Lời tựa quyên mộ dựng thảo xá Dược Vương
(viết thay)
Dược vương của các dược vương
Đại Giác Thế Tôn được mệnh danh là Đại Y Vương, trị khắp các bệnh thân - tâm cho chúng sanh. Ngài dùng thuốc số đến vô lượng, nhưng ba thứ Giới - Định - Huệ bao gồm hết tất cả không còn sót. Do vậy, ba thứ này được gọi là Dược Vương. Nếu uống vào, phàm sẽ thành thánh, nhưng thuốc tuy đẹp hay, tu trì lại thật khó. Tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương gọi là thuốc A Già Đà, trị chung được vạn bệnh. Hạ thủ dễ, thành công cao; dùng sức ít, được hiệu quả nhanh chóng. Ba căn thượng - trung - hạ ngay trong đời này đều thoát khổ luân. Ba pháp Giới - Định - Huệ ngay trong một niệm đều được đầy đủ. Do vậy, biết một pháp tín nguyện niệm Phật chính là dược vương của các dược vương.
Niệm đâu nghĩ nơi đó
Tôi may nhờ túc nhân, được nghe pháp này, dám đâu chẳng kiệt thành, tận kính, khăng khắng tu trì ư? Toan muốn dựng một am tranh, đặt tên là Dược Vương, yên trụ trong đó, dốc sức tu Tịnh nghiệp, ngõ hầu chữa lành các chứng bệnh lớn sanh tử nơi thân tâm của mình lẫn người. Khẩn khoản mong các đàn-việt phát Bồ Đề tâm, hành phương tiện sự, tạm bỏ ra chút phần tạng báu, thành toàn cho căn nhà tệ hèn để yên thân. Do đây, đêm ngày ân cần lễ bái, ức niệm. Đã có thể niệm đâu nghĩ nơi đó, khó gì [chẳng chứng] tâm này chính là Phật, thì vô biên lợi ích đều được thành tựu. Dùng nhân như thế để cảm quả như thế. Đời này ắt được Phật tiếp dẫn cao dự hải hội; tương lai ắt làm thân Dược Vương, trị đủ mọi bệnh. Nếu như lòng ngu thành này được xét soi thì lời lẽ này ắt chẳng bị bỏ phí vậy!
Lời tựa cho cuốn Vạn Niên Bạ chùa Pháp Vũ
(viết thay Khai Như Hòa Thượng)
Bậc tông tượng xuất hiện thì gốc lập, đạo sanh
Có được cuộc đất tối thắng mới hoằng dương được đạo tối thắng. Tạo lập chuyện phi thường ắt phải đợi người phi thường. Bậc tông tượng xuất hiện thì gốc lập, đạo sanh. Triết nhân mất thì pháp tàn, giáo suy. Tuy bỉ cực thái lai thuộc vào vận trời, nhưng sửa cũ đổi mới quả thật phải nhờ vào sức người. Pháp Vũ thường trụ do Đại Trí lão nhân sáng lập, do Thống Tổ ở Biệt Am trung hưng, quy mô lớn lao, pháp đạo hưng long. Từ đấy Trụ Trì các đời tuy không thành tựu lớn lao, nhưng ai nấy đều tận lực giữ quy củ đã thành lập, gia phong chẳng suy đồi. Sau cơn binh hỏa, Trụ Trì chẳng tìm được người đến nỗi suy bại sát đất. Điện đường, liêu xá hư sụp, đổ nát, pháp khí trang nghiêm, trăm thứ chẳng còn được một. Pháp quyến các phòng thấy cảnh tượng ấy đều bó tay, chẳng dám gánh vác.
Tâm vì pháp, vì người, vì thường trụ, vì đại chúng như chôn cha mẹ
Vào năm Đồng Trị thứ 11 (1872), đại chúng ép tiên sư công Lập Sơn lão nhân làm Trụ Trì, tận lực tu bổ tường sụp, nhà rách, siêng năng, chăm chút, trải hơn mười năm. Từ điện Thiên Vương cho đến Tàng Kinh Các thảy đều sửa mới. Những công trình khác tuy chưa hoàn toàn khôi phục lại quy mô cũ, nhưng nhìn vào đại cuộc đã khả quan. Đến năm Quang Tự thứ 11 (1885), do già bệnh, lão nhân bèn thoái ẩn, sai tiên sư là Văn Lão Nhân kế vị trụ trì. Tiên sư kế thừa đầu mối cũ, phát tâm rộng lớn. Phàm đối với những gì sư ông (chỉ ngài Lập Sơn) chưa đủ sức lo đến, hết thảy điện đường, liêu xá đều dựng mới hoặc tu bổ, không chỗ nào chẳng sửa chữa mới. Quy mô chế độ chẳng kém thời trung hưng. Phàm những vườn đào, ruộng rẫy bị cưỡng ép lấy mất vào thời Hàm Phong đều tận lực chuộc lại. Lại vì muốn chuyển pháp luân thì phải nhờ vào pháp khí trang nghiêm; hơn mười mấy năm qua, hoằng Tông xiển Giáo, những vật dụng sắm sửa trên là Càn Long Đại Tạng kinh, tượng Phật, dưới là bàn ghế, giường chõng, phàm vật gì cần đến thảy đều đầy đủ. Nhưng lão nhân đại nguyện như mây nhóm, hận chẳng nhóm được thập phương Tăng chúng trong cùng một nhà để Kỳ Viên xưa kia lại được thấy trong ngày nay. Tâm vì pháp, vì người, vì thường trụ, vì đại chúng như chôn cha mẹ, như cứu đầu cháy, ngày đêm suy tư, lo nhọc đến nỗi thành bệnh. Đến mùa Đông năm Quang Tự 23 (1897), công trình xây dựng chưa xong, lão nhân quyết chí về Tây. Khai Như tôi tự thẹn đức bạc, lại không có bản lãnh. Do được ghé dự vào hàng đồ đệ, nên Ngài giao cho coi sóc sự vụ trong chùa, gắng gượng vâng lệnh thầy, tận lực phụ giúp. Tuy là hạt bụi nhẹ, giọt sương bé, chẳng giúp ích gì cho núi, cho sông, nhưng luận trên sức mình, cũng có thể nói là đã cúc cung tận tụy, dốc cạn lòng ngu muội. Nương theo những công trình chưa hoàn thành của thầy, chỉ tận lực gánh vác, vâng theo di mạng của tiên sư, xin các pháp quyến công cử Định Công kế nhiệm làm trụ trì. Khai Như vẫn giữ chức vụ cũ, trông nom việc chùa.
