Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, sanh ngã quốc giả, sở tu ẩm thực, y phục, chủng chủng cúng cụ, tùy ý tức chí, vô bất mãn nguyện. Thập phương chư Phật, ứng niệm thọ kỳ cúng dường. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, người sanh trong nước tôi, tất cả thức ăn, y phục, các thứ vật cúng, nghĩ tới liền có, không điều gì chẳng được mãn nguyện. Mười phương chư Phật ứng niệm nhận lấy sự cúng dường của người ấy. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện ba mươi bảy: Quần áo, thức ăn tự đến; nguyện ba mươi tám: Ứng niệm thọ cúng)
Giải:
Ðoạn này nói về nguyện ba mươi bảy: “Quần áo, thức ăn tự đến”. Chữ “ẩm thực, y phục” (thức ăn, y phục) trích trong bản Tống dịch, “chủng chủng cúng cụ” (các thứ vật cúng) trích từ bản Ðường dịch.
Nguyện hai mươi ba trong bản Hán dịch được ghi như sau: “Ngã quốc chư Bồ Tát dục phạn thời, tắc thất bảo bát trung, sanh tự nhiên bách vị phạn thực tại tiền. Thực dĩ, bát giai tự nhiên khứ” (Các vị Bồ Tát trong nước ta lúc muốn ăn thì cơm trăm vị tự nhiên hóa sanh trong bát bằng bảy báu hiện ra trước mặt. Ăn xong, bát tự nhiên biến mất - Nguyện thứ hai mươi bốn trong bản Ngô dịch chép giống vậy). Nguyện thứ ba mươi tám trong bản Ngụy dịch lại chép như sau: “Quốc trung thiên nhân, dục đắc y phục, tùy niệm tức chí, như Phật sở tán ứng pháp diệu phục, tự nhiên tại thân. Hữu cầu tài, phùng, đảo, nhiễm, hoán trạc giả, bất thủ Chánh Giác” (Trời, người trong nước muốn được y phục, hễ nghĩ đến liền có, tự nhiên trên thân khoác áo đẹp đẽ đúng pháp như Phật khen ngợi. Nếu còn phải cắt, may, đập, nhuộm, giặt giũ thì chẳng lấy Chánh Giác). Bản hội tập này chọn lấy những nghĩa trọng yếu của năm bản dịch để tổng hợp thành nguyện này, đặt tên là nguyện “quần áo, thức ăn tự đến”.
Sách Hội Sớ chú giải lời nguyện của bản Ngụy dịch như sau: “Vì sao Phật lại phát ra lời nguyện này? Vì Ngài thấy trong các cõi, con người khổ sở muôn bề vì cái ăn cái mặc, bốn mùa chẳng được yên ổn, cả một đời nhọc nhằn tham cầu. Huống hồ cấy cây lúa xuống là vùi chết mấy ngàn sanh mạng, trong vạc đun vô lượng kén tằm, cứ thế mà chìm đắm mãi không biết đâu là bến bờ, chịu khổ vô cùng. Vì vậy, Phật nguyện rằng thánh chúng trong cõi Ngài cơm, áo, nhà cửa tùy ý hiện ra trước mặt. Áo mặc, cơm ăn đều là pháp để trợ đạo”.
“Chủng chủng cúng cụ” (Các thứ vật cúng) là hoa hương, tràng phan, lọng báu, chuỗi ngọc, đồ trải để nằm (ngọa cụ), thiên nhạc v.v… hết thảy vô lượng vô biên các thứ vật dùng để cúng dường thù thắng như vậy đều tùy ý hiện đến nhằm thỏa nguyện cúng dường như bản Ngô dịch chép: “Dục đắc tự nhiên vạn chủng chi vật, tức giai tại tiền, trì dụng cúng dường chư Phật” (Muốn được tự nhiên có muôn vật thì chúng đều hiện ra trước mặt để cầm đem cúng dường chư Phật) hoặc như bản Tống dịch chép: “Ngã dĩ thần lực linh thử cúng cụ tự chí tha phương chư Phật diện tiền, nhất nhất cúng dường” (Ta dùng thần lực khiến các vật cúng này tự nhiên đến trước chư Phật ở phương khác, cúng dường mỗi đức Phật). Vì vậy, hội bản ghi là: “Tùy ý tức chí, vô bất mãn nguyện” (Nghĩ tới liền có, không gì chẳng được mãn nguyện).
