Trong Quán Niệm Pháp Môn Đại sư cũng xác minh rằng, người niệm Phật có thể tiêu trừ tai họa và tăng thêm tuổi thọ, đoạn văn ấy như sau:
“Người xưng niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà để cầu nguyện vãng sanh, thì đời này sẽ được tăng thêm tuổi thọ và không gặp phải chín loại chết bất đắc kỳ tử (Cửu hoạnh)”.(1)
Để xiển dương và giải thích rốt ráo nghĩa này, Đại sư lại xác minh rằng, người niệm Phật sẽ được Năm loại Tăng thượng duyên hay Năm loại Đại lợi ích; trong này, lợi ích thứ nhất là tội chướng được tiêu diệt, lợi ích thứ hai là được sự hộ niệm.
- Lợi ích thứ nhất, tội chướng được tiêu diệt:
Như Kinh Quán Vô Lượng Thọ ghi:
“Vì nhờ xưng niệm danh hiệu đức Phật, mà các tội chướng tiêu diệt”.
Lại ghi: “Chí tâm xưng niệm Nam mô A-di-đà Phật, thì trong mỗi niệm trừ diệt được tội chướng sâu nặng của tám mươi ức kiếp sanh tử”.
Trong Kinh này, xác minh người niệm Phật có thể trừ diệt được tội chướng sâu nặng của nhiều đời nhiều kiếp Luân hồi sanh tử. Tương tự, trong luận Đại Trí Độ cũng nói:
“Có những vị Bồ-tát tự tư duy hủy báng đại Trí tuệ (đại Bát nhã), bị đọa vào ác đạo trải qua vô lượng kiếp. Dù có tu tập các pháp môn khác cũng không thể tiêu diệt được tội ấy; về sau, gặp được Thiện tri thức bảo hãy niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, thì tội chướng được trừ diệt, siêu sanh về Tịnh Độ”.
Thế nên, chúng ta cần biết rằng: Phỉ báng Chánh pháp thì tội rất sâu nặng, còn nặng hơn tội Ngũ nghịch(2). Tội sâu nặng như thế chỉ có niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà mới có thể trừ diệt được.
Niệm danh hiệu A-di-đà tội sâu nặng còn trừ diệt được, huống chi là những tội nhẹ. Nếu không niệm Phật thì tội nhẹ cũng không trừ diệt được, huống chi tội sâu nặng. Một hạt cát dù nhẹ vẫn chìm xuống đáy biển. Tuy nhiên, một khối đá rất nặng, nếu bỏ trên thuyền thì sẽ được chở đến bờ bên kia.
Trong Pháp Sự Tán, Đại sư Thiện Đạo nói:
“Nhờ nguyện lực Phật A-di-đà:
Dù phạm Ngũ nghịch(2) hay Thập ác,(3)
Tội đều tiêu diệt được vãng sanh,
Dù phạm báng Pháp(4) hay Xiển đề,(5)
Hồi tâm chuyển ý vẫn vãng sanh.
Không kể tội phước nhiều ít, gần xa,
Chí tâm niệm Phật chớ sanh nghi ngờ”.
Lại nữa, trong Bát Chu Tán cũng ghi:
“Báng Pháp, Xiển đề cùng Thập ác,
Hồi tâm niệm Phật tội đều tiêu,
A-di-đà chính là kiếm bén,
Một tiếng xưng niệm tội đều tiêu.
Niệm niệm xưng danh thường sám hối,
Người hay niệm Phật, Phật nhớ ghi”.
