Phật ngữ A Nan:
- Bỉ Cực Lạc giới vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm. Vĩnh vô chúng khổ, chư nạn, ác thú, ma não chi danh. Diệc vô tứ thời hàn, thử, vũ, minh chi dị. Phục vô đại tiểu giang, hải, khâu lăng, khanh khảm, kinh, cức, sa, lịch, Thiết Vy, Tu Di, thổ thạch đẳng sơn. Duy dĩ tự nhiên thất bảo, hoàng kim vi địa, khoan quảng bình chánh, bất khả hạn cực, vi diệu kỳ lệ, thanh tịnh trang nghiêm, siêu du thập phương nhất thiết thế giới.
Phật bảo A Nan:
- Cõi Cực Lạc thế giới công đức vô lượng, trang nghiêm đầy đủ, vĩnh viễn không có các tên gọi các khổ, các nạn, đường ác, ma làm não loạn; cũng không có bốn mùa, nóng, lạnh, mưa, tối tăm sai khác. Lại cũng chẳng có sông, biển lớn nhỏ, gò, đống, hầm, hố, gai góc, cát, sỏi, Thiết Vy, Tu Di, các hòn núi đá hay núi đất, chỉ tự nhiên là bảy báu, vàng ròng làm đất; bằng phẳng, rộng rãi, bao la chẳng thể hạn lượng, vi diệu, lạ lùng, đẹp đẽ, thanh tịnh trang nghiêm, vượt trỗi hết thảy các thế giới trong mười phương.
Ðoạn này miêu tả y báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc. Y báo trang nghiêm là do nguyện thứ nhất “cõi nước không có ác đạo” và nguyện thứ ba mươi chín “trang nghiêm vô tận” cảm thành.
“Vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm” (Công đức vô lượng, trang nghiêm đầy đủ): Sách Vãng Sanh Luận bảo có ba thứ công đức trang nghiêm: Một là cõi nước Phật, hai là A Di Ðà Phật, ba là các vị Bồ Tát (mỗi thứ này đều có đủ vô lượng công đức trang nghiêm). Do có đủ cả ba thứ trang nghiêm như thế nên kinh nói: “Vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm”.
Luận còn chép: “Cõi nước Phật ấy công đức trang nghiêm nên thành tựu sức chẳng thể nghĩ bàn, giống như tánh của báu Ma Ni Như Ý kia [có thể dùng làm] pháp tương tự, tương đối vậy”. Ý nói: Mỗi thứ trong Cực Lạc thế giới đều tùy theo cơ nghi của mỗi người trong nước mà hiển hiện. Chẳng hạn như nước công đức trong các suối ao có thể “nhất nhất tùy chúng sanh ý” (mỗi mỗi đều thuận theo ý của chúng sanh) khác nào báu Ma Ni (còn gọi là báu Như Ý) có thể tùy thuận ý thích của mỗi người mà hóa hiện các thứ.
Sách Luận Chú tức Vãng Sanh Luận Chú của ngài Ðàm Loan giảng câu “như tánh của báu Ma Ni Như Ý kia” như sau:
“Mượn tánh chất của báu Ma Ni Như Ý để hiển thị tánh chẳng thể nghĩ bàn của cõi An Lạc. Lúc chư Phật nhập Niết Bàn liền dùng sức phương tiện khiến thân nát thành xá-lợi để tạo phước cho chúng sanh.
Khi chúng sanh hết phước, các viên xá-lợi ấy biến thành Ma Ni Như Ý bảo châu. Những châu này phần nhiều ở trong biển cả, đại long vương dùng để trang hoàng trên đầu. Nếu Chuyển Luân Thánh Vương ra đời thì do từ bi phương tiện, ông ta sẽ có được viên bảo châu ấy để gây lợi ích lớn lao cho cõi Diêm Phù Ðề.
