Người đời niệm Phật thì đông, chứng được tam-muội thật ít lắm
Hơn mười năm qua tọa hạ tầm thầy hỏi đạo, tự lợi, lợi tha khôn ngăn khâm phục. Nay ngài buông xuống muôn duyên, nhất tâm niệm Phật, lấy cái Giác nơi quả địa làm cái tâm tu nhân, ắt sẽ tự chứng Niệm Phật tam muội, lâm chung chắc chắn lên Thượng Phẩm. Đã chịu dốc lòng, quyết được thành tựu. Nhưng người đời niệm Phật thì đông, chứng được tam-muội thật ít lắm, ấy là do chưa thể “buông xuống toàn thân, chỉ đề khởi một niệm”! Do vậy, thành ra tâm và Phật khó thể tương ứng. Tọa hạ đã chân thành, thiết tha buông xuống, quyết chẳng lẽ nào không chứng đắc; nhưng đối với những chuyện liễu sanh thoát tử, minh tâm kiến tánh, và “nắm được mấu chốt sự chứng đạo” cần phải phân biệt đôi chút.
Nếu dựa theo giáo lý thông thường để tu thì dù đã minh tâm kiến tánh vẫn còn cách liễu sanh thoát tử xa lắm! Bởi minh tâm kiến tánh là ngộ, chứ chưa phải là chứng. Người đời nay ngộ được còn ít, huống chi là chứng! Chứng là Hoặc nghiệp hết sạch, đã đoạn cái nhân sanh tử, tự chẳng cảm lấy cái quả sanh tử. Bậc Sơ Quả bảy lần sanh lên trời, bảy lần trở lại nhân gian mới đoạn sạch được Kiến Hoặc và Tư Hoặc, chứng quả A La Hán. Ngài Thiên Thai (Trí Giả đại sư) thị hiện ở địa vị Ngũ Phẩm, ngài Nam Nhạc thị hiện ở địa vị Thập Tín. Bậc đại sĩ như thế còn tự ẩn đức mình, thị hiện trong địa vị nội ngoại phàm phu, thì việc chứng đạo không phải là chuyện dễ. Đây là ước theo giáo lý thông thường, muốn ngay trong một đời này chứng đạo khó lắm.
Không ai chẳng nương Phật từ lực vãng sanh Tây Phương
Nếu căn cứ theo pháp môn đặc biệt mà đức Như Lai đã lập “sanh lòng tin, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây Phương” thì trên đến bậc Đẳng Giác, dưới đến phường Ngũ Nghịch, Thập Ác không ai chẳng nương Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Đã sanh về Tây Phương thì ngộ đạo, chứng đạo đều giống nhau khít khao, cực nhanh, cực dễ. Tọa hạ đã chuyên tâm niệm Phật, nhưng đối với chuyện lâm chung chẳng nói là “vãng sanh” mà nói là “bằng cớ chứng đạo đến tay”. Phàm nói “chứng đạo” là được rồi, há nên nói là “bằng cớ đến tay”. Bằng cớ đến tay thì không cần phải bàn nữa, nếu bằng chứng không nắm được thì làm sao đây? Xem ngữ ý của các hạ tợ hồ chỉ niệm Phật chứ không sanh lòng tin, không phát nguyện cầu sanh! Đấy là cách Thiền, Giáo dùng câu niệm Phật như câu thoại đầu vậy, chứ không phải là pháp Tín - Nguyện - Hạnh ba điều cùng hành trong Tịnh Tông. Không tín nguyện niệm Phật so với tham Thiền, khán thoại đầu tuy công đức lớn hơn, nhưng chưa tự đoạn Hoặc, cậy vào tự lực sẽ chẳng thể liễu thoát.
Các Bồ Tát, tổ sư Tịnh Độ, đều dạy tín nguyện cầu sanh
Lại nữa, không có tín nguyện sẽ chẳng được Phật tiếp dẫn liễu thoát, nên vẫn là pháp môn thông thường cậy vào tự lực. Chứng đạo kiểu này chẳng phải dễ dàng chi lắm! Đừng bảo tín nguyện cầu sanh là hèn kém, Hoa Tạng hải hội đều cùng dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh làm chỗ kết thúc cuối cùng cho kinh Hoa Nghiêm. Huống chi tất cả ngôn giáo của các Bồ Tát, tổ sư Tịnh Độ, đều dạy tín nguyện cầu sanh. Sao tọa hạ lại tự lập môn đình, chẳng dựa theo quy củ đã thành lập của Phật, của Tổ?
