Chánh kinh:
Thế Gian Tự Tại Vương Phật, tức vị Pháp Tạng nhi thuyết kinh ngôn: - Thí như đại hải nhất nhân đẩu lượng, kinh lịch kiếp số thượng khả cùng để. Nhân hữu chí tâm cầu đạo, tinh tấn bất chỉ, hội đương khắc quả, hà nguyện bất đắc. Nhữ tự tư duy, tu hà phương tiện, nhi năng thành tựu Phật sát trang nghiêm. Như sở tu hành, nhữ tự đương tri, thanh tịnh Phật quốc, nhữ ưng tự nhiếp.
Thế Gian Tự Tại Vương Phật liền vì Pháp Tạng mà nói kinh rằng: “Ví như có kẻ dùng đấu đong biển cả, trải qua bao kiếp số còn có thể đến tận đáy; người chí tâm cầu đạo tinh tấn chẳng ngơi ắt đều thành công, nguyện gì chẳng đạt được. Ông tự suy nghĩ tu phương tiện nào để thành tựu được cõi Phật trang nghiêm. Việc tu hành như thế ông nên tự biết, đối với việc thanh tịnh cõi Phật ông nên tự nhiếp”.
Giải:
Ðại ý của đoạn kinh này là Phật bảo Pháp Tạng rằng: Giả sử có một người dùng đấu để đong nước trong biển cả, dẫu trải qua thời kiếp lâu xa vẫn có thể thấy được tột cùng đáy biển; người dùng tâm chí thành cầu đạo, tinh tấn chẳng ngơi ắt sẽ đắc quả. Chữ Hội (會) được ngài Nghĩa Tịch giảng như sau: “Giai dã” (Hội nghĩa là đều), ngài Cảnh Hưng giảng là “diệc tất dã” (Hội có nghĩa là “ắt cũng”). Chữ Khắc (尅) giống chữ Khắc (剋), có nghĩa là đạt được, ắt hẳn, toại nguyện. Hơn nữa, có nguyện nào mà chẳng thể cầu đạt được.
Trong cuốn Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận, cư sĩ Bành Thiệu Thăng giảng: “Như ngài Pháp Tạng nói: ‘Con phát tâm Vô Thượng Chánh Giác’ thì nên biết rằng hết thảy các nguyện vương xuất sanh từ Vô Thượng Chánh Giác, hết thảy Tịnh Ðộ do đây được kiến lập. Vừa mới phát tâm, ngay lúc ấy Cực Lạc đã trang nghiêm trọn vẹn. Vì vậy, kinh nói: ‘Chí tâm cầu đạo, tinh tấn bất chỉ, hội đương khắc quả’ (Chí tâm cầu đạo, tinh tấn chẳng ngơi, ắt đều thành công, nguyện gì chẳng được). Vì sao thế? Vì hết thảy pháp chẳng ngoài tự tâm vậy”. Thuyết của ông Bành tỏ rõ bổn ý của đức Thế Tôn trong lời đáp. Ấy là vì phát khởi tâm chí thành nên tâm ấy ắt hàm chứa thánh quả. Vì nhân đã cùng tột quả hải nên hoa và quả đồng thời, chỉ cần tinh tấn thì nguyện gì chẳng thành; hết thảy nhân quả chẳng lìa tự tâm, chẳng có pháp nào ở ngoài tự tâm cả.
Trong đoạn tiếp theo, dùng liên tiếp ba chữ Tự: “Nhữ tự tư duy” (Ông tự suy nghĩ), rồi: “Nhữ tự đương tri” (Ông tự nên biết), và “nhữ ưng tự nhiếp” (ông nên tự nhiếp) là đức Thế Tôn chẳng đáp trực tiếp, lại phải dùng đến ba chữ Tự; thật là tấm lòng tha thiết, tâm ý sâu xa. Trong sách Hội Sớ, ngài Tuấn Ðế người Nhật đã giải thích như sau: “Câu ‘nhữ tự đương tri’ có ý giống như ba lượt ngăn không cho nói trong kinh Pháp Hoa: Nghĩa lý đó sâu xa quá, chẳng thể nói một cách dễ dàng được”.
