Minh tâm kiến tánh [đại triệt đại ngộ] vẫn chẳng tránh khỏi bị thọ sanh
Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn phổ độ chúng sanh, viên đốn, thẳng tắt, rộng lớn, giản dị nhất của Như Lai. Vì sao nói vậy? Do trong hết thảy pháp môn đều phải đoạn Kiến Hoặc và Tư Hoặc mới hòng liễu thoát sanh tử. Nhưng đoạn Kiến Hoặc giống như cắt ngang dòng nước rộng bốn mươi dặm, huống chi Tư Hoặc? Đoạn Kiến Hoặc liền chứng Sơ Quả. Nếu ước theo Viên Giáo thì là bậc Sơ Tín. Đoạn sạch Tư Hoặc liền chứng Tứ Quả, tức là Thất Tín trong Viên Giáo. Sơ Quả Sơ Tín vẫn còn sanh tử, Tứ Quả Thất Tín mới liễu thoát được. Nhưng Thiên Thai Trí Giả đại sư thị hiện thuộc vào địa vị Ngũ Phẩm. Tuy sở ngộ đã bằng với chư Phật, khuất phục trọn vẹn Ngũ Trụ phiền não, nhưng Kiến Hoặc vẫn chưa hề đoạn được. Thế nhưng Bổn Địa của đại sư thật sự chẳng thể suy lường, lâm chung chỉ nói mình chứng Ngũ Phẩm [là vì] Ngài lo sâu xa cho đời Mạt chẳng dốc sức đoạn Hoặc chứng Chân, chỉ lấy minh tâm kiến tánh làm chuyện rốt ráo. Minh tâm kiến tánh chính là đại triệt đại ngộ. Nếu là bậc tối thượng thượng căn thì hễ ngộ bèn chứng, nên liền giải quyết xong. Nếu không, dẫu biết được chuyện vị lai như sư Viên Trạch vẫn chẳng tránh khỏi bị thọ sanh lần nữa. Như Ngũ Tổ Giới lại sanh làm Tô Đông Pha, Thảo Đường Thanh lại sanh làm Lỗ Công, [tuy thế] vẫn chưa phải là quá tệ. Như sư Hải Ấn Tín trở thành con gái ông Châu Phòng Ngự, kể ra đã khó chịu đựng nổi. Ông Tăng núi Nhạn Đãng trở thành Tần Cối thì thật đáng thương xót quá sức!
Hễ có đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, dùng tâm chí thành trì danh hiệu Phật...
Tự lực đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử khó khăn quá lắm! Những giáo lý tu chứng thông thường đức Như Lai đã nói trong cả một đời tuy là nhiều thứ pháp môn khác nhau, nhưng chẳng hề có chuyện còn đầy đủ Hoặc nghiệp lại có thể liễu sanh thoát tử! Chỉ có mình pháp môn Tịnh Độ, hễ có đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, dùng tâm chí thành trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương, bất luận Hoặc nghiệp dầy - mỏng, công phu cạn - sâu, đều trong lúc lâm chung nhờ vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Đã được vãng sanh là đã siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Từ đấy, dần dần tấn tu, liền tự chứng được Vô Sanh cho đến viên mãn Phật Quả. Đây chính là pháp môn đặc biệt do Như Lai thương xót chúng sanh căn cơ kém hèn làm cho họ đều được ngay trong đời này nhanh chóng thoát luân hồi. Phải biết pháp môn Tịnh Độ thật ra để thâu nhiếp người căn cơ thượng thượng! Vì thế, Thiện Tài đã chứng Đẳng Giác, Phổ Hiền Bồ Tát còn dạy dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh ngõ hầu viên mãn Phật quả. Lại còn đem điều ấy khuyên khắp Hoa Tạng hải chúng. Do vậy, biết rằng: “Một pháp hồi hướng vãng sanh Tịnh Độ chính là bước cuối cùng để viên mãn Phật quả!”
Cớ sao lại tự khinh, tự bỏ, đến nỗi đánh mất lợi ích vô thượng này!
