Nhận được thư, biết tấm lòng mộ đạo của cư sĩ cực kỳ khẩn thiết, an ủi khôn cùng! Nhưng do phải giảo định An Sĩ Toàn Thư và bận rộn nhiều việc, chẳng rảnh phúc đáp, nên mới lần chần đến bây giờ. Tâm tham - sân - si ai nấy đều có. Nếu biết đấy là bệnh thì thế lực của chúng khó thể lừng lẫy. Ví như kẻ giặc vào nhà người ta, nếu chủ nhân coi nó là người nhà thì toàn bộ những thứ quý báu trong nhà đều bị nó lấy trộm hết sạch. Nếu biết nó là giặc, chẳng cho nó lưu lại trong nhà mình một khắc, phải đuổi nó đi xa cho khuất mắt, ngõ hầu của cải chẳng bị mất mát, chủ nhân mới yên dạ. Cổ đức nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ biết chậm”. Tham - sân - si vừa khởi nhận biết liền thì ngay lúc ấy chúng sẽ bị tiêu diệt. Nếu coi tham - sân - si là chủ nhân chánh thức của nhà mình thì cũng như nhận giặc làm con, của cải quý báu trong nhà ắt phải tiêu tán!
"Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu, Trái tim lầm chỗ để trên đầu..."
'Nhận giặc làm con' có ngày nhà cửa sạch sẽ!
Lúc niệm Phật chẳng thể khẩn thiết là vì không biết Sa Bà là khổ, Cực Lạc là vui vậy! Nếu nghĩ đến thân người khó được, khó sanh vào chính giữa đất nước, Phật pháp khó gặp gỡ, pháp môn Tịnh Độ lại càng khó gặp gỡ. Nếu không nhất tâm niệm Phật, một khi hơi thở không hít vào được, chắc chắn sẽ theo ác nghiệp nặng nề nhất trong đời này hay đời trước đọa trong tam đồ ác đạo, chịu khổ bao kiếp dài lâu, trọn không có ngày thoát ra. Như vậy chính là “nghĩ địa ngục khổ, phát tâm Bồ Đề”. Bồ Đề tâm là tâm địa lợi mình, lợi người. Tâm ấy vừa phát ra giống đồ vật nhiễm điện, như thuốc pha thêm lưu huỳnh, sức chúng rất lớn, lại rất mau chóng. Điều này tiêu nghiệp chướng, tăng phước huệ; không phước đức, thiện căn bình thường nào có thể sánh ví cho được! Bị cảnh giới xoay chuyển là do sức tu dưỡng (tháo trì) còn cạn nên hỷ - nộ còn bị động, xấu - tốt hiện ra mặt. “Tháo trì” có nghĩa là hàm dưỡng vậy! Nếu coi trọng chánh niệm thì hết thảy những thứ khác đều thành nhẹ. Vì vậy, người thật sự tu hành phải giồi mài trong trần lao, ắt phải làm cho phiền não tập khí dần dần tiêu diệt thì mới là công phu thực tại.
Người tại gia không ở trong chúng, mỗi người niệm Phật, ngồi, đứng, đi nhiễu, quỳ đều được cả, nhưng chẳng nên chấp cứng một pháp. Nếu chấp chặt một pháp sẽ dễ bị nhọc nhằn, nhưng tâm khó được tương ứng. Hãy nên châm chước tùy theo sức lực và công phu của mình để chọn hạnh thích hợp. Nếu hành theo cách thông thường thì trước hết nên đi nhiễu, rồi ngồi, rồi quỳ. Đi nhiễu hay quỳ cảm thấy nhọc nhằn thì hãy nên ngồi niệm. Nếu ngồi niệm mà thấy hôn trầm thì hãy nên nhiễu niệm, hoặc đứng niệm. Hết hôn trầm lại ngồi niệm. Nên dựa theo giờ, chẳng nên lần chuỗi vì lần chuỗi sẽ khó dưỡng tâm.
An Sĩ Toàn Thư quả thật là hướng dẫn tốt lành tối thắng trong đời mạt. Cư sĩ Vưu Tích Âm cực lực muốn cho sách này được lưu truyền toàn quốc ngõ hầu mọi người đều mở rộng tầm mắt, nhờ đấy vãn hồi thế đạo nhân tâm, ngừng dứt thiên tai nhân họa. Nay đã quyên được hơn một vạn bộ, nhưng vẫn còn khó thể rộng lưu truyền. Nay gởi một bản thông cáo và một trang biện pháp, mong các hạ đọc xong, tùy phần tùy sức giúp đỡ, tùy duyên, tùy cơ khuyên lơn. Không đủ sức bỏ tiền của thì dùng lời lẽ khen ngợi khiến người ta phát tâm, cũng là công đức! Cốt sao bọn mê muội nghe tiếng chuông ban mai tỉnh giấc mộng, lũ tham ái thấy nhân quả lòng run sợ! Nếu chuyển được lòng người thiên tai sẽ tự tiêu. Đây thuộc về cái đạo “nguồn trong, gốc chánh”, tuy là pháp thiển cận thuộc Thế Đế, nhưng đạt được phương tiện tối thắng của pháp xuất thế sâu xa không thể suy lường. Với những ai tri giao hãy nên khuyến phát. Với người không tin chớ có khuyên ép. Bởi điều này thuộc về kết thiện duyên, nếu miễn cưỡng bèn xen tạp phiền não, dẫu có công lao nhỏ nhoi, nhưng quả thật là lỗi lầm lớn, chưa thể đạt được lợi ích lớn lao, trở ngại cái tâm tự lợi, lợi tha.
Hành giả thời nay tự giữ chánh niệm luôn thì hơi bị khó. Tốt nhất cần có phương tiện để trợ duyên, đó là chiếc máy niệm Phật. "Trú dạ bất đoạn", luôn đeo, nghe, niệm (nếu có thể nghe, niệm, bấm... đều thập niệm càng hay, dễ nhiếp tâm, trừ vọng hơn).
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1
Thư trả lời cư sĩ Trần Huệ Siêu
Đại Sư Ấn Quang