tiện thiện xảo bậc nhất, vượt trỗi hơn tất cả để có thể cứu vớt tất cả về được cõi ấy. Hai điều này phải có đủ không thể thiếu điều nào. Giả sử như Ngài kiến lập được cõi nước trang nghiêm vi diệu bậc nhất nhưng lại thiếu phương tiện [Pháp tu] để độ tận tất cả [đều có phần] thì cũng như không. Ví như chúng sanh muôn phương được nghe được biết, muốn về, nhưng lại chẳng thể nào về được thì cõi ấy cũng đâu thể phát sanh diệu dụng và được tất cả Chư Phật cùng tán thán, xiển dương, truyền trao cho chúng sanh được lợi ích.
Chúng ta ở đây học tập được rằng, nếu muốn lợi lạc chúng sanh, cứu giúp chúng sanh cho thật rốt ráo viên mãn thì chắc chắn không có gì hơn là phải phát tâm cầu sanh về cõi ấy cái đã. Ít nhất cũng làm một vị Bồ tát bất thoái đã, rồi thừa nguyện tái lai để độ sanh tùy ý. Khi đó chúng ta đã được 'mặc áo giáp', có 'thần lực' chẳng thể nghĩ bàn [nhờ nương vào oai lực Bổn Nguyện], nên việc độ sanh mới viên mãn. Rồi trên cõi ấy, tiếp tục tu hành chứng được Phật quả sẽ tiếp tục tiếp nối dòng huệ mạng Phật độ tận vô lượng vô biên chúng sanh.
Đoạn: “Tất thành Phật quả” (Đều thành Phật quả) là Nhất Thừa, chẳng có hai hay ba thừa. Vì vậy, ba bậc vãng sanh đều cần phải phát Bồ Ðề tâm. Rõ ràng, muốn mau thành Phật chỉ để chóng được độ sanh. Vì muốn độ sanh mau chóng nên lúc thành Phật cần phải đạt được “trí huệ, quang minh, sở cư quốc độ, giáo thọ danh tự, giai văn thập phương” (trí huệ, quang minh, quốc độ mình ở, dạy dỗ, danh hiệu đều nổi tiếng cả mười phương). Ðây chính là căn bản của nguyện thứ mười bảy: “Chư Phật khen ngợi”, nguyện thứ mười tám: “Mười niệm ắt vãng sanh”, nguyện thứ mười chín: “Nghe tên phát tâm” trong bốn mươi tám đại nguyện vậy.
Trong Phẩm Hai mươi ba "Mười Phương Chư Phật Tán Thán": "Hằng hà sa số thế giới ở Phương Đông, trong mỗi thế giới có hằng sa đức Phật xuất tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang minh, nói lời thành thật, khen ngợi công đức bất khả tư nghì của Phật Vô Lượng Thọ. Hằng sa thế giới Chư Phật ở chín phương khác cũng đồng xưng tán như thế...". Vì sao Ngài được như vậy? Như trên đã nói, ngoài việc kiến lập cõi nước trang nghiêm, thanh tịnh thù thắng vượt trỗi, Ngài còn phải 'kiến lập' một Pháp gì đó để chúng sanh được nương tựa tu tập mà sanh về. Dĩ nhiên, hành giả chúng ta đều biết đó chính là Đại Nguyện thứ 18: "Mười niệm ắt vãng sanh". Nhân đây chúng ta cùng luận bàn thêm một chút về Đại Nguyện này, một Đại Nguyện được dùng để độ thoát tận hư không khắp pháp giới chúng sanh. Thật sự!
