Hựu Vô Lượng Thọ Phật giảng đường, tinh xá, lâu quán, lan thuẫn, diệc giai thất bảo tự nhiên hóa thành. Phục hữu bạch châu, Ma Ni dĩ vi giao lạc, minh diệu vô tỷ. Chư Bồ Tát chúng, sở cư cung điện, diệc phục như thị.
Lại nữa, giảng đường, tinh xá, lầu, quán, lan can của Vô Lượng Thọ Phật cũng đều bằng bảy báu tự nhiên hóa thành. Lại có bạch châu, Ma Ni dùng để giăng xen, sáng đẹp khôn sánh. Cung điện của các chúng Bồ Tát ở cũng giống như vậy.
“Giảng đường” (講堂) là tòa nhà dùng để thuyết pháp giảng kinh. “Tinh xá” (精舍) là tên gọi khác của chùa viện. Sách Tân Dịch Hoa Nghiêm Kinh Âm Nghĩa nói: “Tinh xá không có nghĩa là nhà cửa đẹp đẽ tinh xảo, mà là chỗ ở của bậc hành giả tu luyện siêng năng, ròng rặt thì gọi là tinh xá”. “Lâu, quán” tức là lầu, đài; “Quán” (觀) là cái đài, cái đình, nhà mát. “Lan thuẫn” là lan can, thế tục thường gọi là san lan (栅欄). Thứ đặt thẳng đứng gọi là “Lan” (欄), thứ nằm ngang gọi là “Thuẫn” (楯).
Các điện, gác trong cõi Cực Lạc đều từ tâm thanh tịnh của Phật Di Ðà biến hiện nên đều do các báu hợp thành, chẳng xây cất từ gỗ, đá, chẳng cần thợ thuyền, ứng hiện theo căn cơ nên bảo là “diệc giai thất bảo tự nhiên hóa thành” (cũng đều do bảy báu tự nhiên hóa thành).
“Bạch châu” (白珠) tức là một thứ ngọc trai. Ngọc trai trắng sạch là quý, nên bạch châu là thứ thượng phẩm trong các loại châu. Về “Ma Ni” xin xem lời giải ở phần trước. “Giao lạc” (交絡) là treo vắt chéo qua nhau như mành lưới. Bản Hán dịch ghi: “Phục dĩ bạch châu, minh nguyệt châu, Ma Ni châu vi giao lạc, phú cái kỳ thượng” (Lại dùng bạch châu, minh nguyệt châu, Ma Ni châu giăng xen, che phủ phía trên). Mành lưới kết bằng Ma Ni, diệu châu ấy che phủ trên các lầu, quán, lan can bằng bảy báu thật là sáng đẹp.
Vãng Sanh Luận lại bảo: “Nơi cung, điện, lầu, quán, thấy mười phương vô ngại. Các loại cây có ánh sáng, màu sắc khác nhau, lan can báu vây kín khắp chung quanh”. Hơn nữa, Phật đã phát ra lời nguyện thứ mười bốn “chiếu tột cùng mười phương” như sau: “Sở cư Phật sát quảng bác nghiêm tịnh, quang oánh như kính, triệt chiếu thập phương” (Cõi Phật tôi ở rộng rãi nghiêm tịnh, sáng ngời như gương, soi tỏ mười phương).
Những lời kinh như vậy cùng miêu tả cung điện, lầu, quán cõi Cực Lạc đều như gương sáng soi bóng mười phương. Vì vậy, ngài Ðàm Loan bảo: “Cung điện lầu gác như gương soi bóng mười phương; cây báu, lan can báu phản chiếu lẫn nhau”. Rõ ràng, sự trong sáng, nhiệm mầu nơi cõi Cực Lạc chẳng có gì sánh nổi nên kinh mới bảo: “Minh diệu vô tỷ” (Sáng đẹp khôn sánh). Ngay cả cung điện của Bồ Tát ở cũng có diệu dụng như thế; điều này hiển thị sâu xa Chân Như bình đẳng, như như nhất vị vậy.
Trung hữu tại địa giảng kinh, tụng kinh giả, hữu tại địa thọ kinh, thính kinh giả. Hữu tại địa kinh hành giả, tư đạo cập tọa Thiền giả. Hữu tại hư không giảng, tụng, thọ thính giả, kinh hành, tư đạo, cập tọa Thiền giả.