Nếu cần y phục, thức ăn, đèn soi, nhạc cụ, các thứ vật dụng tùy lòng mong muốn thì vua trai giới thanh khiết, đặt châu trên đầu sào cao, phát nguyện rằng: ‘Nếu tôi đúng là Chuyển Luân Thánh Vương thì nguyện bảo châu này sẽ mưa xuống các vật như thế suốt cả một dặm, hoặc là mười dặm, hoặc là trăm dặm đúng như tâm nguyện của tôi’.
Ngay khi ấy, trong không trung lập tức mưa xuống các thứ vật ứng theo lòng mong, thỏa mãn nguyện vọng của hết thảy mọi người trong cả một thiên hạ. Ðấy là tánh lực của bảo châu ấy. Cõi nước An Lạc kia cũng giống như thế: Dùng tánh an lạc để thành tựu các thứ”.
Sách Vãng Sanh Luận Chú lại giảng câu “tương tự, tương đối” như sau: “Báu đó chỉ có thể thỏa các nguyện cơm, áo v.v… của chúng sanh, chẳng thể ban cho họ cái nguyện vô thượng đạo. Hơn nữa, báu ấy chỉ có thể thỏa nguyện một đời cho chúng sanh, chẳng thể thỏa nguyện chúng sanh trong vô lượng thân. Có vô lượng điều sai biệt như thế nên bảo là tương tự”. Ý nói: Cõi nước Cực Lạc thành tựu sức chẳng thể nghĩ bàn vượt xa hết thảy, không có cách nào so sánh nổi; ở đây chỉ tạm mượn báu Ma Ni để làm thí dụ, chứ thật sự báu Ma Ni còn kém xa muôn vàn, nên mới bảo là “tương tự”; chỉ là miễn cưỡng so sánh thôi nên mới bảo là “tương đối”. “Ðối” (對) có nghĩa là đem so sánh vậy.
Trong sách Luận Chú, Ðàm Loan đại sư còn giảng câu “công đức vô lượng, trang nghiêm đầy đủ” như sau: “Từ nghiệp trí huệ thanh tịnh của Bồ Tát phát khởi trang nghiêm Phật sự, nương pháp tánh nhập tướng thanh tịnh. Pháp ấy chẳng điên đảo, chẳng hư ngụy nên gọi là công đức chân thật”. Ðàm Loan đại sư quả đã phơi bày trọn vẹn tạng bí mật của Như Lai: Bồ Tát nương vào Thật Tế của pháp tánh để nhập vào trí huệ chân thật (tức là “trụ Chân Thật Huệ” nói trong kinh này) nên xa lìa điên đảo, hư ngụy. Ðấy là công đức chân thật. Công đức chân thật chính là “công đức vô lượng”. Thế giới Cực Lạc trang nghiêm bằng công đức chân thật như thế nên “trang nghiêm đầy đủ”. Do vậy, cõi ấy thành tựu được sức chẳng thể nghĩ bàn.
Vãng Sanh Luận Chú còn bảo: “Chữ ‘sức chẳng thể nghĩ bàn’ chỉ chung mười bảy sức công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn trong cõi Phật ấy… Trong những sức ấy, sức cõi Phật chẳng thể nghĩ bàn lại gồm hai điều:
1. Một là nghiệp lực, nghĩa là do nghiệp lực của đại nguyện thiện căn xuất thế của Bồ Tát Pháp Tạng cảm thành.
2. Hai là do sức khéo trụ trì của đấng Chánh Giác A Di Ðà pháp vương nhiếp thọ”.
Trong mười bảy sức vừa nói, sức thứ nhất là Trang Nghiêm Thanh Tịnh Công Ðức Thành Tựu. Sách Luận Chú viết: “Thanh tịnh là tổng tướng. Sở dĩ Phật khởi ra công đức trang nghiêm thanh tịnh này là do Ngài thấy tam giới là tướng hư ngụy, là tướng luân chuyển, là tướng vô cùng (ám chỉ sanh tử) như con cuốn chiếu cuộn tròn, như tằm kéo kén tự nhốt mình. Thương ôi, chúng sanh điên đảo bất tịnh! Muốn đặt chúng sanh nơi chẳng hư ngụy, nơi chẳng luân chuyển, nơi chẳng có [sanh tử] vô cùng, được hưởng chốn thanh tịnh đại an lạc rốt ráo nên Phật khởi lên công đức thanh tịnh trang nghiêm này”.
