Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đắc thần thông tự tại, Ba La Mật Đa. Ư nhất niệm khoảnh, bất năng siêu quá ức na-do-tha bách thiên Phật sát, châu biến tuần lịch cúng dường chư Phật giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi đều được thần thông tự tại, Ba La Mật Đa. Trong khoảng một niệm chẳng thể vượt qua ức na-do-tha trăm ngàn cõi Phật, đến khắp tất cả [các cõi ấy] cúng dường chư Phật thì chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện thứ mười: Thần Túc Thông; nguyện mười một: Cúng dường khắp chư Phật)
Giải:
Chương này nói đến nguyện thứ mười: “Thần Túc Thông” và nguyện mười một: “Cúng dường khắp chư Phật”. Lời kinh nói gộp hai nguyện. Trong câu “châu biến tuần lịch cúng dường chư Phật” (đến khắp tất cả cúng dường chư Phật), chữ “tuần lịch” (巡歷: đến khắp, đi qua trọn khắp) là nguyện thứ mười, “cúng dường” là nguyện thứ mười một.
“Ba La Mật Đa” (Paramita) hoặc Ba La Mật dịch là Sự Cứu Cánh, Ðáo Bỉ Ngạn, Ðộ Vô Cực, hoặc chỉ dịch gọn là Ðộ. Ðại hạnh của Bồ Tát có thể hoàn thành trọn vẹn hết thảy tự hạnh và sự nghiệp hóa độ người khác, nên gọi là Sự Cứu Cánh. Bồ Tát nương những đại hạnh ấy có thể từ bờ này sanh tử vượt đến được bờ kia Niết Bàn rốt ráo nên gọi là Ðáo Bỉ Ngạn (Ba La là bờ kia, Mật Đa là đến, theo văn phạm phương kia (Ấn Độ) là Bỉ Ngạn Đáo, tiếng Hán là Đáo Bỉ Ngạn). Do đại hạnh ấy sẽ thấu đạt được sự sâu rộng của các pháp nên gọi là “độ vô cực”.
Sanh về cõi kia liền đầy đủ thần thông (Thần là diệu dụng chẳng thể lường nổi, Thông là dung thông tự tại) tự tại vô ngại, có thể triệt để quán triệt hết thảy tự hạnh và sự nghiệp hóa độ người khác, nên bảo là “thần thông tự tại Ba La Mật Đa”.
Câu “ư nhất niệm khoảnh… siêu quá ức na-do-tha bách thiên Phật sát” (trong khoảng một niệm... vượt qua ức na-do-tha trăm ngàn cõi Phật) diễn tả Thần Túc Thông, còn gọi là Thần Túc Trí Thông, Thần Cảnh Trí Thông, Thân Như Ý Thông, Thân Thông. “Na-do-tha” (Nayuta) là Ức (một vạn vạn). Thời cổ, Trung Hoa hiểu chữ Ức theo ba cách khác nhau: mười vạn, trăm vạn, ngàn vạn. Vì vậy, các vị cổ đức cũng phán định con số này không đồng nhất.
Sách Hội Sớ giảng chữ “thần túc” (cũng gọi là Như Ý Túc) như sau:
“Thần Túc có ba loại:
1. Vận thân hành: Bay trên không giống như chim bay.
2. Thắng giải thông: Với chỗ xa xôi nhất, chỉ tác ý tư duy liền tới ngay đó.
3. Ý thế thông: Với chỗ xa xôi nhất, tâm vừa nghĩ đến, thân đã ở đấy”.
Sách Ðại Luận lại bảo: “Như Ý Thông có ba thứ: Năng Đáo, Chuyển Biến, Thánh Như Ý.
Năng Đáo có bốn thứ:
1. Một là thân bay được đến đó như chim không trở ngại.
2. Biến xa thành gần, chẳng qua đó mà đến được nơi ấy.
3. Biến mất chỗ này hiện ra chỗ kia.
4. Trong một niệm đến ngay nơi đó.
Chuyển Biến là biến nhỏ thành lớn, biến lớn thành nhỏ, biến một thành nhiều, nhiều biến thành một. Với các vật đều chuyển biến được. Ngoại đạo biến hóa không lâu được hơn bảy ngày. Chư Phật và đệ tử chuyển biến tự tại, chẳng có gần, xa.
Thánh Như Ý là ngay trong lục trần, có thể quán vật bất tịnh chẳng đáng ưa là tịnh, quán vật khả ái thanh tịnh thành vật bất tịnh. Chỉ mình đức Phật đắc pháp Như Ý Trí này”.
Câu “ư nhất niệm khoảnh” (trong khoảng một niệm) ý nói thời gian rất ngắn. Bao lâu là một Niệm? Có nhiều thuyết khác nhau, xin xem lời giải thích trong phần trước. Theo sách Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập thì một sát-na là một niệm, cũng như theo Ðại Luận: “Trong khoảng khảy ngón tay có sáu mươi sát-na”, ta thấy rằng một niệm lâu bằng một phần sáu mươi thời gian khảy ngón tay. Như vậy, một niệm cực ngắn ngủi.
Trong khoảng một sát-na cực ngắn như thế đã có thể “siêu quá ức na-do-tha bách thiên Phật sát châu biến tuần lịch” (vượt qua ức na-do tha trăm ngàn cõi Phật, đi khắp tất cả) thì hiển nhiên, thần thông diệu dụng của người cõi Cực Lạc chẳng thể nghĩ bàn.
