Mười đại nguyện vương của Phổ Hiền đại sĩ dẫn dắt về Cực Lạc nên niệm niệm chính là Di Ðà; nhưng mười đại nguyện vương nghĩa lý sâu rộng, kẻ thường nhân chẳng thể phát khởi được; còn một pháp Trì Danh lại độ khắp ba căn. Ngũ Nghịch, Thập Ác cũng đều có thể nương theo đó để thoát khỏi sanh tử. Ví như người trị được chứng bệnh chẳng thể trị nổi thì phải tôn là vua của các thầy thuốc; pháp độ được cả kẻ cực ác thì phải nên xưng tụng là vua của các pháp lành. Bởi thế, mới bảo pháp Trì Danh là “hạnh siêu Phổ Hiền”. Tín nguyện trì danh thì nhất định vượt được lên bờ kia nên bảo là “hạnh siêu Phổ Hiền đăng bỉ ngạn” (hạnh vượt trỗi Phổ Hiền, lên bờ kia).
Thế Tôn rủ lòng Từ, khuyên dụ những kẻ học rộng nghe nhiều, kẻ có trí phải nên tin rằng mọi lời dạy của Như Lai đều khế hợp với Thật Tướng lý thể. Những điều được nói trong kinh đều là đúng lý, đều là chân thật nên bảo: “Ưng tín ngã giáo như thật ngôn” (Phải tin lời ta dạy như thật). Vì Niệm Phật là pháp “hạnh siêu Phổ Hiền” nên gọi là “diệu pháp”.
Diệu pháp khó gặp, khó nghe, khó tin như thế, ta nay đã may mắn được nghe thì phải nên thọ trì, phụng hành đúng theo lời dạy, luôn luôn niệm Phật, sanh lòng vui mừng sâu xa. Hơn nữa, người niệm Phật được từ quang của Phật nhiếp thọ, “cấu diệt thiện sanh, thân ý nhu nhuyễn”. Thân được nhẹ nhàng, an ổn, tâm sanh hoan hỷ như trong Quán Kinh đã nói: Phu nhân Vy Ðề Hy do chợt thấy quang minh thanh tịnh của cõi A Di Ðà Phật hiện ra trước mắt liền đắc ngay Vô Sanh Pháp Nhẫn. Ngài Thiện Ðạo bảo Vô Sanh Pháp Nhẫn mà bà Vy Ðề Hy đã chứng đắc khi đó chính là Hỷ Nhẫn, Ngộ Nhẫn và Tín Nhẫn. Ðại sư bảo Hỷ Nhẫn là “niệm A Di Ðà Phật sanh tâm hoan hỷ”. Bởi thế, kinh nói: “Niệm Phật sanh hoan hỷ” nghĩa là do niệm Phật nên tự tâm tự sanh hoan hỷ.
Cuối cùng, Phật khuyên hành nhân chẳng những chỉ tự mình thọ trì pháp này để thoát khỏi sanh tử mà còn phải nên làm lợi cho mình lẫn người bằng cách hoằng truyền pháp này, khuyên dạy trì danh, lần lượt giúp nhau độ thoát xuất ly sanh tử. Ðức Thế Tôn khen người làm được như vậy là “chân thiện hữu”, tức là chân thiện tri thức. Ðây chính là lời khen ngợi tột bực của đức Thế Tôn vì Ngài coi thiện tri thức giống như Như Lai. Bốn câu sau cùng chính là lời kỳ vọng và dạy răn của đức Thế Tôn đối với hết thảy chúng sanh trong đời sau được gặp kinh này, được nghe pháp này. Bởi thế, chúng ta phải nên tha thiết lãnh thọ, khắc cốt tạc dạ, khắng khít tuân theo di giáo, siêng năng tu hành, gìn giữ bền chặt, chẳng phụ bạc từ ân.
Cuối bản kinh này, đức Phật lại khuyên niệm Phật; bổn tâm của mười phương Như Lai đều dốc trọn cả ra. Những chữ “phước huệ thỉ văn” (phước huệ mới được nghe), “vi diệu pháp”, “cứu thế hạnh” (hạnh cứu thế), “trí huệ hải” (biển trí huệ), “nan trung nan” (khó nhất trong các điều khó), “hạnh siêu Phổ Hiền” (hạnh vượt trỗi Phổ Hiền)… trong phẩm này đều để chỉ diệu pháp vô thượng Tín Nguyện Trì Danh. Ðối với sự mầu nhiệm của pháp môn Niệm Phật đây, dẫu cho có vô lượng thân, mỗi một thân có vô lượng miệng, mỗi một miệng có vô lượng lưỡi. Mỗi lưỡi phát ra vô lượng âm đến hết cả kiếp vị lai diễn nói chẳng ngớt cũng khó bề diễn tả nổi ít phần.
Bởi thế, tôi chẳng dám lạm bàn nhiều, chỉ xin trích dẫn hai đoạn trong sách Di Ðà Yếu Giải của Linh Phong đại sư để kết lại lời chú giải phẩm này.
1. Sách Yếu Giải viết:
“Do nghĩa là Vô Lượng Quang nên chúng sanh sanh về Cực Lạc tức là sanh về mười phương, thấy A Di Ðà Phật là thấy mười phương chư Phật, tự độ mình chính là độ khắp hết cả. Do nghĩa là Vô Lượng Thọ nên nhân dân cõi Cực Lạc chính là Nhất Sanh Bổ Xứ, đều nhất định ngay trong đời này thành Phật, chẳng phải sanh lần nữa. Nên biết rằng: Hễ rời bỏ cái tâm vô lượng quang thọ nhất niệm hiện tiền thì chẳng thể tìm đâu ra danh hiệu A Di Ðà Phật; mà hễ đã rời bỏ danh hiệu A Di Ðà Phật thì còn do đâu mà chứng cùng tột cái tâm nhất niệm vô lượng quang thọ? Xin hãy suy xét kỹ, xin hãy suy xét kỹ!”
2. Sách Yếu Giải viết: “Danh hiệu được chấp trì là chân thật chẳng thể nghĩ bàn; cái tâm tánh chấp trì danh hiệu cũng chân thật chẳng thể nghĩ bàn. Trì một câu thì là một câu chẳng thể nghĩ bàn; trì mười, trăm, ngàn, vạn vô lượng tiếng thì mỗi mỗi tiếng đều chẳng thể nghĩ bàn”.
Trích Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Ngài Hoàng Niệm Tổ