Thư trả lời cư sĩ Địch Trí Thuần
(năm Dân Quốc 27 - 1938. Ông này vốn có tên là Văn Tuyển)
[Quan trọng là] thật hành đạo Bồ Đề
Thư của ông và thư của Liên Phương đã nhận đủ cả rồi. Ông có thể trì được kinh Lăng Già, có thể nói là xưa đã có thiện căn. Pháp ấn tâm chẳng phải chỉ hạn cuộc tại chỗ ấy. Nếu có thể tuân theo [lời dạy của Bồ Tát] Đại Huệ trong phẩm Đoạn Nhục, phàm thấy hết thảy những sinh vật đều coi như cha mẹ, anh em trai, chị em gái, vợ con, quyến thuộc thì môn ấy sẽ rộng mở, không pháp nào chẳng nhập được! Nếu thật sự nhập được môn này (tức “tưởng hết thảy sinh vật như ruột thịt, không ăn thịt chúng nó”) dẫu chưa đạt được pháp ấn tâm, so với những kẻ đã đắc pháp ấn tâm kia nhưng chưa chịu nhập môn này thì công đức cách biệt như trời với vực! Bởi lẽ, một đằng là hiểu xuông nhưng chẳng có tâm đại Bồ Đề, một đằng là thật hành đạo Bồ Đề.
Chúng sanh đời Mạt muốn liễu sanh tử, chẳng lấy tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương làm chí hướng, sự nghiệp, tuy...
Vả nữa, đừng cho lời tôi là sai. Dẫu chưa đạt được tâm ấn của Phật, của Tổ, nhưng đem công đức này hồi hướng vãng sanh, hễ được vãng sanh liền lên thẳng [địa vị] Bất Thoái, thân cận Di Đà và thánh chúng, sẽ đích thân chứng được tâm của Phật, của Tổ. Chúng sanh đời Mạt muốn liễu sanh tử, chẳng lấy tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương làm chí hướng, sự nghiệp, tuy sở ngộ giống như Ngũ Tổ Giới (Ngũ Tổ là tên chùa. Sư Giới thiền sư từng làm Trụ Trì chùa Ngũ Tổ ở Hoàng Mai nên cõi đời gọi ngài là Ngũ Tổ Giới), Thảo Đường Thanh cũng chỉ được kết quả [thân sau trở thành] Tô Đông Pha, Tăng Lỗ Công. Đường sanh tử xa xôi, đời sau, đời sau nữa, chẳng biết kết quả lại như thế nào? Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp đặc biệt khế lý khế cơ trong cả một đời giáo hóa của đức Phật, dưới là từ Ngũ Nghịch, Thập Ác, trên đến Đẳng Giác Bồ Tát đều nên tu tập, đều có thể siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này. Tất cả hết thảy những pháp cao sâu huyền diệu khác phần nhiều khế lý, nhưng trọn chẳng thể khế hợp khắp cả ba căn cơ thượng, trung, hạ. Chúng ta từ vô thỉ cho đến tận đời này vẫn còn lưu chuyển trong luân hồi, đều là vì trong những đời trước do ngu muội nên chẳng dám gánh vác, hoặc do cuồng dại nên hoàn toàn chẳng tin nhận mà ra!
Đừng học theo bậc đại thông gia
Quang nói điều này [vì] sợ ông vẫn để chí nơi kinh Lăng Già, lấy chuyện đắc tâm ấn của Phật làm chí hướng, sự nghiệp thì kết quả sẽ giống hệt như Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh mà thôi! Ông đừng học theo bậc đại thông gia, hãy chết lòng trọn ý, tuân theo [lời dạy trong] phẩm Đoạn Nhục tu Tịnh nghiệp thì chắc chắc có thể sanh về Tây Phương được! Quang mục lực chẳng đủ, chẳng thể viết tường tận. Trong mùa Xuân, một đệ tử ở Vô Tích đã in cuốn Đồng Mông Tu Tri, một nửa phía sau in kèm theo Phật Pháp Cảm Ứng cũng như mấy bài văn của Quang, cũng có thể giúp cho việc tự lợi, lợi tha. Sách Tang Tế Tu Tri (những điều cần biết trong ma chay, cúng tế) cũng là đạo trọng yếu để dứt tai, trừ họa, tôn trọng cha mẹ, mến yêu cha mẹ. Mỗi thứ gởi hai bản, một để tự giữ, một bản tặng cho người khác xem. Đấy cũng là những sách trọng yếu để người học Phật thay đổi phong tục vậy.
