Xuất nhập cúng dường, quán kinh hành đạo, hỷ nhạo cửu tập, tài mãnh trí huệ. Tâm bất trung hồi, ý vô giải thời. Ngoại nhược trì hoãn, nội độc sử cấp. Dung dung hư không, thích đắc kỳ trung. Trung biểu tương ứng, tự nhiên nghiêm chỉnh. Kiểm liễm đoan trực, thân tâm khiết tịnh. Vô hữu ái tham, chí nguyện an định. Vô tăng khuyết giảm, cầu đạo hòa chánh, bất ngộ khuynh tà, tùy kinh ước lệnh, bất cảm tha điệt, nhược ư thằng mặc. Hàm vi đạo mộ, khoáng vô tha niệm, vô hữu ưu tư.
Từ lâu đã vui thích tu tập ra vào cúng dường, xem kinh, hành đạo. Trí huệ, tài năng bén nhạy. Tâm chẳng nửa chừng sanh hối hận, ý không lúc nào biếng nhác. Bề ngoài thong thả, bên trong luôn gấp rút. Tâm thênh thang như hư không, khế hội Trung Ðạo. Trong, ngoài tương ứng, tự nhiên nghiêm chỉnh, kiềm chế, thâu liễm, đoan nghiêm, chánh trực. Thân tâm khiết tịnh, chẳng có tham ái. Chí nguyện an định chẳng tăng, chẳng khuyết giảm. Cầu đạo, hòa chánh, chẳng lầm lạc, khuynh tà. Tuân theo những ước thúc, giáo lệnh trong kinh như giữ thừng mực chẳng dám sai sảy. Ðều vì mộ đạo, tâm thênh thang, trọn không có niệm khác, chẳng có lo nghĩ.
Giải:
Ðoạn kinh này nói về công đức thù thắng của đại chúng trong pháp hội cõi Cực Lạc.
Chữ “xuất nhập cúng dường” trích từ hai bản Hán dịch và Ngô dịch. Nguyên văn còn có đoạn: “Câu tương tùy phi hành, phiên bối xuất nhập, cúng dường vô cực” (Đều theo nhau bay đi, lần lượt ra vào, cúng dường vô cực). Ý nói: Các vị Bồ Tát, A La Hán từ cõi Cực Lạc bay đến mười phương, hưng khởi đủ các sự cúng dường lớn lao. Ðấy là tu phước. “Quán kinh, hành đạo” (Xem kinh, hành đạo) là tu Huệ. Thánh chúng cõi ấy đối với hai thứ phước huệ trang nghiêm này đều “hỷ nhạo” (vui thích) nên “cửu tập” (đã tu tập từ lâu).
Tiếp đó, chữ “tài mãnh” nên hiểu như trong phẩm Pháp Tạng Nhân Ðịa đã ghi: “Tài cao dũng triết, siêu dị ư thế”. Tài năng dũng mãnh là do trí huệ. Vì vậy, “trí huệ, tài mãnh” (tạm dịch “trí huệ, tài năng bén nhạy”) nghĩa là huệ căn bén nhạy, tài năng hơn đời.
“Tâm bất trung hồi”: “Hồi” (迴) là thoái lui. “Trung hồi” là đang giữa đường tu bỗng thoái chuyển. Sở dĩ thoái chuyển là do lòng tin chẳng vững, gặp duyên liền thoái thất. Thánh chúng cõi Cực Lạc trí huệ bén nhạy, đoạn nghi, sanh tín kiên cố chẳng lay động như núi Kim Cang nên “tâm bất trung hồi” (tâm chẳng lui sụt giữa chừng), thẳng tiến một lèo.
“Ý vô giải thời” (Ý không lúc nào biếng nhác): “Giải” (懈) là lười nhác. Biếng nhác là vì nguyện chẳng sâu. Nguyện chẳng sâu xa, khẩn thiết thì không có sức hành trì.
“Trì hoãn”: “Trì” (遲) là từ từ, là an nhàn, “hoãn” (緩) là thong thả. Vì thế, trì hoãn biểu thị sự an nhàn, trầm ổn, chẳng khẩn trương, gấp gáp. “Sử cấp”: “Sử” (駛) là nhanh chóng, “cấp” (急) là gấp rút, cấp tốc.