Tiếp đó là nguyện ba mươi tám: “Ứng niệm thọ cúng”. Bản Tống dịch ghi nguyện này như sau: “Sở hữu Bồ Tát phát đại đạo tâm, dục dĩ chân châu, anh lạc, bảo cái, tràng phan, y phục, ngọa cụ, ẩm thực, thang dược, hương, hoa, kỹ nhạc, thừa sự cúng dường tha phương thế giới, vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn nhi bất năng vãng. Ngã ư nhĩ thời, linh bỉ tha phương chư Phật Thế Tôn các thư thủ tý, chí ngã sát trung, thọ thị cúng dường, linh bỉ tốc đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Tất cả Bồ Tát phát đại đạo tâm muốn dùng chân châu, anh lạc, lọng báu, tràng phan, y phục, đồ trải nằm, thức ăn, thuốc men, hương hoa, âm nhạc để thừa sự, cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn trong thế giới phương khác mà chẳng qua được chỗ các Ngài thì ta ngay trong khi ấy khiến cho các đức Phật Thế Tôn đó đều duỗi cánh tay đến tận cõi ta, nhận lấy sự cúng dường ấy, khiến cho các Bồ Tát ấy mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Lời nguyện trong bản Tống dịch thật đã hiển thị sâu xa thần lực của Phật. Còn như bản Ngụy dịch ghi: “Nhất phát niệm khoảnh, cúng dường vô lượng vô số bất khả tư nghị chư Phật Thế Tôn, nhi bất thất định ý” (Trong khoảng khởi lên một niệm, cúng dường vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn chư Phật Thế Tôn mà chẳng mất định ý) là nói về tự lực. Như vậy, nhân dân cõi Cực Lạc hoặc do Phật lực gia bị hoặc do tự lực viên mãn đều có thể tùy lòng nghĩ tưởng cúng dường khắp các đức Phật.
Câu kinh: “Thập phương chư Phật, ứng niệm thọ kỳ cúng dường” (Thập phương chư Phật ứng niệm nhận lấy sự cúng dường của người ấy) đã hiển thị sâu xa ý nghĩa Phật và chúng sanh bất nhị, cảm ứng đạo giao: Ý niệm cúng Phật vừa khởi lên, chư Phật đã nhận lấy rồi. Ðốn tu, đốn chứng, nhân quả đồng thời.
Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, quốc trung vạn vật, nghiêm tịnh, quang lệ, hình sắc thù đặc, cùng vi cực diệu, vô năng xứng lượng. Kỳ chư chúng sanh, tuy cụ thiên nhãn, hữu năng biện kỳ hình sắc, quang tướng, danh số, cập tổng tuyên thuyết giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, vạn vật trong nước trang nghiêm, thanh tịnh, sáng ngời, đẹp đẽ, hình sắc đặc biệt thù thắng, vi diệu cùng cực, chẳng thể tính kể. Các chúng sanh tuy có thiên nhãn mà có thể phân biệt được hình sắc, quang tướng, danh số và nói tổng quát được [những sự trang nghiêm ấy] thì chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện ba mươi chín: Trang nghiêm vô lượng)
Giải:
Từ nguyện ba mươi chín đến nguyện bốn mươi ba là những nguyện nói về công đức của cõi Phật. Nguyện ba mươi chín là nguyện: “Trang nghiêm vô lượng”.
Sách Hội Sớ giảng nguyện này như sau: “Nghiêm (嚴) là trang nghiêm; tịnh (淨) là thanh tịnh; quang (光) là quang minh; lệ (麗) là hoa lệ. Nghiêm tịnh là thể không nhơ, quang lệ là hình tướng đặc biệt, lạ lùng. Dài, ngắn, vuông, tròn, lớn, nhỏ v.v... là Hình (形). Xanh, đỏ, trắng đen, đậm, nhạt là Sắc (色). Chẳng phải là thứ thế gian có được nên bảo là Thù Ðặc (殊特)”.
Ý của sách Hội Sớ là: Thể của vạn vật chẳng cấu nhiễm nên bảo là “nghiêm tịnh”. Hình tướng, quang minh kỳ lạ, đẹp rực rỡ nên bảo là “quang lệ”. Những hình sắc ấy chẳng phải là thứ thế gian có được nên bảo là “hình sắc thù đặc”.
