Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, tự tri vô lượng kiếp thời, túc mạng sở tác thiện ác, giai năng đỗng thị triệt thính, tri thập phương khứ lai hiện tại chi sự. Bất đắc thị nguyện, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh sanh về nước tôi tự biết các việc thiện ác đã làm trong túc mạng đến vô lượng kiếp, đều trông thấy rõ ràng, nghe rành rẽ, biết được các việc trong quá khứ, hiện tại, vị lai suốt mười phương. Chẳng đạt nguyện này, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện thứ sáu: đắc Túc Mạng Thông; nguyện thứ bảy: đắc Thiên Nhãn Thông; nguyện thứ tám: đắc Thiên Nhĩ Thông)
Giải:
Chương này nói rõ chúng sanh cõi ấy viên mãn nguyện thứ sáu: “Túc mạng thông”; nguyện thứ bảy: “Thiên nhãn thông” và nguyện thứ tám: “Thiên nhĩ thông”.
Thông là nói tắt chữ “thần thông”. Thần dị đến cùng cực, chẳng thể lường nổi công hạnh thì gọi là “thần” (神). Làm gì cũng chẳng bị úng tắc, tự tại vô ngại thì là “thông” (通). Có sáu thứ thần thông, thường gọi là Lục Thông, tức là: Túc Mạng Thông, Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Thần Túc Thông và Lậu Tận Thông. Trong sáu loại thần thông này, loại thứ sáu chỉ bậc thánh (từ A La Hán trở lên) mới có, năm loại trước thì phàm phu, dị sanh (không phải loài người) cũng có thể đạt được.
Chư thiên trong tam giới do quả báo nên đều tự nhiên cảm được năm thứ thần thông đầu (thậm chí quỷ thần cũng có chút thần thông), nhưng chẳng đắc Lậu Tận Thông. Chỉ bậc thánh mới chứng nổi Lậu Tận Thông vì phải đoạn sạch phiền não thì mới là Lậu Tận vậy.
Cần chú ý một điều: Chúng sanh nơi Cực Lạc chứng được những thần thông vượt xa những thứ thần thông do Thiền Ðịnh phát sanh như trong các kinh luận khác đã nói. Nêu một ví dụ: Phàm phu đạt được Túc Mạng Thông thì không thể biết việc quá khứ lâu hơn tám vạn kiếp được. Trong kinh này lại nói biết đến vô lượng kiếp là do chúng sanh nơi Cực Lạc nhờ vào sức bổn nguyện của Phật mà đạt được thần thông Ðại Thừa Bất Cộng(*) nên vượt xa phàm phu lẫn Tiểu Thừa.
Sách Bình Giải bảo: “Tiểu Thừa chỉ dựa vào bốn căn bản Định để chứng đắc năm thứ thần thông đầu. Với Lậu Tận Thông, họ còn ở mức Tứ Thiền chưa đạt đến trung gian và ba thứ vô sắc (chữ “vô sắc” ở đây chỉ Vô Sắc Định. Chữ “ba” trong câu nói trên là lầm. Có tám thứ Định là Tứ Thiền của Sắc Giới và Tứ Vô Sắc Định của Vô Sắc Giới). Ðại Thừa nương vào hết thảy Thiền nên đều đạt được cả sáu. Những thần thông nói trong kinh này lại khác hẳn những loại thần thông nói trên, vì hết thảy trời, người [cõi Cực Lạc] nương vào đại nguyện của Phật. Vì vậy, ta bảo: Lấy sức bổn nguyện của Phật Di Ðà làm tăng thượng duyên như sách Sự Tán bảo: ‘Tam Minh tự nhiên nương Phật nguyện; chắp tay giây lát đắc thần thông’, há nào phải dựa vào sức Thiền hữu lậu?”
Như vậy, thần thông của trời, người cõi Cực Lạc chẳng do tu tập mà chứng đắc, chẳng đợi phải tu mới có, mà là tự nhiên được thành tựu.
Thần thông ấy cũng chẳng giống với Ngũ Thông do quả báo mà có của chư thiên; chỉ là nương vào Tu Đức của Phật Di Ðà làm nhân, nương theo Như Lai nguyện lực mà thụ hưởng quả đức an lạc tự nhiên. Do đó, cảm được quả báo vượt xa lệ thường. Vì vậy, sách Yếu Tập nhận định: “Chẳng nương vào bốn thứ Tịnh Lự (Thiền Định) để làm cái nhân tu tập thần thông, chỉ hễ sanh về đấy liền được quả báo tùy ý như vậy, há chẳng sung sướng lắm sao!”
Thần thông của trời, người cõi Cực Lạc như sách Hợp Tán nói: “Nay đã là sức thần thông bất cộng của Ðại Thừa, lại thêm nhờ sức bổn nguyện (của Phật Di Ðà), nên há lại giống với thần thông của phàm phu, Tiểu Thừa ư!”