“Ngoại nhược trì hoãn, nội độc sử cấp” (Bề ngoài thong thả, bên trong luôn gấp rút) là nói vẻ ngoài thong dong, nhàn hạ, tựa hồ vô sự, nhưng trong nội tâm luôn tinh tấn chẳng ngơi, niệm niệm tiếp nối, tâm tâm chẳng gián đoạn, chẳng để lỡ một sát-na nào mà chẳng quán chiếu nên kinh mới nói: “Nội độc sử cấp” (Trong luôn gấp rút). “Dung dung” (容 容) nghĩa là chan hòa, không lập dị. Như trong bộ Tả Hùng Truyện đời Hậu Hán có câu: “Dung dung đa hậu phước” (Lắm phước dầy chan hòa). Câu “dung dung hư không” trong kinh này chỉ tâm thánh chúng chan hòa như hư không. Do hư không không có bờ mé nên tự tâm cũng không có bờ mé. Hư không chẳng có một vật nên tự tâm cũng chẳng có một vật. Do hư không rỗng không nên sum la vạn tượng, mười phương cõi nước đều nương vào hư không mà sanh. Hư không tạo dựng vạn vật nên tự tâm cũng tạo lập vạn vật. Do không có một vật nên chẳng rơi vào Hữu biên. Do dung chứa vạn vật nên không bị rơi vào Không biên.
Chẳng có một vật mà lại dung chứa muôn vật nên chiếu được cả Không lẫn Hữu. Chứa đựng vạn vật mà không hề có một vật nào cả nên cả Không lẫn Hữu đều mất, thung dung Trung Ðạo nên mới bảo là “thích đắc kỳ trung” (khế hội Trung Ðạo). “Thích” (適) vừa khớp, “đắc” (得) hàm ý khế hội, chữ “trung” (中) ở đây chỉ Trung Đạo. Như kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” (Hãy nên không trụ vào đâu mà sanh cái tâm mình). Vô trụ chính là sanh tâm, sanh tâm chính là vô trụ, đấy nghĩa là Trung Ðạo.
“Trung biểu tương ứng” (trong ngoài tương ứng); “trung” (中) là nội tâm, “biểu” (表) là những cái được biểu hiện ra ngoài. Tâm Bồ Tát khế hợp Trung Ðạo, vừa đạt được trong tâm vừa biểu hiện ra ngoài nên cả trong lẫn ngoài đều như một, tự nhiên tương ứng, chẳng cần phải an bài tạo tác nên “tự nhiên nghiêm chỉnh”.
Từ chữ “tự nhiên nghiêm chỉnh” cho đến chữ “vô hữu ưu tư” (chẳng có lo nghĩ) là cả một đoạn lớn. Những diệu đức của Bồ Tát được nêu trong đoạn này toàn là do “thích đắc kỳ trung” (khế hội Trung Ðạo) tạo thành.
“Nghiêm chỉnh” (嚴整) là nghiêm túc, chỉnh tề, chữ này diễn tả oai nghi của thánh chúng.
“Kiểm liễm đoan trực” chính là nội dung của oai nghi “nghiêm chỉnh”. “Kiểm” (檢) là kềm giữ chẳng để phân tán; “liễm” (斂) là thâu liễm, tức thâu gom lại. Như vậy, “kiểm liễm” chính là như kinh đã nói “nhĩ mục khẩu tỵ giai đương tự đoan” (mắt, tai, miệng, lưỡi thảy đều tự đoan chánh). Gìn giữ cái nghe, kiềm chế cái nhìn để tuyệt các ý ngoại duyên.
Thêm nữa, “đoan” (端) là đoan chánh, “trực” (直) là chẳng cong quẹo, là chánh trực. Vì thế, chữ “đoan trực” ngoài chỉ vẻ oai nghi nơi thân trang nghiêm, trong chỉ tâm ý chánh trực. Ðấy là cả thân lẫn tâm đều đoan nghiêm.
“Thân tâm khiết tịnh, vô hữu ái tham” (Thân tâm khiết tịnh, chẳng tham ái) là vì khế hội Trung Ðạo nên Sắc chẳng khác Không, Không nào khác Sắc, soi thấu suốt khách trần, tự nhiên ly ái, chẳng có tham nhiễm, thân tâm tự nhiên khiết tịnh.