Sách Hội Sớ giảng tiếp rằng: “Rộng - hẹp dung nhập lẫn nhau nên bảo là chẳng thể tính kể”. Ý nói: Cực Lạc thế giới hiển thị trọn vẹn sự sự vô ngại pháp giới, một tức là nhiều, nhiều tức là một, lớn - nhỏ chứa đựng lẫn nhau, rộng vào trong hẹp, hẹp vào trong rộng, trùng trùng vô tận, vượt khỏi khả năng nhận thức của tâm tưởng, kiến giải, và khả năng diễn giải của ngôn ngữ, nên chẳng thể bàn luận nổi. Vượt khỏi khả năng suy nghĩ nên chẳng thể nghĩ nổi. Nói năng, suy nghĩ chẳng thấu suốt nổi thì làm sao tính kể nổi? Vì vậy bảo là “vô năng xứng lượng” (chẳng thể tính kể nổi).
Hiển nhiên là chỉ có Phật với Phật mới thấu suốt trọn hết nổi Cực Lạc Tịnh Ðộ. Ngoại trừ mình đức Phật ra, hết thảy chúng sanh: Trên thì đến bậc Ðẳng Giác, giữa thì như hết thảy phàm, thánh, chúng sanh thuộc Tiểu Thừa hay Ðại Thừa có thiên nhãn đều chẳng thể bàn định hình sắc, quang tướng, tên tuổi, số lượng, cũng như chẳng thể nào liệt kê một cách tổng quát được những sự trang nghiêm đó.
Vì vậy, kinh nói: “Hữu năng biện kỳ hình sắc, quang tướng, danh số, cập tổng tuyên thuyết giả, bất thủ Chánh Giác” (Có ai có thể phân biệt được hình sắc, quang tướng, danh số và nói tổng quát được thì chẳng lấy Chánh Giác).
Ảnh minh họa: Thế Giới Cực Lạc
Đoạn: Sách Hội Sớ chú giải lời nguyện của bản Ngụy dịch như sau: “Vì sao Phật lại phát ra lời nguyện này? Vì Ngài thấy trong các cõi, con người khổ sở muôn bề vì cái ăn cái mặc, bốn mùa chẳng được yên ổn, cả một đời nhọc nhằn tham cầu. Huống hồ cấy cây lúa xuống là vùi chết mấy ngàn sanh mạng, trong vạc đun vô lượng kén tằm, cứ thế mà chìm đắm mãi không biết đâu là bến bờ, chịu khổ vô cùng. Vì vậy, Phật nguyện rằng thánh chúng trong cõi Ngài cơm, áo, nhà cửa tùy ý hiện ra trước mặt. Áo mặc, cơm ăn đều là pháp để trợ đạo”.
Chúng ta đang sống trong cõi này chuyện cơm ăn, áo mặc, nhà cửa đúng là cũng chẳng phải chuyện giản đơn, đối với phần đông. Đây cũng thực sự là một trong những cái gây ra sự 'khó tu' ở cõi này, bởi bản chất ở cõi này là chúng sanh không đủ phước để cái gì cũng 'tự nhiên có', mà phải 'tay làm hàm nhai'. Nếu ai đã có được đầy đủ 'ba phẩm trợ đạo ấy', mà chẳng phải nhọc công lam làm nữa thì phải biết là may mắn lắm đấy, phước báu không nhỏ, nên cần biết trân trọng, tập trung ra sức hành đạo cầu giải thoát thôi, đừng nên mong cầu chi khác nữa. Sống biết đủ, dốc lòng tu Tịnh nghiệp, phải biết rằng những người này sẽ tiến rất nhanh trên đường đạo [nếu biết sử dụng phước báo mình đúng cách].
Câu: Huống hồ cấy cây lúa xuống là vùi chết mấy ngàn sanh mạng, trong vạc đun vô lượng kén tằm, cứ thế mà chìm đắm mãi không biết đâu là bến bờ, chịu khổ vô cùng.