Ở đây, những điều như kinh dạy: “Vĩnh vô chúng khổ chư nạn, ác thú, ma não chi danh” (Vĩnh viễn chẳng có danh từ các khổ, các nạn, đường ác, ma não loạn) cũng chính là do sức công đức thành tựu ấy chiêu cảm vậy.
“Chúng khổ”: Khổ (苦) có nghĩa là bức bách não loạn. Sự khổ rất nhiều, trong các kinh luận thường nói ba khổ, tám khổ v.v… Ba khổ là:
1. Khổ khổ: Thân này đã là quả của cái khổ, lại còn thêm bị các nỗi khổ bức bách thân tâm nên khổ càng thêm khổ; vì vậy gọi là “khổ khổ”.
2. Hoại khổ: Thế gian này nào có niềm vui chân thật, nào có sự vui lâu dài, ngay lúc niềm vui tan biến đã không ngăn nổi ưu não nên bảo là “hoại khổ”.
3. Hành khổ: Chẳng khổ, chẳng vui nhưng do niệm niệm lưu chuyển nên bảo là “hành”. Rốt cục cũng biến diệt nên bảo là “hành khổ”.
Cực Lạc vĩnh viễn chẳng có ba thứ khổ trên đây như sách Sớ Sao bảo: “Cõi ấy ly dục thanh tịnh nên không có khổ khổ. Y báo, chánh báo luôn tồn tại bất biến nên không có hoại khổ. Vượt thoát tam giới nên không có hành khổ”.
Tám khổ chính là những nỗi khổ của thế nhân như sanh, lão, bệnh, tử, yêu thương mà bị chia lìa, thù ghét cứ phải gặp mặt, cầu không được toại ý và năm ấm lừng lẫy:
1. Sanh trong thai ngục (trong thai chật hẹp như trong ngục nên gọi là “thai ngục”) là “sanh khổ”.
2. Già sợ run rẩy là “lão khổ”.
3. Bị bệnh đau đớn là “bệnh khổ”.
4. Khi chết đau buồn nỗi khổ phân tán (Tứ Đại nơi thân mình chia lìa, chia ly cùng quyến thuộc hiện đời), đó là “tử khổ”.
5. Yêu thương luôn muốn hòa hợp, ghét chia ly, nhưng luôn thường mâu thuẫn, chia cách với người thân, chẳng được ở chung với nhau. Ðấy là “ái biệt ly khổ”.
6. Oán ghét thì muốn trốn đi, sợ phải chạm mặt nhau, nhưng luôn đụng phải kẻ oán cừu, căm ghét. Muốn mong xa lánh lại cứ phải chung đụng. Ðấy gọi là “oán tắng hội khổ”.
7. Cầu mong thì chỉ muốn đạt được, sợ mất mát, nhưng hết thảy sự vật trong thế gian hễ tâm yêu thích thì chẳng cầu được. Ðấy là “cầu bất đắc khổ”.
8. Ngũ ấm xí thịnh khổ được sách Viên Trung Sao giảng như sau:
“Ngũ Ấm là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Ấm có nghĩa là ngăn che, tức là chúng ngăn che chẳng cho chân tánh phát hiện. Thịnh có nghĩa là to lớn, lừng lẫy. Do các nỗi khổ: sanh, già, bệnh, chết… vừa nói ở trên tụ tập lại nên bảo là ngũ ấm xí thịnh khổ”. Tám thứ khổ này cùng nung đốt thế nhân, nhưng cõi Cực Lạc vĩnh viễn chẳng có các nỗi khổ đó.
