Chỉ có đức A Di Đà Phật là có thể làm cho ông thoát luân hồi sanh tử!
Con người sống trong thế gian ai cũng chẳng thể nào tránh khỏi nỗi khổ tật bệnh, chết chóc! Trong khi những sự khổ như vậy xảy ra, chỉ nên buông xuống muôn duyên, nhất tâm niệm “Nam-mô A Di Đà Phật”. Nếu hơi thở ngắn thì chỉ niệm bốn chữ A Di Đà Phật, nhất tâm cầu Phật từ bi tiếp dẫn ông vãng sanh Tây Phương. Trừ một niệm ấy ra, trong tâm chẳng được khởi lên mảy may tưởng niệm khác biệt nào, cũng đừng mong bệnh chóng lành, cũng chớ có tưởng niệm cầu thần cầu trời giáng phước. Hễ có những thứ tưởng niệm ấy, tâm ông sẽ bị cách ngăn với tâm đức A Di Đà Phật; do vậy sẽ chẳng hưởng được sức gia bị do lòng từ của Phật. Ông phải hiểu rằng: Trời đất cha mẹ đều chẳng thể làm cho ông thoát luân hồi sanh tử được, chỉ có đức A Di Đà Phật là có thể làm cho ông thoát luân hồi sanh tử! Giả sử ông chịu buông xuống hết thảy, nhất tâm niệm Phật thì nếu tuổi thọ chưa hết sẽ được chóng lành. Nếu tuổi thọ đã hết, liền vãng sanh Tây Phương; nhưng chớ nên cầu bệnh chóng lành, chỉ nên cầu mau được vãng sanh. Nếu tuổi thọ đã hết mà cầu lành bệnh sẽ chẳng được vãng sanh. Cầu vãng sanh thì nếu tuổi thọ chưa hết sẽ mau được lành bệnh. Vãng sanh Tây Phương có những điều hay chẳng thể nói trọn, so với những kẻ sanh lên cõi trời làm thiên đế, thiên vương vẫn cao cả hơn vô số vô lượng vạn vạn vạn vạn lần.
Nếu có tâm niệm sợ chết, sẽ vĩnh viễn chịu khổ trong sanh tử luân hồi
Ông đừng có si tâm vọng tưởng sợ chết. Có cái tâm sợ chết sẽ chẳng thể vãng sanh được! Chúng ta sống trong thế gian giống như loài giòi trong hầm phân, tù nhân trong lao ngục, khổ chẳng chịu đựng được! Vãng sanh Tây Phương như thoát khỏi hầm phân, lao ngục, đến quê nhà thanh tịnh an lạc tiêu dao tự tại, há nên sợ chết? Nếu có tâm niệm sợ chết, sẽ vĩnh viễn chịu khổ trong sanh tử luân hồi, vĩnh viễn chẳng có thuở thoát khổ. Nếu ông niệm ra tiếng được thì cũng nên niệm nhỏ tiếng, chẳng thể niệm ra tiếng nổi thì niệm thầm trong tâm, tai nghe người khác niệm, trong tâm cũng niệm như thế. Mắt lại dõi nhìn A Di Đà Phật (tức đức Phật được thờ trong thất), trong tâm tưởng đến A Di Đà Phật. Hễ có những niệm khác khởi lên, hãy nên tự trách: “Ta muốn cậy vào Phật lực vãng sanh Tây Phương, sao lại khởi lên những thứ ý niệm này làm hỏng đại sự của ta?”
Chắc chắn được vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, nếu...
Nếu ông chịu niệm theo như lời tôi nói, chắc chắn được vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, bao kiếp vĩnh viễn thường hưởng khoái lạc, trọn chẳng phải thấy nghe mảy may sự khổ gì, há còn có những thứ khổ não tật bệnh như thế này hay sao? Nếu gặp lúc trong tâm dấy lên phiền não, phải hiểu rằng đấy chính là do ác nghiệp trong đời trước xui khiến, muốn phá hoại đạo vãng sanh Tây Phương của ta, muốn khiến cho ta vĩnh viễn bị khổ vì sanh tử luân hồi, ta nay hiểu được nó muốn hại ta, ta chẳng để cho nó xoay chuyển, trừ chuyện niệm Phật ra, chẳng nghĩ đến chuyện gì khác. Như vậy thì tâm tâm tương ứng với Phật, được Phật tiếp dẫn, sẽ liền vãng sanh. Hãy nhớ kỹ lời tôi thì sẽ tự mau được lợi ích không chi lớn hơn được!
