Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, cứu cánh tất chí Nhất Sanh Bổ Xứ, trừ kỳ bổn nguyện, vị chúng sanh cố, bị hoằng thệ khải, giáo hóa nhất thiết hữu tình, giai phát tín tâm, tu Bồ Đề hạnh, hành Phổ Hiền đạo. Tuy sanh tha phương thế giới, vĩnh ly ác thú, hoặc nhạo thuyết pháp, hoặc nhạo thính pháp, hoặc hiện Thần Túc, tùy ý tu tập, vô bất viên mãn. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi rốt ráo ắt đạt bậc Nhất Sanh Bổ Xứ, ngoại trừ [những người có] bổn nguyện vì chúng sanh mà mặc giáp hoằng thệ, giáo hóa hết thảy hữu tình khiến cho họ đều phát tín tâm, tu Bồ Ðề hạnh, hành Phổ Hiền đạo. Tuy sanh trong thế giới phương khác, nhưng vĩnh viễn thoát khỏi đường ác, hoặc thích thuyết pháp, hoặc thích nghe pháp, hoặc hiện Thần Túc, tùy ý tu tập không gì chẳng viên mãn. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện ba mươi lăm: Nhất Sanh Bổ Xứ; nguyện ba mươi sáu: Giáo hóa tùy ý)
Giải:
(...)
Kế đó là nguyện ba mươi sáu: “Giáo hóa tùy ý”. Như lời nguyện ba mươi lăm đã nói: Kẻ sanh về cõi ấy, ở yên trong cõi vui sướng, đều đạt địa vị Bổ Xứ, thành Ðẳng Chánh Giác, nhưng mỗi vị Bồ Tát thành Phật đều có nguyện lực. Chẳng hạn như nếu có thệ nguyện mặc giáp hoằng thệ, trở vào uế độ lợi khắp quần sanh, giáo hóa hữu tình thì họ sẽ được nguyện lực của Phật Di Ðà gia trì để tùy ý giáo hóa, không điều gì chẳng được viên mãn. Ðấy chính là ý nghĩa của nguyện ba mươi sáu.
“Khải” (鎧) là áo giáp, tức vật dụng được các chiến sĩ thời cổ khoác vào khi giao chiến để bảo vệ thân thể, chống lại tên, đá v.v... (áo chống đạn thời nay cũng là một loại giáp). Bồ Tát vào trong sanh tử hàng phục ma quân thì lấy thệ nguyện sâu rộng của chính mình làm giáp trụ. Do cái tâm hoằng thệ cứng rắn hơn sắt đá nên có thể dùng tâm ấy xông vào trận sanh tử.
Với những kẻ được giáo hóa, kinh nói “giai phát tín tâm” (đều khiến [cho các hữu tình] phát tín tâm); ấy là do tín tâm là nguồn đạo, là mẹ của công đức vậy.
Bản Tiểu Bổn kinh này nói: “Vị chư chúng sanh, thuyết thị nhất thiết thế gian nan tín chi pháp” (Vì các chúng sanh nói pháp hết thảy thế gian khó thể tin nổi này). Ðó là vì pháp môn Tịnh Ðộ cực viên, cực đốn, siêu tình ly kiến nên Tịnh Ðộ là pháp mà hết thảy thế gian khó tin tưởng được nổi. Kinh Tiểu Bổn còn chép: “Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức, Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh” (Chúng sanh các ngươi hãy nên tin kinh Khen Ngợi Công Ðức Chẳng Thể Nghĩ Bàn, Ðược Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm này) và: “Nhữ đẳng giai đương tín thọ ngã ngữ, cập chư Phật sở thuyết” (Các ông đều nên tin nhận lời ta và lời chư Phật nói). Do đó, bậc Ðại Sĩ cõi Cực Lạc khi hoằng hóa trong thập phương đều lấy việc phát khởi lòng tin làm đầu.
Do ba bậc vãng sanh đều phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm nên câu “tu Bồ Ðề hạnh” gồm hai ý nghĩa trọng yếu: Phát Bồ Ðề tâm và chuyên niệm. Tu Bồ Ðề đại hạnh ắt phải do phát khởi Bồ Ðề đại tâm, mà trong Bồ Ðề hạnh thì nhất hướng chuyên niệm là quan trọng bậc nhất. Hết thảy Bồ Tát tu trọn muôn điều lành, nhưng các vị Bồ Tát trong Thập Địa, dù ở địa vị nào vẫn chẳng hề rời bỏ việc niệm Phật.
