Pháp ngữ dạy nữ cư sĩ Châu Dư Chí Liên
(năm Dân Quốc 20 - 1931)
Tuy thường tinh tấn niệm Phật, trong tâm vẫn chưa quyết định cầu sanh Tây Phương
Bà đã ngoài bảy mươi tuổi rồi, chẳng bao lâu nữa sẽ phải chết. Hiện thời phải nhanh chóng thu xếp hết thảy mọi việc cho tốt đẹp, trong tâm ngoại trừ niệm Phật ra, không để vướng mắc bất cứ chuyện gì khác thì khi lâm chung mới có thể không vướng mắc, không ngăn ngại. Nếu bây giờ cứ vẫn chuyện gì cũng không buông xuống được như thế, vẫn nhìn không thông suốt, khi lâm chung tất cả những tâm tham luyến y phục, đồ trang sức trên đầu, nhà cửa, con cháu sẽ đều hiện ra hết, như thế thì làm sao có thể vãng sanh Tây Phương cho được? Đã không thể vãng sanh được thì bà một đời thủ tiết niệm Phật và làm đủ mọi chuyện hữu ích sẽ hoàn toàn trở thành phước báo! Hiện thời bà vẫn chưa có trí huệ, tuy thường tinh tấn niệm Phật, trong tâm vẫn chưa quyết định cầu sanh Tây Phương, đến đời sau trong lúc hưởng phước chắc chắn bị phước mê hoặc, sẽ tạo các ác nghiệp. Đã tạo ác nghiệp, chắc chắn phải đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh chịu khổ! Nỗi khổ lớn lao ấy đều là do đời này niệm Phật chẳng biết quyết định cầu sanh Tây Phương chiêu cảm. Quang thương xót bà, sợ bà mai sau có thể lâm vào tình huống ấy cho nên lập sẵn cách cho bà. Nếu bà chịu nghe theo lời tôi, sẽ chẳng do phước mà mắc họa.
Nên giao hết sạch [cho người khác]
Hiện thời tuy bà rất mạnh khỏe nhưng phải nghĩ mình sắp chết. Bây giờ cần mặc những thứ quần áo nào thì giữ lại để mặc, phàm những thứ y phục quý trọng như lượt, là, áo da v.v… đều chia cho cháu, cho dâu. Những thứ cài đầu, xuyến đeo tay, hoa tai, vàng, bạc, phỉ thúy v.v… đều dùng để cứu giúp dân chúng bị tai nạn. Dùng công đức ấy để hồi hướng vãng sanh. Nếu trong tâm thấy biết nhỏ nhoi, chẳng thể đem cứu vớt tai nạn thì cũng nên chia cho con gái, cháu dâu, cháu gái v.v… Bên thân mình quyết chẳng được giữ lại những thứ khiến cho con người dấy lòng tham luyến ấy. Tất cả những khoản tiền dành dụm để phòng khi dưỡng già cũng nên giao hết cho con cháu, dù là khế ước, sổ sách ruộng đất v.v… đi nữa cũng nên giao hết sạch [cho người khác]. Trong tâm bà trừ chuyện niệm Phật, chẳng để cho có một chút ý niệm nào khác! Ngay cả cái thân của bà cũng chẳng tính toán sẵn sau khi chết đi sẽ nên an bài ra sao. Ngay cả với cháu, chắt cũng đều nên coi như người không quen biết, mặc kệ chúng nó hay dở ra sao, ta chỉ quan tâm niệm đức Phật của ta, nhất tâm mong chờ đức Phật đến tiếp dẫn ta vãng sanh Tây Phương.
Bà làm theo đúng như lời tôi nói, hết thảy mọi sự đều buông xuống hết, đến lúc lâm chung tự nhiên cảm được Phật đích thân rủ lòng tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Nếu vẫn cứ tham luyến hết thảy những vật tốt đẹp, tiền bạc, ruộng đất, nhà cửa, đồ cài đầu, quần áo và con cái, cháu chắt v.v… y như cũ thì vàn muôn phần chẳng thể vãng sanh Tây Phương được! Đã không sanh về Tây Phương được thì đời sau chắc chắn có si phước để hưởng, do hưởng phước sẽ tạo nghiệp, chắc chắn khi một hơi thở ra không hít vào được nữa sẽ đọa lạc trong tam đồ vì ác nghiệp ngăn lấp vậy! Tâm thức chẳng rõ, dẫu có một vị Phật sống đến cứu bà cũng chẳng cứu được, há chẳng đáng thương đáng xót lắm ư? Xin bà hãy tin lời tôi nói thì thật là may mắn không chi hơn được!