Ảnh minh họa: Người bệnh
Đoạn đầu: ...Trừ một niệm ấy ra, trong tâm chẳng được khởi lên mảy may tưởng niệm khác biệt nào, cũng đừng mong bệnh chóng lành, cũng chớ có tưởng niệm cầu thần cầu trời giáng phước. Hễ có những thứ tưởng niệm ấy, tâm ông sẽ bị cách ngăn với tâm đức A Di Đà Phật; do vậy sẽ chẳng hưởng được sức gia bị do lòng từ của Phật.
Người này đang bị bệnh, chắc cũng khó qua khỏi, nên Chư Tổ khuyên như thế. Toàn thân buông xuống hết, nhất tâm niệm Phật cầu Phật đến tiếp dẫn, ngoài ra chẳng có ý niệm nào khác [nhớ nghĩ con cháu, nhà cửa, công việc...]. Hễ tâm còn tham luyến là ngăn cách tâm Phật, chẳng được cảm thông, chẳng hưởng được sức gia bị do lòng từ của Phật.
Câu: Ông phải hiểu rằng: Trời đất cha mẹ đều chẳng thể làm cho ông thoát luân hồi sanh tử được, chỉ có đức A Di Đà Phật là có thể làm cho ông thoát luân hồi sanh tử!
Cái này chắc chúng ta đã nghe nhiều lần rồi, hành giả Tịnh Độ hầu như không ai không biết điều này. Nhưng chúng ta nên nhớ rõ rằng, "chỉ có đức A Di Đà Phật là có thể làm cho ông thoát luân hồi sanh tử" chứ không phải "chỉ có câu Phật hiệu giúp chúng ta thoát luân hồi sanh tử", hai cái này là khác nhau đấy, rất nhiều người lầm lẫn chỗ này. "Chỉ có Phật A Di Đà" ý chỉ rẳng: Chỉ có Phật lực mới giúp chúng ta giải thoát, ngoài ra thì chẳng có lực thứ hai nào làm được việc này [kể cả sức chính mình, sức đại chúng, hay minh Sư, thiện hữu...]. Chúng ta phải đặc biệt lưu ý ở điểm này, ngay từ lúc tu tập bình thời. Cho nên tu tập cần phải biết nương cậy vào đâu rồi đấy. [Cái tâm] tin tưởng, nương cậy vào không đúng nơi đúng chỗ thì thôi ... xác định! Đã có biết bao trường hợp 'ôm hận' lúc cuối do điều này rồi đấy. Lỗi này rất dễ mắc phải, gọi là có niềm tin nhưng đặt sai chỗ. Còn cách nương cậy như thế nào thì chúng ta đã bàn nhiều rồi, không nhắc đến nữa.
Đoạn tiếp: Vãng sanh Tây Phương như thoát khỏi hầm phân, lao ngục, đến quê nhà thanh tịnh an lạc tiêu dao tự tại, há nên sợ chết? Nếu có tâm niệm sợ chết, sẽ vĩnh viễn chịu khổ trong sanh tử luân hồi, vĩnh viễn chẳng có thuở thoát khổ.
Hễ có tâm sợ chết thì lập tức tâm ta và tâm Phật ngăn cách. Do cái Nguyện có vấn đề, không thật Nguyện. Vậy thì sao cảm với Bổn Nguyện, để vời được Nguyện lực cứu độ. Trong lời Nguyện ghi rõ "nãi chí thập niệm, nguyện sanh ngã quốc", hành không đúng thì sao cảm oai thần Bổn Nguyện tiếp dẫn được. Do đó đành 'ở lại' mãi "vĩnh viễn chịu khổ trong sanh tử luân hồi, vĩnh viễn chẳng có thuở thoát khổ".
Tâm sợ chết có nhiều nguyên nhân, chắc cũng không ngoài mấy điều này: một, còn tham sống thêm; hai, lưu luyến cái gì đó, không muốn rời xa; ba, chưa biết rõ mục tiêu, nơi đến là thù thắng như thế nào [cõi Cực Lạc] nên không quyết tâm ra đi, chấp nhận từ bỏ tất cả; và trường hợp nữa là tâm trí mờ mịt, không còn định đoạt được nữa [do bị nghiệp lực chi phối rồi]. Cho nên, cổ nhân nói "Chớ để đến già mới niệm Phật, mồ hoang lắm kẻ tuổi còn xanh", hay "Con người ta chỉ già đi trong bận rộn, mấy ai buông xuống trước khi lìa đời"...