Thư trả lời cư sĩ Đậu Trí Duệ
(năm Dân Quốc 27 - 1938. Ông này vốn có tên là Liên Phương)
Gặp nhau ích gì? Cứ lấy tâm khế hợp nhau coi như đã gặp gỡ là được rồi!
Đức Phật dạy: “Chư Phật dĩ bát khổ vi sư, cố đắc thành vô thượng giác đạo” (Chư Phật lấy tám khổ làm thầy, cho nên được thành giác đạo vô thượng). Nếu ông không có bệnh, sợ rằng trong đời này chẳng có nhân duyên nghe đến Phật pháp. Cao Tử Khâm dùng Văn Sao để trị chứng bệnh của ông. Ông có thể y theo Văn Sao tu trì thì chắc chắn có thể vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. [Những lời lẽ trong bộ] Văn Sao của Quang đều là lấy những lời của Phật, của Tổ đã nói rồi tùy theo căn cơ mà nói cho dễ hiểu, chứ thật sự không có một câu nào nói mò. Ông có thể y theo đó tu hành sẽ tốt hơn gặp mặt Quang nhiều lắm. Hiện thời chẳng bằng được trước kia, nhất cử nhất động đều có chướng ngại. Huống chi tuổi già đường xa, gặp nhau ích gì? Không gặp nhau tổn hại gì? Dẫu có khai thị cũng chỉ là những lời lẽ trong Văn Sao, há có lý nào mới mẻ được nói riêng ư? Ngàn phần mong ông đừng tới, cứ lấy tâm khế hợp nhau coi như đã gặp gỡ là được rồi! Điều quan trọng thứ nhất là ăn chay, những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao. Thư của Địch cư sĩ (tức ông Địch Trí Thuần) viết thẳng một lèo cũng là nhằm để khai thị cho ông. Nay đặt pháp danh cho ông là Trí Duệ, đọc Văn Sao sẽ biết chỗ quay về, nương tựa. Trí thức ấy có thể gọi là Trí Duệ (trí huệ thông minh, sáng suốt) vậy!
Nam Mô A Di Đà Phật
Thư đầu, đoạn đầu: ...dẫu chưa đạt được pháp ấn tâm, so với những kẻ đã đắc pháp ấn tâm kia nhưng chưa chịu nhập môn này thì công đức cách biệt như trời với vực! Bởi lẽ, một đằng là hiểu xuông nhưng chẳng có tâm đại Bồ Đề, một đằng là thật hành đạo Bồ Đề.
Tu học quan trọng ở chỗ thật hành, chứ còn nói đắc cái này đắc cái kia, hay ấn tâm này ấn tâm nọ nhưng chẳng thực hành thì cũng chẳng được lợi ích chân thật gì cả, nhiều khi còn phản tác dụng, trở thành vọng tưởng, điên cuồng, tự lầm mình tổn người. Cho nên Sự - Lý phải viên dung, tức dung thông kết nối với nhau, không bị 'ách' lại chỗ nào cả, dù việc nhỏ cho đến việc lớn. Nếu bị 'kẹt' lại chỗ nào đó [mà mình không làm được] thì sẽ thành 'văn tự suông', mình lẫn người đều chẳng được lợi ích gì cả, nhiều khi còn có hại thêm là khác. Cho nên, học Phật sợ nhất là 'văn tự suông', nhạt nhẽo, vô vị, học tập kiểu 'trả bài', nhồi nhét.