“Chí nguyện an định, vô tăng khuyết giảm” (Chí nguyện an định, không tăng lên hay khuyết giảm): Chữ “an” (安) gồm có các nghĩa tịch tĩnh, định, ngưng lặng, yên ổn, vui vẻ, tốt lành, không mong cầu.
“Ðịnh” (定) là quyết định, kiên định, chẳng hề lay động, biến đổi. Các thệ nguyện đã phát của thánh chúng cõi kia tự nhiên kiên định, chẳng hề chợt tăng, chợt giảm, chợt bỏ qua, hay chợt bị khuyết thiếu, đúng như kinh nói: “Túng sử thân chỉ chư khổ trung, như thị nguyện tâm vĩnh bất thoái” (Ví dù thân ở trong các khổ, nguyện tâm như vậy mãi mãi chẳng thoái thất). Ðấy chính là khuôn phép cho “chí nguyện an định, vô tăng khuyết giảm”.
“Cầu đạo hòa chánh, bất ngộ khuynh tà” (Cầu đạo hòa chánh, chẳng lầm lạc, khuynh tà): Chữ “hòa” (和) bao gồm các nghĩa: điều hòa, hài hòa, ôn hòa, bình ổn, hòa kính, hòa hợp, vui vẻ, tương ứng. “Chánh” (正) là như một, luôn giữ như một. Chánh gồm đủ các nghĩa: đúng đắn, không thiên lệch, thường, ngưng dứt, hạnh không lệch lạc, không tà vạy, thẳng thắn, chẳng khuất khúc. Thánh chúng cõi Cực Lạc hòa bình, trung chánh, vì cầu vô thượng đạo nên chẳng bị những điều nghiêng lệch, tà vạy gây lầm lẫn. “Khuynh” (傾) là nghiêng lệch, lật úp; “tà” (邪) là tà ác, tà ngoại. Thánh chúng cõi ấy chẳng bị những thứ khuynh tà làm lầm lạc là vì họ “tùy kinh ước lệnh, bất cảm tha điệt, nhược ư thằng mặc” (Tuân theo những ước thúc, giáo lệnh trong kinh như giữ thừng mực, chẳng dám sai sảy). “Ước” (約) là ước thúc, “lệnh” (令) là mệnh lệnh, pháp luật, giáo lệnh. “Thằng mặc” (繩墨) là như khi thợ mộc thao tác, dùng sợi dây (thằng) nhúng mực (mặc) [căng ra] búng dây đánh dấu, rồi cứ theo dấu ấy mà làm, chẳng dám sai chạy chút nào nên khỏi bị hư hao, chẳng bị cong quẹo, lệch lạc.
Trong phẩm Cần Tu Kiên Trì (siêng tu giữ vững) của kinh này, những câu như: “Tùy thuận ngã giáo, đương hiếu ư Phật” (Tùy thuận lời dạy của ta là hiếu với Phật), “vô đắc vi vọng, tăng giảng kinh pháp” (chẳng được làm xằng, tăng giảm kinh pháp) cũng mang cùng ý nghĩa như vậy. Ðấy chính là “ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết” (rời ngoài một chữ trong kinh thì giống như lời ma nói). Những hành nhân trong đời phải nên lấy thánh ngôn làm chỗ y chỉ vậy.
“Hàm vi đạo mộ, khoáng vô tha niệm, vô hữu ưu tư” (Đều vì mộ đạo, tâm thênh thang, trọn không có niệm khác, chẳng có lo nghĩ): Câu thứ nhất ý nói những điều mong cầu trong tâm đều là lẽ đạo tột cùng. Câu thứ hai ý nói: Tâm mênh mông, chẳng còn vọng niệm. Ý câu ba là tín tâm kiên định, trí huệ rõ suốt không nghi nơi pháp, nên chẳng còn có ý tưởng lo nghĩ.
Nếu hiểu theo quan điểm của Tịnh Tông thì “khoáng vô tha niệm” (tâm thênh thang, trọn không còn niệm khác) chính là buông bỏ vạn duyên, “hàm vi đạo mộ” (đều vì mộ đạo) là chỉ đề cao nhất niệm, “vô hữu ưu tư” (không còn lo nghĩ) chính là ngay trong một niệm là Phật. Một tiếng niệm Phật hiệu muôn mối lo nghĩ đều tiêu tan, linh quang độc diệu, thoát khỏi căn trần, chỉ còn lại mỗi cái tâm đã hết sạch phiền não nên còn có gì là vui, gì là buồn nữa. Vì thế, kinh mới bảo “vô hữu ưu tư”.
