Chánh kinh:
Phật ngữ A Nan:
- Bỉ Cực Lạc giới vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm. Vĩnh vô chúng khổ, chư nạn, ác thú, ma não chi danh.
Phật bảo A Nan:
- Cõi Cực Lạc thế giới công đức vô lượng, trang nghiêm đầy đủ, vĩnh viễn không có các tên gọi các khổ, các nạn, đường ác, ma làm não loạn.
Giải:
Ðoạn này miêu tả y báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc. Y báo trang nghiêm là do nguyện thứ nhất “cõi nước không có ác đạo” và nguyện thứ ba mươi chín “trang nghiêm vô tận” cảm thành.
“Vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm” (Công đức vô lượng, trang nghiêm đầy đủ): Sách Vãng Sanh Luận bảo có ba thứ công đức trang nghiêm: Một là cõi nước Phật, hai là A Di Ðà Phật, ba là các vị Bồ Tát (mỗi thứ này đều có đủ vô lượng công đức trang nghiêm). Do có đủ cả ba thứ trang nghiêm như thế nên kinh nói: “Vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm”.
Luận còn chép: “Cõi nước Phật ấy công đức trang nghiêm nên thành tựu sức chẳng thể nghĩ bàn, giống như tánh của báu Ma Ni Như Ý kia [có thể dùng làm] pháp tương tự, tương đối vậy”. Ý nói: Mỗi thứ trong Cực Lạc thế giới đều tùy theo cơ nghi của mỗi người trong nước mà hiển hiện. Chẳng hạn như nước công đức trong các suối ao có thể “nhất nhất tùy chúng sanh ý” (mỗi mỗi đều thuận theo ý của chúng sanh) khác nào báu Ma Ni (còn gọi là báu Như Ý) có thể tùy thuận ý thích của mỗi người mà hóa hiện các thứ.
Sách Luận Chú tức Vãng Sanh Luận Chú của ngài Ðàm Loan giảng câu “như tánh của báu Ma Ni Như Ý kia” như sau:
“Mượn tánh chất của báu Ma Ni Như Ý để hiển thị tánh chẳng thể nghĩ bàn của cõi An Lạc. Lúc chư Phật nhập Niết Bàn liền dùng sức phương tiện khiến thân nát thành xá-lợi để tạo phước cho chúng sanh. Khi chúng sanh hết phước, các viên xá-lợi ấy biến thành Ma Ni Như Ý bảo châu. Những châu này phần nhiều ở trong biển cả, đại long vương dùng để trang hoàng trên đầu. Nếu Chuyển Luân Thánh Vương ra đời thì do từ bi phương tiện, ông ta sẽ có được viên bảo châu ấy để gây lợi ích lớn lao cho cõi Diêm Phù Ðề.
Nếu cần y phục, thức ăn, đèn soi, nhạc cụ, các thứ vật dụng tùy lòng mong muốn thì vua trai giới thanh khiết, đặt châu trên đầu sào cao, phát nguyện rằng: ‘Nếu tôi đúng là Chuyển Luân Thánh Vương thì nguyện bảo châu này sẽ mưa xuống các vật như thế suốt cả một dặm, hoặc là mười dặm, hoặc là trăm dặm đúng như tâm nguyện của tôi’.
Ngay khi ấy, trong không trung lập tức mưa xuống các thứ vật ứng theo lòng mong, thỏa mãn nguyện vọng của hết thảy mọi người trong cả một thiên hạ. Ðấy là tánh lực của bảo châu ấy. Cõi nước An Lạc kia cũng giống như thế: Dùng tánh an lạc để thành tựu các thứ”.
Sách Vãng Sanh Luận Chú lại giảng câu “tương tự, tương đối” như sau: “Báu đó chỉ có thể thỏa các nguyện cơm, áo v.v… của chúng sanh, chẳng thể ban cho họ cái nguyện vô thượng đạo. Hơn nữa, báu ấy chỉ có thể thỏa nguyện một đời cho chúng sanh, chẳng thể thỏa nguyện chúng sanh trong vô lượng thân. Có vô lượng điều sai biệt như thế nên bảo là tương tự”. Ý nói: Cõi nước Cực Lạc thành tựu sức chẳng thể nghĩ bàn vượt xa hết thảy, không có cách nào so sánh nổi; ở đây chỉ tạm mượn báu Ma Ni để làm thí dụ, chứ thật sự báu Ma Ni còn kém xa muôn vàn, nên mới bảo là “tương tự”; chỉ là miễn cưỡng so sánh thôi nên mới bảo là “tương đối”. “Ðối” (對) có nghĩa là đem so sánh vậy.