Đời có kẻ cuồng chẳng xét kỹ giáo lý, thấy ngu phu ngu phụ đều có thể tu trì pháp này, bèn miệt thị là pháp Tiểu Thừa. Chẳng biết đây chính là pháp môn bậc nhất “thành thủy thành chung, một đời thành Phật” của kinh Hoa Nghiêm. Cũng có kẻ ngu tri kiến hẹp hòi, cho rằng công phu của chính mình cạn mỏng, nghiệp lực sâu dầy, làm sao vãng sanh cho được? Chẳng biết tâm tánh của chúng sanh và tâm tánh chư Phật không hai. Ngũ Nghịch, Thập Ác sắp đọa địa ngục, gặp thiện tri thức dạy cho niệm Phật hoặc đủ mười tiếng hoặc chỉ mấy tiếng rồi liền lâm chung còn được vãng sanh. Quán kinh nói thế, cớ sao không tin? Bọn họ còn vãng sanh, huống chi chúng ta dẫu có tội nghiệp, nhưng còn có chút công phu, so với phường Ngũ Nghịch, Thập Ác niệm mười tiếng hay mấy tiếng kia, đương nhiên còn cao hơn rất nhiều, cớ sao lại tự khinh, tự bỏ, đến nỗi đánh mất lợi ích vô thượng này!
“Pháp khó tin”
Như Lai gọi pháp môn Tịnh Độ này là “pháp khó tin” bởi lẽ pháp này hạ thủ dễ dàng nhưng thành công cao, dùng sức ít nhưng được hiệu quả nhanh chóng, viên đốn, thẳng tắt, rộng lớn, giản dị hơn hẳn những giáo lý thông thường trong cả một đời đức Phật giáo hóa. Nếu chẳng phải xưa đã có thiện căn, quyết khó thể tin nhận phụng hành. Tôi thường nói: “Chín pháp giới chúng sanh lìa môn này thì trên chẳng thể viên thành Phật đạo, mười phương chư Phật bỏ pháp này thì dưới chẳng thể lợi khắp quần manh”, đấy chính là sự thật vậy! Nay đang là lúc nào? Chính là thời đao binh, đói kém, tật dịch đều nhóm họp, tuy chưa đến nỗi là ba tiểu tai, nhưng cũng đã là hiện tượng của ba tiểu tai vậy! Huống chi tà thuyết tung hoành, tri thức hiếm hoi, muốn nghe chánh pháp thật chẳng dễ gì! Có cư sĩ Hồ Thiên Bộc phát Bồ Đề tâm, dốc lòng tu Tịnh nghiệp, lại muốn cho đồng nhân ai nấy đều được lợi ích, bèn cực lực đề xướng, khuyên dạy. Đúng là lấy chuyện “giúp cho sự sanh trưởng của trời đất, thay Phật hoằng dương, giáo hóa” làm thiên chức! Người một phương nghe ông thuyết pháp, cảm thời thế này, khôn ngăn cái tâm chán lìa, ưa thích tràn trề nẩy sanh. Một người xướng, mọi người hòa, không đâu chẳng phục tùng. Do vậy, cư sĩ tự bỏ ra đất đai và quyên mộ thiện tín, lập Niệm Phật Đường, đào ao phóng sanh và lầu Tàng Kinh, Công Đức Đường, Hương Tích Trù (tức nhà bếp), Ứng Cúng Đường (trai đường), nghiễm nhiên từ mặt đất vọt lên một đại đạo tràng. (...)
Đoạn: Đời có kẻ cuồng chẳng xét kỹ giáo lý, thấy ngu phu ngu phụ đều có thể tu trì pháp này, bèn miệt thị là pháp Tiểu Thừa. Chẳng biết đây chính là pháp môn bậc nhất “thành thủy thành chung, một đời thành Phật” của kinh Hoa Nghiêm. Cũng có kẻ ngu tri kiến hẹp hòi, cho rằng công phu của chính mình cạn mỏng, nghiệp lực sâu dầy, làm sao vãng sanh cho được?