Thuyết này rất hay, câu kinh: “Chỉ chỉ, bất tu thuyết” (Thôi thôi, chớ nên nói) của kinh Pháp Hoa có cùng ý nghĩa với câu kinh này. Lục Tổ bảo: “Mật tại nhữ biên” (Điều ẩn mật ở ngay nơi ngươi), bậc cổ Thiền đức nói: “Nhữ tự hội thủ hảo, ngã bất như nhữ” (Ông tự hiểu nhận lấy cái hay, tôi chẳng giống ông) cũng chính là ý nghĩa của ba chữ Tự trong đoạn kinh ở đây. Ngài Tuấn Ðế giảng tiếp rằng:
“Câu này có ba nghĩa:
1. Từ xưa, Pháp Tạng Bồ Tát đã gieo trồng [thiện căn] sâu dày, cao tài, dũng triết siêu dị hơn đời; đối với việc nghiêm tịnh Phật quốc, Ngài đã rõ thấu từ lâu. Do trí Phật không gì không biết nên Ngài dạy: ‘Ông biết như thế nào thì cứ tự thực hành như thế’. Điều này lại chứng minh rằng ngài Pháp Tạng là từ quả hướng nhân.
2. Nhiếp thủ Phật quốc đều tùy theo ý thích: Hoặc chọn lấy uế độ, hoặc cầu cõi thanh tịnh, hoặc dung nhiếp tam thừa, hoặc nguyện Nhất Thừa. Vì vậy, tùy lòng ưa thích của Bồ Tát mà chọn lấy, chẳng cần tuân theo ý chỉ của Như Lai.
3. Phàm là cõi Tịnh Ðộ, ắt có cõi là báo độ hay hóa độ. Pháp báo cao diệu, Bồ Tát chẳng có phần, chỉ nên thuận theo sức mình mà nhiếp thủ nên bảo: ‘Ông tự nên biết”.
“Chỉ nên thuận theo sức mình” như ngài Tuấn Đế vừa nói chính là điều Tịnh Tông dạy: Những việc thuộc về Pháp Thân vượt khỏi khả năng của Bồ Tát, phàm phu chẳng thể lãnh hội được nghĩa lý này. Trong đoạn kinh tiếp theo đây, Pháp Tạng Bồ Tát lại thỉnh cầu lần nữa.
Ảnh: Tượng Đại Thế Chí Bồ Tát
Đoạn đầu: Ðại ý của đoạn kinh này là Phật bảo Pháp Tạng rằng: Giả sử có một người dùng đấu để đong nước trong biển cả, dẫu trải qua thời kiếp lâu xa vẫn có thể thấy được tột cùng đáy biển; người dùng tâm chí thành cầu đạo, tinh tấn chẳng ngơi ắt sẽ đắc quả.
Dùng cái đấu [đong lúa] mà đi đong nước biển [xem được bao nhiêu]! Thế nhưng với con mắt, trí huệ của Như Lai thì "dẫu trải qua thời kiếp lâu xa vẫn có thể thấy được tột cùng đáy biển" [đong được hết]. Cho nên, "người dùng tâm chí thành cầu đạo, tinh tấn chẳng ngơi ắt sẽ đắc quả". Đây là lời chân thật! Phàm phu thì thấy khó nhọc chút đã thối lui, nhưng với định lực của các Ngài thì không việc gì là không thể. Đây là một trong những khác biệt lớn nhất của phàm phu và Thánh nhân. Từ định lực khác nhau sẽ phát sanh trí huệ khác nhau. Cho nên, trí huệ của phàm phu thế gian với bậc đã chứng Thánh quả là một trời một vực vậy.
Đoạn tiếp: Vì vậy, kinh nói: ‘Chí tâm cầu đạo, tinh tấn bất chỉ, hội đương khắc quả’ (Chí tâm cầu đạo, tinh tấn chẳng ngơi, ắt đều thành công, nguyện gì chẳng được). Vì sao thế? Vì hết thảy pháp chẳng ngoài tự tâm vậy”. Thuyết của ông Bành tỏ rõ bổn ý của đức Thế Tôn trong lời đáp. Ấy là vì phát khởi tâm chí thành nên tâm ấy ắt hàm chứa thánh quả.
Thế nào là "Chí tâm cầu đạo"? "Chí tâm" là gì? "Chí tâm" chính là "nhất tâm". "Nhất tâm cầu đạo", không có dụng tâm thứ hai, tạp tâm. Điều này phàm phu liệu có làm được không? Thật sự, với hàng Thượng nhân thì có thể, chứ còn hàng phàm phu thấp kém, căn cơ chậm lụt thì rất khó, có thể nói là không thể. Nguyên do hoặc là không đủ định lực trí huệ, hoặc là không đủ kiên nhẫn [để có thể phát sanh định lực]. Cho nên, đối với phàm phu bình thường thì ...chịu thua, thật sự! Dĩ nhiên, cảnh giới đang xét ở đây là dành cho bậc Thượng Thượng, Đại Bồ tát, Đại trí huệ... và pháp tu ở đây là những pháp tu tự lực, trải qua nhiều kiếp số, chỉ dựa vào định lực của chính đương nhân mà thôi.