Trong sách Luận Chú, Ðàm Loan đại sư còn giảng câu “công đức vô lượng, trang nghiêm đầy đủ” như sau: “Từ nghiệp trí huệ thanh tịnh của Bồ Tát phát khởi trang nghiêm Phật sự, nương pháp tánh nhập tướng thanh tịnh. Pháp ấy chẳng điên đảo, chẳng hư ngụy nên gọi là công đức chân thật”. Ðàm Loan đại sư quả đã phơi bày trọn vẹn tạng bí mật của Như Lai: Bồ Tát nương vào Thật Tế của pháp tánh để nhập vào trí huệ chân thật (tức là “trụ Chân Thật Huệ” nói trong kinh này) nên xa lìa điên đảo, hư ngụy. Ðấy là công đức chân thật. Công đức chân thật chính là “công đức vô lượng”. Thế giới Cực Lạc trang nghiêm bằng công đức chân thật như thế nên “trang nghiêm đầy đủ”. Do vậy, cõi ấy thành tựu được sức chẳng thể nghĩ bàn.
Vãng Sanh Luận Chú còn bảo: “Chữ ‘sức chẳng thể nghĩ bàn’ chỉ chung mười bảy sức công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn trong cõi Phật ấy… Trong những sức ấy, sức cõi Phật chẳng thể nghĩ bàn lại gồm hai điều:
1. Một là nghiệp lực, nghĩa là do nghiệp lực của đại nguyện thiện căn xuất thế của Bồ Tát Pháp Tạng cảm thành.
2. Hai là do sức khéo trụ trì của đấng Chánh Giác A Di Ðà pháp vương nhiếp thọ”.
Trong mười bảy sức vừa nói, sức thứ nhất là Trang Nghiêm Thanh Tịnh Công Ðức Thành Tựu. Sách Luận Chú viết: “Thanh tịnh là tổng tướng. Sở dĩ Phật khởi ra công đức trang nghiêm thanh tịnh này là do Ngài thấy tam giới là tướng hư ngụy, là tướng luân chuyển, là tướng vô cùng (ám chỉ sanh tử) như con cuốn chiếu cuộn tròn, như tằm kéo kén tự nhốt mình. Thương ôi, chúng sanh điên đảo bất tịnh! Muốn đặt chúng sanh nơi chẳng hư ngụy, nơi chẳng luân chuyển, nơi chẳng có [sanh tử] vô cùng, được hưởng chốn thanh tịnh đại an lạc rốt ráo nên Phật khởi lên công đức thanh tịnh trang nghiêm này”. (...)
Ảnh minh họa: "Nầy Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc, thành tựu công đức, trang nghiêm như thế! Lại này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia, thường trỗi nhạc trời, vàng ròng làm đất, ngày đêm sáu thời, mưa hoa Mạn-đà-la cõi trời. Chúng sanh ở cõi ấy, cứ mỗi sáng sớm, thường dùng đãi y, đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức Phật ở phương khác, vừa đến giờ ăn, trở về nước mình, ăn cơm, kinh hành."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Trong Phẩm 11 "Quốc Giới Nghiêm Tịnh" miêu tả những sự trang nghiêm thù thắng nơi cõi Cực Lạc, chúng ta cùng đọc và học tập để hiểu rõ hơn về Quốc Độ của Phật, nơi hằng ngày chúng ta luôn trông ngóng mong mỏi được 'trở về', qua lời Phật thuyến trong Kinh.