Vì sao Đại Nguyện này lại có tên "Mười niệm ắt vãng sanh" vậy? Tại sao các Ngài lại chẳng đặt một cái tên gì khác? Đơn gỉản là vì Đại nguyện này vốn dĩ mang nội dung ý nghĩa là như vậy. Đúng theo nghĩa đen như vậy. Xin đừng có thêm bớt bất cứ một từ, một chữ nào ở đây hết cả. "Mười niệm ắt vãng sanh" thì có nghĩa là niệm mười niệm thì được vãng sanh. Đừng có thêm những chữ như '[Lâm chung] niệm mười niệm vãng sanh' hay 'Mười niệm [lúc lâm chung] sẽ được vãng sanh'... Vì sao không được thêm vào như thế? Bởi vì đơn giản là trong nội dung của Nguyện này có chỗ nào có chữ 'lâm chung' này đâu? Mà chỉ là "Nãi chí thập niệm" [cho đến mười niệm, dẫu chỉ mười niệm], tuyệt không có chữ nào 'lâm chung' ở đây cả. Thế nhưng, để vãng sanh thành Phật thì đâu thể dễ dàng như vậy được, đúng không? Cái điều kiện kèm theo đây mới thực sự là khó nhằn "Chí tâm tin ưa". Thành bại quyết định ở điểm này. Chứ còn 'mười niệm' kia thì ai ai cũng đã, đang và sẽ làm được rồi, hàng ngày chúng ta có thể niệm hàng vạn hàng vạn... Cho nên Chư Tổ Sư nói rằng "Được vãng sanh hay không là do có Tín nguyện hay không?", chứ chẳng phải quyết định bởi mức độ công phu như thế nào!
Trở lại vấn đề trên, nếu nói 'mười niệm' này mà không đề cập đến lúc lâm chung, vậy thì là lúc nào đây? Câu trà lời là, hãy gầy dựng cho được cái khó "Chí tâm tin ưa" này đi cái đã, ắt sẽ tự đạt được cái dễ "mười niệm". "Mười niệm" này chẳng qua là một con số [không thể dễ hơn] mà Đức Phật Ngài nói ra để biểu thị cái Pháp tu mà thôi. Điều quan trọng đối với chúng sanh thập phương là phải "chí tâm tin ưa", "nguyện sanh cõi ta". Một khi hai Pháp này thành tựu thì con số biểu tượng kia chỉ là dành cho hạng bét Hạ hạ phẩm vãng sanh mà thôi, còn chúng sanh nói chung thì không thể không thường tinh tấn niệm, liên tục nhớ nghĩ... và 'mười niệm' [vô số niệm] này chắc chắn sẽ kéo dài từ lúc bình thời cho đến lúc lâm chung cũng không thể thiếu, do được sự gia trì của oai lực Bổn Nguyện tiếp dẫn. Do đó chúng ta thấy rằng chữ "Mười niệm" ở đây chỉ một "Hệ Niệm", mà hạng bét mới là một niệm hay mười niệm lúc lâm chung, thế nên mới có chữ "nãi chí thập niệm" [dẫu chỉ mười niệm, cho đến mười niệm]. Ý của Đức Phật A Di Đà là Ngài muốn 'càng quét' tất cả chúng sanh từ Ngũ nghịch thập ác cho đến Đẳng giác bồ tát đều có phần, miễn là "chí tâm tin ưa, nguyện sanh cõi ta" [thì chắc chắc sẽ niệm mãi cho đến lúc lâm chung ra đi về với Phật]. Cho nên, nếu để chữ "[lâm chung] mười niệm ắt vãng sanh" thì chúng sanh lại hiểu theo một nghĩa hoàn toàn khác, rằng đây mới là điều kiện cốt yếu để vãng sanh dành cho tất cả căn cơ, rồi bình thời cứ huân tập cho thuần thục chỉ cốt để đến lúc cuối có thể đạt được điều kiện này. Họ đã bỏ qua những điều kiện quan trọng bậc nhất kia. Họ đâu hiểu rằng chỉ cần thực hiện cho được những điều kiện kia thì tự nhiên bình thời không thể không siêng niệm [do tín nguyện câu thúc] và đặc biệt nhất đó là lâm chung chắc chắn sẽ có đầy đủ chánh niệm và được Phật rước về. Vì thế, Chư Tổ Sư mới dạy rằng: "Thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm. Dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật".