Sách Sớ Sao bảo:
“Cõi kia liên hoa hóa sanh nên không có sanh khổ. Chẳng có nóng lạnh đắp đổi, thân chẳng bị phần đoạn (phần đoạn sanh tử) nên không có bệnh khổ. Thọ mạng vô lượng nên không có tử khổ. Không có cha mẹ, vợ con nên không có ái biệt ly khổ. Các thượng thiện nhân cùng ở chung một nơi nên không có oán tắng hội khổ. Muốn gì liền tự nhiên có ngay nên không có cầu bất đắc khổ. Quán chiếu không tịch nên không có ngũ ấm xí thịnh khổ”.
Chữ “chư nạn” chỉ tám nạn, tức là những điều gây chướng ngại cho việc gặp Phật, nghe pháp. Tám nạn còn gọi là “bát vô hạ”, nghĩa là tám điều khiến ta không được nhàn hạ để tu đạo nghiệp. Sách Viên Trung Sao bảo tám nạn là:
“Một là địa ngục nạn: Trong địa ngục đêm dài tăm tối, chịu khổ không ngớt, ngăn lấp việc gặp Phật nghe pháp, nên gọi là Nạn.
Hai là súc sanh nạn: Trong đường súc sanh chịu khổ vô cùng, ngăn lấp việc gặp Phật nghe pháp nên gọi là Nạn.
Ba là ngạ quỷ nạn: Trong đường ngạ quỷ chịu khổ vô lượng, ngăn trở việc gặp Phật nghe pháp nên gọi là Nạn.
Bốn là Trường Thọ Thiên nạn, nghĩa là: Sống trong cõi trời ấy thọ đến năm trăm kiếp; đó chính là cõi trời Vô Tưởng thuộc tầng trời Ðệ Tứ Thiền của Sắc Giới. Cõi ấy mang tên Vô Tưởng vì tâm thức chẳng khởi lên, giống như cá nằm trong băng, như sâu nằm trong kén. Ngoại đạo tu hành đa phần sanh lên cõi trời này. Do chướng ngăn gặp Phật nghe pháp nên gọi là Nạn.
Năm là Bắc Uất Ðan Việt nạn: Uất Ðan Việt (Uttarakuru) là tiếng Phạn, Hán dịch là Thắng Xứ, nghĩa là cõi ấy cảm báo thù thắng hơn cả ba châu Ðông, Tây, Nam. Người cõi ấy thọ một ngàn năm, không hề chết yểu. Do ham vui nên chẳng thể nhận lãnh sự giáo hóa. Vì thế, thánh nhân chẳng giáng sanh trong cõi ấy nên chẳng được gặp Phật nghe pháp; bởi vậy gọi là Nạn.
Sáu là manh lung ám á nạn, nghĩa là: Những kẻ ấy sanh tuy sanh chính giữa đất nước, nhưng do nghiệp chướng sâu nặng nên mù, điếc, câm, ngọng, các căn chẳng đủ, dẫu Phật xuất thế vẫn chẳng thể thấy Phật. Dù [có người] giảng đại pháp vẫn chẳng nghe nổi, nên gọi là Nạn.
Bảy là thế trí biện thông nạn, nghĩa là: Người trong thế gian tà trí sắc sảo, miệt mài ham mê tập tành kinh sách ngoại đạo, chẳng tin chánh pháp xuất thế. Vì vậy, gọi là Nạn.
Tám là sanh Phật tiền Phật hậu nạn, nghĩa là: Khi Phật xuất hiện trong đời làm bậc đại đạo sư khiến cho chúng sanh thoát ly cái khổ sanh tử, hưởng vui Niết Bàn; ai có duyên thì được gặp gỡ, còn những kẻ sanh ra trước hay sau thời Phật xuất thế thì do nghiệp nặng duyên mỏng nên đã chẳng được thấy Phật, lại còn chẳng được nghe pháp. Do vậy, gọi việc sanh ra trước Phật hay sau Phật là Nạn”.
Sách nói thêm: “Tám điều nạn ấy tuy là cảm lấy quả báo khổ, vui sai khác nhưng đều do chẳng được thấy Phật, chẳng nghe chánh pháp nên gọi chung là Nạn”.
