Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, thập phương thế giới sở hữu chúng sanh, linh sanh ngã sát, giai cụ tử ma chân kim sắc thân, tam thập nhị chủng đại trượng phu tướng, đoan chánh tịnh khiết, tất đồng nhất loại. Nhược hình mạo sai biệt, hữu hảo xú giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, khiến cho tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới sanh trong cõi tôi đều được đầy đủ thân sắc vàng ròng trau giồi sáng bóng, ba mươi hai tướng đại trượng phu đoan chánh, tịnh khiết, giống hệt như nhau. Nếu họ hình dáng sai khác có xấu đẹp thì chẳng giữ lấy Chánh Giác.
(Nguyện thứ ba: thân đều như kim sắc; nguyện thứ tư: đủ ba mươi hai tướng; nguyện thứ năm: thân không có sai khác)
Giải:
Chương này gồm ba nguyện.
Câu “thập phương thế giới sở hữu chúng sanh, linh sanh ngã sát, giai cụ tử ma chân kim sắc thân” (khiến cho tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới sanh về cõi tôi đều đầy đủ thân màu vàng ròng trau giồi sáng bóng) là nguyện thứ ba: “Thân đều là kim sắc". Sanh cõi ấy rồi, thân đều có màu như màu của vàng ròng được trau chuốt đến mức sáng bóng.
Màu vàng ròng là màu nơi thân Như Lai. Ðại sư Thiện Ðạo nói: “Chư Phật muốn hiển thị tướng thường trụ bất biến nên hiện ra sắc hoàng kim”. Sư Nhật Khê bảo: “Màu đó tiêu biểu màu của Trung Đạo Thật Tướng”.
Nay trong đại nguyện này, Phật muốn khiến cho hết thảy người đã vãng sanh đều có thân tướng giống hệt như thân Phật, đều có màu vàng ròng để hiển thị: Chúng sanh và Phật bất nhị, chân thật bình đẳng. Vì vậy, sách Hội Sớ nhận xét: “Do đó, nguyện rằng nhân dân trong cõi tôi thuần một sắc vàng, chẳng có xấu, đẹp, ta và người đều bình đẳng, dứt tuyệt ý tưởng trái, thuận”. Thuyết của sách Hội Sớ thật đã trình bày tỏ tường ý nghĩa của Trung Ðạo Thật Tướng.
“Tam thập nhị chủng đại trượng phu tướng” (Ba mươi hai tướng đại trượng phu): Trời, người trong cõi nước ấy đều đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu là nguyện thứ tư, [nguyện này] còn gọi là “nguyện ba mươi hai tướng”. Ba mươi hai tướng đại trượng phu còn gọi là ba mươi hai tướng đại nhân, gọi tắt là ba mươi hai tướng. Ba mươi hai tướng này chẳng phải riêng mình đức Phật mới có, Chuyển Luân thánh vương cũng có đủ ba mươi hai tướng. Trí Ðộ Luận, quyển tám mươi tám có nói Phật hiện ra tướng đại nhân này là vì “thuận theo quan niệm của người Thiên Trúc nơi cõi Diêm Phù Ðề trong thế gian, nên hiện ra ba mươi hai tướng”. Thuyết này rất tuyệt, Phật vốn ly tướng lại hiện có tướng là thuận theo tập tục thế gian vậy.
Sách Pháp Giới Thứ Ðệ quyển hạ nói: “Nơi thân ứng hóa của đức Như Lai thị hiện ba mươi hai tướng này để biểu thị Pháp Thân có các đức viên mãn đến cùng cực, khiến cho người khác trông thấy liền yêu kính, biết Phật có đức hạnh thù thắng đáng tôn sùng, là bậc tôn quý trong trời người, là vua của chư thánh. Vì vậy, Phật thị hiện có ba mươi hai tướng”. Theo Tam Tạng Pháp Số, quyển bốn mươi tám, ba mươi hai tướng là:
1) Bàn chân bằng phẳng, lòng bàn chân không chỗ nào lõm xuống.
2) Tướng bánh xe ngàn căm: Dưới chân có hình bánh xe.
3) Ngón tay dài nhọn: Ngón tay thon dài.
4) Chân tay mềm mại.
5) Chân tay có màng lưới: Giữa các ngón chân, ngón tay có màng lưới nối liền nhau giống như chân vịt ngỗng.
6) Gót chân đầy đặn: Gót chân đầy đặn không khuyết.
7) Lưng bàn chân vun tròn: Mu bàn chân cao đầy, tròn trịa.
8) Bắp đùi nai chúa: Bắp đùi Phật tròn trịa, nuột nà như bắp đùi nai chúa.
9) Tay dài quá gối: Tay dài qua khỏi đầu gối.
10) Mã âm tàng: Nam căn của Phật ẩn kín trong cơ thể như âm ngựa.
