Cha chồng của tôi tên Phùng Cảnh Kỳ, cả đời đôn hậu hiệp nghĩa, nhưng đối với Phật Pháp thì chẳng biết gì cả. Ông kể, lúc còn trẻ, đi thuyền trên sông lớn, mỗi khi gặp mây đen gió bão, tức thì cùng với anh em đi thuyền đến mũi thuyền đốt nhang quỳ khấn. Mây đen lập tức tan biến, vô cùng linh nghiệm. Tôi hỏi ông niệm cái gì, ông nói:
- Là câu Chú, không thể truyền ra ngoài.
Sau khi học Phật Pháp, tôi hỏi có phải ông niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát không. Ông nói.
Có thể thấy rằng ngay cả danh hiệu Bồ Tát và câu chú dân gian ông cũng không thể phân biệt được. Nhưng kể ra ông cũng có một chút duyên lành với Phật và Bồ Tát.
Khi về già, ông mắc bệnh xuất huyết bao tử, ô môn bế tắt, thổ huyết, vô phương cứu chữa. Tôi ngày thường ít nói, với ông tôi càng ít nói hơn. Năm nào tôi cũng phụ giúp ở chỗ thầy Giác Hạnh, nên hai đứa con tôi đều nhờ ông chăm sóc. Ngày thường tôi chẳng có thể hiện gì với ông cả. Tôi nghĩ đây là lúc mình nên tận tâm hiếu thảo để đền đáp ân đức của ông.
Mười ngày trước lúc ông mất, tôi đến thăm ông và hỏi:
- Ba có biết vì sao con học Phật Pháp không?
Ông trả lời:
- Không biết.
Tôi nói:
- Vì con muốn liễu thoát sanh tử, không còn luân hồi trong lục đạo nữa. Thế giới này vừa dơ vừa lộn xộn khổ lắm. Bây giờ ba có đau không?
Ông nói:
- Đau
- Có khổ không?
Ông đáp:
- Khổ
Tôi nói:
- Đức Phật A Di Đà đã dành sẳn cho chúng ta một thế giới Cực Lạc. Ở đó không có đau khổ, không có phiền não. Đến đó rồi thì hưởng phước, không còn thọ tội. Ba có muốn đi đến đó không?
Sau khi nghe xong, ông nói:
- Ba muốn tìm một nơi như thế đó.
Tôi bảo ông chỉ cần niệm Phật thì chắc chắn có thể đi đến đó. Niệm Phật thành Phật.
Ông nghe tôi nói xong thì cứ nằm niệm mãi sáu chữ danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, cũng không nói chuyện phím nữa.
Vào tối ngày 13 tháng 10 âm lịch năm 2001, ông ngủ rồi đi luôn. Đến sáng mọi người mới phát hiện. Tôi trở về niệm Phật cho ông, thấy sắc mặt ông hồng hào. Ba ngày sau tẩn liệm, toàn thân ông mền mại.
(Ngày 6 tháng 6 năm 2002, Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, cư sĩ Vương Huệ Bình thuật, Pháp sư Thích Tịnh Tông ghi)
Trích 100 Truyện Niệm Phật Cảm Ứng
Nguyên Tác: Pháp Sư Huệ Tịnh - Pháp Sư Tịnh Tông
Người dịch: Diệu Mỹ