Chẳng lìa trần lao tu ròng Tịnh nghiệp
Phật pháp là pháp chung cho cả chín pháp giới, không một ai chẳng kham tu mà cũng không một ai chẳng thể tu được. Bởi phàm ai có tâm thì không một ai chẳng cùng sẵn có Phật tánh, nhưng do mê chưa ngộ nên đâm ra dùng sức công đức của Phật tánh để khởi Hoặc tạo nghiệp, luân hồi sáu nẻo trải trần điểm kiếp, không thể thoát lìa, há chẳng đáng buồn quá sức ư? Nhưng vì chúng sanh và Phật thể vốn đồng bèn cảm Như Lai xuất thế, soi sáng cho chúng sanh. Do đây, người bỏ tục xuất gia, tận lực tu Định - Huệ, đoạn Hoặc chứng Chân, liễu thoát sanh tử không thể kể xiết! Cũng có vị cư trần học đạo, tu chân ngay trong cõi tục, tự chứng Pháp Thân, sanh lên bờ đạo như cư sĩ Duy Ma, Phó Đại Sĩ, Bàng Cư Sĩ v.v… cả nhà tu trì, đều chứng thánh quả. Các vị đại sĩ ấy làm gương cho chúng sanh, đủ biết ai nấy đều có thể tu, hễ tu ắt đều được lợi ích.
Do vậy, từ khi pháp được truyền sang Đông Độ, vua quan, dân chúng, khuê các anh hiền chẳng lìa trần lao tu ròng Tịnh nghiệp, đều đích thân thấy được Phật Tánh, đoạn Hoặc chứng Chân, cũng như người được cảm ứng đạo giao được Phật tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sanh lại không biết bao nhiêu mà kể.
Túc căn sâu dày
Cư sĩ Hạc Niên Cao Hằng Tùng là người Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô, xưa đã trồng cội đức, dốc lòng tin tưởng Phật thừa. Tuổi vừa nhược quan liền hâm mộ chân tu, vứt bỏ trói buộc thế tục, chăm chú nơi sự nghiệp tuyển Phật rộng lớn. Do vậy, bèn đến khắp các tùng lâm, tham học với những bậc tông tượng, hòng nhanh chóng thấu rõ tự tánh, triệt ngộ duy tâm, báo đáp tứ ân, tế độ mọi phẩm. Việc phụng dưỡng cha mẹ giao cho vợ, mấy tháng mới quay về để thăm hỏi. Bà phu nhân tên X… bẩm tánh hiền thục, tận lòng hiếu đạo, dẫu đã kết hôn, nhưng chí hâm mộ thanh tu. Vì thế, cư sĩ không lo thiếu sót tình phụng dưỡng, mà cha mẹ cũng hưởng niềm vui được quấn quít. Nếu không phải do nguyện xưa đã kết, làm sao được như vậy! Đến khi cha mẹ đều khuất, không còn phải lo lắng gì nữa, khác nào hạc nội mây ngàn mặc sức bay nhảy. Do vậy, Ngũ Đài, Nga Mi, Thiên Thai, Kê Túc(1), tất cả mọi chỗ danh sơn thánh đạo tràng, thường đến lễ bái một loạt nữa. Riêng đối với đạo tràng của Quán Âm Đại Sĩ ở Chung Nam lại càng quyến luyến sâu xa, chợt nhận biết đời trước từng trụ tại núi này, đủ thấy nhiều đời nhiều kiếp đã tu Phật đạo từ lâu, chẳng phải chỉ gieo thiện căn tại một đức Phật, hai đức Phật, ba bốn năm đức Phật mà thôi.
Chỉ cần trường trai niệm Phật, quyết chí vãng sanh, tánh tình nhu hòa...
Năm Dân Quốc thứ 10 (1921), từ núi Kê Túc trở về nhà trông nom, thấy vợ đã già, cô đơn không nơi nương tựa. Nghĩ đến công vợ thay mình phụng dưỡng cha mẹ nhọc nhằn, thương vợ giữ chí thủ tiết thanh tu, do vậy bèn biến nhà mình thành Trinh Tiết Tịnh Độ Viện. Vì để cho trinh nữ, phụ nữ tiết hạnh sống ở đó chuyên tu Tịnh nghiệp, cầu sanh Tịnh Độ nên đặt tên như vậy. Những bậc hương thân chuộng nghĩa bèn bẩm lên huyện ra cáo thị: Phàm là con cháu họ Cao và nhân sĩ các giới chẳng được can dự, bởi lẽ viện này được tạo dựng bởi tài sản riêng để làm phước, tánh chất khác biệt với những am miếu [thông thường]. Tài sản ban đầu là bao nhiêu đó mẫu, tậu thêm bao nhiêu đó mẫu, tô lợi thu được hằng năm dùng chi tiêu cho cơm áo của người trong viện, căn cứ theo thâu nhập mà thâu nhận người để khỏi bị thiếu hụt. Chi phí sửa chữa, xây dựng đều do bạn bè thân thiết của cư sĩ giúp đỡ. Ba gian nhà chánh dùng làm điện Phật, bên trong thờ tượng ngồi của Tây Phương Tam Thánh để những người sống trong ấy sớm tối lễ tụng hòng tạo tư lương vãng sanh. Hai gian chái hai bên làm chỗ ăn ở của các bà. Những trinh nữ tiết phụ lui tới đều không phân biệt chọn lựa, chỉ cần trường trai niệm Phật, quyết chí vãng sanh, tánh tình nhu hòa, không có các thói ngang ngược, tai ác, chẳng coi trọng trang điểm, chẳng ăn mặn, uống rượu, đoạn tuyệt tình thân thế tục, chẳng du hành bừa bãi thì đều được chấp nhận. Nếu không, nhất loạt chẳng chấp nhận cho cư trú ở đó.