Mở đầu Phật thuyết rằng: "Cõi Cực Lạc thế giới công đức vô lượng, trang nghiêm đầy đủ, vĩnh viễn không có các tên gọi các khổ, các nạn, đường ác, ma làm não loạn". Ở phần trích lục bên trên này chúng ta cùng đọc chú giải của các Ngài về đoạn "công đức vô lượng, trang nghiêm đầy đủ" là như thế nào, để nắm được một cách khái quát trước khi đi vào các chi tiết cụ thể hơn.
Nói chung thì cảnh giới nơi Quốc độ ấy thật vi diệu thù thắng, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể dùng ngôn từ nào của thế gian mà luận bàn hết được. Tuy nhiên có cái là tuy "trang nghiêm đầy đủ [vô tận]" như thế nhưng lại thật thanh tịnh, an lạc, mát mẻ... chứ không phải kiểu 'hào nhoáng, choáng ngợp' như một số cảnh sắc nơi đây, khiến người ta cảm giác 'sợ hãi, lo lắng'. Tức cảnh giới đó khế hợp với chân tâm tự tánh của mỗi chúng sanh khiến cho họ luôn được cái cảm giác mát mẻ, an lạc, 'thư thái tự tại' chứ không phải kiểu 'rụt rè, e sợ, bất an' như khi chúng ta chứng kiến các cảnh tượng hùng vĩ, nguy nga [do con người tạo ra] nơi đây. Cho nên, đừng thấy trong Kinh Phật nói cõi nước ấy "trang nghiêm thanh tịnh" quá thì đâm ra 'sợ sệt', rồi nghĩ tưởng rằng thân phận mình đây còn phàm phu thấp kém quá thì làm sao khế hợp, dung hòa [một khi được về cõi ấy] được đây. Thật sự thì, một khi được về cõi ấy rồi thì cảnh giới [tương ưng với phẩm vị của mình] nơi đó tạo nên cảm giác an lạc tự tại thoải mái vui vẻ không gì bằng, còn hơn cả [cảm giác an tâm] khi chúng ta đi xa trở về nhà mình nữa. Cho nên, tuy xa lạ [chưa bao giờ đặt chân đến] nhưng lại thật gần gủi biết bao! Với lại, như các Ngài đã chú giải bên trên, "giống như tánh của báu Ma Ni Như Ý kia", tức là ta muốn như thế nào thì [được] như thế ấy, ví dụ "nước đến chân, đến gối, đến lưng, đến cổ hoặc muốn rưới khắp thân, muốn lạnh, muốn ấm, chảy mạnh hay từ từ, nhất nhất theo ý muốn, giúp phát giác tánh, phá mê khai ngộ, sạch sẽ yên tịnh" như trong Kinh thuyết. Cho nên chúng ta hãy cố gắng trở về 'quê hương' của mình, càng sớm càng tốt, tốt nhất là chỉ gói gọn trong một đời này mà thôi, đừng nên trông mong ở một đời nào khác. Chư Phật Chư Tổ cũng luôn khuyến hóa như vậy. Chúng ta cần phải 'y giáo phụng hành' điều này vậy. Còn về bằng cách nào thì các Ngài đã tận tình chỉ rõ ràng tường tận rồi.
Chúng ta tiếp tục phần gầy dựng Tín tâm Nguyện tâm dành cho hành giả Tịnh Độ, dĩ nhiên là dành cho tất cả các căn cơ, thời gian tu tập lâu mau, sơ cơ hay có 'thâm niên', bình đẳng, không phân biệt. Nhưng dù gì thì nếu đã có 'thâm niên' huân tập gầy dựng rồi thì sẽ thuận tiện hơn những người mới 'chân ướt chân ráo', phàm việc gì cũng vậy thôi, nhưng theo thời gian thì hy vọng thứ lớp sẽ thành tựu tất thảy thôi bởi việc này luôn được lặp đi lặp lại mãi [gọi là gầy dựng, giữ gìn] chứ chẳng phải như việc thế gian cứ đi tới mãi rồi lỡ mà 'mất căn bản' là xong luôn không theo kịp. Cái học tập hành trì [huân tập] trong đạo nó khác hoàn toàn thế gian pháp là vậy.