Trong ấy, có kẻ ở trên mặt đất tụng kinh, giảng kinh; có kẻ ở trên mặt đất lãnh nhận kinh, nghe kinh; có kẻ đi kinh hành, suy nghĩ đạo lý và tọa Thiền trên mặt đất; có người ở trên hư không giảng, tụng, thọ lãnh, nghe kinh, đi kinh hành, suy nghĩ đạo lý và tọa Thiền.
Ðoạn kinh ở phần trên tả cảnh, đoạn này tường thuật người sống trong những cảnh ấy. Những người vãng sanh tùy theo phẩm vị, tùy theo ý thích mà tu tập tự tại, hoặc ở trên hư không hoặc ngự trên mặt đất, ai nấy tùy ý giảng tụng, nghe nhận [chánh pháp], tọa Thiền, kinh hành.
Xưa dịch chữ “kinh hành” là “hành đạo”, nghĩa là đi vòng quanh hay chỉ đi qua, đi lại theo đường thẳng trong một khu vực nhất định nào đó. Dùng cách này để đối trị chứng buồn ngủ hoặc để dưỡng thân, trị bệnh.
“Tư đạo” là suy nghĩ về đạo, suy lường cảnh mình đang tiếp xúc cho đến khi hiểu thấu suốt thì gọi là “tư duy”. Trong Quán Kinh, Vy Ðề Hy phu nhân thỉnh rằng: “Ngã kim nhạo sanh Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật sở, duy nguyện Thế Tôn giáo ngã tư duy, giáo ngã Chánh Thọ” (Con nay thích sanh về Cực Lạc thế giới là chỗ của đức Phật A Di Ðà, kính xin đức Thế Tôn dạy con tư duy, dạy con Chánh Thọ). Thiện Ðạo đại sư giảng: “Nói ‘giáo ngã tư duy’ là nói đến phương tiện trước khi nhập định: suy tưởng, nghĩ nhớ y báo, chánh báo, bốn thứ trang nghiêm của đức Phật ấy”.
“Tọa Thiền” tức là tịnh tọa để tu Thiền. Thiền là tiếng Phạn, nói đủ là Thiền Na (Dhyana), dịch là Tĩnh Lự, Tư Duy Tu v.v... Bảo là “tĩnh lự” vì thể tánh của Thiền Na là tịch tĩnh, mà cũng do vì dụng công suy nghĩ kỹ càng nên bảo là “tĩnh lự”. Tĩnh là Ðịnh, Lự là Huệ. Diệu thể của Ðịnh lẫn Huệ đều bình đẳng nên bảo là Thiền Na, như Câu Xá Luận, quyển hai mươi tám đã giảng: “Do nghĩa nào mà gọi là Tĩnh Lự? Do tịch tĩnh nên có thể nghĩ tưởng cặn kẽ. Nghĩ tưởng cặn kẽ nghĩa là hiểu biết thật sự như hay nói: Tâm tại định thì có thể biết rõ một cách đúng như thật”.
Hoặc đắc Tu Đà Hoàn, hoặc đắc Tư Đà Hàm, hoặc đắc A Na Hàm, A La Hán. Vị đắc A Duy Việt Trí giả, tắc đắc A Duy Việt Trí. Các tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo, mạc bất hoan hỷ.
Hoặc đắc Tu Ðà Hoàn, hoặc đắc Tư Ðà Hàm, hoặc đắc A Na Hàm, A La Hán. Người chưa đắc A Duy Việt Trí thì sẽ đắc A Duy Việt Trí. Ai nấy đều tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo, không ai chẳng hoan hỷ.
Ðoạn này nói rõ người trong cõi ấy ai tu tập cách nào cũng đều đắc quả từ Tu Ðà Hoàn cho đến A La Hán. Ðấy là những quả vị khác nhau trong Thanh Văn Thừa.
Một là Tu Ðà Hoàn (Srotāpanna) quả, dịch là Nhập Lưu, Dự Lưu hoặc Nghịch Lưu, còn gọi là Sơ Quả. Nhập Lưu và Dự Lưu cùng một nghĩa: Từ phàm phu bắt đầu dự vào dòng pháp thánh đạo. Gọi là Nghịch Lưu vì khi đã nhập vào thánh vị thì ngược dòng lũ sanh tử. Những cách dịch như trên tuy về mặt văn tự tựa hồ có khác, nhưng ý nghĩa của chúng đều tương đồng. Ðoạn được Kiến Hoặc trong tam giới thì đắc quả này.