“Na-do-tha” là một con số, từ xưa đã có nhiều thuyết. Nhỏ nhất là như sách Huyền Ứng Âm Nghĩa bảo: “Na-do-tha là mười vạn của Trung Quốc”. Lớn hơn là: “Ðời Tùy, na-do-tha là một ngàn vạn” (các thuyết khác chẳng dẫn ra). Như vậy, khó lòng xác định na-do-tha lớn bao nhiêu, nhưng ta có thể đoan chắc “na-do-tha trăm ngàn” là một con số rất lớn đến nỗi khó thể tính biết nổi.
Trong một sát-na vượt qua được những cõi Phật nhiều đến như vậy là ngụ ý: Đến được những cõi rất xa.
Câu “châu biến tuần lịch” (đi khắp tất cả) ngụ ý: Con số cõi nước họ đến cực lớn. Câu “cúng dường chư Phật” ngụ ý: Tuy phát khởi lên rất nhiều sự, nhưng chỉ trong khoảng một niệm đều viên mãn thành tựu được hết tất cả những sự việc ấy. Rõ ràng cõi nước Cực Lạc sự sự vô ngại, một tức là nhiều, nhiều tức là một, kéo dài, rút ngắn đồng thời, hạt cải dung nhập núi Tu Di, mười phương chẳng rời khỏi nơi mình đang trụ. Trong một niệm cúng trọn tất cả, ba đời nào khác một niệm, đương hạ tức thị, thâu tóm trọn vẹn không sót. Vì vậy, ta thường nói: “Hoa Tạng nào khác Cực Lạc, Tịnh Ðộ chứa trọn sự huyền diệu”.
Ảnh minh họa: Thế giới hải Hoa Tạng
Đoạn: “Thần Túc có ba loại:
1. Vận thân hành: Bay trên không giống như chim bay.
2. Thắng giải thông: Với chỗ xa xôi nhất, chỉ tác ý tư duy liền tới ngay đó.
3. Ý thế thông: Với chỗ xa xôi nhất, tâm vừa nghĩ đến, thân đã ở đấy”.
Con người chúng ta sống trên quả địa cầu này, một trong những điều mong ước lớn lao xuyên suốt lịch sử văn minh nhân loại đó là gì? Vâng, đó chính là... 'bay được' [như chim], bay càng nhanh, càng xa càng tốt, không bị các trở ngại vật cản trên mặt đất. Thế rồi, với mong ước ấy, các phương tiện khoa học kỹ thuật ra đời, máy bay, tàu vũ trụ... giúp con người đạt được điều ước 'bay', bay từ nước này qua nước khác, từ lục địa này qua lục địa khác, rồi từ hành tinh này đến hành tinh khác (mặt trăng, sao hỏa). Để đạt chút ít 'thần thông' trên, vượt qua được những khoảng không gian [hạn hẹp, trong Phật giáo] phải khó khăn, dành nhiều tâm huyết, thời gian đến vậy sao?! Đây là chỉ đề cập đến một phần rất nhỏ ý đầu tiên [đơn giản nhất] của Thần Túc Thông của chúng sanh cõi Cực Lạc. Về cõi ấy, lập tức có được tất cả, nhờ nương vào Nguyện lực của Phật. Rõ ràng, giữa sức người [cho là cả nhân loại luôn!] với sức Phật là cả một trời một vực! Trong đạo cũng vậy thôi, chẳng khác tí nào, chúng ta muốn cầu sanh về cõi ấy, ngày ngày niệm Hồng danh Giáo chủ cõi ấy, rồi nương vào sức gì để được toại nguyện đây?! Đừng có mà tự 'thiết kế' [như thiết kế máy bay] nhé, đi chẳng tới đâu đâu.
Đoạn cuối: Câu “châu biến tuần lịch” (đi khắp tất cả) ngụ ý: Con số cõi nước họ đến cực lớn. Câu “cúng dường chư Phật” ngụ ý: Tuy phát khởi lên rất nhiều sự, nhưng chỉ trong khoảng một niệm đều viên mãn thành tựu được hết tất cả những sự việc ấy. Rõ ràng cõi nước Cực Lạc sự sự vô ngại, một tức là nhiều, nhiều tức là một,...
Chúng ta đang ở đây, [tâm] ưa thích làm những việc thiện lành lớn nhỏ để cứu đời, giúp người. Đồng ý, xin tán thán, rất tốt! Nhưng bên cạnh đó là 'tổn thất' không ít: thời gian, tâm lực, trí lực, thể lực... mà những thứ này của chúng ta ở đây lại rất eo hẹp, hạn hữu. Chi bằng tính toán thiệt hơn, dành chút ít 'vốn liếng' [ít ỏi] đó để tích lũy Tịnh nghiệp tư lương để sanh về cõi ấy cái đã. Một khi đã sanh về cõi ấy rồi, một mặt là giải quyết triệt để được 'bài toán' sanh tử luân hồi bao thỉ kiếp đến nay, một mặt muốn làm việc thiện việc lành gì, ở bất cứ nơi đâu trong khắp "Hoa Tạng hải chúng" [Pháp giới chúng sanh], thì như trong Kinh nói “châu biến tuần lịch” (đi khắp tất cả), cúng dường Chư Phật, làm Phật sự... trong một sát-na [một niệm]. Mọi chuyện là như vậy. Vấn đề là, chúng ta cần một chút sáng suốt [và lòng dũng cảm] để chọn lựa con đường hành đạo đúng đắn nhất cho mình. Hạnh phúc chỉ đến với những người can đảm, thật vậy!
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