Đoạn cuối: Nếu ông chịu niệm theo như lời tôi nói, chắc chắn được vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, bao kiếp vĩnh viễn thường hưởng khoái lạc, trọn chẳng phải thấy nghe mảy may sự khổ gì,...
Vị này không biết tu tập lâu chưa, nhưng chắc nghĩa lý Kinh giáo không được biết nhiều, nên Chư Tổ chỉ khuyên thực hành như thế nào thôi, không đề cập Kinh giáo, văn tự gì. Tuy nhiên, như vậy là đầy đủ nghĩa lý hết chưa? Chắc chắn còn thiếu một thứ quan trọng bậc nhất, đó là Tín tâm, thì đến chỗ này mới thấy. Rõ ràng với những người như thế này, các Ngài không khuyên trực tiếp y theo Kinh giáo, mà ngầm dẫn dắt để phát khởi Tín tâm. Chỗ "Nếu ông chịu niệm theo như lời tôi nói, chắc chắn được vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử", tại sao Ngài lại dám nói chắc chắn ông ta sẽ được thành tựu vãng sanh, mà không phải nói kiểu như "đến lúc cuối chỉ cần ông niệm được mười niệm thì chắc chắn Phật sẽ rước ông"? Bởi đơn giản là Ngài muốn ông ta phát khởi tín tâm một cách chân thật, không nghi, rằng nếu ông chịu y theo lời tôi nói, buông xuống, niệm Phật cầu Phật tiếp dẫn, thì "chắc chắn được vãng sanh Tây Phương". Như vậy thì Tín tâm, Nguyện tâm, niệm Phật, đã đầy đủ tông chỉ chưa vậy?! Chắc là vị này hành trì tu tập chưa lâu, nên cần phải dẫn dắt phát khởi tín tâm nguyện tâm, buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật cầu Phật tiếp dẫn... Như theo dõi các Ban hộ niệm khai thị gần xa, có vẻ chẳng khác gì bức thư này, nhưng đến chổ cuối kiểu gì cũng '"...hãy cố gắng niệm nhé, đến lúc cuối chỉ cần ông niệm được mười niệm hay chỉ một niệm thì Phật sẽ đến rước ông về Tây Phương ngay, không còn chịu khổ đau như ở đây nữa...'. Nhìn tưởng giống nhau, nhưng khác biệt là vời vợi, thật vậy, một đằng sẽ cảm được Phật lực [nên chắc chắn vãng sanh], còn một đằng thì nào phải điều giải oan gia, buông bỏ đầu này lại dính đầu kia, thần trí tỉnh táo hay mê mờ... nói chung là 'bất định', hên xui, xác suất bao nhiêu phầm trăm không biết nữa...
Cho nên trong tu học, tông chỉ đường lối rất quan trọng. Tông chỉ Tịnh Độ là gì? "Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm", hay "Tín Nguyện, niệm Phật"? Thật ra tuy hai mà một thôi. "Phát Bồ Đề tâm" [thật ra là Phát Đại Bồ Đề tâm] là gì? Tâm Bồ Đề là gì? Dạ đừng có nói đó là tâm "vì người" đó nhé, rồi "Phát Bồ Đề tâm" đó tức là "Niệm niệm vì người" chứ còn gì nữa?! Ở đây chúng ta chỉ luận bàn đối với dạng phàm phu còn trong sanh tử luân hồi như chúng ta mà thôi [không lạm bàn với bậc Thánh nhân], thì Tâm Bồ Đề ấy chính là tâm Tự Lợi Lợi Tha, chứ chẳng phải chỉ có Lợi tha không, 'vì người' không. Chúng ta làm những việc thiện lành, lợi lạc chúng sanh này kia, được công đức, rồi cũng phải hồi hướng công đức, cho ai đây? Chắc chỉ cho chúng sanh không thôi quá? Hằng ngày, sau mỗi thời khóa, chúng ta đọc hồi hướng thế nào nhỉ? "Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đồng sanh về Tịnh Độ, chóng viên thành Phật quả, rộng độ khắp chúng sanh". Có 'ta' trong đó không? Rồi thứ lớp là sao? Về Tịnh Độ cái đã, tu chứng Phật quả, mới rộng độ khắp chúng sanh được. Ở đây còn lặn ngụp sanh tử mà đã ham "rộng độ khắp chúng sanh' coi chừng chúng sanh lẫn mình 'chìm nghỉm' cả đấy, vì đơn giản là có đủ năng lực đâu mà độ.