Đây chính là trường hợp hay gặp phải nhất trong giới đồng tu Tịnh Độ. Họ không thể [hay không dám] phát khởi Tín tâm chân thật, vì đủ thứ lý do khác nhau: Nào là công phu chưa đạt được bất niệm tự niệm hay thành khối thành phiến, nhất tâm bất loạn; rồi nghiệp chướng mình còn nặng nề quá, cần tu hành cho tiêu trừ thật nhiều thật nhiều nghiệp chướng cái đã; hay tâm mình còn phàm phu quá, còn phiền não sân si dẫy đầy chưa thể điều phục hay đoạn trừ được, tâm chưa thanh tịnh được thì sao vãng sanh đây?; hay như thấy vị nọ người kia hành trì đến như thế, Phật sự này kia lợi lạc chúng sanh đến như thế [còn chưa ăn thua] huống hồ mình đây chẳng làm được gì cả; hay thấy các vị quyền cao chức trọng [còn chưa thấy vãng sanh] còn mình thân phận thấp hèn sao dám mơ?; hoặc thấy vị nọ hành trì công phu đến như thế hàng mấy chục năm trường thấy cuối đời còn ra đi như thế, chẳng được vãng sanh, còn mình đây tu chưa được bao lâu v.v... Đây là những vấn đề người tu Tịnh Độ hay mắc phải trên con đường hành đạo của mình, khiến Tín tâm chẳng thể phát khởi lên được.
Tuy nhiên, những vấn đề trên đây chưa phải tất cả. Còn một vấn đề nghiêm trọng hơn. Đó là nhân duyên bất đồng, bắt gặp những vị giảng sư giảng nói Tịnh Độ nhưng lại thích đề xướng giáo pháp...Tự Lực. Rồi suốt ngày nhồi nhét nghe đi nghe lại hàng ngày hàng giờ những giáo lý ấy vào trong đầu thì liệu Tín tâm nào...'sống' nổi đây? Giáo lý ấy nghe thì hay thật, có vẻ rất hợp tình hợp lý nhưng chỉ là dùng cho các Pháp tu Tự Lực, còn Tịnh Độ thì hoàn toàn chẳng dùng được, hay những văn tự cảnh giới cao siêu khiến người nghe say đắm ngưỡng mộ nhưng đến lúc thực hành áp dụng thì thôi rồi... Nói Tịnh Độ pháp môn đâu cần phải nói như thế, dẫu nghĩa lý cao thâm chẳng thể nghĩ bàn, chỉ Phật cùng Phật mới hiểu tột, nhưng đường lối tu trì, tông chỉ tông yếu, phương cách hành trì lại giản đi, gần gũi, chân thật, phổ quát mà ai ai cũng có thể áp dụng thực hành được và đều có thể thành tựu giải thoát trong đời.
Chúng ta đang trong thời Mạt, Chánh Pháp suy tàn hiếm hoi, thiện tri thức ít ỏi, căn tánh chúng sanh lại kém hèn, nghiệp chướng nặng nề, phước báu cạn mỏng, ma sự hẫy hừng... do nhiều nguyên nhân như thế cộng gộp lại khiến cho việc tu hành để thành tựu giải thoát trở nên khó khăn, dẫu cho là hành trì đúng pháp khế lý khế cơ là Tịnh Độ môn đi nữa.
Phật nói Pháp này là "Pháp khó tin", "nếu xa xưa không tu phước huệ thì Chánh Pháp này không thể nghe", tức là vừa khó được nghe vừa khó tin. Tuy nhiên Phật nói là "khó tin" chứ không phải là 'không thể tin', cho nên nếu ai có thể 'tin' được tức là đã giải quyết được vấn đề 'khó khăn' nhất trong tu trì, cố gắng gìn giữ, tinh tấn hành trì ắt sẽ thành tựu trong đời này. Phật không nói Pháp này khó khăn ở chỗ hành trì, mà chỉ nói khó khăn ở chỗ Tín tâm. Cho nên, hành giả chúng ta một mặt ra sức hành trì, một mặt phải 'ra sức' gầy dựng Tín tâm, Nguyện tâm cho chân thật, cho 'tới nơi' mới được. Cái nào 'khó' thì cần phải tập trung công sức, thời gian để giải quyết cho bằng được. Được như thế thì những cái khác ắt cũng thực hiện được, tức là đã 'y giáo phụng hành' đúng Chánh Pháp, nhất định thành tựu giải thoát một đời này.
Những đoạn khác chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Lời tựa cho Hồng Kiều Tịnh Độ Đường ở Lạc Thanh (trích lục, lần 2)
Đại Sư Ấn Quang