Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, tha phương thế giới chư Bồ Tát chúng văn ngã danh giả, chứng ly sanh pháp, hoạch đà-ra-ni, thanh tịnh hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ. Tu Bồ Tát hạnh, cụ túc đức bổn. Ứng thời bất hoạch nhất nhị tam nhẫn. Ư chư Phật pháp, bất năng hiện chứng Bất Thoái Chuyển giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, các hàng Bồ Tát trong các thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi liền chứng ly sanh pháp, đắc đà-ra-ni, thanh tịnh, hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ, tu Bồ Tát hạnh, đầy đủ cội đức; nếu ngay lập tức chẳng đạt được một, hai, hay ba thứ Nhẫn, với các Phật pháp nếu chẳng thể chứng ngay được Bất Thoái Chuyển thì chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện bốn mươi sáu: Đắc đà-ra-ni; nguyện bốn mươi bảy: Nghe danh đắc Nhẫn; nguyện bốn mươi tám: Chứng Bất Thoái ngay trong hiện đời)
Giải:
Chương này gồm cả ba nguyện: Từ chữ “đắc đà-ra-ni” trở lên là nguyện bốn mươi sáu: “Hoạch đà-ra-ni”, từ chữ ấy đến “nhất nhị tam Nhẫn” (một, hai hay ba thứ Nhẫn) là nguyện bốn mươi bảy: “Nghe danh đắc Nhẫn”; phần còn lại là nguyện bốn mươi tám: “Chứng được Bất Thoái ngay trong hiện đời”.
Chữ “ly sanh” trong nguyện thứ bốn mươi sáu nghĩa là thoát khỏi sanh tử. Hành nhân trong ba thừa do đạt địa vị Kiến Ðạo, thấy được Ðế Lý (lý chân thật) nên đoạn được Kiến Hoặc và Tư Hoặc, vĩnh viễn không bị sanh trong tam giới nữa nên bảo là “chánh pháp tánh sanh”. Sách Vạn Thiện Ðồng Quy Tập bảo: “Cùng lên cửa giải thoát, cùng xiển dương đạo ly sanh”. Mười phương Bồ Tát do nghe danh hiệu Di Ðà nên đều chứng được pháp ly sanh ấy và đắc “đà-ra-ni”. Ðà-ra-ni chính là “tổng trì” (xem giải thích ở phần trước). Ðà-ra-ni có bốn loại:
1. Pháp đà-ra-ni: Nghe, giữ giáo pháp của Phật chẳng quên.
2. Nghĩa đà-ra-ni: Tổng trì nghĩa lý Phật pháp chẳng quên.
3. Chú đà-ra-ni (Chú đà-ra-ni lại có năm tên. Theo Bí Tạng Ký, năm tên ấy là: Đà-ra-ni, minh, chú, mật ngữ, chân ngôn. Ðà-ra-ni là khi Phật phóng quang, trong quang minh vang ra thần chú nên gọi là Đà-ra-ni hay Minh. Vì vậy, đà-ra-ni và Minh có cùng một nghĩa. Người trì đà-ra-ni có thể phát khởi thần thông, trừ được tai hoạn. Ðà-ra-ni gần tương tự với các thứ chú thuật của Trung Hoa, nên đà-ra-ni cũng gọi là Chú. Vì phàm phu và Nhị Thừa chẳng thể biết được nổi nên gọi là mật ngữ. Chân ngôn: Lời của đức Như Lai chân thật chẳng dối nên gọi là chân ngôn).
4. Nhẫn đà-ra-ni: An trụ trong Thật Tướng của pháp thì gọi là Nhẫn. Giữ được lòng Nhẫn nên gọi là Nhẫn đà-ra-ni.
Ðại sĩ trong mười phương nghe danh hiệu Phật đều đắc các đà-rani như trên, an trụ trong Thật Tướng của các pháp nên bảo là “đắc đà- ra-ni”.
Trong lời nguyện bốn mươi bảy “nghe danh đắc Nhẫn”, chữ “thanh tịnh” có nghĩa là vốn sẵn không nhiễm trước, “hoan hỷ” là trong lòng vui sướng, tịch diệt là vui. Nếu hiểu nông cạn, “bình đẳng” là thoát khỏi những ý tưởng sai biệt: cao, thấp, cạn, sâu, lớn, nhỏ, thân, sơ, trí, ngu, mê, ngộ, thì gọi là bình đẳng.
Ảnh minh họa: Tôi nghe như vầy. Một thuở nọ, Phật ở nước Xá Vệ, nơi vườn của ông Cấp Cô Độc và cây của ông Kỳ Đà, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ Kheo tụ hội, đều là bậc đại A La Hán mà mọi người biết đến.
