Hựu chúng bảo liên hoa châu mãn thế giới. Nhất nhất bảo hoa bách thiên ức diệp. Kỳ hoa quang minh, vô lượng chủng sắc. Thanh sắc thanh quang, bạch sắc bạch quang, huyền, hoàng, châu, tử, quang sắc diệc nhiên. Phục hữu vô lượng diệu bảo bách thiên Ma Ni, ánh sức trân kỳ, minh diệu nhật nguyệt. Bỉ liên hoa lượng, hoặc bán do tuần, hoặc nhất, nhị, tam, tứ, nãi chí bách thiên do-tuần, nhất nhất hoa trung, xuất tam thập lục bách thiên ức quang.
Lại nữa, các hoa sen báu mọc trọn khắp thế giới. Mỗi đóa sen báu có trăm ngàn ức cánh. Quang minh của hoa ấy có vô lượng màu: hoa xanh ánh sáng xanh, hoa trắng ánh sáng trắng; [với các màu] huyền, vàng, đỏ, tía, quang và sắc cũng giống như vậy. Lại có vô lượng diệu bảo, trăm ngàn Ma Ni chói rực quý lạ, sáng ngời như mặt trời, mặt trăng. Những hoa sen ấy to nửa do-tuần, hoặc một, hai, ba, bốn, cho đến trăm ngàn do-tuần. Mỗi một hoa tỏa ra ba mươi sáu trăm ngàn ức quang minh.
Trước hết, kinh nói đến hoa sen báu, sau đó mới thuật Phật hiện từ quang minh của hoa.
Trong phần nói về hoa sen báu, có đến sáu ý:
1. Hoa sen mọc khắp đầy cõi nước.
2. Số lượng cánh hoa sen: Mỗi đóa sen có trăm ngàn ức cánh.
3. Quang sắc vô lượng. Bản thể của hoa chính là quang minh nên kinh chép: “Kỳ hoa quang minh” (Quang minh của những hoa ấy). Hoa sen lại có vô lượng màu sắc. Kinh dùng sáu màu khác nhau: Xanh, trắng, huyền, vàng, đỏ tươi, tía để tượng trưng cho vô lượng màu. Hoa sen màu xanh phóng quang minh sắc xanh. Hoa sen màu trắng phóng quang minh sắc trắng. Các hoa sen màu huyền, vàng… cũng đều phóng quang minh cùng màu với màu sắc của hoa nên kinh nói: “Quang sắc diệc nhiên” (Quang và sắc cũng giống như thế).
4. Hoa sen trang nghiêm bằng diệu bảo. Lại có vô lượng diệu bảo trăm ngàn Ma Ni trang nghiêm hoa sen. Các báu ấy đều là thứ hiếm quý nên bảo là “trân kỳ”. Các thứ diệu bảo ấy phóng vô lượng quang. Quang minh có đủ các màu, mỗi màu lại phóng quang, chiếu rực, tô điểm lẫn nhau nên bảo là “ánh sức” (chói rực); tỏa sáng hơn cả mặt trời, mặt trăng nên bảo là “minh diệu nhật nguyệt” (sáng ngời hơn mặt trời, mặt trăng).
Quán Kinh nói: “Nhất nhất diệp gian, hữu bách ức Ma Ni châu vương, dĩ vi ánh sức. Nhất nhất Ma Ni châu phóng thiên quang minh” (Trong mỗi một cánh hoa có trăm ức Ma Ni châu vương để tô điểm chói ngời. Mỗi một viên Ma Ni châu phóng ra trăm ngàn quang minh).
5. Kích thước của mỗi hoa sen là từ nửa do-tuần cho đến trăm ngàn do-tuần.
6. Hoa sen phóng ra quang minh mầu nhiệm: “Nhất nhất hoa trung, xuất tam thập lục bách thiên ức quang” (Mỗi một hoa sen tỏa ra ba mươi sáu trăm ngàn ức quang). Trăm ngàn ức quang chỉ là con số tượng trưng nhằm biểu thị vô lượng.
