Lời cực đàm của cả một đời giáo hóa; chẳng trồng cội đức, dù trải bao kiếp cũng khó được gặp gỡ!
Lớn lao thay giáo pháp Tịnh Độ! Tâm này làm Phật, tâm này là Phật, pháp Trực Chỉ Nhân Tâm phải thua pháp này về mặt kỳ đặc (đặc biệt, lạ lùng). Mười niệm, một niệm liền lên Bất Thoái. Dù trải bao kiếp tu chứng vẫn ngưỡng mộ phong thái cao xa của pháp này. Độ khắp thượng trung hạ căn, thống nhiếp Luật, Giáo, Thiền Tông. Mưa đúng thời nhuần thấm mọi vật, như biển cả thâu nạp muôn sông. Hết thảy pháp Thiên, Viên, Đốn, Tiệm, không gì chẳng lưu xuất từ pháp giới này; hết thảy hạnh Đại, Tiểu, Quyền, Thật, không hạnh nào chẳng quy hoàn pháp giới này. Chẳng đoạn Hoặc nghiệp, được dự vào Bổ Xứ. Ngay trong một đời này, chứng Đại Bồ Đề. Chúng sanh chín pháp giới lìa pháp này thì trên chẳng thể viên thành Phật đạo. Mười phương chư Phật bỏ pháp này thì dưới chẳng thể lợi khắp quần sanh. Do vậy, Hoa Tạng hải chúng đều tuân theo mười đại nguyện vương. Hội Pháp Hoa xưng niệm một tiếng đều chứng Thật Tướng các pháp. Lực dụng lớn lao như thế, chư Phật cùng tuyên dương. Phát huy tột bậc đến như vậy, chư Tổ đều cùng như thế. Thật có thể nói là lời cực đàm (bàn luận đến tột cùng) của cả một đời giáo hóa, là đại giáo Nhất Thừa vô thượng vậy! Chẳng trồng cội đức, dù trải bao kiếp cũng khó được gặp gỡ! May được nghe ngóng, un đúc, gắng sức tu trì, sợ lũ cuồng đồ vô tri kia chê là thiển cận, cho nên y giáo khen ngợi, thuật bày để họ phụng hành vậy!
[Cần hiểu] sự lớn - nhỏ, hơn - kém giữa Phật lực và tự lực
Hỏi: Pháp môn Niệm Phật người ngu cũng tu được, Luật, Giáo, Thiền Tông kẻ trí còn khó hiểu được, sao lại nói pháp này thống nhiếp các pháp kia?
Đáp: Muốn biết nghĩa này, cần phải hiểu kỹ sự lớn - nhỏ, hơn - kém giữa Phật lực và tự lực thì hết thảy nghi hoặc sẽ ào ạt tiêu tan, cởi gỡ ngay! Phật và chúng sanh tâm tánh tuy đồng, nhưng nếu luận về lực dụng thì khác biệt vời vợi như trời với đất. Ấy là vì chúng sanh có đủ vô lượng phiền não ác nghiệp, nên công đức - trí huệ chẳng thể hiện tiền. Phật đầy đủ vô lượng công đức - trí huệ, phiền não ác nghiệp hết sạch không còn sót. Phật và chúng sanh mê - ngộ bất đồng, cho nên lực dụng hơn - kém thật khác! Luật, Giáo, Thiền Tông đều cậy vào tự lực để liễu thoát sanh tử. Vì thế, trải kiếp dài lâu vẫn khó thoát khỏi. Pháp môn Niệm Phật hoàn toàn cậy vào Phật lực kiêm thêm tự lực để liễu thoát sanh tử. Vì thế, hết một đời này liền lên Bất Thoái.
Đấy là tự lực [phải khéo hiểu ý, đừng chấp chặt vào văn tự]
Hỏi: Tự lực, Phật lực nghĩa như thế nào, xin giảng rõ cho!
