Thư ông gởi đến khá hợp thuyết Chuyên Tu của ngài Thiện Đạo, lại còn khế ngộ người căn cơ tầm thường, hèn kém. Rất vui! Chúng sanh mỗi người tập khí sai khác, mỗi người thiên về một chỗ. Kẻ ngu thiên về hèn kém, tầm thường, bậc trí thiên nơi cao thượng. Nếu kẻ ngu yên chịu phận ngu, chẳng dụng tâm tạp loạn, chuyên tu Tịnh nghiệp thì ngay trong đời này quyết định được vãng sanh, có thể nói là không ai sánh kịp kẻ ngu ấy. Nếu người trí chẳng cậy vào trí, vẫn cứ theo đuổi một môn cậy vào Phật từ lực, cầu sanh Tịnh Độ, thì có thể nói là “đại trí”. Nếu ỷ vào kiến giải của chính mình, miệt thị Tịnh Độ sẽ thấy từ kiếp này sang kiếp khác trầm luân ác đạo, có muốn được bén gót những gã ngu trong hiện thời cũng hoàn toàn chẳng thể được!
Tôi thật sự yêu mến, hâm mộ những kẻ hiểu sâu xa Tánh, Tướng, Tông, Giáo kia, nhưng chẳng dám thuận theo. Vì sao? Dây ngắn chẳng kéo được nước sâu, giấy nhỏ không thể bọc rộng, nguyên do là vậy! Chứ không phải là hết thảy mọi người đều phải bắt chước việc tôi làm. Nếu cũng hèn kém giống như tôi mà muốn học theo hành vi của bậc đại thông gia, muốn diệu ngộ ngay tự tâm, xem đọc biển giáo, tôi sợ chẳng thể thành bậc đại thông gia; trái lại còn bị hạng ngu phu ngu phụ thật thà niệm Phật vãng sanh Tây Phương thương xót! Há chẳng phải là quá khéo biến thành vụng to, bay lên không lại rớt xuống vực sâu ư? Một lời bao trùm hết: Phải tự xét kỹ căn cơ của chính mình mà thôi! Chúng ta chỉ nên an phận chịu ngu, mặc cho người khắp cõi đời đều là bậc thông gia, chỉ mong Phật pháp được rực sáng trong đời, chúng sanh đều được độ thoát mà thôi, còn gì sướng hơn!
Trích Văn Sao Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ X... ở Vĩnh Gia (thư thứ chín)
Đại sư Ấn Quang