Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện, lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới. Chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao, suối, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện bốn mươi ba: Hương báu xông khắp)
Giải:
Ðây là nguyện bốn mươi ba: “Hương báu xông khắp”.
Sách Hội Sớ bảo trong thế giới Sa Bà, “vàng bạc tuy lóng lánh nhưng chẳng có mùi hương Chiên Đàn. Trầm, xạ tuy thơm ngát nhưng không có ánh sáng của châu, ngọc”. Nay trong cõi Cực Lạc, hết thảy vạn vật nghiêm tịnh, sáng đẹp, lại còn có mùi thơm kỳ diệu ngào ngạt xông khắp mười phương làm đủ các Phật sự nên bảo là “kỳ diệu”.
Trong kinh Hoa Nghiêm, trưởng giả Chúc Hương bảo: “A Na Bà Đạt trì biên xuất trầm thủy hương, danh Liên Hoa Tạng. Nhược thiêu nhất hoàn như ma tử đại, hương khí phổ huân Diêm Phù Đề giới. Chúng sanh văn giả, ly nhất thiết tội, giới phẩm thanh tịnh.
Tuyết Sơn hữu hương, danh Cụ Túc Minh Tướng. Nhược hữu chúng sanh, khứu thử hương giả, kỳ tâm quyết định ly chư nhiễm trước.
La Sát giới trung hữu hương, danh Hải Tạng, kỳ hương đản vi Luân Chuyển Vương dụng, nhược thiêu nhất hoàn, hương khí sở huân, vương cập tứ quân, giai đằng hư không, du chỉ tự tại.
Thiện Pháp Đường trung hữu hương, danh Hương Tánh Trang Nghiêm, nhược thiêu nhất hoàn, huân bỉ thiên chúng, phổ linh phát khởi niệm Phật chi tâm.
Tu Dạ Ma thiên trung hữu hương, danh Tịnh Tạng Tánh, nhược thiêu nhất hoàn, huân bỉ thiên chúng, mạc bất vân tập bỉ thiên vương sở, cung kính thính văn vương sở thuyết pháp.
Đâu Suất thiên trung hữu hương, danh Tín Độ Phạ La. Ư Nhất Sanh Sở Hệ Bồ Tát tòa tiền, nhược thiêu nhất hoàn, hưng đại hương vân, biến phú pháp giới, phổ vũ nhất thiết chư cúng dường cụ, cúng dường nhất thiết Như Lai đạo tràng Bồ Tát chúng hội.
Diệu Biến Hóa thiên hữu hương, danh Đoạt Ý Tánh. Nhược thiêu nhất hoàn, ư thất nhật trung, phổ vũ nhất thiết bất khả tư nghị chư trang nghiêm cụ”.
(Nơi bờ ao A Na Bà Ðạt sanh ra một loại trầm thủy hương tên là Liên Hoa Tạng. Nếu thiêu một hoàn to bằng một hạt mè thì mùi hương xông khắp cõi Diêm Phù Ðề. Chúng sanh ngửi được lìa hết thảy tội, giới phẩm thanh tịnh.
Núi Tuyết có loại hương tên là Cụ Túc Minh Tướng. Nếu có chúng sanh ngửi được mùi hương tâm quyết định lìa các nhiễm trước.
Trong cõi La Sát có loại hương tên là Hải Tạng, hương ấy chỉ mình Chuyển Luân Vương dùng. Nếu đốt một hoàn, mùi hương bốc lên, vua và bốn đạo binh đều bay lên hư không, du hành tự tại.
Trong Thiện Pháp Ðường có loại hương tên là Hương Tánh Trang Nghiêm, nếu thiêu một hoàn, hương xông thiên chúng khiến cho tất cả bọn họ đều phát khởi tâm niệm Phật.
Trời Tu Dạ Ma có loại hương tên là Tịnh Tạng Tánh, nếu thiêu một hoàn, hương xông thiên chúng thì không ai là chẳng vân tập đến chỗ thiên vương, cung kính nghe vua thuyết pháp.
Trời Ðâu Suất có loại hương tên là Tín Ðộ Phạ La, nếu thiêu một hoàn trước tòa của bậc Nhất Sanh Sở Hệ Bồ Tát, liền biến thành đám mây hương lớn che khắp pháp giới, mưa xuống khắp hết thảy các thứ vật cúng dường để cúng dường hết thảy Như Lai, đạo tràng, Bồ Tát chúng hội.
Trời Diệu Biến Hóa có loại hương tên Đoạt Ý Tánh, nếu thiêu một hoàn thì trong vòng bảy ngày mưa khắp hết thảy các vật trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn).