Câu “tự tri vô lượng kiếp thời, túc mạng sở tác thiện ác” (tự biết được việc thiện ác đã làm trong túc mạng đến vô lượng kiếp) chính là nguyện thứ sáu: “Đắc Túc Mạng Thông”. “Túc” (宿) là đời quá khứ, tục gọi là đời trước, “mạng” (命) là sanh mạng. Như vậy, “túc mạng” là nhiều kiếp sống trước trong quá khứ. Biết được các việc thiện ác trong nhiều kiếp sống quá khứ thì gọi là Túc Mạng Thông.
Sách Bình Giải giảng: “Việc đã đi vào quá khứ gọi là Túc, pháp quá khứ tiếp nối thì gọi là Mạng. Hiểu rõ những việc ấy không vướng mắc thì gọi là Túc Mạng Thông”.
Sách Hội Sớ cũng nói: “Biết kiếp trước của thân mình từ một đời, hai đời, ba đời cho đến trăm ngàn vạn đời và các việc đã làm, cũng có thể biết kiếp trước của chúng sanh trong lục đạo và việc họ đã làm thì gọi là Túc Mạng Thông”.
Nhị Thừa biết được nhiều lắm là đến tám vạn kiếp, Bồ Tát biết đến vô cực. Lời nguyện trong kinh này lại nói là Túc Mạng đến vô lượng kiếp thì chính là nói đến thần thông của Đại Thừa Bồ Tát vậy.
Nguyện này gồm hai ý nghĩa:
- Một là như sư Trừng Hiến người Nhật nói: “Do chẳng biết túc mạng nên chẳng sốt sắng làm lành, chẳng sợ điều ác. Với muôn điều thiện trở nên lười biếng, tạo tác các ác cũng chỉ do không biết túc nghiệp. Vị La Hán kia nhớ nỗi khổ trong Nê Lê (địa ngục) mà toát mồ hôi lẫn máu (Xưa kia có vị La Hán nhớ đến khi xưa ở trong địa ngục, chịu các sự thống khổ thảm thiết mà kinh sợ cùng cực, mồ hôi toát ra có lẫn cả máu).
Ngài Phước Tăng thấy xương đời trước của mình liền chợt khai ngộ. Lại có người chẳng biết kẻ ấy là mẹ đẻ trong đời trước nên lấy làm vợ, chẳng biết là oán gia đời trước nên nuôi như con, chẳng biết là cha đời trước nên đem nấu thành thức ăn ngon v.v... Ðấy đều do mê muội túc sự (chuyện trong đời trước), ham đắm nỗi vui trong đời, nay chợt nghe bổn duyên đều sanh tâm nhàm chán vậy”.
Như vậy, người cõi Cực Lạc cần phải có Túc Mạng Trí Thông là nhằm biết được hạnh nghiệp của chúng sanh trong quá khứ để nhờ vào đó mà dẫn dụ họ, dùng đó làm phương tiện hòng hóa độ chúng sanh.
- Hai là như ngài Tịnh Chiếu nói: “Nếu biết được túc mạng thì chẳng tự cao. Nhớ nghĩ đến vô số công đức trong quá khứ nên chỉ nương theo thệ nguyện của Phật để được sanh về cõi kia”. Ngài Trừng Hiến cũng nói: “Vãng sanh cõi kia liền trước hết biết túc mạng, thật là kính ngưỡng Phật đức sâu xa”. Như vậy, người cõi Cực Lạc do Túc Mạng Trí nên hết lòng cảm ngưỡng ân đức của Phật vậy.
“Giai năng đỗng thị, triệt thính tri thập phương khứ, lai, hiện tại chi sự” (Đều trông thấy rõ ràng, nghe rành rẽ việc quá khứ, hiện tại, vị lai trong suốt mười phương). “Ðỗng” (洞) là sâu xa, thông suốt. “Triệt” (徹) là thông suốt, sáng tỏ. “Thập phương” là không gian. “Khứ, lai, hiện tại” là thời gian, tức là quá khứ, vị lai, hiện tại. Chữ “khứ” nhằm thừa tiếp cái nguyện “đắc Túc Mạng Thông” ở phần trên: Biết được việc thiện ác đã làm trong quá khứ trong vô lượng kiếp suốt cả mười phương, đều “đỗng thị, triệt thính” (thấy rành rẽ, nghe rõ ràng) [các việc ấy]. Sau chữ “khứ” là nguyện thứ bảy: “Đắc Thiên Nhãn Thông” và nguyện thứ tám: “Đắc Thiên Nhĩ Thông”.
(Còn tiếp)
_________________________________________________________________
(*) Bất Cộng: Do chỉ Đại Thừa mới có, chứ phàm phu, tiểu thánh, nhị thừa, quỷ thần không có nên gọi là Bất Cộng (không cùng chung).
Đoạn: Thần thông ấy cũng chẳng giống với Ngũ Thông do quả báo mà có của chư thiên; chỉ là nương vào Tu Đức của Phật Di Ðà làm nhân, nương theo Như Lai nguyện lực mà thụ hưởng quả đức an lạc tự nhiên. Do đó, cảm được quả báo vượt xa lệ thường. Vì vậy, sách Yếu Tập nhận định: “Chẳng nương vào bốn thứ Tịnh Lự (Thiền Định) để làm cái nhân tu tập thần thông, chỉ hễ sanh về đấy liền được quả báo tùy ý như vậy, há chẳng sung sướng lắm sao!”