Há có nên dùng pháp môn Niệm Phật đặc biệt để tu quán hạnh
Vả nữa, người suốt đời suốt ngày trọn năm niệm Phật há có nên đối với Phật chẳng hành lễ kính? Trong mười đại nguyện vương, lễ kính đứng đầu. Mọi chuyện tọa hạ có thể bỏ, chứ lễ kính quyết chẳng được bỏ! Nếu không lễ Phật, sẽ khó cảm thông. Vì sao vậy? Do thân mong cầu an nhàn, thong dong, nên tâm thành cũng không cách nào đạt đến cùng cực được! Ngài Thiện Đạo chuyên tu, thân nghiệp chuyên lễ, khẩu nghiệp chuyên xưng, ý nghiệp chuyên niệm. Niệm đến cùng cực thì vị Phật trong tâm và vị Phật bên ngoài hệt như một không hai. Chứng đạo như vậy thì sự chứng đạo do tự lực chẳng thể nào so sánh được. Cổ nhân nói: “Kẻ hèn kém nhờ vào sức Luân Bảo một ngày có thể đi khắp bốn đại bộ châu”, há có nên dùng pháp môn Niệm Phật đặc biệt để tu quán hạnh theo đường lối tự lực thông thường? Quang tuy hạ ngu, chẳng dám tán thành. Nếu đem cái tâm thanh tịnh mảy trần chẳng nhiễm này để viên chứng tam tâm thì đời này tự chứng tam-muội, lâm chung vãng sanh Thượng Phẩm, xin mừng trước cho tọa hạ. Một tấm lòng ngu, kính mong soi xét.
Đoạn đầu: Đã chịu dốc lòng, quyết được thành tựu. Nhưng người đời niệm Phật thì đông, chứng được tam-muội thật ít lắm, ấy là do chưa thể “buông xuống toàn thân, chỉ đề khởi một niệm”!
Toàn thân buông xuống, nhất tâm niệm Phật, đây có thể coi là những trường hợp nhập thất. Nhưng nhập thất vài ngày hay vài tuần thì không ăn thua, phải nhập thất vài năm, hay hàng chục năm thì may ra chứng được Tam Muội. Căn tánh thời nay kém xa thời trước, do những người căn tánh tốt vãng sanh hết rồi chăng? Cũng có thể, nhưng cái chính là do môi trường tu tập hiện thời kém xa thời trước quá nhiều. 'Đất chật người đông', đa phần sống ở thành thị, mà nông thôn bây giờ cũng thành thành thị hết rồi, nếu chẳng nhập thất đả thất được vài ba ngày, tuần lễ thì trong môi trường 'tự nhiên' dễ gì có được những nơi thật sự yên tịnh, để có thể “buông xuống toàn thân, chỉ đề khởi một niệm”. Cho nên, vấn đề chính nó nằm ở chỗ duyên phước [hoàn cảnh] chứ cũng chưa hẳn chỉ là ở căn tánh không thôi. Biết làm sao được, 'gặp thời thế, thế thời phải thế', tùy duyên tùy phước mà tu tập thôi. Có bao nhiêu [căn cơ] sài bấy nhiêu, có bao nhiêu [phước duyên] thì dụng bằng ấy, chẳng đòi hỏi mong cầu chi làm gì. Bởi pháp môn này 'thâu nạp' tất.
Đoạn tiếp: Nếu dựa theo giáo lý thông thường để tu thì dù đã minh tâm kiến tánh vẫn còn cách liễu sanh thoát tử xa lắm! Bởi minh tâm kiến tánh là ngộ, chứ chưa phải là chứng. Người đời nay ngộ được còn ít, huống chi là chứng!