Gần đây chúng ta có biết một vị Ngài cả đời giảng kinh thuyết pháp, hoằng truyền Tịnh Độ, nhưng cuối đời vãng sanh thì hình tướng lại không được tự tại [như tất cả Chư Tổ Sư Đại Đức khác]. Nguyên nhân là do đâu? Do Ngài muốn thị hiện với chúng sanh như vậy chăng? Dạ, hoàn toàn không phải như vậy đâu. Vì chính Ngài cũng từng nói rõ tâm nguyện lúc ra đi thì tự tại ra đi trên giảng đài, vì đó chính là nơi cả một đời Ngài hoằng hóa độ sanh. Vậy thì nguyên do là do đâu? Đó chính là theo quy luật Nhân Quả vậy. Chúng ta cần biết rằng, để lúc cuối ra đi vãng sanh một cách tự tại thì chỉ có hai trường hợp. Một, là công phu đạt Nhất tâm bất loạn; hai, là được sự gia trì của Nguyện lực của Phật ngay từ bình thời đến khi cuối [nhờ cảm với Bổn Nguyện]. Ngoài hai trường hợp này ra thì không có trường hợp thứ ba.
Ở đây xin nói rõ, đây là luận cho những hành giả tu Tịnh Độ cầu giải thoát, không nói các trường hợp khác. Đối với những người không truy cầu giải thoát, nếu họ sống một đời thiện lương, tâm địa tốt lành, hay làm việc nghĩa, có ích cho người cho đời thì đến lúc cuối cũng tỉnh táo an tường ra đi về cảnh giới tốt lành vậy. Nhưng một khi phát tâm tu tập cầu giải thoát thì sự việc phải luận hoàn toàn khác. Cả một đời hành thiện tích phước đến lúc cuối liệu có đảm bảo được an tường niệm Phật rồi vãng sanh chăng? Chưa chắc! Nguyên do là người tu cầu giải thoát thì hay chiêu cảm oán thân trái chủ [hơn người bình thường] rất nhiều, họ một mực cứ đến đòi nợ quấy nhiễu, không muốn cho hành giả giải thoát, đặc biệt là giai đoạn cuối. Nếu lúc ấy không được sự gia trì của Phật lực thì thật là nguy hiểm lắm lắm. Đừng tưởng những việc thiện lành chúng ta làm được trong đời này đủ sức bảo vệ ta lúc cuối. Không có đâu, nghiệp lực bất khả tư nghì, nhiều khi làm phước thiện càng nhiều lâm chung càng nguy to. Vì sao? Do là vì bình thời cứ thích sa đà vào việc tu phước, trông cậy vào tự lực là chính, đến lúc cuối, nghiệp lực mới bắt đầu ra tay, Phật lực thì chẳng thấy đâu cả [do bình thời cứ ưa thích cậy tự lực, nên không cảm được Tha lực], giống như một tòa nhà càng cao tầng mà nền móng lại không vững chắc vậy, đến lúc gió mạnh nó đẩy một phát thì thôi rồi... kinh khủng lắm! Rất nhiều trường hợp như thế rồi đấy. Cho nên, Chư Phật Chư Tổ luôn khuyên rằng, tu hành cần nên chuyên, càng chuyên càng tốt, càng chuyên càng phát sinh diệu dụng, pháp môn này rất lạ ở chỗ đó, không giống các pháp môn khác! Cho nên Chư Tổ hay nói cần phải nhìn bằng con mắt riêng với Pháp môn này, chẳng thể đem những giáo lý thông thường mà luận bàn được. Vì thế, bản thân ta nên cầu cái vé về Tây cái đã, còn việc hoằng hóa độ sanh nên để các vị trên kia xuống gánh vác. Khi nào mình được về đó rồi mặc áo giáp của Phật Di Đà xuống đây độ sanh thì mới yên tâm, rốt ráo viên mãn. Trước tự độ mình hãy ra độ người.
