Chánh kinh:
Ngạn biên vô số Chiên Đàn hương thụ, Cát Tường quả thụ. Hoa quả hằng phương, quang minh chiếu diệu, tu điều, mật diệp, giao phú ư trì, xuất chủng chủng hương, thế vô năng dụ. Tùy phong tán phức, duyên thủy lưu phân.
Trên bờ có vô số cây hương Chiên Đàn, cây Cát Tường quả. Hoa quả luôn thơm ngát, quang minh chói ngời, cành to, lá dày, chen bóng phủ mặt ao, tỏa các mùi thơm không thể dùng vật gì trong thế gian này để sánh ví nổi. Hương thơm lan theo gió thoảng, nước cuốn dậy mùi thơm.
Giải:
Ðoạn kinh này mô tả tướng trạng trang nghiêm của các loại cây mầu nhiệm mọc bên bờ ao.
Chữ “Chiên Đàn” xin xem chú giải ở phần trước.
“Cát Tường quả” chỉ có ở Ấn Ðộ, Trung Hoa không có, hình dạng từa tựa trái dưa nhỏ, màu vàng ửng đỏ. Ta có thể tạm dùng trái Thạch Lựu để hình dung trái Cát Tường; trái Thạch Lựu một hoa nhiều hạt nên có thể dùng để hình dung trái Cát Tường.
Kinh dạy: “Trì lưu hoa thụ… giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành” (Cây hoa bên bờ ao, dòng suối… đều do vô lượng hương báu hợp thành) nên “hoa quả hằng phương” (hoa quả luôn thơm ngát). “Hằng phương” là luôn thơm tho.
“Quang minh chiếu diệu” (Quang minh chói ngời) là như trong đoạn trước kinh đã chép: “Vô lượng quang viêm, chiếu diệu vô cực” (Vô lượng tia sáng rực rỡ, chói ngời vô cùng tận). Cây cối cõi ấy đã tỏa hương thơm ngát, lại còn phóng diệu quang.
“Tu điều” (修條) là những cành cây lớn. “Giao” (交) là các cành nhánh chạm vào nhau. “Phú” (覆) là che trùm lên. Cả câu ý nói: Rừng cây báu bên bờ ao, cành to khỏe, lá xum xuê, vươn dài ra khắp không gian, chạm ngọn vào nhau, soi bóng xuống mặt ao. Các rừng cây như thế tỏa ra các thứ diệu hương. Những hương ấy thù thắng chẳng phải là thứ thế gian này có nổi nên kinh mới bảo: “Thế vô năng dụ” (Không thể dùng vật gì trong thế gian này để sánh ví nổi).
“Tùy phong tán phức” nghĩa là mùi hương ngào ngạt được gió đức (đức phong) thổi lan khắp nơi.
“Duyên thủy lưu phân” (Nước cuốn dậy mùi thơm) nghĩa là theo dòng nước chảy, mùi thơm ngào ngạt lan đi. Ðây chính là kết quả của nguyện bốn mươi ba “hương báu xông khắp”.
Ảnh minh họa: “Xá Lợi Phất, vì sao cõi đó tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh trong cõi nước đó không có những sự khổ, chỉ thọ hưởng các điều vui, nên cõi đó tên là Cực Lạc."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Chúng ta tiếp tục với phần đoạn Kinh văn tiếp theo trong Phẩm 17 - Tuyền Trì Công Đức, nói về những cảnh giới vạn vật nơi cõi Cực Lạc. Đoạn Kinh văn này Đức Phật nói về cây trái, hoa quả mọc quanh các bờ ao Thất bảo "Hoa quả luôn thơm ngát, quang minh chói ngời, cành to, lá dày, chen bóng phủ mặt ao, tỏa các mùi thơm không thể dùng vật gì trong thế gian này để sánh ví nổi", rồi "Hương thơm lan theo gió thoảng, nước cuốn dậy mùi thơm...". Nhựng mùi hương thơm này không có thứ gì ở thế gian này có thể so sánh được, cho nên chúng ta thật sự là không thể biết được là như thế nào, diễn tả là như thế nào, nói chung là chẳng thể nghĩ bàn vậy. Một nơi phải nói là mát mẻ, an lạc đến vô cùng tận như vậy. Ngay như các Ngài chú giải cũng chỉ liễu nghĩa các văn tự, từ ngữ chứ không nói nhiều hay luận bàn nhiều hay sánh ví dẫn dụ nhiều được. Bởi phần còn lại là để người đọc tự cảm nhận lấy vậy.