Từ ngộ đến chứng là cả quãng đường dài. Ví dụ, chúng ta đây biết phiền não sân si là không tốt, nên tránh, nhưng liệu mấy ai làm được rốt ráo đâu, cố gắng giảm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu thôi. Muốn để tự liễu sanh tử thì phải tu tập tiêu trừ sạch sẽ tất cả những cái nhân 'giả tạm' mới được, còn sót lại chút ít hay mảy may là chúng lại 'mọc' trở lại như cũ, không khác. Còn nhân, dù chỉ là chút xíu, là ắt trổ quả, tức là lại phải vào trong sanh tử. Sanh tử tức là giả tạm, 'mê, hoặc', còn 'mê, hoặc' là còn sanh tử. Đoạn sạch sẽ mê hoặc sẽ hết sanh tử [ra khỏi phàm phu, chứng Thánh].
Đoạn kế tiếp: Nếu căn cứ theo pháp môn đặc biệt mà đức Như Lai đã lập “sanh lòng tin, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây Phương” thì trên đến bậc Đẳng Giác, dưới đến phường Ngũ Nghịch, Thập Ác không ai chẳng nương Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Đã sanh về Tây Phương thì ngộ đạo, chứng đạo đều giống nhau khít khao, cực nhanh, cực dễ.
Từ Thượng Thánh đến Hạ Phàm đều phải nương vào Phật từ lực cầu sanh về hết, chẳng sót một căn cơn nào. Thật sự là như vậy. Cho dù các vị đã tự lực ra khỏi sanh tử từ lâu rồi, tiến đến bậc Đẳng Giác Bồ Tát thì vẫn phải nương vào Nguyện lực của Phật mà cầu sanh về, để rốt ráo viên mãn thành Phật quả. Bởi đối với các Ngài thì không phải nói chuyện sanh tử, lìa khổ được vui này kia nữa... mà là những phương tiện, thiện xảo để hành đạo thì không nơi đâu sánh bằng Cực Lạc. Ví dụ, cúng dường thập phương Chư Phật, nương Nguyện lực Phật trở lại các quốc độ để độ sanh, tiếng nước chảy, gió reo, sóng vỗ, chim hót, hàng bảy báu lay động, hương thơm lan tỏa, nghe Phật Di Đà hay Phật các nơi thuyết pháp, tâm khai ý giải như lậu tận thông v.v... vô vàn, không sao đếm kể được. Tất cả đều làm trợ duyên trợ lực cho đương nhân hành đạo, đắc đạo.
Cái từ "nương Phật từ lực vãng sanh Tây Phương" hầu như chẳng thể thiếu khi nói về Tịnh Độ. Vì sao vậy? Bởi đơn giản nếu chẳng có Phật lực thì chẳng có vãng sanh gì hết ráo. Thế nên nếu không "nương vào Phật lực" thì là "nương vào" cái gì đây [để được về]?! Cậy vào sức chính mình, sức đại chúng, Ban hộ niệm, hay một vị cao Tăng đắc độ nào đó chăng? Không có đâu, đừng có vậy nhé! Nếu thế coi chừng lúc cuối chẳng phải Di Đà vẫy gọi mà là Diêm La Vương mời gọi đấy. Thật vậy!
Chỗ tiếp theo: Tọa hạ đã chuyên tâm niệm Phật, nhưng đối với chuyện lâm chung chẳng nói là “vãng sanh” mà nói là “bằng cớ chứng đạo đến tay”. Phàm nói “chứng đạo” là được rồi, há nên nói là “bằng cớ đến tay”. Bằng cớ đến tay thì không cần phải bàn nữa, nếu bằng chứng không nắm được thì làm sao đây? Xem ngữ ý của các hạ tợ hồ chỉ niệm Phật chứ không sanh lòng tin, không phát nguyện cầu sanh!