Rõ ràng, khi sanh được về cõi ấy liền đắc được các thứ thần thông, mà thần thông này còn vượt rất xa thần thông của phàm phu, Tiểu Thừa [Thánh, A La Hán], ngang với thần thông Đại Bồ Tát [Đại Thừa]. Tất cả đều là do nương nhờ Nguyện lực của Phật mà có được như thế. Bởi vậy, chúng ta hành trì tu tập phải 'dốc cạn' tất cả công đức có được hồi hướng về Cực Lạc thôi, đừng cầu chút phước báo [nhỏ nhoi] ở đây làm chi mà coi chừng chướng ngại đại sự [sanh tử , đại lợi ích vãng sanh] của mình.
Câu: Sách Hội Sớ cũng nói: “Biết kiếp trước của thân mình từ một đời, hai đời, ba đời cho đến trăm ngàn vạn đời và các việc đã làm, cũng có thể biết kiếp trước của chúng sanh trong lục đạo và việc họ đã làm thì gọi là Túc Mạng Thông”.
Một khi được về đó, đắc được thần thông, nhìn lại 'hành trình' vô lượng kiếp trong sanh tử của mình, không biết rằng chúng ta có cảm giác như thế nào nữa? Rồi nhìn những ngưởi thân quyến, ông bà cha mẹ, vợ chồng con cái, anh em bằng hữu... trong nhiều đời nhiều kiếp, vẫn còn đang trôi lăn miệt mài trong tam đồ, lục đạo... chắc chắn chúng ta không thể không vận dụng hết mọi năng lực thần thông sẳn có cùng Chư bạn lữ ra sức cứu giúp họ [cùng chúng sanh hữu tình khác] để cùng được về, giải thoát vĩnh viễn.
Đoạn: Hai là như ngài Tịnh Chiếu nói: “Nếu biết được túc mạng thì chẳng tự cao. Nhớ nghĩ đến vô số công đức trong quá khứ nên chỉ nương theo thệ nguyện của Phật để được sanh về cõi kia”. Ngài Trừng Hiến cũng nói: “Vãng sanh cõi kia liền trước hết biết túc mạng, thật là kính ngưỡng Phật đức sâu xa”. Như vậy, người cõi Cực Lạc do Túc Mạng Trí nên hết lòng cảm ngưỡng ân đức của Phật vậy.
Thật sự là, chúng ta đã trãi qua vô lượng kiếp ở trong Tam Đồ, trong Địa Ngục rồi, thật sự là như thế [nên có gì tự cao], nay may mắn được thân người, được chút phước thừa [sức khỏe, thọ mạng...], lại gặp được nhân duyên Tịnh Độ, nếu chẳng biết trân quý, tận dụng, ra sức hành trì tu tập, nương Bổn Nguyện của Phật để cầu giải thoát, một mai kia phước hết sạch, nghiệp chồng nghiệp [cũ, mới] lại trở lại 'quê nhà' Tam đồ, y như cũ, thật đáng sợ. Câu "Nhớ nghĩ đến vô số công đức trong quá khứ", rõ ràng chúng ta đã trải qua nhiều đời nhiều kiếp tu hành rồi [nhưng vẫn chưa 'đậu'], vì vậy cần phải "nương Bổn Nguyện", sẽ chắc chắn được về.
Đoạn cuối: “Giai năng đỗng thị, triệt thính tri thập phương khứ, lai, hiện tại chi sự” (Đều trông thấy rõ ràng, nghe rành rẽ việc quá khứ, hiện tại, vị lai trong suốt mười phương). “Ðỗng” (洞) là sâu xa, thông suốt. “Triệt” (徹) là thông suốt, sáng tỏ. “Thập phương” là không gian. “Khứ, lai, hiện tại” là thời gian, tức là quá khứ, vị lai, hiện tại.
Câu hỏi được đặt ra là, chúng ta về đó được Túc mạng thông, thấy biết tường tận mọi việc quá khứ [của mình, của chúng sanh], vậy còn "vị lai" thì sao? chúng ta có nhận biết được không? Rõ ràng, ở đây chỉ là Túc mạng thông, tức là chỉ thấy biết được các sự việc trong quá khứ, hiện tại mà thôi.
Nếu vậy thì câu "“Giai năng đỗng thị, triệt thính tri thập phương khứ, lai, hiện tại chi sự” (Đều trông thấy rõ ràng, nghe rành rẽ việc quá khứ, hiện tại, vị lai trong suốt mười phương) là như thế nào? Dạ vâng, Phật dạy rằng "Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa", vấn đề này Ngài tác giả có chú thích khá rõ ràng, từ Bản Hội Tập này, và các Bản Kinh khác, chúng ta sẽ được sáng tỏ trong phần sau, nguyện thứ bảy và thứ tám: đắc Thiên Nhãn Thông, đắc Thiên Nhĩ Thông.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ (trích, lục)
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