Hơn nữa, Phổ Hiền Bồ Tát là bậc nhất trong các vị đại hạnh Bồ Tát, nên phải giáo hóa hết thảy hữu tình “hành Phổ Hiền đạo”. Khuê Phong đại sư giảng chữ Phổ Hiền như sau: “Một là xét trên tự thể: Thể tánh trọn khắp là Phổ, tùy duyên thành đức là Hiền. Hai là xét trong các địa vị thì trọn khắp tất cả không sót là Phổ, gần bằng với bậc đại thánh (Phật) là Hiền. Ba là xét về đương vị (địa vị đang chứng đắc): Đức không gì chẳng trọn vẹn là Phổ; điều phục, hòa nhã, thiện thuận là Hiền”. Vì vậy, trong kinh này, các vị đại Bồ Tát cùng đến tham dự pháp hội đều tuân tu đức hạnh của Phổ Hiền Đại Sĩ. Phổ Hiền đức chính là mười đại nguyện vương dẫn dắt về Cực Lạc, là đức tự lợi lợi tha chẳng có cùng tận. Ðại Sĩ cõi Cực Lạc chính mình đã tu hành Phổ Hiền hạnh đức lại còn dạy chúng sanh cõi khác cùng thực hành Phổ Hiền đạo.
Các vị Ðại Sĩ như vậy của cõi Cực Lạc mặc giáp hoằng thệ, vào trong biển sanh tử, “tuy sanh tha phương thế giới” (tuy sanh trong những thế giới ở phương khác) hoặc hiện thân trong uế độ, nhưng được nguyện lực của Phật Di Ðà gia trì nên “vĩnh ly ác thú” (vĩnh viễn thoát khỏi ác đạo). Mỗi vị tùy theo ý mình thích mà thuyết pháp, hoặc nghe pháp, hoặc hiện thần thông v.v... “tùy ý tu tập” đều được viên mãn. Chúng sanh được họ giáo hóa cũng đều chí tâm tin ưa, cầu sanh Tịnh Ðộ, phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm.
Ảnh minh họa: "Bấy giờ, Phật bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất: “Từ đây tới phương Tây, trải qua mười vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc. Trong cõi đó, có đức Phật hiệu A Di Đà, hiện đang nói pháp.” “Xá Lợi Phất, vì sao cõi đó tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh trong cõi nước đó không có những sự khổ, chỉ thọ hưởng các điều vui, nên cõi đó tên là Cực Lạc."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Chúng ta tiếp tục đoạn Kinh văn trên với phần trích lục chú giải của các Ngài dành cho Nguyện 36 "Giáo hóa tùy ý". Nguyện này nói về các vị trên cõi ấy đi giáo hóa khắp nơi thì đều được "Giáo hóa tùy ý". Đó là do nhờ nương oai lực Bổn Nguyện để đi muôn nơi, tùy ý độ sanh, nên được như vậy. Sức oai thần của Bổn Nguyện thù thắng như vậy đấy, ngoài việc này ra còn có các việc như: Giúp chúng sanh cõi ấy tu tập đến viên mãn thành Phật đạo; và dĩ nhiên phần việc quan trọng vào bậc nhất đó chính là giúp chúng sanh tất cả các căn cơ [đa phần là phàm phu] khắp thập phương được vân tập về đó cái đã, bởi đây là bước quan trọng nhất trong các việc độ sanh này kia vậy. Cho nên hành giả chúng ta muốn đời này được về cõi ấy cho hết khổ, vĩnh viễn liễu thoát sanh tử, thì hãy "nương oai lực Bổn Nguyện" này để được sanh về nhé! Còn ai cứ 'cứng đầu' chẳng chịu 'nương', cứ cho ta đây là giỏi này kia, có thể 'tự túc' được thì cứ tùy ý vậy, nhưng coi chừng có ngày [không xa] sẽ hối không kịp đấy! Đây là sự thật, chẳng phải đe dọa gì đâu!