Đến khi Định Công thoái ẩn, nhờ ơn pháp quyến ủy thác trách nhiệm nặng nề này, tuy biết mình chẳng xứng gánh vác, nhưng chẳng thể từ khước vì kế hoạch công trình của tiên sư vẫn chưa hoàn thành. Do vậy, đêm ngày lo liệu, chẳng dám bê trễ. Dốc cạn thân tâm này để kính cẩn hoàn thành chí nguyện của thầy. Trong vòng ba năm, những chuyện gì nên làm thảy đều hiểu rõ, chuyện gì có thể giao phó được, chẳng làm phiền cho người. Vì thế, nay kính thưa cùng pháp quyến, sẽ đem hết tất cả những đồ vật thường trụ lớn nhỏ, nhất nhất ghi chép, để vị Trụ Trì sau này, hễ đảm nhận chức vụ ắt biết tiền nhân vì chuyển pháp luân đã sắm sửa đồ đạc, một phen khổ tâm, thật chẳng dễ dàng. Ai nấy đều càng thêm mến tiếc, không đến nỗi phí phạm, vâng giữ công lao đã thành, tươi đẹp công nghiệp khai sáng, nối tiếp đức hạnh, theo gót bậc khai sơn cả ức vạn năm, vĩnh viễn không phế bỏ, ngõ hầu pháp luân lẫn nguyện luân đều thường chuyển, ngàn đời tuân giữ nếp gia phong cũ, ân nước lẫn ân Phật đều báo, cả cõi đời thường đượm ơn mưa móc thì pháp môn may mắn, thường trụ may mắn lắm thay!
Ảnh: Đạo tràng Tịnh Độ
Đoạn đầu: Tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương gọi là thuốc A Già Đà, trị chung được vạn bệnh. Hạ thủ dễ, thành công cao; dùng sức ít, được hiệu quả nhanh chóng. Ba căn thượng - trung - hạ ngay trong đời này đều thoát khổ luân. Ba pháp Giới - Định - Huệ ngay trong một niệm đều được đầy đủ. Do vậy, biết một pháp tín nguyện niệm Phật chính là dược vương của các dược vương.
Căn bệnh khổ lớn nhất của chúng sanh phàm phu đó chính là bệnh lớn sanh tử. Bị hoài bị mãi, tái đi tái lại không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn không cách gì trị dứt điểm được. Vấn đề là không phải không có thuốc đối trị được căn bệnh này mà là do bệnh đã quá nặng [nghiệp quá sâu nặng], cơ thể thì...ốm yếu [căn tánh hèn tệ thời mạt], thuốc thì toàn...thuốc bổ [tự lực], chẳng phải 'kháng sinh' nên thật khó điều trị dứt điểm được. Đến khi bắt gặp được Tịnh Độ, dùng "Tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương" mới thật đúng là thuốc 'kháng sanh liều cao', gọi là thuốc A Già Đà trị chung vạn bệnh. Viên thuốc "A Di Đà Phật" này dĩ nhiên là chẳng phải dạng thuốc thông thường, đây là viên thuốc được mười phương Chư Phật tán thán, viên thuốc mà Đức Phật A Di Đà đã dày công tu hành tích lũy công đức [vào đó] hàng vô lượng kiếp mới 'sản xuất' ra được viên thuốc đó chứ chẳng phải chuyện chơi. Viên thuốc này được cung cấp hoàn toàn miễn phí, chẳng tốn gì cả, chúng sanh nào cũng có thể sử dụng, nếu được 'uống' vào mỗi ngày thì thân khỏe tâm an, đợi đến lúc mãn phần sẽ được Phật tiếp dẫn vể Tây Phương Cực Lạc, chấm dứt 'căn bệnh' sanh tử vĩnh viễn, từ đây hưởng khoái lạc an vui mãi mãi, không còn bị 'căn bệnh lớn' này dày vò, làm khổ đau đời đời kiếp kiếp nữa. Chúng sanh tin tưởng, 'uống thuốc' đều đặn chuyên cần mỗi ngày ắt sẽ được lợi ích chân thật, mà chẳng có 'thuốc' [pháp] nào sánh bằng được. Thế cho nên các Ngài mới gọi là "dược vương của các dược vương". Dĩ nhiên là những 'thuốc' khác [pháp khác] cũng rất hay, rất quý, có thể trị lành nhiều chủng loại bệnh khác nhau. Nhưng để điều trị rốt ráo, dứt điểm, nhanh chóng [một đời] thì không gì sánh bằng được 'thuốc' này. Cho nên mười phương Chư Phật đều tán thán, thập phương chúng sanh đều nương nhờ là vậy.
Các đoạn khác chúng ta cùng đọc, học tập thêm.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Đại Sư Ấn Quang