Thật sự chúng sanh trong luân hồi thoạt lên, thoạt xuống, luân chuyển trong sáu đường chẳng dứt, từ vô thỉ kiếp đến nay, thời gian quá lâu xa, không có con số tính toán nào đo lường được. Cho nên các Ngài nói "hết thảy sinh vật như ruột thịt", bởi vậy đừng có sát hại, ăn nuốt lẫn nhau. Nhất là đã làm thân người rồi, có đạo lý luân thường, càng không nên làm thế. Huống hồ mỗi sinh vật đều có linh tánh, tức có tự tánh [như Phật, làm Phật], cho nên Phật nói: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành", bởi [bản chất] vốn là như vậy nên sớm muộn gì cũng sẽ là như vậy, không thể khác được, chẳng qua thời gian nhanh chậm có khác biệt mà thôi. Có vị thì một đời [vãng sanh, Bất thoái cho đến thành Phật], có vị nhiều đời nhiều kiếp [mới giải thoát], có vị vô lượng vô biên kiếp... Song rốt cuộc cũng phải trở về chân như tự tánh [làm Phật] của mình mà thôi. Cho nên sát hại một sinh vật là sát hại 'một vị 'Phật tương lai' vậy.
Đoạn tiếp: Chúng sanh đời Mạt muốn liễu sanh tử, chẳng lấy tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương làm chí hướng, sự nghiệp, tuy sở ngộ giống như Ngũ Tổ Giới...
Như thế nào gọi là 'chí hướng, sự nghiệp'? Chúng ta thường nghe nói như: Cuộc đời và Đạo nghiệp [của vị nào đó]. 'Chí hướng, sự nghiệp' ở đây chính là 'Đạo nghiệp' của chúng ta vậy. Tức là song song trong cuộc đời này, khác với người thế gian [không tu tập], chúng ta còn một 'con đường' khác nữa, là 'Đạo nghiệp' của chúng ta. Tức là từ lúc phát tâm cho đến cuối đời, xuyên suốt, không gián đoạn, đây là việc chính yếu, cốt lõi, các công việc ở thế gian trở thành trợ duyên, trợ hạnh cho việc [tu tập cầu giải thoát] này. Hay nói cách khác, bất luận sớm hay muộn, từ lúc phát tâm trở đi, mọi công việc khác đều xoay quanh công việc trung tâm này, đều để 'phục vụ' cho công việc này, dưới các hình thức, tính chất khác nhau [như trọn hết bổn phận, gìn giữ tánh đức, giữ vẹn luân thường, tự lợi lợi tha...]. Nói chung, với hành giả Tịnh Độ như chúng ta thì 'chí hướng, sự nghiệp' đó là, trước hết phải gầy dựng cho được Tín Nguyện tâm chân thật, đầy đủ, rồi giữ gìn, chân thật hành trì mãi đến cuối đời. Tức là "Dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật" từ lúc bình thời cho đến cuối đời, đây là trọng tâm, cốt lõi [không thể thiếu, không thể gián đoạn], bên cạnh các trợ hạnh trợ duyên khác [mà nhiều cái cũng quan trọng, chẳng thể thiếu sót]. Cho nên, nhiều người cứ nói đến tu tập Tịnh Độ là chỉ nói 'ăn chay, niệm Phật', thiếu hẳn việc gầy dựng, giữ gìn Tín Nguyện, đây quả là thiếu sót quá lớn vậy. Hệ quả đưa tới là sao, chắc ai cũng đã rõ, là kiểu gì cũng phải có 'bước cuối cùng' là 'lâm chung phải niệm Phật được Phật mới lai nghinh'. Cho nên, 'chí hướng, sự nghiệp' cả đời của họ chỉ nhằm chuẩn bị, phục vụ cho 'bước cuối cùng' này. Như thế liệu có ổn chăng? Dạ vâng, tu tập cả đời [như thế] thì cùng lắm [tốt lắm] là cuối cùng được sanh về Biên Địa. Còn những ai kém may mắn hơn [chứ chưa hẳn tu tệ hơn] thì đành 'rớt lại' vậy, rồi đời này