Pháp ngữ khai thị cho cư sĩ Phùng Hữu Thư lúc lâm chung
Nếu không có cái tâm chí thành tín nguyện niệm Phật sẽ không có cách gì hiển hiện được
Bệnh ông đã nặng, chỉ nên nhất tâm niệm Phật cầu Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Nếu tâm ấy chân thành, ắt sẽ được mãn nguyện. Còn đối với tất cả tội nghiệp, chớ nên lấy đó làm điều lo lắng. Vì nếu có thể cực lực chí tâm cầu sanh Tây Phương thì sẽ có thể cậy vào Từ lực của đức Phật để đới nghiệp vãng sanh. Ví như tảng đá to bỏ lên thuyền liền có thể từ bờ biển này sang được bờ kia. Cần biết rằng: Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, pháp lực chẳng thể nghĩ bàn, tự tánh công đức lực chẳng thể nghĩ bàn. Ba thứ chẳng thể nghĩ bàn ấy nếu không có cái tâm chí thành tín nguyện niệm Phật sẽ không có cách gì hiển hiện được. Có lòng chí thành cầu sanh Tây Phương thì ba thứ thần lực oai đức lớn lao chẳng thể nghĩ bàn ấy sẽ liền được hiển hiện. Như ngồi trên chiếc tàu thủy lớn lại được xuôi gió, chẳng lìa ý niệm trong hiện tại đây mà liền sanh về Tây Phương. Ông chỉ nên tin tưởng sâu xa lời tôi, tự nhiên ông sẽ được mãn nguyện. Nay tôi đặt pháp danh cho ông là Huệ Thoát, nghĩa là dùng trí huệ, tín nguyện niệm Phật liền được vãng sanh Tây Phương, thoát ly sanh tử vậy.
Ảnh minh họa: Cụ già ngồi niệm Phật.
Đoạn đầu: Đã không thể vãng sanh được thì bà một đời thủ tiết niệm Phật và làm đủ mọi chuyện hữu ích sẽ hoàn toàn trở thành phước báo! Hiện thời bà vẫn chưa có trí huệ, tuy thường tinh tấn niệm Phật, trong tâm vẫn chưa quyết định cầu sanh Tây Phương, đến đời sau trong lúc hưởng phước chắc chắn bị phước mê hoặc, sẽ tạo các ác nghiệp. Đã tạo ác nghiệp, chắc chắn phải đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh chịu khổ!
"Hiện thời bà vẫn chưa có trí huệ", trí huệ mà các Ngài nhắc đến ở đây chắc chắn đó là Tín Nguyện. Đối với các cụ già, nếu chẳng được người sách tấn, chỉ bảo cặn kẻ thì phần nhiều tuy vẫn thường tinh tấn niệm Phật, nhưng tâm vẫn thường "chấp mê, bất ngộ", tức là một mặt niệm Phật một mặt vẫn là tình chấp thế gian [y như người thường], thậm chí càng về già thì tình chấp càng nặng. Một khi đã biết niệm Phật cầu vãng sanh, đã biết đến Pháp môn Tịnh Độ, mà lại không nắm bắt được cơ hội ngàn năm có một này thì thật là uổng phí biết bao! Không những vậy, tương lai trong những đời sau thật nguy hiểm, do si phước nhiều ắt sẽ tạo nhiều nghiệp lớn, rồi đọa sâu trong Tam đồ.
Đoạn tiếp: Trong tâm bà trừ chuyện niệm Phật, chẳng để cho có một chút ý niệm nào khác! Ngay cả cái thân của bà cũng chẳng tính toán sẵn sau khi chết đi sẽ nên an bài ra sao. Ngay cả với cháu, chắt cũng đều nên coi như người không quen biết, mặc kệ chúng nó hay dở ra sao, ta chỉ quan tâm niệm đức Phật của ta, nhất tâm mong chờ đức Phật đến tiếp dẫn ta vãng sanh Tây Phương.
