Nhữ đẳng đắc Phật kinh ngữ, thục tư duy chi, các tự đoan thủ, chung thân bất đãi, tôn thánh kính thiện, nhân từ, bác ái, đương cầu độ thế, bạt đoạn sanh tử chúng ác chi bổn, đương ly tam đồ, ưu bố khổ thống chi đạo. Nhược tào tác thiện, vân hà đệ nhất? Đương tự đoan tâm, đương tự đoan thân. Nhĩ, mục, khẩu, tỵ, giai đương tự đoan. Thân tâm tịnh khiết, dữ thiện tương ứng. Vật tùy thị dục, bất phạm chư ác. Ngôn sắc đương hòa, thân hạnh đương chuyên, động tác chiêm thị, an định từ vi. Tác sự thương tốt, bại hối tại hậu. Vi chi bất đế, vong kỳ công phu.
Các ông được nghe lời kinh Phật thì phải suy nghĩ chín chắn, ai nấy tự nên giữ vững, trọn đời chẳng lười: tôn thánh, kính thiện, nhân từ, bác ái. Hãy nên mong cứu đời, nhổ dứt cội rễ sanh tử và các ác thì sẽ lìa khỏi con đường tam đồ lo sợ, đau khổ. Các ông làm lành như thế nào thì sẽ là bậc nhất? Hãy nên tự đoan chánh cái tâm, hãy nên tự đoan chánh cái thân. Tai, mắt, miệng, mũi đều nên tự đoan chánh. Thân, tâm tịnh khiết tương ứng với điều thiện. Chớ thuận theo dục vọng, chẳng phạm các sự ác. Ngôn từ, vẻ mặt nên hòa nhã, thân hạnh nên chuyên; cử động, ngó nhìn an định, thong thả. Làm việc bộp chộp để bị thua thiệt rồi hối hận về sau. Làm việc chẳng thận trọng sẽ uổng mất công phu.
Giải:
Trong đoạn này, đức Như Lai khuyên tất cả những người nghe kinh nên chuyên ròng, siêng năng tu thiện.
Chữ “Phật kinh ngữ” chỉ chung hết thảy pháp môn bỏ ác làm lành, bỏ trần cảnh hướng đến giác ngộ. Chữ này còn dùng để chỉ riêng ba kinh Tịnh Ðộ giảng về Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh của Phật Di Ðà. Kinh bậc nhất trong ba kinh đó chính là kinh này. “Thục tư duy chi” (Suy nghĩ chín chắn) tức là nghe xong phải suy nghĩ. “Đoan thủ bất đãi” (Giữ vững, chẳng lười) là từ tư duy khởi lên tu hành.
“Đoan thủ” (端守) là giữ đúng, phụng hành theo đúng lời dạy. Ngài Cảnh Hưng lại bảo: “Đoan thủ là dẹp tà, giữ chánh”. Trọn hết đời này giữ đúng theo lời Phật dạy, chẳng hề biếng nhác nên bảo là “chung thân bất đãi” (trọn đời chẳng lười).
Ðối với câu “tôn thánh, kính thiện, nhân từ, bác ái”, ngài Cảnh Hưng giảng: “Chữ Thánh chỉ chung cả Phật lẫn Tăng. Thiện pháp dù là pháp thế gian hay xuất thế gian cũng đều là của báu vô thượng nên phải kính trọng. Ở đây, Thiện là Tam Bảo. Nhân ái, từ bi cứu giúp tất cả mọi người nên bảo là ‘nhân từ, bác ái’, nghĩa là: Bác ái giúp đỡ chúng sanh”.
“Đương cầu độ thế” (Hãy nên mong độ đời) là tự độ, độ người, tự giác, giác tha, làm cho khắp hết thảy chúng sanh vĩnh viễn thoát khỏi hư vọng sanh tử.
“Bạt đoạn sanh tử chúng ác chi bổn” (Nhổ dứt cội gốc sanh tử và các ác) là siêng tu Giới, Ðịnh, Huệ; dứt bặt tham, sân, si. Cội rễ của sự luân hồi sáu đường chính là tham dục. Biển khổ sanh tử chỉ nhờ trí mới vượt nổi. Dùng gươm trí huệ chặt đứt các phiền não tham dục, vô minh v.v… chính là nhổ dứt cội rễ sanh tử. Có như vậy mới vĩnh viễn lìa khỏi nỗi khổ tam đồ. Hễ ác đã tận thì sự thiêu đốt, sự đau khổ cũng hết. Vì thế, kinh nói: “Đương ly tam đồ ưu bố khổ thống chi đạo” (Sẽ lìa khỏi con đường tam đồ lo sợ, đau khổ).
Tiếp đó, Phật khuyên nên đoan chánh thân tâm cho tương ứng với điều thiện. Đức Thế Tôn chỉ thẳng cách làm lành bậc nhất.
“Tác thiện” có thể hiểu thô thiển là làm việc lành, chứ xét theo Thật Ðế thì chính là “tâm này làm Phật”.
Nếu hiểu một cách thô thiển, câu “đoan thân, nhĩ, mục, khẩu, tỵ” (đoan chánh thân, tai, mắt, miệng, mũi) nghĩa là thân tâm đoan chánh như là “điều phi lễ chẳng nhìn, việc phi lễ chẳng nghe”.
Phân tích ở mức độ sâu hơn thì “nhĩ đương tự đoan” (tai nên tự đoan chánh) chính là pháp Nhĩ Căn Viên Thông “phản văn tự tánh” (xoay trở lại nghe nơi tự tánh) của Quán Âm đại sĩ. Ðại Sĩ chẳng đuổi theo thanh trần mà xoay lại nghe nơi tự tánh; ấy chính là “đoan chánh nhĩ căn”. Cứ thế suy rộng ra thì chẳng rong ruổi theo sắc trần, quay trở lại quan sát tự tánh chính là “đoan chánh con mắt”. Cứ như thế, cả sáu căn chẳng rong ruổi theo sáu trần, chiếu rạng nguồn tâm thì mới gọi là “đoan chánh”, thì mới là bậc nhất.