Ảnh: Một số loại sen
- Hoa sen: Biểu tượng của vẻ đẹp "Thân tâm khiết tịnh, chẳng có tham ái".
Thế gian thường nói "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" nhưng hoa sen lại "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" nên được Tỳ kheo Pháp Tạng chọn làm hoa biểu tượng nơi cõi Cực Lạc.
Thật sự là phẩm chất này thật cao quý và rất cần thiết cho người tu đạo. Sống trong cõi đời Ngũ trược này mà để hành đạo tiến lên phía trước sẽ chẳng thể không gặp biết bao thử thách, chông gai cùng cám dỗ. Chẳng những gặp phải 'mùi bùn hôi tanh' mà còn có 'mật ngọt chết ruồi' nữa, thuận cảnh hay nghịch duyên đều tiềm ẩn [nguy cơ] nhất định. Chúng ta phải thật cẩn thận kiêng dè và 'học hỏi' từ hoa sen, để “cầu đạo hòa chánh, bất ngộ khuynh tà” (cầu đạo hòa chánh, chẳng lầm lạc, khuynh tà). Chứ gặp thiện tri thức thì sáng đã đành, chẳng may gặp 'ác tri thức' hay vô lại thì lại đen thui y chang như họ luôn thì thôi chứ nói làm gì nữa.
Câu “Chí nguyện an định, vô tăng khuyết giảm” cũng thật quan trọng. Tâm chúng ta phải an định [trong Pháp] thì đường đạo mới tiến bước được. Giữa dòng đời xuôi ngược hay các Bậc thường trụ trong chùa cũng vậy, chúng ta phải lập chí, giữ nguyện một cách "an định" như Kinh nói. Có thể rằng phàm phu chúng ta đôi khi tâm cảnh chẳng tương thông hay chưa chuyển được cảnh nhưng quan trọng là tâm an trong Pháp, có thước ngắm hẳn hoi "như khi thợ mộc thao tác, dùng sợi dây (thằng) nhúng mực (mặc) [căng ra] búng dây đánh dấu, rồi cứ theo dấu ấy mà làm, chẳng dám sai chạy chút nào nên khỏi bị hư hao, chẳng bị cong quẹo, lệch lạc."
Còn câu "Ngoài hiện an nhàn, trong lại tinh tấn", tu sĩ [Xuất gia, Cư sĩ,...] khác với 'võ sĩ giác đấu' ở chỗ này, chẳng 'hầm hố, cơ bắp, huyên thuyên...' nhưng bên trong là 'dòng suối tuôn trào chẳng nghỉ'. "Tự tánh vốn thanh tịnh", chúng ta học Phật là để [vãng sanh] thành Phật, tìm về chân tâm tự tánh [vốn có]. Từ đây có đầy đủ thần thông diệu dụng, công đức trí huệ để đi độ sanh khắp tha phương pháp giới. Thế nên, trên bước đường tu học, ít nhiều chúng ta cũng phải học hỏi phần nào những phẩm chất này [giống như các vị trên cõi ấy] thì mới khế hợp. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải biết cậy vào Sức Phật mới được. Quý vị có thể tinh tấn, thiện căn sâu dày, nhân duyên tốt lành, nhưng như thế lại càng phải nương vào Tha Lực. Vì sao vậy? Vì những vị như thế thường [tu giỏi] hơn người, đâm ra chủ quan, thích cậy Tự lực [hơn những điều khác], như thế thì như Tổ Sư nói "khéo quá hóa vụng", chẳng bằng hạng ngu phu ngu phụ hay phước duyên thấp kém, họ [tự biết] mình thấp kém nên cứ "an định" trong Pháp, cậy vào Tha Lực mà hành trì. Những người như thế thì các Chư Tổ lại nói "mười người tu mười người sanh, trăm người tu trăm người về". Xem ra thì bên nào hơn? Thế nên, bất luận cao thấp, sang hèn, [ưu tiên] vãng sanh về cõi ấy cái đã, mọi cái khác [pháp khác] đều là thứ yếu.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 32. Thọ Lạc Vô Cực
Ngài Hoàng Niệm Tổ