Thật sự, ở cõi này đến một người nông dân chất phát hay một công nhân bình thường cũng nhiều khi vô tình trở thành những 'tiều phu, đồ tể', hàng ngày tạo tác bao nhiêu tội nghiệp mà đâu có hay? Hàng ngày như thế, quanh năm như thế, cả đời như thế... để rồi cuối cùng đi đâu về đâu? Mong trở lại làm người chăng? Hay mong lên Thiên đàng [cõi trời] hưởng phước? Không bao giờ có đâu, nhân nào quả nấy [trừ khi biết tu]. Cho nên chúng ta thấy việc biết đạo, tu đạo là quan trọng như thế nào! Rồi một khi đã biết đã tu rồi thì phải tu cho tới hành cho tận, đừng gặp chút khó khăn gì mà bị thoái lui đạo tâm. Phật nói Pháp này tu không khó [để thành tựu], là Pháp phổ độ cả ba căn Thượng - Trung - Hạ, tất cả đều có phần. Điều quan trọng bậc nhất đó là chúng ta có "thật tu", "thật muốn giải thoát" ngay đời này hay không mà thôi? Nếu câu trả là "thật có", chắc chắn chúng ta sẽ có con đường, Phật sẽ an bày cho. Tu sai sẽ thành tu đúng, đi trật đường sẽ thành đi đúng đường, cây cong sẽ thành cây thẳng! Cho nên mỗi chúng ta hãy thường phản tỉnh.
Câu: Như vậy, nhân dân cõi Cực Lạc hoặc do Phật lực gia bị hoặc do tự lực viên mãn đều có thể tùy lòng nghĩ tưởng cúng dường khắp các đức Phật.
Những ai ưa thích bố thí, cúng dường, làm các Phật sự thì hãy mau mau tu tập để về cõi ấy thì tha hồ thỏa chí mà hành đạo nhé. Vô biên vô tận, muốn bao nhiêu cũng có, muốn thứ gì cũng có, cúng dường hằng sa Chư Phật, bất cứ nơi đâu... thảy đều viên mãn. Đừng nói là như thế thì công đức không được viên mãn đâu nhé [vì quá dễ, chẳng nhọc công]. Vạn pháp từ tâm, nhiều ít, lớn nhỏ đều do tâm của hành nhân [thành kính] tới đâu mà thôi, bất luận ở nơi đâu, ở cõi nào!
Phần thứ hai, đoạn: Ý của sách Hội Sớ là: Thể của vạn vật chẳng cấu nhiễm nên bảo là “nghiêm tịnh”. Hình tướng, quang minh kỳ lạ, đẹp rực rỡ nên bảo là “quang lệ”. Những hình sắc ấy chẳng phải là thứ thế gian có được nên bảo là “hình sắc thù đặc”.
Thật sự, mọi thứ gọi là đẹp đẽ nhất ở thế gian này cũng không cách gì sánh bằng bất cứ thứ [nào đó] ở cõi Cực Lạc. Bởi một đằng là do sức người [làm ra], một đằng là nhờ sức Phật [tạo ra], nên không thể sánh ví được. Việc này thì chúng ta dễ hình dung rồi. Thế nhưng có một việc tương tự, lại rất ít người tin tưởng, nhưng lại là tối quan trọng. Đó chính là việc vãng sanh về cõi ấy. Hình như chúng ta sống riết ở cái thế gian này 'tay làm hàm nhai', cái gì cũng phải tự lực 'tự thân vận động', đâm ra khó tin những yếu tố khác. Tu hành cầu giải thoát nhưng suốt ngày cứ phải lo nghĩ như: Lâm chung đầu óc có tỉnh táo không, có được hộ niệm không, niệm được mười niệm không, Phật có đến rước không... hoặc giả nếu lỡ vô thường đến bất tử thì sao đây, công phu chưa đạt được cái này cái kia thì sao vãng sanh v.v... Nói chung, nếu chúng ta cứ 'lo lắng' thì Phật sẽ để cho chúng ta tự mà 'lo', tự mà 'liệu' lấy [để đương đầu với các thế lực lúc ấy]. Vì sao vậy? Bởi chúng ta đâu có tin Phật, chúng ta tin vào chính mình [hay những con người nào đó] cơ mà, như thế thì làm sao cảm với Bổn Nguyện, để Phật dùng Nguyện lực của Ngài mà che chở, gia hựu cho [từ lúc bình thời đến lúc lâm chung]. Phật nói Pháp khó tin chính là ở chỗ này. Khắp thế gian, nếu ai 'thoát' được tư tưởng này, mà một lòng tin cậy vào Tha Lực, đảm bảo người đó trong một đời này thôi, không cần đời nào nữa đâu, chắc chắn sẽ không thuộc về cái 'thế gian' này nữa đâu, họ sẽ thành Bồ Tát Bất Thoái nơi cõi Cực Lạc rồi. Bất luận họ là ai đi nữa, xuất gia hay tại gia, sĩ nông công thương, già hay trẻ, người tu lâu hay mau, công phu sâu hay cạn v.v...
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ (trích lục)
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