Chánh kinh:
Ngã hạnh quyết định kiên cố lực
Duy Phật thánh trí năng chứng tri
Túng sử thân chỉ chư khổ trung
Như thị nguyện tâm vĩnh bất thoái
Hạnh tôi: sức quyết định, kiên cố
Chỉ Phật thánh trí chứng biết được
Dẫu thân tôi trụ trong các khổ
Nguyện tâm như thế mãi chẳng thoái
Giải:
Bổn nguyện được chia thành ba đoạn lớn: Đoạn đầu là tán thán Phật, đoạn kế là phát nguyện, bốn câu sau cùng này thỉnh Phật chứng minh. Tỳ-kheo Pháp Tạng phát nguyện xong, liền thỉnh đức Thế Tự Tại Vương Như Lai chứng minh.
“Ngã” (Tôi) là tiếng Pháp Tạng tự xưng. Hạnh nguyện của tôi vốn sẵn đủ sức kiên cố quyết định, chỉ có đức Phật Thế Tôn là đấng đã viên mãn tam giác, ngũ nhãn rạng ngời, trí huệ vô ngại mới có thể chân thật chứng minh cho tôi, nên nói: “Duy Phật thánh trí năng chứng tri” (Chỉ Phật thánh trí chứng biết được).
Hơn nữa, khi ngài Pháp Tạng phát nguyện thì đã thuộc về cảnh giới rất sâu của bậc Ðịa Thượng Bồ Tát nên những người khác chẳng thể thấu hiểu nổi, chỉ có thánh trí của Phật mới có thể chứng biết nổi. Ðiểm này chứng tỏ Ðại Sĩ Pháp Tạng diệu đức khó thể lường nổi.
Hai câu kệ cuối cùng chính là kết thệ để lập tâm. Bản Ðường dịch ghi: “Túng trầm Vô Gián chư địa ngục, như thị nguyện tâm chung bất thoái” (Dẫu chìm trong các ngục Vô Gián, nguyện tâm như vậy trọn chẳng thoái). Địa ngục Vô Gián khổ sở vô hạn, bản Ðường dịch lấy nỗi khổ nặng nề nhất trong Vô Gián để chỉ chung tất cả các nỗi khổ khác.
Trong bản hội tập, ngài Pháp Tạng thề rằng: “Túng sử thân chỉ chư khổ trung” (Dẫu cho thân trụ trong các khổ) vì chữ Khổ dĩ nhiên đã gồm cả cái khổ địa ngục. Thề rằng: Dẫu đọa vào địa ngục thì hạnh nguyện trên đây của tôi cũng chẳng bị thoái chuyển, minh thị rõ điều được nói trong câu kệ ngay trước đó: “Ngã hạnh quyết định kiên cố lực” (hạnh tôi: sức quyết định, kiên cố).
Sách Hội Sớ cũng giảng: “Nếu chỉ có nguyện thì nguyện ấy là hư dối; nếu chỉ có hạnh, hạnh ấy cũng luống uổng. Vì vậy, nguyện hạnh phải hỗ trợ nhau thì việc làm (tu hành) mới thành tựu”.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Đoạn: “Ngã” (Tôi) là tiếng Pháp Tạng tự xưng. Hạnh nguyện của tôi vốn sẵn đủ sức kiên cố quyết định, chỉ có đức Phật Thế Tôn là đấng đã viên mãn tam giác, ngũ nhãn rạng ngời, trí huệ vô ngại mới có thể chân thật chứng minh cho tôi, nên nói: “Duy Phật thánh trí năng chứng tri” (Chỉ Phật thánh trí chứng biết được).