Tiếp đó, câu kinh: “Thân tâm tịnh khiết, dữ thiện tương ứng” (Thân tâm tịnh khiết tương ứng với điều thiện) cũng có hai nghĩa sâu và cạn. Hiểu cạn cợt thì thân tâm ly cấu vô nhiễm, việc làm nơi thân, lời lẽ nơi miệng, sự suy nghĩ nơi ý đều lành cả. Hiểu sâu hơn thì Thỉ Giác Trí khế hợp khéo léo với Bổn Giác Lý mới là “dữ thiện tương ứng”. Nhưng ta phải biết một cách đúng đắn rằng: Xét đến rốt ráo điều thiện bậc nhất này chẳng ngoài “chẳng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành”.
Trong Tịnh Tông, điều thiện bậc nhất chính là pháp môn Niệm Phật của Ðại Thế Chí Pháp Vương Tử: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối). Một tiếng Phật hiệu nhiếp trọn sáu căn nên sáu căn đều đoan chánh như Linh Phong đại sư từng bảo: “Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể không thành tâm Phật”. Tâm đã là Phật thì tự nhiên sáu căn đều là Phật. Bởi thế mới bảo là: “Nhĩ, mục, khẩu, tỵ, giai đương tự đoan” (Tai, mắt, miệng, mũi thảy đều nên tự đoan chánh). Tự đoan chánh là do một tiếng Phật hiệu khiến cho cả sáu căn đều tự nhiên đoan chánh, tự nhiên “thân tâm tịnh khiết, dữ thiện tương ứng”. Ðiều thiện ở đây chính là “tâm này là Phật”.
Cuối phẩm này, Phật lại khuyên răn nên bỏ lòng dục, dứt điều ác, an hòa, chuyên tinh, thành thật. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển bảy giảng chữ “dục” như sau: “Nhiễm ái trần cảnh thì gọi là Dục”.
Vả nữa, trong các món dục, dâm dục là độc hại nhất nên Phật buộc người xuất gia chú trọng đoạn dâm. Nếu có thể ly dục thì “bất phạm chư ác” (chẳng phạm các điều ác). Ðây chính là lời khuyên tha thiết “chư ác mạc tác” (đừng làm các điều ác).
“Ngôn sắc” (言色) chính là lời nói và vẻ mặt. “Hòa” (和) là hòa nhã, an tường. Ngôn ngữ hòa nhã chính là Ái Ngữ trong Tứ Nhiếp Pháp; vẻ mặt hòa nhã chính là dùng từ quang chiếu soi người khác.
“Thân hạnh” là những việc do chính thân ta làm; “chuyên” (専) là chuyên nhất, chuyên chú, chuyên ròng tinh tấn. “Đương chuyên” (nên chuyên) là nên chuyên ròng tinh tấn hành đạo. Nếu nói theo kinh này thì “đương chuyên” chính là nên một bề chuyên niệm.
“Động tác” tức là hành động; “chiêm thị” (瞻視) là ngó nhìn; “từ” (徐) là thong thả, hòa hoãn. Vì thế, câu “động tác chiêm thị, an định từ vi” (cử động, ngó nhìn an định, thong thả) nghĩa là nhất cử nhất động đều phải an tường, điềm tĩnh, thung dung, chẳng hấp tấp. “Thương tốt” (倉卒) là đột ngột, vội vã, bối rối. “Đế” (諦) là suy xét, thận trọng.
Làm việc bộp chộp ắt sẽ bị thảm bại khiến phải hối hận về sau. Chẳng thận trọng, dè dặt trong việc làm thì bị “vong kỳ công phu” (uổng mất công phu). “Vong” (亡) là đánh mất, phí công. Chữ “công phu” chỉ công phu tu trì.
Câu: “Đương cầu độ thế” (Hãy nên mong độ đời) là tự độ, độ người, tự giác, giác tha, làm cho khắp hết thảy chúng sanh vĩnh viễn thoát khỏi hư vọng sanh tử.
Rõ ràng, Phật dạy "cứu nhân độ thế" bậc nhất đó chính là khuyên người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, một đời thoát ly sanh tử.
Đoạn: “Ngôn sắc” (言色) chính là lời nói và vẻ mặt. “Hòa” (和) là hòa nhã, an tường. Ngôn ngữ hòa nhã chính là Ái Ngữ trong Tứ Nhiếp Pháp; vẻ mặt hòa nhã chính là dùng từ quang chiếu soi người khác.
Ái ngữ đó chính là gìn giữ những khẩu nghiệp [trong Thập thiện]. Chư Tổ sư, Đại đức thường khuyên [trong đạo] câu ái ngữ bậc nhất đó chính là "A Di Đà Phật".
"Thân hạnh đương chuyên", dù khuyên gì đi chăng nữa thì Phật luôn chú trọng ở chữ "chuyên", chuyên tâm, chuyên hành, chuyên tu... Đối với hành giả Tịnh Độ, rõ ràng đó chính là "chuyên niệm" như Tác giả ngài đã nói.
Đoạn cuối Phật khuyên dạy chúng ta làm việc gì cũng phải suy xét, thận trọng, làm việc chẳng thận trọng, bộp chộp việc đời dễ bị tổn thất, hối hận, trong đạo thì "uổng mất công phu" [công đức, phước báu, nhân duyên, đạo tâm, đức hạnh...].
Trích lục Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 36. Trùng Trùng Hối Miễn
Ngài Hoàng Niệm Tổ