Cách biệt như trời với đất
Lại vào mùa Đông, mùa Hạ mỗi năm, nhằm hai dịp Phật Đản(2), liền mời bậc nữ sĩ thông hiểu pháp đến giảng thuyết suốt tuần ngõ hầu đường lối tông chỉ tu tập thảy đều hiểu rõ, chẳng đến nỗi dùng pháp liễu sanh tử để đạt được phước trời người. Đấy chính là thượng hoằng hạ hóa, trọn vẹn đôi bề, do bi thành kính, hai thứ ruộng (bi điền và kính điền) đều đầy đủ. Do vậy, bàn bạc việc này xong xuôi, những bạn bè chuộng nghĩa đều vui thích hỗ trợ, như ông Giản Chiếu Nam, Giản Ngọc Giai, Phan Đạt Vi, Lý Bách Nông, Lê Ất Chân ở Quảng Đông và các vị cư sĩ ở đất Hỗ (Thượng Hải), đều tùy tâm lực, bỏ tiền của giúp đỡ. So với việc giúp đỡ những bà góa thì gần như giống nhau, nhưng về mặt lợi ích cách biệt như trời với đất. Viện nuôi bà góa bất quá chỉ nhằm làm cho họ có chỗ gởi thân, chẳng đến nỗi đói rét, nhưng chỉ ăn no, suốt ngày chẳng chịu dụng tâm, chẳng tụng kinh chú, chẳng kiêng rượu thịt, chỉ nhằm giúp đỡ họ trong đời này, chẳng tính đến chuyện “khi mất đi thần thức sẽ đi về đâu!” Sống trong viện này suốt ngày trì danh hiệu Phật, sớm tối khẩn thiết sám hối, chẳng những lúc sống có chỗ nương gởi, chẳng uổng sống qua ngày, mà còn khiến cho khi mất đi, có chỗ nương về, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Ý đẹp, pháp lành thật hay đẹp, thật cao quý! Pháp này đã hưng khởi, sau này ắt có bậc thông hiểu pháp nghĩa hành theo để giúp đỡ các bà góa, ngõ hầu bậc trinh tiết anh hiền cùng dự vào Liên Trì hải hội, công đức ấy chẳng thể diễn tả được!
____________________________________________
(1) Núi Kê Túc nằm ở phía Tây Bắc cách huyện lỵ Tân Xuyên tỉnh Vân Nam hơn 50 dặm, tiếp giáp ranh giới của huyện Thái Hòa và Đặng Xuyên. Hình thế núi trông như đóa sen chín cánh nên còn có tên là Cửu Trùng Nham Sơn. Phía Đông núi có dòng sông Ca Diếp, có một ngọn núi cao vọt, đỉnh núi phía Nam bằng phẳng, ba phía còn lại đều có một nhánh núi trông như cái chân gà có ba ngón, nên gọi là núi Kê Túc. Trên đỉnh núi có hang Ca Diếp, tương truyền ngài Ca Diếp cất giấu y của đức Phật, đợi khi nào Bồ Tát Di Lặc thành Phật sẽ dâng y này lên (trong Đại Di Lặc Thành Phật Kinh, có chép khi Di Lặc Bồ Tát thành Phật, dẫn chúng tỳ-kheo lên núi Kê Túc, dùng thần lực mở núi ra, đánh thức ngài Ca Diếp đang nhập định chờ Phật Di Lặc giáng thế, chúng Tăng hỏi Phật: “Sao lại có con trùng mang hình người mặc y tỳ-kheo?” Phật nói: “Đây không phải là trùng, mà là đại đệ tử Ma Ha Ca Diếp của Phật Thích Ca”. Ngài Ca Diếp xuất Thiền, dâng y tăng-già-lê lên Phật Di Lặc. Phật nhận lấy, thấy y tăng-già-lê không phủ kín được ngón tay út, bèn than thở: “Chúng sanh thời Phật Thích Ca do ác trược quá nặng nên thân hình quá bé nhỏ”. Dâng y xong, ngài Ca Diếp bèn nhập Hỏa Quang Tam Muội tự thiêu thân, nhập Niết Bàn). Do vậy, núi này được coi là đạo tràng của ngài Ma Ha Ca Diếp.
(2) Tức ngày đản sanh của Phật Thích Ca và ngày vía Phật A Di Đà.
Ảnh minh họa: Phụ nữ với công việc nội trợ.