Đáp: Luật, Giáo, Thiền Tông thoạt đầu phải hiểu sâu xa giáo lý, y giáo tu hành, công tu hành sâu, đoạn Hoặc chứng Chân mới thoát sanh tử. Nếu chẳng hiểu giáo lý thì là tu mù luyện đui. Nếu không, được chút ít đã cho là đủ, liền bị ma dựa, phát cuồng. Dẫu cho hiểu lý, công sâu, cũng phải đoạn Hoặc. Nếu còn mảy may chưa đoạn sạch thì vẫn y như cũ chẳng thoát khỏi vòng khổ. Đến khi nào Hoặc nghiệp hết sạch mới có thể lìa khỏi sanh tử, nhưng vẫn còn cách địa vị Phật rất xa. Lại phải trải qua bao kiếp tấn tu mới có thể viên mãn Phật quả. Ví như thứ dân sanh ra thông minh, trí huệ, đọc sách học văn nhọc nhằn nhiều năm, học vấn đã thành, thi đậu làm quan. Do có tài năng lớn, cho nên từ chức nhỏ được thăng lên dần, cho đến làm tể tướng, làm quan cực phẩm, không thể thăng lên được nữa. Trong quần thần địa vị bậc nhất, nhưng nếu so với thái tử, quý - hèn một trời một vực, huống gì [sánh với] hoàng đế? Suốt đời làm bầy tôi, phụng hành mạng vua, cúc cung tận tụy, giúp vua cai trị quốc gia. Nhưng địa vị tướng quốc ấy thật chẳng dễ dàng, nhọc nhằn cả nửa đời người, nai lưng chịu đựng, rồi đến rốt cuộc chẳng qua chỉ như vậy! Nếu học vấn tài năng hơi kém cỏi hơn, chẳng đạt được như vậy ắt có đến trăm ngàn vạn ức người! Đấy là tự lực. Học vấn tài năng ví như hiểu sâu giáo lý, y giáo tu hành. Địa vị đến chức Tể Tướng ví như công tu hành sâu dầy, đoạn Hoặc chứng Chân. Chỉ có thể xưng là thần, chẳng dám xưng là vua (Bầy tôi nhất định chẳng dám xưng là vua. Bầy tôi muốn làm vua trừ phi thác sanh trong cung vua, làm hoàng thái tử. Tu các pháp môn khác cũng có thể thành Phật, nhưng so với pháp Tịnh Độ thì khác biệt còn gấp nhiều lần [sự khác biệt] giữa ngày và kiếp. Người đọc phải khéo hiểu ý này, đừng chấp chặt vào từ ngữ. Nhưng theo như phần cuối kinh Hoa Nghiêm, Đẳng Giác Bồ Tát còn dùng mười đại nguyện vương để hồi hướng vãng sanh, rất giống với ý nghĩa thác sanh trong hoàng cung, làm hoàng thái tử. Pháp môn Tịnh Độ có được kinh Hoa Nghiêm giống như biển cả dung nạp vạn con sông, như thái hư bao trùm vạn tượng. Cao đẹp thay! Lớn lao thay!) ví như tuy thoát sanh tử, nhưng còn chưa thành Phật! Những kẻ học vấn chưa đầy đủ, chẳng thể [đạt được] như vậy rất đông; ví như những người chưa đoạn sạch Hoặc, chẳng thể thoát khỏi biển khổ sanh tử rất nhiều.
Nói “tín nguyện trì danh” chính là do tự lực [phải] cảm được Phật lực
Trong pháp môn Niệm Phật, dẫu chưa hiểu giáo lý, chưa đoạn Hoặc nghiệp, chỉ cần tín nguyện trì danh cầu sanh Tịnh Độ, lúc lâm chung quyết định được Phật đích thân rủ lòng tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Khi đã sanh về Tây Phương, thấy Phật nghe pháp, ngộ Vô Sanh Nhẫn, ngay trong một đời này quyết định bổ vào địa vị Phật. Đây là Phật lực lại kiêm tự lực. Nói “tín nguyện trì danh” chính là do tự lực có thể cảm được Phật. Thệ nguyện nhiếp thọ, rủ lòng Từ tiếp dẫn chính là Phật lực có thể ứng với ta. Do cảm ứng đạo giao cho nên được như thế. Nếu lại hiểu sâu xa giáo lý, đoạn Hoặc chứng Chân thì phẩm vị vãng sanh càng cao, viên thành Phật đạo càng lẹ! Do vậy, Văn Thù, Phổ Hiền, Hoa Tạng hải chúng, Mã Minh, Long Thọ, tổ sư các tông đều nguyện vãng sanh. Ví như thác sanh trong hoàng cung, vừa ra khỏi thai mẹ đã sang quý lấn át quần thần, đấy là nhờ vào sức vua. Đến khi khôn lớn, học vấn, tài năng mỗi mỗi đều đầy đủ, bèn có thể kế thừa ngôi vua, bình trị thiên hạ. Hết thảy bầy tôi đều phải nghe chiếu dụ. Đấy chính là vương lực, tự lực đều cùng có.
Đối với Pháp môn này...
