Dù phàm hay thánh, dù trí hay ngu...
Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt để phổ độ chúng sanh của Như Lai. Đức Như Lai nghĩ thương chúng sanh nên thị hiện thành Chánh Giác, thuận theo mọi căn cơ, khéo léo khuyên dụ dần dần. Với hàng đại căn bèn dạy ngộ “nhất tâm tạo trọn mọi thứ”, đoạn Hoặc chứng Chân, dùng đó để tiến thẳng vào Bồ Đề. Với hàng tiểu khí thì dạy hiểu rõ nhân quả ba đời, hướng lành, tránh dữ để làm phương tiện nhập đạo. Tuy Đại - Tiểu bất đồng, Quyền - Thật khác biệt, nhưng đều phải đoạn được hai thứ Kiến Hoặc và Tư Hoặc mới có thể thoát khỏi phần đoạn sanh tử. Nếu Hoặc nghiệp chưa hết, đạo quả chưa thành, dẫu có tu trì vẫn chẳng thể tự làm chủ được! Ở trong sanh tử đã lâu, người tấn đạo thì ít, kẻ lui sụt thì nhiều là vì đạo chẳng thắng nổi tập khí, nghiệp ràng buộc tâm. Ví như chén bát chưa nung, gặp mưa liền rã. Tuy có công từ trước vẫn hoàn toàn chẳng được lợi ích gì. Do lẽ đó, Phật bèn đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, khiến cho dù phàm hay thánh, dù trí hay ngu đều dùng lòng tin sâu, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đây chính là dùng tín nguyện của chính mình để cảm Phật từ bi, cảm ứng đạo giao ắt được nhiếp thọ. Đến khi lâm chung được theo Phật vãng sanh. Đã vãng sanh là đã đoạn Hoặc, mau chứng Vô Sanh. Người có đủ nghiệp chướng buộc ràng cũng dự vào địa vị Bất Thoái. Từ đấy thân cận Di Đà, dự vào hải chúng, được un đúc, dưỡng dục, giáo hóa, nhiễm mùi hương mầu nhiệm của Như Lai, chướng hết, trí trọn, khôi phục Phật tánh sẵn có. Nâng đỡ căn cơ kém cỏi, khéo dụ sơ tâm, chỉ có mình pháp môn này thật là bậc nhất. Ân Như Lai rộng lớn châu đáo, dẫu thiên địa, cha mẹ cũng không thể sánh ví được muôn một!
Diệu hạnh “nhiều phước đức nhân duyên”
Người xưa muốn cho đồng nhân ai nấy đều tu Tịnh nghiệp; do vậy bèn tập hợp kinh, chú, những bài văn, lời nói và những sự ứng nghiệm tạo thành một cuốn sách, đặt tên là Tây Phương Công Cứ. Công Cứ có nghĩa là cái chuôi (cốt lõi) và bằng khoán vậy. Nếu có thể thọ trì A Di Đà Kinh sẽ biết thế giới Cực Lạc chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng những điều vui, y báo, chánh báo trang nghiêm, đủ mọi công đức; A Di Đà Phật hiện đang thuyết pháp, thọ mạng, quang minh vô lượng, thệ nguyện rộng sâu; các thượng thiện nhân cùng ở chung một chỗ, đều do tu diệu hạnh “nhiều phước đức nhân duyên” tín nguyện niệm Phật mà được sanh. [Biết vậy rồi] ai mà không thật sự vì sanh tử, phát tâm Bồ Đề, dùng lòng tín nguyện sâu xa, thiết tha để mong gần là được đạt lên địa vị Bất Thoái, xa là viên thành Phật đạo? Huống chi chư Phật sáu phương lợi ích khắp các chúng sanh, Bổn Sư Thích Ca đắc vô thượng đạo, không vị nào chẳng khởi đầu từ pháp này mà rốt cuộc cũng quy về pháp này đó ư?
Ngõ hầu cha mẹ trong đời này cũng như kẻ oán người thân nhiều kiếp, khắp cả pháp giới chúng sanh...
Ấy là vì hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, tâm này làm Phật, tâm này là Phật, do lấy Quả Địa Giác làm Nhân Địa Tâm, cho nên nhân bao trùm biển quả, quả tột nguồn nhân. Pháp môn mầu nhiệm, không còn gì mầu nhiệm hơn được nữa, là chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm. Quả thật pháp này đã diễn giảng trọn vẹn thông suốt bổn hoài của Như Lai. Có duyên gặp được thì chính là nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên. Nhằm ngăn ngừa nghi ngờ, lui sụt, nên còn gộp cả vào sách những đồ thuyết ứng nghiệm. Ông Từ Triệu Hành xưa có linh căn, đau xót song thân mất sớm, mong họ cùng lên chín phẩm sen; do vậy, phát tâm tái bản để rộng lưu truyền. Ngõ hầu cha mẹ trong đời này cũng như kẻ oán người thân nhiều kiếp, khắp cả pháp giới chúng sanh cùng vào biển nguyện của Phật Di Đà. Tôi mến lòng hiếu thuận của ông ta, bèn thuật những nét chánh. Nếu người đọc không cho lời tôi là sai, ắt sẽ có ngày tự chứng đại sự nhân duyên rất sâu vô thượng này vậy, còn mong mỏi gì hơn!