11) Thân to rộng: Chiều cao của Phật bằng với khoảng cách hai tay giang ra.
12) Lỗ chân lông có sắc xanh: Nơi mỗi lỗ chân lông mọc một sợi lông sắc xanh, nhưng các sợi lông chẳng mọc loạn xị.
13) Lông trên thân mướt đẹp: Lông trên thân mọc xoáy về phía phải, hướng lên trên, mượt mà.
14) Thân sắc vàng: Màu sắc thân Phật như màu vàng ròng.
15) Bảy chỗ bằng phẳng, đầy đặn. Bảy chỗ là hai lòng bàn chân, hai lòng bàn tay, hai vai và đảnh đầu. Cả bảy chỗ ấy đều bằng phẳng, đầy đặn, không khuyết hãm.
16) Thường quang chiếu xa một trượng: Thân Phật tỏa quang minh, mỗi phía đều xa đến cả trượng.
17) Da dẻ mềm mại, mượt mà: Da dẻ mềm mịn, trơn láng.
18) Hai nách đầy đặn.
19) Thân như tướng sư tử: Thân thể đầy đặn, đẹp đẽ, oai nghi đoan nghiêm như sư tử chúa.
20) Thân thể đoan trực: Thân hình đoan chánh, không cong vẹo.
21) Vai tròn đầy: Hai vai tròn trịa đầy đặn.
22) Bốn mươi cái răng: Phật có đủ cả bốn mươi cái răng.
23) Răng trắng, khít, bằng: Bốn mươi cái răng đều trắng sạch, mọc khít khao.
24) Bốn răng nanh trắng sạch: Bốn răng nanh lớn nhất nhưng thật trắng sạch.
25) Má đầy như má sư tử: Hai gò má tròn đầy như tướng gò má sư tử.
26) Nước miếng trong họng có vị ngon ngọt nhất: Trong cổ họng Phật thường có chất nước miếng khiến cho ăn vật gì cũng trở thành thơm ngon nhất.
27) Lưỡi rộng dài: Lưỡi to mà dài, mềm mại, thanh mảnh, khi thè ra che cả khuôn mặt đến tận mí tóc.
28) Phạm âm vang sâu xa: Phạm (梵) nghĩa là thanh tịnh. Âm thanh của Phật thanh tịnh nhưng nghe vang rất xa.
29) Mắt có màu cám thanh: Tròng con mắt có màu cám thanh (紺 青: Xanh biếc hơi pha sắc đỏ).
30) Lông mi như [lông mi của] trâu chúa: Lông mi mắt đẹp như lông mi mắt trâu chúa.
31) Giữa hai chân mày có tướng bạch hào: Giữa hai chân mày có một sợi lông trắng, uyển chuyển cuộn về bên phải, thường phóng quang minh.
32) Trên đảnh có Nhục Kế: Nhục Kế tiếng Phạn là Ô-sắt-nị (Usni), dịch là Nhục Kế. Trên đảnh Phật có thịt gồ cao lên như hình búi tóc, còn gọi là Vô Kiến Ðảnh Tướng.
(Các kinh, luận khác nói về ba mươi tướng có đôi chút sai khác).
Sư Vọng Tây viết: “Do bởi nguyện ấy, các chúng sanh đã vãng sanh đều đủ các tướng, chẳng cần tu mà tự được. Hỏi: Sau khi hoa nở hay là trước khi hoa nở được đầy đủ các tướng? Ðáp: Chẳng đợi đến khi hoa nở, hễ sanh về đấy ắt liền có”.
Nguyện kế tiếp theo đó là nguyện “thân không sai biệt”. Nguyện rằng: Chúng sanh trong cõi nước tôi, dung mạo, hình dáng thảy đều đoan chánh, tịnh khiết giống hệt như nhau. Nếu còn phân ra xấu, tốt sai khác, tôi nguyện chẳng thành Phật. Nguyện này nói rõ người trong cõi Cực Lạc có cùng một hình dạng như nhau không hề sai khác. Vì thế, đại sư Ðàm Loan nói: “Do chẳng giống nhau nên thân có quý, hèn. Do thân có quý, hèn nên thị phi sanh khởi. Thị phi đã khởi thì chìm đắm mãi trong ba cõi. Vì vậy, Phật hưng khởi lòng đại bi, khởi lên nguyện bình đẳng”. Ðại sư đã chỉ rõ nguyên nhân Phật phát khởi nguyện này vậy.