Trong Tịnh Độ tông chúng ta cũng thấy "chí tâm tin ưa", "nhất tâm cầu Tịnh Độ' vậy? Rõ ràng, với pháp môn này, chỉ yêu cầu "nhất tâm tin tưởng" mà thôi, và chỉ yêu cầu "trong một đời ngắn ngủi này thôi" chứ không phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp như trên kia. Dĩ nhiên nếu đạt công phu nhất tâm thì càng tốt, phẩm vị cao. Giữa "nhất tâm tin tưởng" với "nhất tâm bất loạn" sự khó dễ là một trời một vực. Một đằng là căn cơ nào cũng có thể thực hiện được [quan trọng là có thật sự chịu làm hay không thôi] còn một đằng phải là bậc Thượng mới may ra kham nổi, còn bậc trung hạ căn thì thôi... chịu thua. Nếu nói vậy thì sao cũng có nhiều người buông xuống, dụng công vài ba năm được Phật báo trước ngày giờ, tự tại vãng sanh khi vẫn còn trẻ khỏe bình thường, chẳng đau ốm gì cả. Lược xét ra cũng có khá nhiều trường hợp vãng sanh như vậy đấy, không phải ít. Nguyên do là họ đạt được nhất tâm bất loạn, hay chí ít cũng thành khối thành phiến gì đó chăng? Cũng có thể, nhưng trường hợp vậy là rất ít, có thể là trong một quãng thời gian một ngày một đêm nào đó, họ đã đạt được công phu "nhất tâm", cộng với Tín nguyện tròn đầy nên Phật cho phép về, vì đã hội đủ điều kiện. Chứ còn chỉ có Tín Nguyện đầy đủ, còn công phu thì 'chưa có gì' thì chắc chắn không được như thế đâu, phải đợi đến lúc mãn phần Phật mới đến rước [trừ chỉ vài trường hợp có chí nguyện quá tha thiết]. Nguyên nhân là do tâm ta và Tâm Phật chưa thật sự 'dung thông' nhau. Chứ còn đa phần được vãng sanh khi còn trẻ khỏe như thế, ấy là nhờ vào Tín nguyện đầy đủ, dụng công miên mật, đặc biệt ở chỗ tâm địa không còn 'tham sân si', đã hoàn toàn điều phục được phiền não [điều phục chứ không phải đoạn], tâm tâm tương ưng, thì rất có thể sẽ được Phật báo trước ngày giờ, tự tại vãng sanh, khi đang còn trẻ khỏe, không đau bệnh gì [tức thọ mạng hãy còn nhiều]. Còn không nếu thấy mình căn cơ. hoàn cảnh không thể được như vậy thì cứ gầy dựng Tín nguyện đầy đủ, rồi tùy sức tùy lực dụng công hằng ngày không biếng trễ, giữ gìn như thế trọn đời, đến lúc cuối cũng chắc chắn được Phật lực từ bi tiếp dẫn. Đây là đường lối thông dụng phổ quát nhất cho hạng căn cơ 'tầm thường' phàm phu như đa phần chúng ta đây. Nên nhớ các Ngài dạy, "phải dùng Tín Nguyện sâu [đầy đủ] mà trì danh hiệu Phật" nhé. Lời Kinh ở đây đã dạy rằng "dùng đấu đong biển cả" còn được huống hồ với Pháp môn này Phật dạy "chỉ cần tinh tấn khó nhọc một đời ngắn ngủi này thôi"... Cho nên, điều quan trọng là "chí tâm cầu đạo chẳng ngơi", đừng bao giờ từ bỏ, cho dù có gặp phải cảnh ngộ ra sao, hãy giữ mãi đạo tâm đạo lực cho đến lúc cuối, "ắt đều thành công". Phàm phu thật sự hơn nhau chỉ ở điểm này, thành tựu hay không thật sự chỉ ở điểm này. 'Trường đồ truy tuấn mã' vậy.
Các phần còn lại chúng ta cùng đọc tham khảo, học tập.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 5. Chí Tâm Tinh Tấn
Ngài Hoàng Niệm Tổ