Chúng ta đọc phần chú giải trên để nắm thêm kiến thức, ở đây không cần luận nhiều. Chỉ nói thêm chút chỗ giáo hóa "tùy ý" là như thế nào? Tức là các Ngài trên đó khởi ý niệm đi độ sanh ở một quốc độ nào đó, để nhắm đạt một mục đích nào đó. Ví dụ, để giúp chúng sanh nơi đó, khu vực đó được gia duyên với Phật pháp, với Pháp môn Tịnh Độ, hay đơn giản chỉ là giúp họ tin sâu nhân quả, kiêng các điều ác, vâng làm các điều lành; hoặc ra sức hoằng truyền Chánh Pháp, giúp chúng sanh được đại lợi ích, dưới nhiều hình thức như: giảng Kinh thuyết pháp, lập Đạo tràng, xây chùa, hay viết sách, trước tác, lưu truyền Kinh điển... hay đơn giản chỉ là thị hiện thân giáo làm biểu pháp để lại cho hậu thế noi theo học tập v.v... Vậy liệu việc giáo hóa hay độ sanh này lúc nào cũng được 'thuận buồm xuôi gió' hay viên mãn cả không? Dạ dĩ nhiên là không rồi, đã vào 'trận địa sanh tử' thì chẳng 'dễ xơi' chút nào đâu, cho dù được gia trì trợ lực đi nữa, thậm chí dù "mặc áo giáp" đi nữa cũng bị 'sứt đầu mẻ trán' hay 'lên bờ xuống ruộng' là chuyện bình thường, bởi như vậy mới là 'độ sanh'. Chứ độ sanh mà toàn như 'cưỡi ngựa xem hoa' không thì sao mà độ được, phải dốc 'cạn lòng thành, tận lòng kính' còn chưa ăn thua nữa là... Các thế lực [tà ma, ngoại đạo] hẫy hừng kiên cố ra thế, bộ các vị ấy 'đứng khoanh tay' để cho các Ngài muốn làm gì thì làm được sao?! Nói chung là việc giáo hóa thì "tùy ý", nhưng vấn đề thành tựu viên mãn [tâm nguyện ban đầu] được đến đâu thì còn tùy, có vị sẽ đạt viên mãn trọn vẹn, có vị sẽ được một nửa, có vị còn thấp hơn, do những điều kiện nhân duyên bất đồng. Rõ ràng, với việc độ sanh, đặc biệc với Pháp môn này, không phải 'cứ muốn là được' mà là chỉ cố gắng tốt nhất, nhiều nhất có thể mà thôi, bởi còn tùy thuộc Thiện căn phước đức nhân duyên của chúng sanh nữa vậy.
Chúng ta cùng dành chút thời gian để tiếp tục bàn về phần việc quan trọng bậc nhất trên 'đường về Cực Lạc' của hành giả Tịnh Độ chúng ta. Dạ vâng, chắc chắc đó là việc gầy dựng Tín Nguyện tâm, chuyên cần niệm Phật. Bên trên ta vừa nhắc đến chỗ 'nương oai lực Bổn Nguyện' [thì ắt siêu vượt Tam Giới, vãng sanh Cực Lạc]. Trong Kinh Phật thuyết rằng:
"Như vậy nhất tâm cầu Tịnh Độ
Giả sử lửa cháy khắp ba ngàn
Nương oai đức Phật tất siêu việt
Quyết định vãng sanh cõi Cực Lạc"
Chúng ta thấy, "nương oai đức Phật" thì dẫu "lửa cháy khắp ba ngàn" còn siêu vượt qua được rồi về Cực Lạc với Phật, huống hồ những nghiệp lực này kia khác của chúng sanh, không lẽ Phật không đủ sức giúp chúng ta vượt qua được mà theo Phật trở về chăng?! Nếu ai còn chưa 'ngộ' ra điều này, hãy còn 'chấp' vào những tri kiến này kia, mà cho rằng điều này còn chưa chắc, rồi 'phải' thế này thế nọ thế kia... như thế thì đúng như Chư Tổ Sư các Ngài hay nói là 'dùng trí phàm đi suy lường thánh giải', tức 'thế trí biện thông' [thì tăng thêm tà kiến]. Lời Kinh Phật thuyết thì không tin theo, đi tin theo những kiến giải này kia! Thôi kệ, nghiệp duyên mỗi người, biết sao được... 'bụng làm thì dạ chịu' thôi vậy!
Có chỗ cần sáng tỏ một chút, chỗ "nhất tâm cầu Tịnh Độ" nghĩa là sao? Tức là công phu niệm Phật phải Nhất tâm bất loạn mới được ư? Dạ đúng, nhưng chưa đủ! Nếu chỉ có vậy thì phàm phu chúng ta làm sao đây? Mà các Ngài đều nói Pháp này vốn để cứu độ hàng phàm phu đây cơ mà [kiêm luôn bậc Thánh nhân]? Dạ vâng, chắc chắc đó sẽ là "nhất tâm tin tưởng", rồi chân thật niệm Phật cầu sanh về [dùng Tín Nguyện sâu, trì danh hiệu Phật]. Như vậy thì mới là Pháp khế lý và đặc biệt là khế cơ trong thời Mạt này, mà cũng thỏa bổn hoài cứu độ chúng sanh của Chư Phật khắp thập phương [đều đồng thanh tán thán]. Còn cái việc 'nương' đó là gì, thế nào là 'nương'? Điều này chúng ta đã luận bàn quá nhiều rồi, nếu cần thì tìm đọc lại các bài, ở đây không nhắc lại nữa. Chư Phật, Chư Tổ đã trao cho chúng ta một 'phương cách' chắc chắn tối thượng như vậy rồi để chắc chắn được sanh về, mà chúng ta chẳng chịu ra sức học tập nữa thì thôi [chẳng biết nói sao]!
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