Một cõi nước an vui thanh tịnh thù thắng như vậy thì cớ làm sao mà chúng ta không nổ lực để về? Ở lại nơi cõi uế trược này hay thậm chí dễ bị lọt vào Tam đồ làm chi cho thêm khổ đau, bức bách? Thật sự thì Phật thuyết ra cuốn Đại Kinh Vô Lượng Thọ này [được hội tập từ các Ngài] có nhiều ý nghĩa nội dung, song trong đó có hai nội dung chính quan trọng nhất đó là: Thứ nhất, nói lên 48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà cùng sự chứng thành, tức Phật đã thành tựu quả vị Phật; thứ hai, là giới thiệu về cõi nước Cực Lạc trang nghiêm thanh tịnh thù thắng như thế nào, mà vượt trỗi hơn tất cả các cõi nước trong khắp thập phương pháp giới. Tức là Đức Bổn Sư muốn giới thiệu tuyên thuyết về Pháp môn Tịnh Độ và cõi nước của Phật, đây chính là nêu lên cái Pháp cho chúng sanh nương tựa tu tập để được vân tập về cõi nước thù thắng ấy. Đây chính là hai mục đích chính yếu mà Đức Bổn Sư muốn truyền trao lại cho chúng sanh hậu thế, ngõ hầu có thể độ thoát họ một cách rốt ráo viên mãn nhất. Thứ nhất, cái Pháp để tu giải thoát, thứ hai, giới thiệu cảnh giới thù thắng cõi nước được sanh về ngõ hầu khích lệ, thúc dục tâm yêu thích của chúng sanh để hãy mau chóng tinh tấn học tập hành trì để về được cõi ấy. Cho nên Đức Bổn Sư ngài mới diễn nói những cảnh giới vạn vật, y báo chánh báo nơi cõi ấy một cách chi tiết rõ ràng tường tận đến vậy. Bởi cho dù cái Pháp có thù thắng vi diệu cỡ nào đi nữa nhưng một khi chúng sanh chẳng mặn mà tha thiết chân thật muốn về thì cũng chịu. Điều cốt yếu quan trọng bậc nhất với Pháp môn này đó là chúng sanh phải về được cõi đó, cho nên có thể nói đây chính là sự thành tựu nói chung của Pháp môn vậy, rằng trong đời này được sanh về là thành tựu, còn không được sanh về là không thành tựu, là thất bại, là 'rớt'. Chứ không như những Pháp môn khác, có dạng 'nửa mùa' hay tiếp nối này kia, hay gieo duyên gì đó, với Pháp môn này không có tư tưởng đó, tức là hoặc thành tựu vãng sanh liễu thoát sanh tử [vĩnh viễn thoát sanh tử] trong một đời này hoặc là thất bại [không có gì đáng để luận bàn đếm kể đến nữa]. Cho nên những ai giảng nói tuyên lưu về Tịnh Độ mà hay đề cập đến vế sau, tức nếu đời này không thành thì gieo duyên hay tiếp tục đời sau tu tiếp hoặc giả chỉ mong được sanh làm trời người gì đó, như thế là không đúng mục đích tông chỉ của Pháp môn vậy.