Đoạn đầu: "Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt để phổ độ chúng sanh của Như Lai". "Phổ độ" tức là căn cơ nào cũng có thể được độ, không chừa một căn cơ nào cả, tạo thành một dải liên tục [phổ] cứu độ chúng sanh không phân biệt, không giới hạn. "Pháp môn đặc biệt" đó là như các Ngài hay nói "dùng sức ít [trong một đời], thành công cao [vãng sanh liễu thoát sanh tử, đạt bất thoái cho đến thành Phật]" và điều đặc biệt nhất đó là "chúng sanh nào cũng có phần [có cơ hội thành tựu] trong đó". Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác thì Pháp môn này còn là "đặc biệt" khó tin nữa. Khó tin là vì do tâm nguyện của Đức Phật muốn phổ độ chúng sanh nên phải dùng cái Pháp và tiêu chuẩn vãng sanh phải thật thấp, thấp đến mức không thể tưởng tượng được, đến mức ... thật khó tin! [để hạng căn cơ nào cũng có thể sử dụng và thành tựu được]. Chứ đưa ra cái pháp cao quá, hay cao vừa thì những hạng thấp, hạng bét [ngũ nghịch thập ác lâm chung niệm được mười niệm...] thì sao có phần đây? Như vậy chúng ta thấy hạng bét còn có phần huống chi là chúng ta, cả đời niệm Phật. Cho nên, trong bất cứ trường hợp nào, hành giả niệm Phật cầu sanh chúng ta đừng bao giờ hoài nghi [việc vãng sanh của mình]. Một niệm, mười niệm là đủ thành tựu công đức [để vãng sanh] rồi. Do đâu chúng ta dám nói vậy? Thì cứ y cứ Kinh văn, lời Phật lời Tổ, Đại nguyện thứ 18 "...nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả, bất thủ Chánh Giác", mà Đức Phật kia "thành Phật đến nay đã mười kiếp, hiện đang thuyết pháp", tức Ngài đã "thủ Chánh Giác" rồi nên chắc chắn "sanh giả" [được sanh]. Đây là xét về "Pháp" của Phật dành cho chúng sanh. Chúng sanh chỉ cần hành được như vậy [quá dễ cho tất cả chúng ta đúng không, vì đây là Phật đại từ bi xét cho cả từ hạng bét 'muộn màng' lúc lâm chung mới bắt gặp được Tịnh Độ, được thiện tri thức khai thị] thì sẽ được Phật rước chăng? Dĩ nhiên, với một điều kiện nữa, đó là phải Tin 'cái Pháp' này là đúng, là thật, không hư dối. Chứ còn một mặt hành trì, cho dù gấp hàng vạn hàng triệu lần con số ấy nhưng không tin "lời Ta nguyện" kia thì cũng bằng không! Bởi pháp môn này thành tựu hay không là ở nương nhờ "sức Ta" cứu vớt về, mà hành trì theo kiểu 'đối phó', chẳng tin lời Ta nói, vậy thật ra các người niệm danh hiệu Ta vì mục đích gì đây? Nếu thật sự niệm danh hiệu Ta để cầu Ta cứu vớt thì không thể không tin lời Ta kia. Còn như một mặt niệm danh hiệu Ta , một mặt chẳng tin lời Ta, vậy thì vô hình trung trong thâm tâm các người còn cầu viện một 'thế lực' nào đó nữa để đưa các người về cõi Ta, chứ đâu phải trông cậy vào Pháp của Ta, sức của Ta. Vậy làm sao "cảm" được Ta để Ta cứu vớt đây. Ta chỉ phát lên lời Thệ Nguyện như thế, nếu ai chịu hành trì, tin tưởng, nương cậy vào pháp ấy thì mới gọi là 'đắc pháp' [Ta nhất định cứu độ]. Ở đây chúng ta dùng chữ "Ta" chỉ Đức Phật cho dễ hiểu vậy.