Pháp môn Niệm Phật cũng giống như thế. Chưa đoạn Hoặc nghiệp, cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, liền thoát khỏi sanh tử. Ví như Thái Tử mới sanh đã sang quý lấn át quần thần. Đã được vãng sanh thì Hoặc nghiệp tự đoạn, quyết định bổ vào địa vị Phật, như Thái Tử khôn lớn, thừa kế ngôi vua, bình trị thiên hạ. Lại nữa, những vị đã đoạn Hoặc nghiệp như Mã Minh, Long Thọ, tổ sư các tông, những vị đã đạt tới địa vị Bổ Xứ như Văn Thù, Phổ Hiền, Hoa Tạng hải chúng đều nguyện vãng sanh. Ví như thuở xưa, trấn giữ chốn biên cương quê mùa, chẳng thể kế thừa ngôi báu; nay sống tại Đông Cung chẳng bao lâu sẽ đăng cực (lên ngôi vua). Xin hãy bỏ sạch thói cũ, đối với pháp môn này sanh lòng tín nguyện cùng cực, chuyên tinh tu tập thì vô tận phiền não nhanh chóng đoạn sạch chẳng khó khăn gì, vô lượng pháp môn tự nhiên chứng nhập. Viên thành vô thượng Phật đạo, độ thoát vô biên chúng sanh như trao bằng khoán ra lấy lại vật cũ. Hãy nên cố gắng! Hãy gắng sức lên!
Ảnh: Phật phóng quang tiếp dẫn
Câu: Thật có thể nói là lời cực đàm (bàn luận đến tột cùng) của cả một đời giáo hóa, là đại giáo Nhất Thừa vô thượng vậy! Chẳng trồng cội đức, dù trải bao kiếp cũng khó được gặp gỡ!
Lời Phật dạy toàn là những "khuôn vàng thước ngọc" từ kim khẩu của Ngài cho chúng sanh noi theo, giúp phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Vậy mà trong đó lại có những những lời cực đàm [bàn luận đến tột cùng], chắc chắn đó phải là những giáo lý vừa thâm sâu cao tột, vừa phải đem đến lợi ích chân thật phổ độ khắp chúng sanh pháp giới, rốt ráo viên mãn [cả về đạo lý lẫn lợi ích chân thật]. Chứ nếu không thì làm sao thỏa chí nguyện bổn hoài [độ sanh] Đại từ đại bi vô cùng vô tận của các Ngài cho được!
Câu: Trong pháp môn Niệm Phật, dẫu chưa hiểu giáo lý, chưa đoạn Hoặc nghiệp, chỉ cần tín nguyện trì danh cầu sanh Tịnh Độ, lúc lâm chung quyết định được Phật đích thân rủ lòng tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương.
"Chỉ cần tín nguyện trì danh cầu sanh Tịnh Độ" là ý nói lúc nào vậy? Lúc lâm chung, lúc bình thời, hay cả hai? Dạ vâng. Chính xác là cả hai mới chắc ăn. Cả một đời "tín nguyện niệm Phật", thì lâm chung cũng "tín nguyện niệm Phật", không thể khác được! Nếu có ai đó nói rằng 'lỡ như lúc đó...", hay 'đừng chủ quan như thế', .... đại khái như vậy, liệu có hợp lý chăng?! Dạ vâng, bình thời còn đặt ra những câu nghi vấn kiểu như vậy, thì chứng tỏ rằng tín nguyện ta hãy còn có vấn đề đấy, cần bồi dưỡng, gầy dựng thêm [một cách nghiêm túc]. Mà bình thời tín nguyện có vấn đề thì đến khi lâm chung [rất có thể] nó cũng như vậy. Thế nên, thời đại này rất cần các Ban trợ niệm, thiện tri thức khai thị, đồng tu hộ niệm, cho lúc đó. Bởi đa phần là rơi vào trường hợp như vậy.
Chứ còn bình thời tin chắc, chẳng nghi, chân thật nguyện sanh, có thể xả [chết], tinh tấn hành trì, kiền thành như thế suốt một đời, đến khi thọ mạng đến chắc chắn sẽ cảm ứng đạo giao, Phật đến tiếp dẫn. Việc hộ niệm, đại chúng trợ duyên, thời gian, hoàn cảnh, được báo trước [hay không]... tùy theo phước báu nhân duyên mỗi người mà Phật sắp đặt cho.
Câu: Đối với pháp môn này sanh lòng tín nguyện cùng cực, chuyên tinh tu tập thì vô tận phiền não nhanh chóng đoạn sạch chẳng khó khăn gì, vô lượng pháp môn tự nhiên chứng nhập.
Thật sự, hành giả Tịnh Độ nếu hành trì đúng pháp, ngay hiện đời "nghiệp tiêu, chướng tận" nhanh không ai bằng! Còn chỉ có hành trì không thôi, tín tâm nguyện tâm còn cạn mỏng, gọi là ...chưa tới, thì dù có tinh tấn cũng chẳng thể gọi là tiêu trừ 'nhanh, mạnh' cho được. Nguyên nhân vì sao thì chắc chúng ta đều đã rõ. Cho nên nói, Pháp môn này lợi ích từ ngay hiện đời là vậy. Nghiệp tiêu, trí rạng, phước tăng, chướng giảm... lâm chung thì nhẹ nhàng, an tường Phật rước về Tây, một đời liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Tịnh Độ Vấn Đáp và Lời Tựa
Đại Sư Ấn Quang