Chúng ta tiếp tục nói một chút về công việc gầy dựng phát khởi Tín Nguyện tâm chân thật đầy đủ, bất sanh nghi hoặc cho hành giả Tịnh Độ. Như chúng ta đã biết, Di Đà Bổn Nguyện nói chỉ cần "nãi chí thập niệm" là sẽ được Phật rước vãng sanh, việc này thì ai ai cũng đã và đang làm được rồi, vấn đề là phải tin cho được điều này, không được hoài nghi. Tức là hành nhưng phải tin chắc điều mình đang hành mới được, hàng ngày niệm Phật cầu vãng sanh nhưng phải tin chắc chẳng nghi điều này [được vãng sanh] như thế mới được. Bởi đa phần hành giả dù tu lâu hay mau, dù già hay trẻ đều hay có 'chứng bệnh' chung đó là vẫn còn ít nhiều nghi hoặc này kia về điều này. Chúng ta có thể kể ra một vài cái nghi tâm thường gặp như: phải đợi đến lúc cuối cố niệm được mười niệm đã thì mới đảm bảo vãng sanh, còn bây giờ sao dám khẳng định được; hay là mình còn phàm phu còn sân si này kia hay công phu chẳng được gì sao dám khẳng định được; hoặc giả như vị gì gì đó cả đời tinh tấn như thế nhưng lúc cuối lại chẳng niệm được nên ta đây làm sao dám nói điều gì; hay như vị này vị kia tinh tấn như thế làm công đức lớn lao như thế còn chưa dám nói gì mà ta đây dám khẳng định chăng?... nói chung đại loại những suy nghĩ kiến giải như vậy. Chúng ta nào đâu hay rằng Đức Phật [cả hai Đấng Từ Tôn] đều đã 'khẳng định' rằng tất cả hành giả đều đã đầy đủ công đức cả rồi, chẳng có ai còn thiếu nữa cả, cái mà chúng con còn thiếu đó chính là Tín Nguyện tâm chưa tròn đầy mà thôi. Cho nên việc của các con đó là phải làm sao tin được lời ta nói [tin lời Thệ Nguyện của ta], rồi dùng tâm lực này tiếp tục hành trì chân thật cho đến ngày mãn phần, nhất định ta sẽ đến rước, không sót một ai cả. Bởi nếu ta dẫu bỏ sót một ai thì chắc chắn ta đã bị 'phạm' vào lời Thệ Nguyện của ta rồi, như thế nên sẽ không bao giờ có chuyện đó xảy ra. Cho nên trong bất cứ giá nào, trong bất cứ trường hợp nào, ta cũng phải đến rước các con về Cực Lạc cả, không sót một ai hết. Ta vốn có sức mạnh vô song để thực hiện được điều này, không có một trở lực hay nghiệp lực nào có thể cản trở được ta thực hiện điều này cả. Chúng sanh các con phải tin điều này, Nguyện lực của ta là vô song, có thể chiến thắng tất cả, có thể 'cân' hết, chớ nên hoài nghi. Cơ sở của niềm tin ấy là gì? Đó chính là chỗ "nãi chí thập niệm" trong Bổn Nguyện của ta. Đấy, ta nói là 'nói có sách, mách có chứng' chứ chẳng phải nói suông không có bằng chứng gì đâu nhé. Dạ vâng, hành giả chúng ta cần phải gầy dựng Tín Nguyện tâm chân thật đầy đủ là như vậy. Sở dĩ hành giả Tịnh Độ dù tu lâu tu mau, tinh tấn nhiều hay ít, song vẫn còn chút 'vấn vương' cái nghi tâm ít nhiều này kia đó là do không có một cái cơ sở nào để mà làm bằng chứng, làm cơ sở để đặt niệm tin của mình một cách trọn vẹn, đầy đủ. Tức là về phần Lý nó vẫn còn một chút mơ hồ không cụ thể rõ ràng cho nên cái Tín tâm nó mới không đi 'tới nơi' được. Cho nên cần phải nương tựa vào Kinh giáo cùng một vài lời khai thị trọng yếu của Chư Tổ Sư để gầy dựng phát khởi là vậy.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 17. Tuyền Trì Công Đức
Ngài Hoàng Niệm Tổ