Hai là Tư Ðà Hàm (Sakrdāgāmin) quả, dịch là Nhất Lai, còn gọi là Nhị Quả. Nhất Lai là đoạn được sáu phẩm đầu trong các thứ Tư Hoặc thuộc chín địa vị trong Dục Giới, nhưng vẫn còn ba phẩm Tư Hoặc sau, nên vẫn phải thọ sanh một lần nữa trong cõi trời Dục Giới. Do đó, gọi là Nhất Lai, nghĩa là phải trở lại một lượt nữa.
Ba là A Na Hàm (Anāgāmin) quả, cựu dịch Bất Lai, tân dịch là Bất Hoàn. Bậc này đã đoạn sạch ba phẩm còn sót lại sau cùng của Tư Hoặc trong Dục Giới, chẳng trở vào trong Dục Giới nữa. Sau đó, nếu có thọ sanh thì sanh trong Sắc Giới hoặc Vô Sắc Giới.
Bốn là A La Hán (Arhat), dịch là Sát Tặc, Ứng Cúng, Bất Sanh. Ðây là quả vị cao nhất trong Thanh Văn Thừa, đã đoạn sạch hết thảy Kiến Tư Hoặc, ngay cả những Kiến Tư Hoặc thuộc cõi trời Phi Tưởng Xứ. Do đoạn sạch hết thảy Kiến Tư Hoặc nên gọi là Sát Tặc. Ðã chứng quả vị cao nhất của Tiểu Thừa, xứng đáng thọ lãnh sự cúng dường của trời lẫn người nên bảo là Ứng Cúng. Trong một đời sống đã hết sạch các quả báo, nhập Hữu Dư Niết Bàn, chẳng sanh vào tam giới nữa nên bảo là Bất Sanh.
Trên đây là những vị đã đắc tứ quả Thanh Văn, đều đã đoạn hết thảy các Hoặc; nhưng thật ra người vãng sanh cõi Cực Lạc đều đã phát Bồ Ðề tâm, đều là Nhất Phật Thừa nên dẫu có bảo họ là Thanh Văn thì cũng chỉ là phán định theo mức độ đoạn Hoặc, thuận theo cách nói thông tục mà thôi.
A Duy Việt Trí (Avaivartika) còn được phiên âm là A Bệ Bạt Trí, nghĩa là chẳng thoái chuyển nơi Phật đạo. Bản chú giải kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã của ngài Từ Ân có nói: “A Bệ Bạt Trí: A là không, Bệ Bạt Trí là thoái chuyển. Vì vậy, kinh Ðại Phẩm Bát Nhã chép: ‘Bất thoái chuyển giả, danh A Bệ Bạt Trí’ (Do chẳng thoái chuyển nên gọi là A Bệ Bạt Trí)”. Bồ Tát phải tu hành trọn cả một đại A-tăng-kỳ kiếp mới chứng nổi địa vị này; nhưng pháp môn Tịnh Ðộ thật khác xa lắm. Kinh Tiểu Bổn dạy: “Cực Lạc quốc độ, chúng sanh sanh giả, giai thị A Bệ Bạt Trí” (Chúng sanh sanh về cõi nước Cực Lạc đều là bực Bất Thoái Chuyển). Kinh này bảo: “Vị đắc A Duy Việt Trí giả, tắc đắc A Duy Việt Trí” (Kẻ chưa đắc A Duy Việt Trí sẽ đắc A Duy Việt Trí) thì thật là tương đồng.
Sách A Di Ðà Yếu Giải còn nói:
“A Bệ Bạt Trí, Hán dịch là Bất Thoái.