Chúng ta biết rằng, học theo Kinh giáo và lời Chư Tổ Sư các Ngài chỉ dạy thì chúng ta có một số cách để gầy dựng Tín tâm chân thật [với Bổn Nguyện], tức là làm sao gầy dựng Tín tâm cho được điều này "Niệm Phật ắt vãng sanh". Đây là nội dung [cốt lõi] của Bổn Nguyện tiếp dẫn [Đại Nguyện thứ 18] mà chúng ta đã học tập trong Kinh giáo, hành giả Tịnh Độ cần phải có Tín tâm với điều này, một cách chân thật, đầy đủ [chí tâm tin ưa, bất sanh nghi hoặc]. Ở đây, chúng ta tiếp tục đề cập đến một cách [tạm gọi là cách thứ 2], đó là "Niệm Phật, nương Nguyện lực của Phật, không ai không được vãng sanh". Có một vấn đề mà hành giả chúng ta hay thắc mắc [chất vấn] đó là: Biết là 'nương sức Phật' [mà cầu sanh] thì chắc chắn được sanh về rồi đó, nhưng khi nào thì được 'nương', ai được nương mà ai chẳng được nương đây? Bởi thực tế thì số lượng người niệm Phật [cầu sanh] thì 'quá trời' mà đâu phải cuối đời ai ai cũng [được nương sức Phật] mà được về cả đâu? Rất nhiều người tinh tấn cả đời, làm công đức phước duyên này kia rộng khắp nhưng vẫn 'trượt' như thường đấy thôi? Sao lại nói "Niệm Phật, ắt vãng sanh" là sao đây? Rằng tôi đây thật sự vẫn còn bán tín bán nghi điều này, chẳng thể phát khởi Tín tâm chân thật [với điều này] được? [Thế cho nên] rất nhiều các vị Cao Tăng, Thạc Đức, Đại Sư, Giảng Sư... lại luôn nói, rằng niệm Phật đúng là sẽ được vãng sanh nhưng vấn đề là niệm Phật công phu phải như thế nào, nhất tâm bất loạn, thành khối thành phiến, hay chí ít cũng Bất niệm tự niệm, hoặc giả tệ lắm cũng tương tục không gián đoạn [kể cả lúc ngủ cũng vậy]... như thế thì mới được! Như thế thì mới 'hy vọng' cuối đời niệm được câu Phật hiệu, rồi Phật mới đến rước được v.v... Rồi ở khía cạnh khác, một mặt niệm Phật, nhưng tâm địa phải như thế nào [mới được Phật tiếp dẫn], chứ hãy còn ít nhiều phiền não, sân si dấy khởi lên như thế mà bảo được Phật rước ư? Rồi một khi những tư tưởng này đã ăn sâu vào tâm thức rồi thì trong cuộc sống hằng ngày tiếp người đối vật, đụng cảnh đụng duyên cứ mở miệng ra là: Ông bà [hành xử, tâm địa] như thế thì làm sao vãng sanh? Phải [hành xử, đạo tâm] như thế này thế nọ thế kia mới vãng sanh được?... Riết rồi cái gì [ở thế gian] cũng thành 'chuẩn mực, thước đo' để được vãng sanh hết! Hằng ngày chúng ta ra sức 'gầy dựng' như thế thì làm sao để đạt "chí tâm tin ưa", "bất sanh nghi hoặc" như trong Kinh giáo [yêu cầu] đây hởi?! Bởi nếu như thế thì hãy còn [khoảng cách] quá xa nữa... Thôi thì tất cả hãy 'tùy duyên' vậy, đường đời [và cả đường đạo] muôn vạn nẻo, biết làm sao được, chúng ta hãy dùng Kinh giáo để dần thuyết phục họ, hãy kiên nhẫn với họ vậy!