Thế giới Cực Lạc “vĩnh vô chư nạn” (vĩnh viễn không có các nạn) như sách Viên Trung Sao nói:
“Do không có nhân của ba độc, chẳng tạo nghiệp ác nghịch nên chẳng có khổ quả tam đồ, không có chướng nạn tam đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).
Nghe pháp nhập định, chẳng đọa vào Vô Tưởng nên chẳng có Trường Thọ Thiên nạn.
Tuy thọ sự vui tột bực nhưng thường được hưởng sự giáo hóa nên chẳng có Bắc Câu Lô Châu nạn (tức là Uất Ðan Việt nạn).
Sáu căn thanh tịnh, sắc bén, thông tuệ nên không có nạn đui, điếc, câm, ngọng.
Chúng sanh sanh về cõi ấy đều nhập Chánh Ðịnh Tụ nên không có nạn thế trí biện thông.
Nay đức A Di Ðà Phật hiện đang thuyết pháp đến vô lượng kiếp, Quán Âm sẽ tiếp nối Ngài làm Phật, hiệu là Phổ Quang Công Ðức Sơn Vương Phật nên chẳng có nạn sanh trước hay sau Phật”.
(Còn tiếp)
Ảnh: Một số loài động vật, đây cũng là một trong những "chư nạn"
Chúng ta có thể thấy rằng, cõi ấy những thứ tốt đẹp, thù thắng thì là vô lượng, vô tận, còn những thứ xấu ác thì luôn là "Không". Thế nên mới gọi là Cực Lạc. Còn Diêm Phù Đề này thì ngược lại, xấu ác dẫy đầy, cái tốt, cái đẹp thì lại rất hạn lượng. Mặc dù mỗi chúng sanh trong cõi này đều [vốn] có đầy đủ tất cả, chẳng thiếu thứ gì [tự tánh]. Chúng ta muốn 'tìm lại chính mình' thì chỉ có cách là về Cực Lạc thôi, ở đây mà mong tìm lại tự tánh thì 'hơi bị khó' đấy, không có đâu. Tự tánh chúng ta đã bị 'bọc' bởi một 'lớp kén' quá dày rồi, không sao tự 'cởi' ra được. Vả lại, như trên Kinh đã nói, ở đây toàn "chúng khổ" với "chư nạn" không, để rốt ráo giải thoát sao nổi, cõi kia thì đã được "vĩnh vô" rồi.
Thời thế, kiếp nạn dẫy đầy, càng về sau càng hẫy hừng hơn nữa, 'thôi thế thì thôi', phải 'liều mạng' [mà tu] vậy, quyết chí đời này phải về, chẳng thể kéo dài được nữa. Pháp Phật đã chỉ bày, chỉ nương theo tu hành ắt sẽ như nguyện. Phật A Di Đà Đại từ Đại bi giúp chúng sanh khổ nạn hai việc. Một là tạo Cõi nước trang nghiêm thanh tịnh cho chúng sanh nương náu, tu hành, đắc đạo. Hai là tạo phương tiện thù thắng để chúng sanh thập phương về được cõi nước thù thắng ấy. Chứ nếu không thì chúng sanh cũng chỉ biết 'đứng ngó' chơi thôi, dẫu biết có một cõi quốc độ siêu việt như thế. Chúng ta hiểu như thế để biết rằng, lòng Đại từ cùa Đức Phật chẳng có bờ mé, chẳng bao giờ tạo 'khó dễ' cho chúng ta đâu, phải là thế này thế kia đâu [để trở về]... Một lòng tin tưởng [Phật Nguyện], nương sức mạnh [vô song] ấy, dùng phương tiện rốt ráo Ngài truyền trao [niệm Danh hiệu Ngài], cầu sanh về quốc độ Ngài, không một ai không được như nguyện, từ đây "vĩnh vô chúng khổ, chư nạn".
Trích lục Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 11. Quốc Giới Nghiêm Tịnh
Ngài Hoàng Niệm Tổ