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Phần chú giải bên trên là dành cho Nguyện bốn mươi sáu: "Đắc đà-ra-ni". Ở đây Ngài Hoàng Niệm Tổ cho rằng Nguyện 46 "Đắc đà-ra-ni" là từ đầu đến "đắc đà ra ni" [hoạch đà-ra-ni], nhưng theo ngu ý của phàm phu này thì phải tới chỗ "thanh tịnh, hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ" mới hợp lý. Bởi theo chú giải bên trên ta thấy chỗ "chứng ly sanh pháp" tức là liễu thoát sanh tử, tức phải bậc từ A La Hán trở lên, đoạn sạch phiền não hoặc [Kiến hoặc và Tư hoặc], đắc Lậu tận thông [thần thông thứ 6] nên sẽ có "thanh tịnh, hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ". Chứ còn tâm còn phân biệt, chấp trước thì làm sao đoạn sạch phiền não [hoặc] cho được. Mà một khi đoạn sạch phiền não rồi thì sẽ 'vui như Tỳ Kheo lậu tận' [tức thanh tịnh, hoan hỉ]. Chứ còn nguyện bốn mươi bảy: "Nghe danh đắc Nhẫn" thì bắt đầu từ chỗ "tu Bồ Tát hạnh, đầy đủ cội đức..." là hợp lý rồi [Tu Bồ Tát hạnh tức tu Lục độ vạn hạnh: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục,... (sẽ nói rõ phần sau)]. Chúng ta đọc các chú giải của các Ngài để hiểu rõ hơn nghĩa lý đoạn Kinh văn này.
Bây giờ, chúng ta tiếp tục phần công việc 'thường ngày', đó là hun đúc gầy dựng và giữ gìn Tín Nguyện tâm. Như chúng ta đã biết, dựa theo Kinh văn cùng lời dạy của Chư Tổ, chúng ta có đến 3 cách gầy dựng Tín tâm chân thật, trong đó cách 1 và 2 là phổ biến nhất, mà hình như thời nay thấy [nếu có] chỉ là cách 1, tức tin Bổn Nguyện [Đại Nguyện 18], niệm Phật, ắt vãng sanh. Thật ra, cách 2 và 3 cũng là y cứ từ Kinh văn Phật thuyết ra cả, và việc gầy dựng phát khởi Tín tâm dễ dàng hơn nhiều so với cách 1, nhưng không hiểu sao lại ít được lưu thông truyền bá [tức ít người biết đến] như thế?! Thôi thì chúng ta hãy chú trọng pháp 'khế lý, khế cơ' [tức nhiều người sử dụng, biết đến] để ra sức học tập, gầy dựng, ngõ hầu sau này cùng Tự lợi lợi tha, Tự giác giác tha, luân chuyển Chánh pháp, để cùng theo thứ lớp được liễu thoát sanh tử, siêu phàm nhập thánh trong một đời.
Thật ra, cốt yếu của việc gầy dựng Tín tâm nó nằm ở chỗ phải tin được Bổn Nguyện [Đại Nguyện 18] "Mười niệm ắt vãng sanh", hành giả Tịnh Độ phải tin được điều này mới được. Tức như các Ngài dạy, để Tín tâm của ta có chỗ để đề khởi và phát triển [gầy dựng] thì phải y cứ vào cái gì đó. Ở đây đó chính là y cứ vào Bổn Nguyện tiếp dẫn này [tức 'nương tựa vào Bổn Nguyện']. Mà muốn như vậy, thì trước hết phải là có Tín tâm chân thật [chẳng nghi] đối với Bổn Nguyện này đi đã. Chứ Bổn Nguyện mà còn 'bán tín bán nghi' [không biết Mười niệm này là lúc nào đây, bình thời hay lâm chung,...] thì thôi, chịu, cái gốc không vững thì làm sao thân cành lá hoa quả vững cho được [gặp cơn gió nhẹ cũng bị bậc gốc lên huống hồ chi trên con đường đạo dài dằn dặt, phải đối mặt với biết bao 'phong ba bão tố' thậm chí 'cuồng phong' chứ đừng nói là những cơn gió nhẹ!].
Thật sự, như các Ngài nói, việc vãng sanh được hay không nó nằm ở chỗ có Tín Nguyện [đầy đủ] hay không, chứ chẳng phải ở chỗ công phu như thế nào [sâu hay cạn]. Công phu ra sao [cùng một số căn cứ khác] chỉ quyết định phẩm vị của hành giả mà thôi. Mà phàm phu chúng ta đây chỉ cần đời này được vãng sanh vào Chánh Quốc là viên mãn đường đạo rồi, còn phẩm vị được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu thôi. Vấn đề là như thế, nhưng hành giả chúng ta đa phần lại chẳng chú trọng [thành tựu] cái quan trọng mang tính quyết định kia, mà chỉ chạy đuổi theo những cái không phải là yếu quyết, tức không phải là yếu tố quyết định huệ mạng của mình. Những vấn đề này do đâu mà có? Rõ ràng điều này không phải chỉ là do từ hành giả, những người chân thật niệm Phật cầu sanh, mong mỏi một đời này thoát lìa được sanh tử khổ đau!
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