Ảnh minh họa: "Vì chúng sanh trong cõi nước đó không có những sự khổ, chỉ thọ hưởng các điều vui, nên cõi đó tên là Cực Lạc"
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đoạn Kinh văn này có 3 Nguyện: thân đều như kim sắc; đủ ba mươi hai tướng; thân không có sai khác. Thân tâm phải đồng nhất, tương ưng. Trước hết ở đây là Thân, tất thảy đều giống nhau, và giống như Phật [về hình dạng, thể chất]. Vì sao chúng sanh ở đó được như vậy và cần phải như vậy thì đọc các đoạn Chú giải bên trên của các Ngài chúng ta có thể biết được, không cần phải lặp lại. Ở đây chỉ nói thêm chút, do nhân duyên gì mà chúng sanh cõi ấy được như thế? Dĩ nhiên đó chính là nhờ Nguyện lực của Phật mong muốn chúng sanh ở đó được như vậy. Còn xét trên phương diện nhân quả là nhờ từ đâu? Vâng, đó chính là nhờ niệm danh hiệu Phật A Di Đà nên được như vậy. Chúng sanh niệm Phật mới được sanh về cõi ấy, rồi được thọ nhận các tướng hảo như vậy. Công đức niệm Phật bất khả tư nghì, từ hạng bét một niệm mười niệm trở lên [nếu được vãng sanh về] đều nhận được cùng một hình thể như thế, không khác. Một niệm mười niệm đã có thể [được] liễu thoát sanh tử, lên thẳng địa vị Bất thoái, hình dung tướng mạo đoan trang như Phật. Thật sự không thể nghĩ bàn được. Vì sao niệm Phật có công đức lớn lao như thế? Đây mới là điều cần lưu tâm. Tất thảy đều là nhờ A Di Đà Phật từ vô thỉ kiếp lâu xa tích lũy công đức tạo nên danh hiệu này, nên [niệm danh hiệu này] mới có công đức lớn lao như thế. Chứ chẳng phải bỗng không mà có được như vậy đâu. Đây chính là phương tiện [cùng quang minh] để Phật độ chúng sanh về cõi ấy. Chúng sanh nào niệm danh hiệu ta sẽ đủ công đức sanh về cõi ấy, cho đến từ hạng bét một niệm mười niệm trở lên [cũng vẫn được], lại muốn sanh về nước ta, nhất định ta sẽ đến rước [đó là nhờ ông [bà] có công đức niệm Phật này]. Hãy tin đừng nghi [chí tâm tin ưa, bất sanh nghi hoặc]!
Dĩ nhiên để bắt gặp được nhân duyên như vậy, rồi chân thật tin tưởng, hành trì, phải có thiện căn nhiều đời nhiều kiếp tu tập, cúng dường vô lượng Chư Phật; nếu không thì "Chánh Pháp này không thể nghe", dẫu cho đời này có bắt gặp, rồi hành trì nhiều ít nhưng chẳng thể phát khởi Tín tâm chân thật, Nguyện tâm tha thiết thì cũng chỉ là gieo chủng tử nhân duyên cho đời kiếp nào đó mà thôi.
Như vậy là như thế nào? Bên trên thì nói một niệm mười niệm đã đủ công đức [vãng sanh], bên dưới lại nói cần phải có thiện căn nhiều đời nhiều kiếp, như vậy là sao? Vâng, một niệm mười niệm, niệm ít niệm nhiều, đã đủ công đức [để được sanh về], nhưng để công đức đó phát huy diệu dụng [của nó] ngay trong một đời này thì phải cảm được Tha Lực của Phật [cứu độ về], chúng sanh [dẫu đầy đủ công đức] cũng không thể tự về cõi ấy được. Đây chính là điểm khác biệt mấu chốt của Tịnh Độ so với các Pháp môn khác. Chúng sanh dẫu đã viên mãn công đức, công phu sâu dày, cảnh giới cao tột [vãng sanh ắt phẩm vị rất cao], cũng vẫn phải không thể thiếu yếu tố Tha Lực của Phật [nương cậy Nguyện Lực của Phật] để được sanh về. Nếu không, vẫn 'bị loại' như thường. Mặt khác, hạng phàm phu tục tử nhiều tội chướng, niệm Phật nhiều ít, muốn sanh về, nếu cảm thông được với Tha Lực, vẫn được tiếp dẫn vãng sanh. Nói tóm lại là không thể thiếu yếu tố Tha Lực để được sanh về, bất luận là ai, công đức nhiều ít, công phu sâu cạn khác biệt ra sao... Hay nói cách khác, chúng sanh niệm Phật cầu sanh, nhờ được nương vào Tha Lực của Phật nên được sanh về. Đạo lý này không thể không tin được. Còn như chẳng tin chẳng nguyện, thì như các Ngài nói dẫu có niệm 'mưa chẳng rơi gió chẳng lọt vào' thì cũng thành 'dã tràng se cát', chỉ để lại cái viễn nhân mà thôi, bởi không có yếu tố Tha Lực trong đó.
Các đoạn chú giải chúng ta cùng học tập.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