đã lỡ, đời sau, sau nữa v.v... nói chung là bất định! Pháp này [Biên Địa Nghi Thành] là bất định, bởi phụ thuộc nhiều vào Phước đức, Nhân duyên của mỗi người. Mà đã là Nhân duyên thì bất tận, không thể suy lường, đoán định được. Cho nên Chư Phật, Chư Tổ Sư hết thảy đều không khuyến khích, khuyên dạy nên tu học Pháp này. Chỉ một số Chư vị nào đó hay khuyến dạy mà thôi [chẳng hiểu do từ bi hay kiến giải lầm lạc] rồi chúng sanh học theo quá nhiều, đến nỗi dần trở thành Pháp chủ lực, Pháp 'đại cứu tinh' cho chúng sanh thời nay. Thật ra thì Pháp này thời nay rất thịnh hành, đó là do dễ lưu thông, mọi người dễ tin nhận hơn [Chánh Pháp kia], nên dễ phổ quát khắp đại chúng; và cũng thật sự 'Đại từ đại bi' ở chỗ là cứu vớt những chúng sanh thiếu Tín tâm, Tín tâm không tròn đầy, mà lực lượng này lại chiếm đa số, đặc biệt là trong thời Mạt 'phước mỏng, huệ cạn' này. Cho nên nó đã trở thành Pháp 'đại cứu tinh' và phát triển rộng khắp thì cũng có cái lý của nó vậy. Cho nên, có thể rằng cả đời họ tu tập chưa thật sự như lý như pháp [tức Y giáo phụng hành], cho nên phải cần 'công đoạn cuối' thực hiện cho tốt thì may ra cũng được giải thoát. Nhưng rõ ràng số lượng thành tựu cũng không ít, nhưng số lượng chẳng thành tựu thì còn nhiều hơn, bởi quá nhiều nguy hiểm, rủi ro [nếu tu tập như vậy]. Cho nên, tốt nhất là ngay từ lúc bình thời này, chúng ta cứ y theo lời Phật, lời Tổ mà tu học, hành trì, như thế mới chắc ăn, mới quyết định được. Lấy đây làm chí hướng sự nghiệp, là 'Đạo nghiệp' của cuộc đời này vậy. Bởi vậy, cái nào cũng có cái giá của nó hết, cùng tu tập, cùng ra sức hành trì, cùng thấm đẫm 'mồ hôi và nước mắt', nhưng giữa tu đúng và tu không đúng [dù nhìn hình tướng có vẻ không khác nhau mấy] là cả một trời khác biệt đấy, chẳng phải chuyện chơi đâu!
Đoạn tiếp: Chúng ta từ vô thỉ cho đến tận đời này vẫn còn lưu chuyển trong luân hồi, đều là vì trong những đời trước do ngu muội nên chẳng dám gánh vác, hoặc do cuồng dại nên hoàn toàn chẳng tin nhận mà ra!
Nói cụ thể ra là, chúng ta nhiều đời nhiều kiếp có thể đã bắt gặp nhân duyên Tịnh Độ rồi, nhưng mãi vẫn chẳng thể thành tựu giải thoát, đó là do chúng ta thiếu Tín Nguyện mà ra cả, chứ chẳng phải gì khác. Chúng ta 'chẳng dám gánh vác' [quyết chí vãng sanh trong một đời] để viên thành Phật quả, trở lại rộng độ khắp chúng sanh. Chúng ta đã chẳng dám 'gánh vác' điều này, bởi nghĩ mình thân phận phàm phu, hãy còn phiền não tham sân si này kia, hay nghĩ mình chưa đủ thiện căn, công đức, phước duyên [cần phải tích lũy thêm nhiều đời nhiều kiếp nữa]... những kiến giải kiểu như vậy hoàn toàn mang tư tưởng của Pháp tu tự lực, lại đem áp dụng vào Tịnh Độ, thành ra mới nông nổi như vậy [trở thành tà kiến]. Hoặc giả do chúng ta thiếu nhân duyên bắt gặp được đúng Chánh Pháp mà Phật, Tổ đã truyền trao. Mặc dù cũng là Tịnh Độ, nhưng đã bị sai lệch, 'tam sao thất bổn' đi rồi, hoặc cũng có thể đã được gặp gỡ nhưng lại bị mê lầm [cuồng dại] do nghiệp chướng làm chướng ngại, ngăn lấp, không thể phát khởi lên được.