Đến lúc này thì tất cả đều phải buông xuống, kể cả con cháu người thân, chỉ còn có niệm Phật, "nhất tâm mong chờ đức Phật đến tiếp dẫn". Chỗ "nhất tâm mong chờ đức Phật đến tiếp dẫn" ấy chính là Tín Nguyện. Đối với các cụ già, bậc lớn tuổi, hay người bệnh yếu... cần những lời khai thị chân thật, gần gủi, dễ hiểu, dễ lãnh hội. Chứ còn dùng những văn tự, hay trích đoạn Kinh giáo ra mà nói với họ thì chẳng hợp lẽ, họ chẳng thể hiểu hay tiếp nhận nổi. Dù cùng một ý nghĩa, nhưng cách truyền đạt phải khế lý khế cơ mới được. Ở đây chúng ta thấy các Ngài tuyệt chẳng nhắc gì tới Tín Nguyện niệm Phật cả, nhưng đọc kỹ rõ ràng ý nghĩa chỉ dạy là đúng trọng tâm này. Toàn thân phải buông xuống, tất cả đều phải buông xuống, một lòng niệm Phật đợi Phật đến tiếp dẫn. Rõ ràng là phải Tin chân thật, Nguyện thiết tha, chấp trì Phật hiệu [không buông bỏ thì làm sao nguyện thiết tha được, không Tin chắc [Phật đến rước] thì làm sao "một lòng đợi Phật đến rước" cho được]. Chứ còn như các cụ già hay những người bệnh yếu gần mất mà ta bảo phải tin cái này tin cái kia đi thì làm sao họ tiếp nhận nổi. Cứ bảo họ, toàn thân buông xuống hết, một lòng niệm Phật đợi Phật đến rước, đừng nghi, nhiêu đó nó bao hàm trọn vẹn hết cả [ý chỉ tông yếu] trong đó rồi.
Trong thư thứ hai, có lẽ vị này lúc còn khỏe mạnh đã có thời gian tu học lâu dài, ý nghĩa Kinh giáo đã nắm rõ [ít nhất cũng căn bản], nên cách chỉ dạy của Chư Tổ có vẻ 'Kinh giáo', văn tự nghĩa lý hơn. Những cụm từ như "cậy vào Từ lực của đức Phật để đới nghiệp vãng sanh", "Phật lực, Pháp lực, Tự tánh [làm Phật]", "Tín Nguyện niệm Phật"... được dùng tới. Chúng ta thấy, có ba thứ bất khả tư nghì: Phật lực, Pháp lực, Tự tánh [làm Phật]. Tất cả đều bất khả tư nghì, nhưng nếu thiếu Tín Nguyện để cảm thì cũng chẳng khởi tác dụng được. Giống như các Ngài hay nói, đã lên núi báu lại trở về tay không, chẳng được gì cả. Đã gặp Tịnh Độ, đã tu Tịnh Độ, đã niệm Phật cầu vãng sanh nhưng vẫn chẳng được Phật rước về. Sanh tử vẫn hoài tử sanh, y như cũ, chẳng thay đổi gì. Bao thỉ kiếp đến nay vẫn không thay đổi được. Thật là đáng tiếc lắm thay! Do đó chúng ta thấy tu học để một đời này thành tựu giải thoát thì điểm trọng yếu nó nằm ở đâu rồi đó.
Hơn nữa, tu hành chúng ta hay có cái tâm 'xin xỏ', 'van nài' [cho con được về Tây Phương], rất thiết tha, bi thương, lặp đi lặp lại... Sao chúng ta không dụng cái tâm [niệm Phật] này mà thử một lần "Tin" Phật đến tiếp dẫn ta đi, như thế có phải thù thắng hơn biết bao không? Có phải Như lý như pháp hơn biết bao không? Chúng ta thử đọc tận khắp Kinh điển, trước tác Tịnh Độ có chỗ nào nói phải 'xin Phật' thì Phật mới tiếp dẫn không? Hay là phải Tin cho sâu, Nguyện cho thiết, Hành cho chuyên, hay nói đúng theo văn tự thì phải "Chí tâm tin ưa", "Nguyện sanh cõi ta", mà niệm Phật. Cho nên tu hành cứ là phải y vào Kinh giáo của Phật, cùng các trước tác của Chư Tổ Sư mà hành trì, đừng có chạy theo thói quen, tình lý của thế gian mà áp dụng vào, coi chừng luống uổng một đời hành đạo vậy.
Văn Sao Tục Biên
Đại Sư Ấn Quang
Như Hòa chuyển ngữ