1. Một là Vị Bất Thoái: Nhập vào dòng thánh, chẳng đọa vào địa vị phàm phu.
2. Hai là Hạnh Bất Thoái: Luôn độ sanh chẳng đọa vào địa vị Nhị Thừa.
3. Ba là Niệm Bất Thoái: Tâm tâm lưu nhập biển Tát Bà Nhã”.
Biển Tát Bà Nhã (Sarvajña) dịch là biển Nhất Thiết Chủng Trí, tức là Như Lai Quả Hải. Phải đạt bậc Sơ Ðịa trong Biệt Giáo hay phải đạt bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo, phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân mới có thể cùng lìa cả nhị biên, quy hướng trọn vẹn về Trung Ðạo, trong niệm niệm lưu nhập biển Tát Bà Nhã. Rõ ràng, Niệm Bất Thoái khó chứng đến mức ấy, nhưng trong diệu pháp Tịnh Ðộ:
“Ngũ Nghịch, Thập Ác mười niệm thành tựu mang nghiệp đi vãng sanh, ở vào hạ hạ phẩm cũng đều đắc ba thứ Bất Thoái”.
Cuối cùng, những người vãng sanh do tùy ý tu hành nên thụ dụng các pháp lạc Ðại Thừa, đều cùng tự tại đắc quả nên “mạc bất hoan hỷ” (không ai chẳng hoan hỷ).
"Giảng đường, tinh xá, lâu quán, lan thuẫn, diệc giai thất bảo tự nhiên hóa thành" - Ảnh: Kinh A Di Đà bằng tranh
(Nguồn: Phatgiao.org.vn)
A Di Đà Phật. Đọc đoạn kinh văn bên trên chúng ta thấy cảnh quan và con người ở cõi ấy so với cõi Ngũ trược này thì thế nào quý vị?!
Rõ ràng là Như Lai đã nói: "Nếu xa xưa không tu phước huệ, thì Chánh Pháp này không thể nghe". Một cõi nước quá đỗi thù thắng, trang nghiêm như thế, từ cuộc sống, con người, điều kiện tu tập... hết thảy đều viên mãn, tột bậc. Nếu là người chẳng [từng tu] Phước huệ thì sao được sanh về đó [nghe còn 'không vô' huống hồ chi chịu tin, tu hành, thành tựu]. Nói thế để thấy chúng ta kể cũng có chút phước duyên [xa xưa đã từng tu phước huệ], nay được cái quả được gặp gỡ Chánh Pháp, có chút niềm tin mà chịu tu hành cầu sanh về cõi ấy.
Rồi đọc đến đoạn cuối “Ngũ Nghịch, Thập Ác mười niệm thành tựu mang nghiệp đi vãng sanh" [Quán Kinh], chúng ta lại thấy thật 'ấm lòng', kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác còn có phần, huống gì chúng ta, những hành giả hằng ngày đang cố gắng hoàn thiện, giữ giới, đoạn ác tu thiện, giác ngộ sớm và hành trì tinh tấn cầu giải thoát. Họ [ngũ nghịch thập ác] lúc lâm chung gặp được nhân duyên Tịnh Độ, [nhờ Thiện căn đời trước], nên kịp phát khởi Chánh Tín, niệm Phật, vãng sanh. Chúng ta bây giở đây cũng đang được như vậy, gặp gỡ Nhân duyên thù thắng Tịnh Độ, phát khởi Chánh Tín tin tưởng mà niệm câu Phật hiệu này, cầu sanh Tịnh Độ, lại có phước phần vượt hẳn [đã và đang hành trì, thọ mạng hãy còn], vậy thì không có lý gì chúng ta lại thua kém họ [chẳng được vãng sanh]. Nếu chẳng được thành tựu thì là do các lý do này: Một là bỏ tu, Hai là đang đi thì rẽ ngang sang lối khác [bỏ Tịnh Độ], Ba [cái này khó thấy nhất] đó là Tín tâm Tín nguyện không bằng họ [lúc đó] rồi đến lúc lâm chung cũng chẳng được như thế thì đành chấp nhận, luống uổng một đời tu hành. Chứ nếu bình thời chùng ta cũng gầy dựng như họ lúc đó, Tin sâu, Nguyện thiết, bất sanh nghi hoặc, mà niệm [lâm chung bất cứ ai cũng chỉ cần vậy thôi, Phật rước ngay], rồi giữ vững, hành trì cả đời, đảm bảo chắc chắn thành tựu vượt xa họ [về phẩm vị].
Trích, lục Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 16. Đường Xá Lâu Quán
Ngài Hoàng Niệm Tổ