Về con số “ba mươi sáu”, tôi chưa hề thấy có ai chú giải tại sao lại có con số này. Theo ngu ý, mỗi cõi trong bốn cõi Tịnh Ðộ đều có chín phẩm nên mới có con số ba mươi sáu, nhằm thể hiện số lượng phẩm vị trong cõi ấy. Mỗi phẩm có trăm ngàn ức đóa sen (dùng con số trăm ngàn ức chỉ để biểu thị một con số rất lớn). Mỗi đóa sen đều tỏa quang minh tiệp màu với màu hoa sen cho nên có ba mươi sáu trăm ngàn ức quang minh. Mỗi đóa sen gồm đủ những đặc tính của hết thảy các đóa sen khác nên bảo là: “Nhất nhất hoa trung, xuất tam thập lục bách thiên ức quang” (Mỗi một hoa sen phóng ra ba mươi sáu trăm ngàn ức quang minh).
Thật ra, nói có ba mươi sáu phẩm cũng chỉ là nói rất đại lược chứ thật ra có đến vô lượng phẩm nên ta có thể nói là mỗi hoa sen thật ra tỏa ra vô lượng quang minh vậy.
Nhất nhất quang trung, xuất tam thập lục bách thiên ức Phật. Thân sắc tử kim, tướng hảo thù đặc. Nhất nhất chư Phật, hựu phóng bách thiên quang minh, phổ vị thập phương thuyết vi diệu pháp. Như thị chư Phật, các các an lập vô lượng chúng sanh ư Phật chánh đạo.
Trong mỗi quang minh xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật thân sắc tử kim, tướng hảo thù đặc. Mỗi một vị Phật lại phóng trăm ngàn quang minh, vì khắp mười phương nói pháp vi diệu. Các vị Phật như thế mỗi vị an lập vô lượng chúng sanh nơi Phật chánh đạo.
Ðoạn này trần thuật sự kiện trong quang minh hóa hiện chư Phật.
Trong đoạn kinh này, có bốn ý chính:
1. Một là số lượng đức Phật hiện ra trong mỗi quang minh: “Nhất nhất quang trung, xuất tam thập lục bách thiên ức Phật” (Trong mỗi quang minh xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật).
2. Hai là thân tướng chư Phật: “Thân sắc tử kim, tướng hảo thù đặc” (Thân màu tử kim, tướng hảo thù đặc). “Tử kim” (紫金) chính là vàng ròng đã được giùi mài đến sáng bóng. “Tướng hảo” của Phật thì như Quán Kinh nói: “Vô Lượng Thọ Phật hữu bát vạn tứ thiên tướng. Nhất nhất tướng các hữu bách vạn tứ thiên tùy hình hảo” (Vô Lượng Thọ Phật có tám vạn bốn ngàn tướng. Mỗi một tướng đều có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo) cho nên bảo là “thù đặc”.
3. Ba là Phật hiện ra trong quang minh cũng lại phóng quang: “Hựu phóng bách thiên quang minh” (Lại phóng trăm ngàn quang minh).
4. Bốn là Phật nói diệu pháp: “Phổ vị thập phương thuyết vi diệu pháp” (Vì khắp mười phương nói pháp vi diệu). Những pháp ấy lại có lợi ích thù thắng nên “an lập vô lượng chúng sanh ư Phật chánh đạo” (an lập vô lượng chúng sanh nơi Phật chánh đạo).
Những điều như vậy thật đã hiển thị sâu xa pháp giới sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn. Hoa sen trong cõi Phật sanh từ tâm Phật; hoa sen phóng quang, quang minh lại hiện ra nhiều vị Phật. Phật lại phóng quang, thuyết pháp độ sanh, thật là vô tận. Lại cần phải chú ý là cảnh giới như vậy chẳng những chỉ thị hiện diệu tướng mà thật sự còn có vô biên diệu dụng: Nói pháp vi diệu an lập chúng sanh trong chánh đạo của Phật. Ðấy chính là cái lợi chân thật. Vì thế, đoạn kinh này thật sự đã hiển thị trí huệ chân thật, Chân Thật Tế, vô vi Pháp Thân.
Sách Hội Sớ nói: “Tây Phương Tịnh Ðộ dùng hoa sen để làm Phật sự nên có tên là Liên Hoa Thai Tạng Giới. Tiểu Bổn, Quán Kinh đã nói kỹ việc ấy. Nay kinh này (chỉ bản Ngụy dịch của Vô Lượng Thọ kinh) cũng dùng ngay việc ấy để kết lại phần nói về y báo trang nghiêm. Như vậy, trong các thứ trang nghiêm trước đó cũng đều có những việc bất khả tư nghị”. Ý kiến này rất xác đáng; những điều kinh thuật trong những phẩm trước cũng đều hiển thị toàn thể cõi Cực Lạc là pháp giới sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn.