Cho nên nói Tịnh Độ là phải nói đầy đủ "Tín Nguyện Niệm Phật", chẳng thể chỉ nói Niệm Phật không, như trên đã phân tích ít nhiều. Thật ra, nói về Tịnh Độ mà chỉ khuyên niệm Phật cầu sanh không thôi, chẳng chú trọng gầy dựng Tín tâm, thì về lâu dài sẽ phát sanh quá nhiều quá nhiều hệ lụy mà ở đây chẳng thể nói hết được. Ví dụ, hành giả niệm Phật cầu sanh mà chẳng chú trọng gầy dựng Tín Nguyện một thời gian sau kiểu gì Nguyện tâm cũng có vấn đề, chưa nói đến Tín tâm. Cứ phải là ra sức buông lên buông xuống, mà lạ cái là càng cố buông lại càng dính mắc trong tâm, hàng ngày tâm trí niệm Phật không biết được bao nhiêu nhưng cứ nghĩ tới việc buông xả, chẳng bao giờ đủ cả, bất tận... Rồi nếu chẳng chú trọng Tín Nguyện thì sau thời gian kiểu gì cũng phát sanh 'tạp loạn', tạp tu tạp hạnh ngay thôi. Chẳng tin sao? Vì Tín tâm chẳng có nên đụng gì cũng tin, cái gì cũng là diệu hạnh cả [để tích lũy công đức]. Nhưng khổ cái là những cái tạp hạnh đó nhiều khi 'dễ thấy' hơn chánh hạnh niệm Phật, dưới con mắt thế gian, thế là càng tu càng 'đa dạng phong phú', chẳng còn chuyên nhất nữa. Nói chung là có rất nhiều vấn đề, không thể nói hết được. Người tu mà chẳng có Tín tâm giống như con thuyền không có người cầm lái, rất dễ chệch choạc, lầm đường lạc lối.
Về việc gầy dựng Tín tâm Nguyện tâm thật ra không phải quá khó. Trước nhất, hành giả phải "thật vì sanh tử" cái đã, tâm giả thoát, tâm cầu sanh phải cho mạnh, cho thật, rồi mới tính tiếp đến những yếu tố khác. Nói là tu Tịnh Độ nhưng tâm thì cứ thích vui thú những phước thế gian này kia thì Tín tâm Nguyện tâm cái nổi gì. Tiếp đến là phải 'xả' ra hết những 'tà kiến' sai lệch, không đúng Chánh Pháp Phật. Thường là những tà kiến đó mang tư tưởng các Pháp tu Tự Lực, nên chẳng thể áp dụng được với Tịnh Độ Tông. Có một vị chuyên hoằng dương Tịnh Độ suốt mấy chục năm, nhưng do Ngài không thể xả bỏ những tư tưởng Tự Lực được học tập từ các vị thầy đầu tiên, nêu sau này giảng Kinh thuyết pháp về Tịnh Độ vẫn 'in đậm' tư tưởng tự lực trong ấy. Thật ra đó là do Ngài không chịu 'nghe lời' vị thầy của mình. Vị thầy ấy đã nhìn thấy trước được vấn đề, nên nhắc nhở Ngài phải xả bỏ hết những giáo lý đã học được trước kia đi trước khi tiếp nhận giáo lý Tịnh Độ, nhưng chẳng hiểu sao Ngài vẫn không xả bỏ. Mà mãi cho đến cuối đời Ngài vẫn khẳng định những giáo lý ngắn gọn ban đầu kia mới là có ảnh hưởng mạnh nhất trên đường đạo của Ngài, chứ chẳng phải những tư tưởng giáo pháp Tịnh Độ. Thế nên nghe Ngài giảng nói về Tịnh Độ kiểu gì cũng mang 'hơi hướng' tự lực trong đó. Như vậy thì làm sao đúng Tông chỉ tông yếu của Pháp môn này được đây. Thật ra thì những giáo lý [mà Ngài tâm đắc kia] trong Tịnh Độ tông chúng được giải quyết ... 'trong một nốt nhạc', đầy đủ tất cả, chẳng thiếu gì cả, chẳng cần bổ sung gì cả. Thật vậy sao? Một chữ Tín gầy dựng cho đầy đủ thì thứ gì mà chẳng buông xả được, mà còn buông xả một cách chủ động, tự tại nữa, chẳng phải cố gắng như kia. Hay như tâm cầu sanh cho mạnh, tức tâm sanh tử cho chân thật tha thiết, thì thứ gì chẳng thể ... 'vứt bỏ' để theo Phật về Tây. Dĩ nhiên, xét công lao Ngài hoằng dương Tịnh Độ tông thật là vĩ đại, điều đó phải thừa nhận, nhưng chỉ là đề có được nhân duyên Tịnh Độ thôi, còn tu trì đi sâu để thành tựu giải thoát mà cứ bám chấp lấy giáo lý của Ngài thì thật đúng là quá ... chông chênh, phải đợi đến lúc cuối nương cậy vào pháp Hộ Niệm chăng?! Cho nên ngày nay Pháp Hộ Niệm trở thành 'đại cứu tinh' cũng có lý thật đấy.
Chúng ta cùng đọc và học tập các đoạn khác.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Lời tựa tái bản bộ Tây Phương Công Cứ
Đại Sư Ấn Quang