Những thứ hương thế gian vừa thuật trên đây còn có công dụng thù thắng đến như thế; huống là thứ hương vạn đức của pháp giới do bổn nguyện của Phật Di Ðà hóa hiện.
Phẩm Hương Tích Phật của kinh Duy Ma có chép như sau: “Nhĩ thời, Duy Ma Cật vấn Chúng Hương Bồ Tát: - Hương Tích Như Lai, dĩ hà thuyết pháp? Bỉ Bồ Tát viết: - Ngã độ Như Lai, vô văn tự thuyết, đản dĩ chúng hương linh chư thiên nhân đắc nhập Luật Hạnh. Bồ Tát các các tọa hương thụ hạ, văn thử diệu hương, tức hoạch nhất thiết Đức Tạng tam-muội”
(Lúc bấy giờ, ngài Duy Ma Cật hỏi Chúng Hương Bồ Tát: - Hương Tích Như Lai thuyết pháp bằng cách nào? Bồ Tát đáp: - Như Lai trong cõi tôi chẳng dùng văn tự để nói, Ngài chỉ dùng các thứ hương khiến cho các trời, người thâm nhập Luật Hạnh. Mỗi vị Bồ Tát ngồi dưới gốc cây có mùi thơm, nghe mùi diệu hương ấy liền đạt được hết thảy Đức Tạng tam-muội).
Diệu hương cõi Cực Lạc cũng giống như vậy, có công đức vô biên, xông khắp mười phương làm đủ các việc lợi ích, khiến cho những chúng sanh ngửi được mùi hương ấy “giai tu Phật hạnh” (đều tu Phật hạnh), “trần lao cấu tập tự nhiên bất khởi” (trần lao, tập khí phiền não tập tự nhiên chẳng khởi) (xem phẩm hai mươi của kinh này). Vạn vật trong cõi Cực Lạc đều do vô lượng hương báu hợp thành, hương ấy lại xông khắp mười phương thế giới, đều hiển thị sự sự vô ngại pháp giới.
Ảnh minh họa: "Này Xá-lợi-phất, ý ông nghĩ sao? Tại sao gọi là “Kinh được tất cả chư Phật hộ niệm”? Này Xá-lợi-phất, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào nghe Kinh này mà thọ trì, và nghe được danh hiệu của chư Phật, thì những thiện nam thiện nữ ấy đều được tất cả chư Phật hộ niệm cho và đều được không thối chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên này Xá-lợi-phất, các ông hãy nên tin nhận lời ta và lời chư Phật nói."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đây tiếp tục là một đoạn Kinh văn nói về cảnh giới cõi Cực Lạc nữa. Kỳ trước là "Chiếu tột mười phương", kỳ này là "Hương báu xông khắp". Phật A Di Đà mà đã 'làm' là khắp mười phương pháp giới cùng được thọ dụng, chẳng thiếu sót chỗ nào cả. Chúng sanh khắp Pháp giới đều được bình đẳng [thọ dụng] như nhau, chẳng sót vị nào. Việc cứu vớt chúng sanh cũng vậy, chẳng qua tâm phàm phu chúng ta suy lường chẳng tới rồi đâm ra sanh nghi ngờ này kia, làm cho Tín tâm bị chướng ngại chẳng phát khởi [chân thật] lên được.
Đoạn Kinh văn này các Ngài chú giải rất kỹ, chúng ta đọc để biết thêm kiến thức, để tạm hình dung rằng cõi Cực Lạc vi diệu thù thắng cỡ nào. Còn muốn được 'thọ dụng' tất cả những thứ ấy thì hãy 'đặt chân đến đất Phật' vậy. 'Đất phước người phước ở', chẳng có nơi nào phước báu công đức như 'đất Phật' ấy cả. Chúng sanh "chẳng thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về cõi ấy".
Chúng ta tiếp tục phần việc 'tầm thường' nhưng sẽ tích lũy được đầy đủ "thiện căn, phước đức, nhân duyên" đúng như [yêu cầu] Phật thuyết để được sanh về cõi ấy vậy. Thật vậy, về "phước đức" thì niệm Phật không thôi đã là quá đủ rồi. Niệm đến bao nhiêu [là đủ]? Một đời [mấy chục năm], mười năm, năm năm, ba năm, một năm, vài tháng, vài ngày, vài giờ... hay vài niệm? Nói chung tùy nhân duyên, tạm gọi là 'một đời hành đạo', từ lúc phát tâm cho đến lúc mãn phần. Như thế gọi là 'đủ' "phước đức". "Nhân duyên", là được bắt gặp, được 'nghe' Chánh Pháp này. Chỉ còn một chút 'khó chịu' chỗ "thiện căn", thế nào cho đủ đây [để không bị liệt vào dạng "chút ít" như Phật nói bên trên]?