Ảnh minh họa: "Mười phương Chư Phật tán thán" (Kinh A Di Đà bằng tranh)
Để kết lại phần nói về y báu trang nghiêm, Kinh nói về hoa sen báu nơi cõi Cực Lạc, đồng thời Phật hiện từ trong quang minh của hoa báu. Hoa sen cõi ấy chẳng phải là hoa sen thông thường, mà "có trăm ngàn ức cánh, quang sắc vô lượng, bằng diệu bảo trang nghiêm, kích thước từ nửa do tuần cho đến trăm ngàn do tuần...". Đặc biệt, hoa sen ấy lại phóng ra "quang minh màu nhiệm, trăm ngàn ức quang...", rồi "mỗi quang minh xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật", rồi mỗi Phật lại “Hựu phóng bách thiên quang minh”, “Phổ vị thập phương thuyết vi diệu pháp” (Lại phóng trăm ngàn quang minh, Vì khắp mười phương nói pháp vi diệu).
Thật sự là, “Tây Phương Tịnh Ðộ dùng hoa sen để làm Phật sự". Chúng sanh thập phương sanh về cõi ấy cũng sanh ra từ hoa sen [Liên hoa hóa sanh]. Mỗi chúng sanh phát tâm niệm Phật cầu sanh về cõi ấy lập tức có một hoa sen mang tên hiệu [vị ấy] mọc ra nơi Liên trì thất bảo. Vì thế mỗi hành nhân Tịnh Độ chúng ta chắc là cũng đang có một hoa sen mang 'thương hiệu' của chính mình ở đó? Chắc chắn là thế! Nghĩ đến đó chúng ta có vui mừng không Quý vị? Rõ ràng chúng ta đã và đang 'xây đắp' cho mình "một ngôi nhà thần diệu" để an dưỡng [và hành đạo] cho huệ mạng của mình, như Chư Tổ sư nói. Thật sự như vậy, hằng ngày chúng ta đang hành trì ở cõi này là đang 'nuôi dưỡng, chăm sóc' cho hoa sen ấy thêm tươi tốt, dần lớn lên thêm [nếu tinh tấn].
Vậy chúng ta còn lo nghĩ bận tâm điều gì không? Rằng thì là, 'biết là như thế nhưng không biết có gặp được nó không?', hay 'không về được trên đó thì coi như bỏng không', hay 'quan trọng là có về đó được không đã, lớn nhỏ chẳng quan trọng'... Thật sự mà nói, nếu chúng ta tin tưởng, quyết về, ra sức hành trì, thì lâm chung Phật sẽ đến đưa chúng ta về, đặt lên đó. Đó là lời Thệ Nguyện [hứa] của Phật. Quan trọng là chúng ta có tin không? Nếu chúng ta một lòng tin tưởng chẳng nghi [lời hứa ấy] thì lời hứa ấy lập tức sẽ trở thành sự thật ngay [đời này]. Còn không thì thôi, Thệ nguyện ấy [đành] dành cho kẻ khác vậy, những người 'dám' đặt trọn niềm tin vào. Thế nên, Chư Tổ sư khi liễu giải Kinh nghĩa, luôn nhắc nhở chúng ta là hãy tin đi, đừng nghi [Thệ nguyện] là vậy. Thế gian hay nói đùa 'sống bằng niềm tin', riêng với Pháp môn này, đây lại là câu nói thật, hoàn toàn chẳng đùa chút nào. Thành tựu được hay không là ở niềm tin tới đâu mà thôi. Có tín tâm mạnh ắt kéo theo nguyện tâm, hành tâm, xả tâm, nhẫn tâm, từ bi tâm... Pháp Nhiên Thượng Nhân Ngài dạy rằng, trong số các điều kiện quyết định sự vãng sanh [Bổn Nguyện Phật, Lời dạy Đức Phật Thích Ca...], yếu tố chủ quan chỉ có một, đó là tín tâm của hành giả.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 21. Bảo Liên Phật Quang
Ngài Hoàng Niệm Tổ