Cho nên, hãy còn là phàm phu, trong cái tâm Bồ Đề đó, thì tâm tự lợi không thể thiếu. Nếu giả dụ chúng ta chẳng cần tâm 'tự lợi' nữa, tức là chúng ta chẳng cầu giải thoát [cho mình] chăng? Hệ quả kéo theo nữa là, chúng ta cũng chẳng cầu Tha lực Phật cứu độ [để liễu thoát] nữa... Thật nguy hiểm vô cùng, sai một ly đi một dặm. Đó là luận về nghĩa lý văn tự, còn về thực tiển thực hành thì sao? Nếu tu tập mà trong tâm ta cứ 'niệm niệm vì người' thì sẽ không thể ở yên mà niệm Phật được, cứ là thích tìm cầu những việc thiện lành, lợi lạc chúng sanh mà làm. Hệ quả là sao? Tạp tu, tạp hạnh quá nhiều! Nhưng cái đó chưa thật sự nguy hiểm, cái nguy hiểm nhất đó là dần dần chúng ta sẽ chuyển dần sang tu tự lực, dần lợt lạt pháp tu cậy vào Phật lực. Đây mới là thực sự nguy to. Đừng có nói rằng tôi tuy làm nhiều việc khác nhau nhưng không quên niệm Phật, đã là phàm phu thì làm cái gì lâu dần tâm sẽ quen cái đó thôi, không như bậc Thánh nhân xuất thế đâu. Bởi thế các Ngài dạy rằng "Chuyên tu thì vạn người tu vạn người về, còn tạp tu tạp hạnh thì trong trăm người không [biết] có người sanh không!". Cho nên, cũng là câu chữ, nhưng sai một ly là đi một dặm. Cho nên, cứ phải y cứ Kinh giáo mà tu trì, dẫu cho Thánh hiền, Bồ tát tái thế đi nữa, nhưng nếu dẫn không đúng như Kinh giáo cũng không theo, bởi Bồ Tát làm sao bằng Phật cho được. Cũng từ cái cụm từ này mà bao nhiêu phiền toái phát sinh rồi đấy, đừng tưởng không có gì. Bao nhiêu hành giả Tịnh Độ do được nghe thế, thấy thích quá hay quá rồi chạy theo, hành trang không biết mệt mỏi cả một đời... rồi sao? Đến lúc cuối rồi mới thấy. Do lúc bình thời họ hình trạng quá tốt [do làm phước thiện quá nhiều] nghĩ chắc tu hành tốt lắm. Chưa đâu, lúc cuối mới thấy, nếu không có Phật lực che chở cho thì biết ngay 'sức mình' tới đâu thôi, phước mình đỡ được gì không thôi? Thật sự, chỉ những ai đã trải trường, đường đạo, đường đời dài lâu, đi đó đây biết nhiều, chứng kiến nhiều mới hiểu, mới thấu rõ được [lúc cuối họ ra sao]. Rất rất nhiều người chuyên nghe pháp của Ngài hành trì theo, đến lúc cuối thì thôi... Chỉ những ai kinh qua mới biết, chứ còn các thế hệ trẻ, hai mấy, ba mấy, bốn mấy... thì chỉ thấy toàn màu hồng không thôi [tức lúc bình thời]... Cứ trải trường đi rồi sẽ biết. Do đây là vấn đề hệ trọng, và lỡ 'khui' ra rồi nên đành phải nói thêm vậy thôi. Tin hay không thì tùy, đến đi mặc người. Còn duyên thì nói đôi lời chia sẻ, hết duyên thì nghỉ, chuyên tâm niệm Phật, kiếm chút hành trang tư lương về Tây thôi.
Văn Sao Tục Biên
Pháp ngữ dạy thầy Hoa Quyền đang bị bệnh (năm Dân Quốc 21 - 1932)
Đại Sư Ấn Quang