Trở lại vấn đề cần bàn, trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật thuyết rằng:
"Văn dĩ thọ trì cập thư tả
Độc tụng, tán diễn, tinh cúng dường
Như thị nhất tâm cầu tịnh phương
Quyết định vãng sanh Cực Lạc quốc
Giả sử đại hỏa mãn tam thiên
Thừa Phật oai đức tất năng siêu"
Dịch nghĩa:
"Nghe rồi thọ trì và biên chép
Đọc tụng, tán thán và cúng dường
Như vậy nhất tâm cầu Tịnh độ
Quyết định vãng sanh cõi Cực Lạc
Giá sử lửa cháy khắp ba ngàn
Nương oai đức Phật tất siêu việt"
Ở đây chúng ta trích dẫn cả phần nguyên văn chữ Hán để có cái nhìn sát nghĩa. Chúng ta chú ý chỗ là "Như vậy nhất tâm cầu Tịnh độ; Quyết định vãng sanh cõi Cực Lạc". Liễu nghĩa ra một chút đó là: [Tu tập hành trì] như vậy, nhất tâm cầu Tịnh Độ; [Sẽ] quyết định vãng sanh cõi Cực Lạc [ngay trong đời này]. Chữ "như vậy" ý chỉ câu trên "Thọ trì, biên chép, đọc tụng, tán thán và cúng dường". Tức về mặt Hạnh [để hành trì] thì không nhất thiết chỉ có Chánh hạnh niệm Phật mà còn có thể gồm các Trợ hạnh khác [Nhưng trong đoạn cuối Phật khuyên "Nên vui mừng hãy chuyên niệm Phật", bởi dù gì thì chuyên [chánh hạnh] vẫn hơn]. Nhưng chổ quan trọng nhất ở đây đó là "nhất tâm cầu tịnh phương" [thì mới được] "Quyết định vãng sanh Cực Lạc quốc". Tức cái Phật yêu cầu [Pháp yêu cầu] đó là "Nhất tâm cầu Tịnh Độ", chứ không phải Nhất tâm hành trì những hạnh kia [thọ trì, biên chép, đọc, tụng, tán thán...] thì sẽ được sanh về. Pháp [Phật] đã cho phép tu nhiều hạnh như thế thì làm sao có thể "nhất tâm" [mà hành tất cả] cho được! Cho nên, liễu nghĩa như thế để thấy được rằng, điều quan trọng là có hành trì [Chánh, trợ hạnh], mức độ như thế nào không yêu cầu, nhưng phải "nhất tâm cầu Tịnh Độ", đây mới là chỗ yêu cầu. Như vậy "Nhất tâm cầu Tịnh Độ" là như thế nào? [Để được "Thừa Phật oai đức tất năng siêu" (Nương oai đức Phật tất vượt qua [tất cả]), "Quyết định vãng sanh Cực Lạc quốc"]. Dạ vâng, như chúng ta đã biết, "nhất tâm cầu Tịnh Độ" có hai dạng: Một là công phu niệm Phật [cầu Tịnh Độ] đạt tới cảnh giới "nhất tâm bất loạn"; hai là Tín tâm đạt "nhất tâm tin tưởng" [cầu sanh Tịnh Độ]; ngoài ra không có cái "nhất tâm" nào khác cả.
Qua phân tích như thế chúng ta mới thấy được rằng, để được "Nương oai đức Phật [tức nương Phật Nguyện lực]" mà cầu sanh về, thì cần những điều kiện như thế nào? Đó chính là phải có hành trì [Chánh, trợ] và phải có "nhất tâm" [cầu sanh về]. Tùy nhân duyên, căn cơ mỗi người mà chọn lựa Pháp cho phù hợp với mình, có người chọn gầy dựng công phu "nhất tâm bất loạn", có người chọn gầy dựng Tín tâm cho đạt "nhất tâm tin tưởng" [tức "chí tâm tin ưa", "bất sanh nghi hoặc"]. Trong Kinh giáo thì Đại Nguyện nào được các Ngài lấy làm 'hồng tâm' [tức cốt lõi, quan trọng nhất], trong ấy Phật thuyết [chọn] cái "nhất tâm" nào? Rồi Chư Tổ Sư từng đời qua các Ngài đúc kết, khuyến hóa thành Tông chỉ tông yếu Pháp môn đó thì các Ngài dùng cái "nhất tâm" gì [mới là đúng đường lối Tông chỉ, mới là hợp với căn cơ đại đa số chúng sanh thời Mạt]? Tất cả đó chúng ta đều đã rõ rồi vậy.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 11. Quốc Giới Nghiêm Tịnh
Ngài Hoàng Niệm Tổ