Hành giả Tịnh Độ niệm Phật cầu sanh chúng ta thấy việc gầy dựng Tín tâm [cho chân thật đầy đủ] liệu có quan trọng không? Liệu có thể 'bỏ qua' được không? Chỉ niệm Phật không thôi là được rồi, chi mà suốt ngày 'sách vở, học tập'? Đâu còn 'trẻ trung' gì nữa đâu mà cứ 'bắt' học hoài..! Dạ, chẳng học cũng không sao, vậy thì phải hành trì cho 'tới nơi' mới được, Nhất tâm bất loạn. Nếu đạt được công phu này thì chẳng cần học tập, gầy dựng gì cả. Dạ, đừng có nói là bây giờ thì chưa, nhưng sau này tôi 'sẽ' đạt được, chục, hai ba chục năm nữa... Với các Ngài Thượng thiện nhân thì càng về sau [lớn tuổi] thì công phu càng đắc lực, công lực càng sâu; còn phàm phu chúng ta chưa chắc, càng già thì niệm lực càng đi xuống, nghiệp lực thì càng trổ ra gây bức bách. Đây không phải nói cho tất cả nhưng phần đông sẽ như vậy. Còn trẻ khỏe, công phu hàng chục năm rồi mà chẳng 'thấm tháp' vào đâu huống hồ đợi đến lúc già cả mắt mờ chân yếu mà cầu cho hành trì trở nên vượt trỗi lên ư? Trong vạn người không biết có được một hai không?
Trở lại vấn đề, như vậy chúng ta đã thấy được tầm quan trọng của việc gầy dựng Tín tâm Nguyện tâm như thế nào rồi đấy. Chúng ta có "phước đức" đầy đủ, "nhân duyên" đầy đủ, và cuối cùng "thiện căn" cũng phải đầy đủ, tức Tín Nguyện phải đầy đủ, chẳng thể nửa vời, hay 'chút ít' được. Theo Kinh văn đó chính là "chí tâm tin ưa", phải đạt được điều này, như thế mới là "thiện căn đầy đủ". Hay nói cách khác, muốn được sanh về cõi ấy thì không thể không 'bước qua cái xác' "chí tâm tin ưa" được, bất luận là lúc bình thời này hay đợi đến lúc cuối cận tử nghiệp. Lúc nào [gầy dựng] cũng được, miễn là phải đạt được điều này, không thể 'bỏ qua' được, chẳng có cách nào khác cả. Trừ phi trường hợp Biên Địa thì dùng pháp "liên tục nhớ nghĩ không thôi kết thành thiện nguyện cũng được vãng sanh", nhưng pháp này không phải ai cũng làm được, chẳng phải chuyện dễ dàng gì, chẳng thể đoán định được [rất hên xui may rủi], rồi lại phải sanh vào Biên Địa một thời gian dài nữa.
Cho nên, hành giả Tịnh Độ, rất nhiều người có vẻ lơ là, chẳng xem trọng việc gầy dựng Tín tâm, cho rằng đó là không cần thiết, chỉ cần siêng năng hành trì là được rồi. Như đã phân tích bên trên, thì chúng ta có thề thấy tầm quan trọng như thế nào rồi đấy. Còn ra sức gầy dựng lúc nào thì tùy, có người thích gầy dựng ngay lúc bình thời này, năm rộng tháng dài, còn trẻ khỏe, minh mẫn đầu óc, tâm lực trí lực còn sung mãn, nghiệp lực chưa 'ra tay'... Lại có người thích đợi đến lúc cuối [cậy vào ban hộ niệm, thiện tri thức, đồng tu khai thị, trợ duyên]. Thật ra thành phần này [chiếm số đông] chọn lựa như thế đó là do không thấy được tầm quan trọng của việc này, nên đâm ra lơ là không chú trọng chứ chẳng phải họ thích chọn như thế. Nhưng họ đâu biết rằng, đợi đến lúc cuối rồi thì kiểu gì cũng phải gầy dựng cho được [những điều này] thì Phật mới rước, chẳng đạt được thì 'đi tong' thôi [trừ cậy vào Pháp Biên Địa nói trên]. "Được vãng sanh hay không là do có Tín Nguyện [đầy đủ] hay không...", chúng ta quên điều này rồi chăng? Cho nên người niệm Phật cứ bị... 'lộp độp' hoài là vậy. Cho nên Chư Tổ Sư các Ngài cực lực đề xướng giáo lý phải "dùng Tín Nguyện sâu, trì danh hiệu Phật" làm đường lối tông chỉ tu học là vậy. Thế nào là "Tín Nguyện sâu"? Tín Nguyện đầy đủ mới được gọi là sâu vậy [Chí tâm tin ưa].
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