Đây mới là chỗ chúng ta cần luận bàn một chút. Chúng ta cả một đời khó nhọc hành trì tu tập để cầu mong được điều gì? Thì chắc chắn là cầu vãng sanh Cực Lạc chứ còn gì nữa. Thật sự đúng chỉ có vậy thôi, hay có gì thêm nữa không? Nếu chỉ đơn giản vậy thôi thì nói làm gì? Nhiều người tu tập huân tu tinh tấn cả đời để mong điều gì? Họ mong rằng đến lúc cuối niệm được câu Phật hiệu, và niệm cuối cùng là A Di Đà Phật [rồi thì Phật sẽ đến rước]. Có không? Có đấy, rất nhiều nữa là khác. Như vậy liệu có đúng như pháp không? Như vậy xét ra tận cùng sâu xa thì cả đời hành đạo của họ [cho đến hơi thở cuối cùng] cũng chỉ là cầu niệm được câu Phật hiệu mà thôi. Rồi tắt hơi mất. Như vậy cả đời họ có cầu Phật đến tiếp dẫn đâu, mà [ưu tiên hàng đầu] phải là niệm được câu Phật hiệu cuối cùng cái đã. Như vậy thì chân nguyện của họ là gì? Cái nguyện sâu thẳm trong tâm can họ là gì đó [giữ chánh niệm, niệm cuối là A Di Đà Phật...] chứ đâu phải cầu được Phật tiếp dẫn, bởi cái cầu này phải xếp sau [trở thành thứ yếu] cho những cái 'mong cầu' kia? Như vậy chúng ta thấy có nguy hiểm không? Không chân nguyện cầu vãng sanh [ưu tiên tối thượng] mà đòi Phật đến rước để vãng sanh? Như thế là sao? Thế này là thế nào! Có trường hợp vậy không? Nhiều nhiều lắm, vô vàn... Thật sự, hành giả Tịnh Độ chỉ mong cầu sao lúc cuối được Phật rước về Tây thôi, còn lại thì tùy duyên. Có chánh niệm hay chẳng chánh niệm, niệm cuối là gì, có hộ niệm hay không hộ niệm, có đại chúng hay chẳng có đại chúng đồng tu, đi một mình hay đi xung quanh có người thân con cháu v.v... tất cả hoàn toàn tùy duyên Phật sắp đặt. Vấn đề là chúng ta có đủ 'đức tin' như thế hay không thôi!
Thật ra vấn đề này nó nằm ở chỗ hiểu không đúng Kinh văn mà ra. Như đã từng đề cập, trong Đại nguyện "Mười niệm ắt vãng sanh", cái chỗ "mười niệm" đó là "cho đến mười niệm" chứ không phải "lâm chung mười niệm". Cứ hiểu đó là "lâm chung mười niệm", coi đó là điều kiện bắt buộc để vãng sanh, rồi tự hành [và dạy người] cả đời huân tu chỉ cốt đạt được diều này. Như thế thì yếu tố Tha Lực nằm ở đâu rồi? Đâu còn "nương nguyện lực của Phật" mà cầu sanh về nữa. Thật ra yếu tố vãng sanh nó nằm ở Tín Nguyện [Chí tâm tin ưa, nguyện sanh cõi ta] chứ đâu phải mười niệm hay một niệm cuối kia. Bời đơn giản có Tín nguyện thì ắt có những cái kia [lâm chung chánh niệm, mười niệm một niệm cuối] bời vì nhờ cảm ứng đạo giao với Bổn Nguyện, được Phật lực gia trì. Còn ngược lại, nếu có những cái kia thì chưa chắc có cảm Phật [khi không Tín nguyện], cùng lắm được như ý trong Kinh Địa Tạng Phật thuyết, nếu lúc cuối niệm được danh hiệu Phật, Bồ Tát thì sẽ sanh phước đức vô lượng cho đời sau mà thôi.
Chúng ta phân tích một chút như thế, bởi ở đây Chư Tổ Sư các Ngài cũng gặp những trường hợp như vậy, và cảnh giác cho đương nhân [và giờ là thế hệ chúng ta]. Dĩ nhiên với cặp mắt các Ngài chỉ cần đọc qua là biết 'hơi hướng' ở đâu, là tâm ý 'tự lực' hay 'tha lực' trong đó. Đây là một vấn đề không nhỏ, rất dễ bắt gặp trong đạo hiện nay, đặc biệt là các ban Hộ Niệm, kiểu gì cũng đề cao nhấn mạnh yếu tố 'niệm cuối cùng sẽ quyết định đi về đâu". Dạ xin thưa, cái này là xét cho những giáo pháp thông thường tự lực thôi, với Tịnh Độ Tông thì hoàn toàn không phải như vậy đâu ạ. Đừng đem những nghĩa lý thông thường mà luận, có ngày 'chết chùm' [cả ta và người] đấy ạ.
Các đoạn tiếp theo chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Thư trả lời đại sư Pháp Hải (trích đăng lần 2)
Đại Sư Ấn Quang