Pháp Tạng Bồ Tát đọc lên Hạnh Nguyện của mình trước Đấng Như Lai, thỉnh Phật chứng minh cho. Tuy chưa phải là Bổn Nguyện do Ngài chưa thâm nhập, quán sát các cảnh giới cõi Phật, nhưng chí nguyện của Ngài đã thể hiện rõ. Đức Như Lai vô cùng tán thán và khẳng định Hạnh Nguyện của Ngài chắc chắn sẽ thành tựu, do Đức Thế Tôn nhìn thấy được sức kiên cố, sức quyết định [không gì lay chuyển] từ nơi Pháp Tạng Bồ Tát. Tiếp theo, nhận lời vâng thỉnh của Pháp Tạng, Đức Phật bèn soi chiếu 210 ức cõi nước Phật cho Bồ Tát chiêm nghiệm thâu thập. Một ức là một con số rất lớn, có nhiều luận thuyết khác nhau, có thuyết cho rằng một ức là mười triệu, có thuyết là một trăm triệu. 210 ức cõi nước là khoảng 21 tỉ cõi nước Phật [hay 2.1 tỉ]. Trong Pháp giới có vô lượng vô biên cõi nước Phật [cảnh giới con người chúng ta không đếm kể được], con số kia có thể xem là đầy đủ để Bồ tát Pháp Tạng tư duy, chọn lựa.
Đoạn tiếp: Trong bản hội tập, ngài Pháp Tạng thề rằng: “Túng sử thân chỉ chư khổ trung” (Dẫu cho thân trụ trong các khổ) vì chữ Khổ dĩ nhiên đã gồm cả cái khổ địa ngục. Thề rằng: Dẫu đọa vào địa ngục thì hạnh nguyện trên đây của tôi cũng chẳng bị thoái chuyển, minh thị rõ điều được nói trong câu kệ ngay trước đó: “Ngã hạnh quyết định kiên cố lực” (hạnh tôi: sức quyết định, kiên cố).
Ở đây chúng ta học Ngài ở điều gì? Đó chính là: Sức quyết định, sức kiên cố. Tu hành pháp môn này rất cần những điều này. "Dẫu cho thân trụ trong các khổ. Nguyện tâm như vậy thề không thoái". Càng gặp nghịch cảnh khổ đau, tâm ta càng mạnh mẽ, kiên định, không thoái. Như vậy thì chắc chắn thành tựu. Chứ còn như đụng cảnh đụng duyên thử thách chúng ta bèn tìm cách 'rẽ ngang' sang đường khác, hay tìm cách thoái lui; hoặc tu hành mà tâm không quyết định, cứ lưỡng lự: không biết đời này có vãng sanh được không?, nếu có gì thì đời sau tu tiếp vậy, hay khó quá, khổ quá rồi [thôi buông trôi quách cho xong]... Tu tập mà mang những cái tâm như vậy thì sao thành tựu? Những chuyện thế gian muốn thành công chúng ta còn phải tận tâm tận sức huống hồ Pháp xuất thế gian liễu sanh tử.
Tu hành cần nhất ở sự kiên định, kiên định Tín tâm, kiên định Nguyện tâm, rồi siêng năng hành trì. Thành bại nó quyết định bởi những điểm này. Nếu ai mà đạt được tới cảnh giới "nhất tâm" [chí tâm, chân tâm thường trụ] thì chắc chắn có được những yếu tố này, không bao giờ thoái chuyển, dẫu đụng cảnh duyên gì đi nữa. Bởi giống như nó thuộc về tự tánh rồi, không mất đi được. Nhất tâm thì có hai loại Nhất tâm: Niệm Phật nhất tâm [Nhất tâm bất loạn] và nhất tâm tin tưởng [Chí tâm tin ưa]. Chúng được thể hiện trong hai Nguyện rất quan trọng là Nguyện thứ 18 và 19. So sánh hai bên, rõ ràng chúng ta thấy "Nhất tâm tin tưởng" là dễ dàng hơn nhiều, thích hợp mọi căn cơ từ Thượng thánh đến Hạ phàm, ai cũng có thể làm được. Cho nên được Mười Phương Chư Phật tán thán.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 4. Pháp Tạng Nhân Địa
Ngài Hoàng Niệm Tổ