Lý luận không bằng chứng cứ, sự thật vượt trên hùng biện. Mục đích sách này được chuyên chở qua những mẩu chuyện, để nói lên thực tại Niệm Phật dễ thành tựu, niệm Phật thường được Lợi ích đời hiện tại và lợi ích đời tương lai một cách chắc chắn, để khích lệ mọi người phát khởi đức tin nhằm xưng niệm danh hiệu đức Phật.
Ai đọc sách này, sách sẽ giúp người chưa tin Phật khởi tâm tin Phật, học Phật; giúp người học Phật chưa chuyên niệm danh hiệu Phật A-di-đà, sẽ vui thích chuyên niệm Phật A-di-đà cầu sanh Tịnh Độ; giúp người cầu sanh Tịnh Độ mà đánh mất đức tin, sẽ khởi đức tin kiên định; giúp người nhất định vãng sanh nắm được chứng cứ xác thật, để khích lệ người khác tinh chuyên xưng niệm Phật A-di-đà, nhằm cùng đạt được sự lợi ích trong đời hiện tại và lợi ích trong đời tương lai, để cùng tiến về quê hương An lạc.
- Kinh Đại Bi dạy:
“Nếu thường lần lượt khích lệ lẫn nhau thực hành Niệm Phật, những người ấy được gọi là người thực hành Đại bi”.
- Đại sư Ấn Quang bảo:
“Giúp một chúng sanh được vãng sanh phương Tây, chính là giúp chúng sanh ấy làm Phật. Những công đức này, sao có thể tư duy được!”
- Đại sư Thiện Đạo bảo:
“Tự tin giúp người khác tin,
Là sự khó nhất trong những sự khó;
Đại bi truyền khắp đức tin,
Là báo ân Phật một cách chân thành”.
Niệm Phật cầu vãng sanh là tự thực hành tâm Đại bi; khuyến khích tha nhân niệm Phật cầu vãng sanh là giáo hóa tha nhân thực hành tâm Đại bi. Người luôn thực hành tâm Đại bi như vậy, chính là người tri ân báo đức chân chánh, công đức khó tư duy được.
Người chuyên niệm Nam mô A-di-đà Phật là người đang báo đáp công ơn cha mẹ, mặc dầu không nghĩ đến việc báo ân, nhưng năng lực Phật A-di-đà tự nhiên báo đền.
Người học Phật: Sao có thể quên ân Cha Mẹ, Tam Bảo, Chúng sanh, Tổ quốc! - Muốn báo đáp trọng ân ấy cần niệm Phật A-di-đà.
Đức Phật A-di-đà: Ánh hào quang của chúng ta, niềm hy vọng của chúng ta, nơi nương tựa của chúng ta, chỗ quay về của chúng ta.
Ý niệm của chúng sanh,
Hướng về Bổn Nguyện Phật,
Thuần nhất tinh chuyên niệm,
Danh hiệu Phật Di-đà.
Xưng danh ắt vãng sanh,
Chính Bổn Nguyện của Phật,
Tin hiểu được như vậy,
Thuần nhất xưng niệm Phật.
Người thực hành như thế,
Thuộc hạng tối thượng căn,
Hào quang Phật nhiếp lấy,
Đã được vãng sanh vậy.
Được Đại Kinh thọ ký,
Bậc như ngài Di Lặc,
Và Quán Kinh tán thán,
Là hoa Phân - đà - lợi.
Chỉ một viên thuốc Tiên,
Vẫn biến sắt thành vàng,
Chỉ một pháp Niệm Phật,
Vẫn siêu phàm nhập Thánh.
(Tháng 6 - Phật lịch 2544
Núi Bổn Nguyện - Thích Huệ Tịnh - Cẩn chí)
Trong 48 đại nguyện ở kinh Vô Lượng Thọ, chủ yếu chỉ xác minh rằng, do chuyên niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà mà được vãng sanh.
Thệ rộng nhiều môn, gồm Bốn Tám,
Hướng về niệm Phật, thắm thiết hơn,
Ai hay tưởng Phật, Phật ghi nhớ,
Chuyên tâm niệm Phật, Phật tri tường.
Cực Lạc vô vi, cảnh Niết-bàn,
Tu theo Tạp thiện, khó vãng sanh,
Thế nên Như Lai chọn pháp chính,
Bảo niệm Di-đà, chuyên thật chuyên.
Sắc thân Di-đà tợ núi vàng,
Hào quang tướng tốt chiếu mười phương,
Chỉ ai niệm Phật được soi chiếu,
Nên biết Bổn nguyện rất hùng cường.
Tướng tốt rất nhiều, Tám vạn tư,
Mỗi mỗi hào quang chiếu mười phương,
Không vì duyên khác, hào quang chiếu,
Chiếu người niệm Phật cầu vãng sanh.
Ý niệm của chúng sanh,
Hướng về Bổn Nguyện Phật,
Thuần nhất tinh chuyên niệm,
Danh hiệu Phật Di-đà.
(Đại sư Thiện Đạo)
Trích Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh, chương Lời Tựa Quyển Niệm Phật Cảm Ứng Lục
Pháp sư Huệ Tịnh biên tập
TK. Thích Giác Quả Việt dịch