Đoạn đầu: Cũng có vị cư trần học đạo, tu chân ngay trong cõi tục, tự chứng Pháp Thân, sanh lên bờ đạo như cư sĩ Duy Ma, Phó Đại Sĩ, Bàng Cư Sĩ v.v… cả nhà tu trì, đều chứng thánh quả. Các vị đại sĩ ấy làm gương cho chúng sanh, đủ biết ai nấy đều có thể tu, hễ tu ắt đều được lợi ích.
Thật sự, thời Chánh pháp, căn tánh chúng sanh cao trỗi, vượt trội có thể bắt gặp rất nhiều. Cho nên, "ai nấy đều có thể tu, hễ tu ắt đều được lợi ích" [thật sự, giải thoát]. Càng về sau, căn tánh càng chậm lụt, hèn kém, nên việc đoạn Hoặc chứng chân, tự lực tu chứng hầu như là không thể, càng về sau càng ít ỏi. Đến thời Mạt, kiếm được một người trong ức người không biết có được hay không!
Cho nên, mỗi thời chúng sanh phải dụng Pháp khế lý khế cơ thì mới là bậc 'chân tu' vậy. Từ khi Phật pháp truyền sang Trung Quốc, đã bắt đầu thời kỳ Tượng pháp rồi đến Mạt pháp, Tịnh Độ trở thành "diệu pháp", vừa phù hợp căn cơ, lại nhanh chóng thẳng tắt "hoành siêu Tam giới", liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, trong một đời.
Câu: Do vậy, từ khi pháp được truyền sang Đông Độ, vua quan, dân chúng, khuê các anh hiền chẳng lìa trần lao tu ròng Tịnh nghiệp, đều đích thân thấy được Phật Tánh, đoạn Hoặc chứng Chân, cũng như người được cảm ứng đạo giao được Phật tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sanh lại không biết bao nhiêu mà kể.
Rõ ràng, cùng là "tu ròng Tịnh Nghiệp" nhưng nếu có công phu rốt ráo viên mãn [nhất tâm bất loạn trở lên] thì sẽ thấy được Phật tánh, đoạn Hoặc chứng Chân, chứng Thánh quả ngay nơi cõi tục này. Các vị ấy có thể tự tại vãng sanh [bất cứ lúc nào muốn]. Xin nói thêm là cảnh giới này không phải là cảnh giới trong Lời Nguyện thứ 19 của Phật "Phát Bồ Đề tâm, tu Chư Công đức, phụng hành sáu ba la mật, kiên cố bất thoái, nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn, nguyện sanh ngã quốc...". Theo lời chú giải của các Ngài thì cảnh giới này chỉ đòi hỏi công phu thành khối [phiến] trở lên là đạt, cuối đời chắc chắn sẽ được Phật tiếp dẫn, cũng sẽ tự tại vãng sanh [nhưng vào cuối đời thọ mạng hết, không phải muốn đi lúc nào thì đi].
Còn xét với căn tánh phàm phu thời Mạt như chúng ta, thật sự là không thể thoát khỏi cái gọi là "đới nghiệp vãng sanh" được, do công phu thường thì chẳng được tới đâu [ước theo các tiêu chuẩn bên trên]. Tuy nhiên để được vãng sanh thì cũng phải có một cái đạt tới "nhất tâm" mới được, đó là "nhất tâm tin tưởng", mà trong Kinh nói là "chí tâm tin ưa", hay "bất sanh nghi hoặc"... Nếu nói vậy thì người tu mà bình thời chưa đạt được Tín tâm này thì sao đây? Dạ vâng, chắc chắn lúc cuối đời cần được Hộ niệm. Lúc ấy cận tử nghiệp, cái khổ bức bách [do không được gia trì của Bổn Nguyện], cùng được đồng tu, thiện tri thức khai thị, trợ duyên, nếu đúng như lý như pháp thì sẽ phát khởi được tín tâm chân thật [một lòng một dạ tin tưởng mà niệm Phật, đợi Phật đến rước, chẳng còn hoài nghi]. Như thế cũng là đạt 'nhất tâm' [tin tưởng] trong giai đoạn cuối, gần, sắp lâm chung. Như thế cũng được Phật tiếp dẫn vãng sanh. Nói tóm lại, muốn được Phật rước về thì không thể không đạt tới "nhất tâm", hay tức là "chí tâm" [nhất tâm niệm, nhất tâm bất loạn, nhất tâm tin tưởng]. Tức là phải chạm tới "chân tâm thường trụ" mới được, chứ còn dụng ở mức cái tâm [phàm tình] thì chưa ăn thua [chắc chắn sẽ còn nghi hoặc]. Cho nên chúng ta phải ra sức tu học, dụng công hành trì thật siêng năng, chân thật.
Các đoạn sau chúng ta cùng học tập theo lời thuật của Chư Tổ, dĩ nhiên tùy ngữ cảnh [câu chuyện] mà chúng ta học tập, trạch pháp, sẽ được nhiều lợi ích.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Bi ký của Trinh Tiết Tịnh Độ Viện
Đại Sư Ấn Quang