Phần nhiều đều là “thác ngộ”
Trước kia, ông Trần Dự Đường gởi thư đến cho biết có sáu người thiện nữ xin quy y, nhờ gởi thư về cho các hạ để chia ra giao [cho những người ấy]. Lại nói: bà Thích nhà họ Nguyễn quy y lần trước, pháp danh Đức Chánh chính là phu nhân của các hạ. Biết cư sĩ học Phật nhiều năm, người nhà đều được cảm hóa, thật đáng bội phục. Chẳng biết cư sĩ có tin tưởng chắc chắn nơi pháp Tịnh Độ hoành siêu hay chăng? Nay đã có nhân duyên này, chẳng ngại bày tỏ đại lược nỗi lòng. Suốt một đời đức Như Lai đã nói ra vô lượng vô biên pháp môn, tìm lấy pháp trực tiếp, nhanh chóng nhất thì không gì hơn được tham Thiền. Nếu là bậc thượng căn, nghe một ngộ được cả ngàn, đắc Đại Tổng Trì, nhưng đấy vẫn còn là ngộ chứ chưa phải là chứng! Người có thể thật sự đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh thì trong đời Mạt quả thật chẳng thấy được mấy ai! Những kẻ khác phần nhiều đều là nhận lầm tin tức. Cái được gọi là Ngộ đó, phần nhiều đều là “thác ngộ” (錯誤: lầm lẫn), ít có kẻ ngộ thật sự! Dẫu thật sự ngộ thì vẫn còn cách xa chuyện liễu sanh tử nhiều lắm! Vì tuy được khai ngộ, vẫn cần phải dùng đủ mọi phương tiện để đối trị phiền não tập khí từ bao kiếp đến nay khiến cho hết sạch không còn sót thì mới có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Nếu phiền não đã đoạn được chừng bao nhiêu đó, nhưng vẫn còn mảy may chưa đoạn hết thì vẫn cứ sanh tử y như cũ, không thoát ra được!
Một trời, một vực!
Nếu chỉ nghĩ “hiểu được tự tâm chính là đạo”, ngoài ra không tu trì gì cả thì sự hiểu lầm ấy chẳng nhỏ đâu! Nếu hiểu biết, [nhưng không thấy] có phiền não nào để được cả, thì có thể gọi là “đắc đạo”, người như vậy đã có thể chém đứt căn bản sanh tử cho nên có thể liễu sanh thoát tử. Nếu tuy hiểu biết, nhưng phiền não chưa đoạn thì làm sao có thể liễu sanh thoát tử cho được? So với kẻ chẳng nhận biết, tuy người ấy cao trỗi hơn nhiều lắm, nhưng sanh tử chẳng liễu thì lại phải thọ sanh, hoặc đâm ra mê muội, đáng sợ vô cùng! Đó là nói về người thật sự khai ngộ đấy nhé, còn những kẻ tưởng lầm là ngộ, càng khỏi cần phải nói đến nữa! Ấy là vì pháp Tham Thiền chính là pháp môn cậy vào Tự Lực, cho nên đem so với pháp môn Niệm Phật về mặt lợi ích thì thật chẳng khác nào một trời, một vực!
Pháp môn Niệm Phật chính là pháp môn đặc biệt trong những pháp môn [đã được giảng] trong suốt một đời đức Như Lai, thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi - độn. Bậc Thượng Thượng Căn như các vị đại Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền chẳng thể vượt ra ngoài pháp này, kẻ Hạ Hạ Căn như phường đại tội nhân Ngũ Nghịch, Thập Ác cũng có thể dự vào trong ấy. Chỉ cần có đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha thì đều có thể cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh. Nếu đã đắc tam-muội và đã đoạn dứt phiền não, hễ được vãng sanh sẽ liền dự vào địa vị đại Bồ Tát. Hết thảy pháp môn đều lưu xuất từ pháp môn này, hết thảy pháp môn đều quy hoàn pháp môn này (gọi là “vãng sanh Tây Phương để mong viên mãn Phật quả”). Dường như nông cạn nhưng sâu chẳng thể lường, tợ hồ nhỏ nhoi nhưng lớn lao không gì chẳng bao trùm. Mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh không vị nào chẳng cậy vào đạo thành thủy thành chung này.
Phàm phu quyết định phải tu pháp môn đặc biệt
Sợ cư sĩ chưa gặp được người thật sự biết Tịnh Độ, chắc sẽ coi pháp này là thiển cận, bèn chuyên dốc sức nơi pháp Thiền minh tâm kiến tánh, cho rằng “hiểu biết được tự tâm là đã giải quyết xong rồi”. Bởi thế, khôn ngăn dông dài một phen. Nếu lời Quang chẳng đáng tin, xin hãy đọc kỹ Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và bộ Văn Sao của Quang sẽ chẳng nghĩ Quang sai lầm, bịa đặt. Nếu thật sự biết sự hơn - kém giữa Phật lực và tự lực, chắc chắn chẳng đến nỗi vẫn còn chấp vào chuyện chỉ suy xét tự tâm, cho rằng “hiểu được [cái tâm] chính là đạo, chẳng cần phải niệm Phật cầu sanh Tây Phương”. Cổ nhân như sư Viên Quán biết được quá khứ - vị lai vẫn chẳng thể liễu thoát. Sở ngộ về Thiền của Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh, người đời nay há có bén gót được chăng, nhưng họ vẫn phải thọ sanh trở lại! Do vậy, biết: Phàm phu quyết định phải tu pháp môn đặc biệt do đức Phật khai thị thì bất luận căn tánh như thế nào đều có thể liễu sanh thoát tử do cậy vào Phật lực vậy. Nếu cậy vào Tự Lực, sợ rằng có mộng cũng mộng không được! Chẳng biết cư sĩ có chịu tin lời này hay chăng?
Ảnh: Bộ tượng Tây Phương Tam Thánh bằng đá tự nhiên
Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng
Thư gởi cư sĩ Nguyễn Hòa Khanh (năm Dân Quốc 20 - 1931)
Đại Sư Ấn Quang