Cho nên nói "học Phật là sự hưởng thụ tối cao của đời người", quan điểm này liệu có đúng chăng? Nếu thế thì sao Phật dạy phải "Lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy" chi vậy? Dạ vâng, đành rằng sự 'hưởng thụ tối cao' ở đây ý không phải là theo kiểu hưởng thụ 'Dục lạc' của thế gian, mà là từ pháp vị, nội tâm lưu xuất ra. Cho nên, ở một khía cạnh nào đó, điều này cũng có thể chấp nhận. Tuy nhiên, một khi phổ biến, lưu truyền rộng rãi ra bên ngoài lại phát sanh nhiều hệ lụy trầm trọng. Bởi chúng sanh thời nay mấy ai phân biệt được giữa 'Dục lạc' với 'Pháp lạc' đâu, mà niềm vui thế gian này đa phần đều là Dục lạc cả. Như thế vô hình chung việc tu học là để mưu cầu Dục lạc chăng [bên cạnh cầu giải thoát]? Như thế riết rồi tâm sanh tử còn đâu [mà tha thiết muốn về], còn đâu "lấy giới làm thầy" [bởi đã nhiễm Dục lạc nặng rồi thì sao giữ giới nghiêm minh được], rồi làm sao "lấy khổ làm thầy" [để tinh tấn hành trì, cầu thoát lìa sanh tử khổ đau này], rồi làm sao thoát khỏi 'lưới ma' cho được [bởi Dục lạc là do các vị ấy cai quản, điều khiển 'từ xa']... Đành rằng, trên bước đường tu tập cũng cần niềm vui [Pháp lạc, pháp vị] này kia, nhưng một khi đã 'truy cầu' thành 'chí hướng, sự nghiệp' [bên cạnh việc giải thoát] thì những hệ lụy [cho hàng phàm phu hậu học] là không thể nói hết được! Chúng ta những hành giả Tịnh Độ cần phải khắc ghi lời Phật dạy trong Kinh rằng: "chỉ cần tinh tấn khó nhọc một đời ngắn ngủi, về sau được sanh về cõi Vô Lượng Thọ an vui vô cùng, vĩnh viễn dứt sạch sanh tử không còn khổ hoạn, thọ mạng ngàn vạn kiếp tự tại tùy ý". Cho nên, còn ở cõi này hãy nên chịu khó, chịu khổ [mà hành trì tu tập] đi, một khi về được trên đó rồi thì tha hồ 'hưởng thụ' gì đó cũng được. Chứ còn hiện tại ở đây [phàm phu] mà đã ra vẻ 'hưởng thụ tối cao' rồi, như thế là hành trì không đúng lời Phật dạy trong Kinh, sẽ dẫn đến những hậu họa về sau vậy. Chúng ta đang tu học Tịnh Độ cầu vãng sanh Cực Lạc, thoát ly sanh tử, khác hẳn với các Pháp môn thông thường [tự lực] khác. Cứ nghe các vị [chuyên tu các Pháp ấy] nêu lên thấy hay quá tâm đắc quá rồi 'đúc kết' thành 'sự nghiệp' luôn, như thế thì hàng phàm nhân hậu học sẽ ra sao đây, sẽ đi về đâu?! Chúng ta đọc khắp các Kinh điển Tịnh Độ thấy có chỗ nào Phật thuyết rằng hãy nên 'hưởng thụ' khi còn phàm phu trong sanh tử luân hồi này không? Hay chỉ toàn thấy Phật nêu lên những khổ đau triền miên không dứt [của sanh tử]? Rồi một khi được sanh về cõi ấy rồi Ngài mới cực lực tán thán [những Pháp lạc vô vi] ở cõi ấy.
Các đoạn còn lại chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng
Đại Sư Ấn Quang
Như Hòa chuyển ngữ