A Di Đà Phật trong kiếp xưa, phát ra bốn mươi tám nguyện độ thoát chúng sanh, có một nguyện là: “Nếu có chúng sanh nghe danh hiệu ta, cầu sanh nước ta, dẫu chỉ mười niệm, nếu như chẳng sanh, chẳng lấy Chánh Giác”. A Di Đà Phật thệ nguyện độ sanh. Nếu chúng sanh chẳng cầu tiếp dẫn, Phật cũng chẳng làm gì được! Nếu chí tâm xưng danh, thệ cầu xuất ly Sa Bà, không ai chẳng được Phật rủ lòng từ nhiếp thọ. A Di Đà Phật có đại thế lực, cứu được người trong hầm xí không đáy, trong lao ngục không tha, ngay đó được xuất ly, đều được đặt yên nơi quê nhà Cực Lạc vốn có, khiến được nhập Phật cảnh giới, thọ dụng giống như Phật. Muốn sanh Tây Phương, trước hết phải có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha. Nếu không có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu có tu hành, chẳng thể cảm ứng đạo giao cùng Phật, chỉ được phước báo nhân thiên và thành cái nhân đắc độ trong tương lai mà thôi. Nếu tín nguyện đầy đủ thì vạn người tu vạn người về, không sót một ai. Tổ Vĩnh Minh nói: “Vạn người tu, vạn người về” là chỉ những người có đủ tín nguyện. Đã có đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, nên lấy niệm Phật làm Chánh Hạnh. Dùng Tín - Nguyện để dẫn đường, Niệm Phật là Chánh Hạnh. Ba thứ Tín - Nguyện - Hạnh là tông yếu của pháp môn Niệm Phật. Có Hạnh nhưng không Tín -Nguyện, chẳng thể vãng sanh. Có Tín - Nguyện không Hạnh cũng chẳng thể vãng sanh. Ba thứ Tín - Nguyện - Hạnh đầy đủ không khuyết, quyết định vãng sanh. Được vãng sanh hay không hoàn toàn do Tín - Nguyện có hay không; phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn.
Nói đến Chánh Hạnh Niệm Phật thì tùy theo sức mình mà lập, chẳng được chấp cố định một pháp. Nếu như thân không bận việc, cố nhiên phải từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, im lặng, động, tịnh, mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, giữ cho một câu hồng danh thánh hiệu này chẳng lìa tâm - miệng. Nếu khi tắm táp, súc miệng thanh tịnh xong, mũ áo tề chỉnh, và ở nơi thanh khiết thì niệm ra tiếng hoặc niệm thầm đều được. Nếu lúc ngủ nghỉ, lõa lồ, tắm rửa, đại tiểu tiện và lúc đến những nơi ô uế không sạch, chỉ nên thầm niệm, chớ nên niệm ra tiếng. Công đức niệm thầm cũng giống vậy. Niệm ra tiếng là không cung kính, chứ không phải là ở những nơi, những lúc ấy, không được niệm Phật! Phải biết: Trong những nơi, những lúc ấy, không được niệm ra tiếng. Thêm nữa, lúc nằm nếu niệm ra tiếng, chẳng những không cung kính mà còn đến nỗi bị tổn khí, không thể không biết!
Trích Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên - Quyển 1
Đại Sư Ấn Quang