Trở lại vấn đề, Ngài cả một đời đa phần khuyến hóa chúng sanh theo hướng phải công phu thành tựu, nhưng thời nay rất ít người làm được, cho nên đa số dù có được Phật rước vãng sanh hay không cũng không được tự tại, do phải đợi đến lúc cuối xem có Tín Nguyện niệm Phật nổi hay không thì Phật mới đến rước. Như thế thì ra đi làm sao tự tại được cơ chứ [cho dù có được Phật rước đi nữa]. Những trường hợp như vậy là quá nhiều quá nhiều. Cho nên, giúp người thế nào thì đến lượt mình cũng phải như vậy thôi. Nhân Quả là như vậy. Chứ như trình độ công phu của Ngài thì thừa sức tự tại vãng sanh, thậm chí có thể ra đi bất cứ lúc nào mình muốn [báo cho Phật biết ước nguyện của mình để Phật đến rước]. Có chăng là Ngài thị hiện cho chúng ta thấy rằng [tu theo đường lối của Ngài] thì sẽ như vậy? Dạ không biết, đây chỉ là chút tư kiến riêng, phàm phu không dám lạm bàn chuyện của Thánh nhân vậy. Tuy nhiên, tu hành chúng ta cần phải xác định rõ chiếc vé về Tây thực sự là nằm ở đâu, và nên lựa chọn chỗ nào phù hợp với tầm với của mình [để mà lấy được].
Cái câu "Niệm niệm vì người" ấy chỉ là pháp thế gian, "vì người" tức là những việc thiện lành, niệm niệm nghĩ đến việc thiện lành, rất tốt, nhưng đây chỉ là pháp thế gian, thuộc về tu tự lực. Còn đối với hành giả Tịnh Độ cầu giải thoát thì Phât, Tổ khuyên dạy như thế nào? Hãy sanh Tín, phát Nguyện cầu sanh về Cực Lạc, hành thì là chuyên niệm Phật [niệm niệm là nhớ Phật niệm Phật]. Như vậy mới là như lý như pháp, đúng Tông chỉ tông yếu Tịnh Độ Tông. Tự hành, khuyên người đều như vậy. Dĩ nhiên sanh Tín phát Nguyện ấy chính là Vô Thượng Bồ Đề tâm rồi, về được cõi ấy, tu chứng Phật quả, mới có năng lực độ khắp chúng sanh. Chứ còn là phàm phu trong sanh tử ở đây chẳng lo chuyên niệm Phật mà cứ "niệm niệm vì người" coi chừng cả mình lẫn người đều đi tong hết cả đấy [vì là đại tạp tu]. Tu Tịnh Độ chúng ta phải tư duy, hành trì theo giáo pháp Tịnh Độ mới được. Phật sự thì tùy duyên thôi, niệm niệm phải là niệm Phật. Phàm phu phải là như vậy mới dễ thành tựu. Còn bậc Thánh nhân hay Bồ Tát tái lai xuống đây thì không biết, nhưng nếu muốn độ sanh rốt ráo giúp họ đạt được lợi ích chân thật giải thoát trong đời thì cũng phải y cứ Tông chỉ tông yếu mà tự hành [làm biểu pháp] và dạy người. Như vậy mới thật sự là Đại từ đại bi, mới thật sự là "vì người" vậy.
Cho nên, tu học chúng ta phải y cứ Tông chỉ tông yếu Kinh giáo. Với Tịnh Độ tông, yếu chỉ tông yếu rất đơn giản, ngắn gọn, ít văn tự, như vậy là đủ hành trì rồi. Muốn chắc chắn có một cái vé về Tây trong đời này thì chúng ta không thể không nắm rõ [để tin chắc] rồi ra sức dụng công. Còn như chỉ có việc hành trì không thôi, mà lại không chuyên, không chú trọng tín nguyện, thì đúng là 'không thể đoán định được' [vì không rõ lúc cuối sẽ ra sao].
Một số nghĩa lý khác chúng ta cùng học tập tham khảo các chú giải của các Ngài.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 5. Chí Tâm Tinh Tấn
Ngài Hoàng Niệm Tổ