- Lợi ích thứ hai, được sự hộ niệm:
Trừ chư Phật và hai Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí luôn bảo hộ hành giả như đã nói ở trước; ngoài ra, đức Phật còn cắt cử hai mươi lăm vị đại Bồ-tát thường xuyên theo dõi ủng hộ; đồng thời, hành giả cũng được chư vị Thiên, Long, Bát bộ ngày đêm bảo vệ để không có những tai chướng ách nạn xảy ra. Trong Quán Niệm Pháp Môn, Đại sư Thiện Đạo nói:
“Kinh Thập Vãng Sanh ghi rằng: Đức Phật bảo Bồ-tát Sơn Hải Tuệ và A Nan: Nếu người nào chuyên niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà ở phương Tây để nguyện cầu vãng sanh, kể từ đây cho đến vị lai, Ta sẽ cắt cử hai mươi lăm vị Bồ-tát thường đi theo bảo hộ hành giả, không để Thần Quỷ ác độc gây phiền não cho hành giả, giúp hành giả ngày đêm thường an ổn. Đây chính là sự hộ niệm Tăng thượng duyên trong đời hiện tại của hành giả vậy”.
Lại nữa: “Kinh Bát Chu Tam Muội ghi rằng: Đức Phật dạy: Nếu người nào tinh chuyên thực hành Niệm Phật Di-đà Tam Muội, thì thường được hết thảy các vị Trời, vua bốn cõi Trời, Tám bộ Long Thần luôn đi theo bảo hộ, ưu ái hoan hỷ cho thấy thân tướng, để giúp hành giả vĩnh viễn không bị các Thần Quỷ ác dữ, tùy tiện gieo rắc những tai chướng ách nạn bất ngờ”.
Về câu “Người ấy đang an trú đạo tràng và sanh vào nhà chư Phật”, trong Quán Kinh Sớ Đại sư Thiện Đạo giải thích rằng:
“Khi xả bỏ thân mạng liền hội nhập vào nhà chư Phật, tức Tịnh Độ Cực Lạc vậy”.
Thế nên, chúng ta cần biết rằng: Người niệm Phật, giả sử họ là những kẻ ngu si ti tiện, bị bệnh nguy hiểm, nhơ nhớp nhưng hiện tại họ là người hiền thiện tuyệt diệu, là người tối thắng trong cõi người (Phật-đà và phàm phu là nhất thể), được hào quang đức Phật A-di-đà chiếu soi, chư Phật hộ niệm, Bồ-tát thân cận, Trời-Thần ủng hộ, tai chướng được tiêu trừ, tuổi thọ được tăng thêm, đến khi thân mạng kết thúc được vãng sanh, chứng đại Niết bàn, vĩnh viễn siêu thoát thế gian. Người nào có được nhân duyên này!
Nếu không niệm Phật cầu nguyện vãng sanh Cực lạc, thì dù là người quyền cao chức trọng cũng chỉ là quyến thuộc của Diêm Vương, ngày ngày tiếp cận với Địa ngục. Như trâu bò bị dẫn đến lò thịt, cứ mỗi bước là tiến gần đến cái chết. Một khi thân mạng sắp kết thúc thì hối hận, lo sợ cũng không còn kịp nữa. Quỷ tốt dẫn đường rơi lệ ra đi một mình. Khi đến điện Diêm Vương lại bị quở trách, lẻ loi sầu khổ cũng lại một mình. Chính thế, Đại Kinh(6) dạy:
“Ái dục vinh hoa,
Không thể giữ lâu,
Chúng sẽ biệt ly,
Không thể an lạc”.
Lại dạy:
“Sanh tử một mình,
Đến đi một mình,
Tự thân gánh chịu,
Chẳng ai thay thế”.
_________________________
(1) Cửu hoạnh: Theo Kinh Cửu Hoạnh, có chín loại chết bắt đắc kỳ tử:
1. Đau không có thuốc,
2. Bị phép vua tru diệt,
3. Bị loài phi nhân đoạt tinh khí,
4. Bị chết cháy,
5. Bị chết đuối,
6. Bị ác thú ăn thịt,
7. Ngã từ trên vách núi xuống,
8. Bị đánh thuốc độc, bị bùa chú,
9. Bị đói khát mà chết.
(2) Ngũ nghịch: Năm tội đại nghịch, còn gọi là Ngũ vô gián nghiệp (Năm tội bị đọa vào Địa ngục Vô gián). Tội Ngũ nghịch có nhiều loại, thông thường là: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hiệp Tăng.
(3) Thập ác: Mười điều ác, còn gọi là Tập bất thiện (Mười điều bất thiện), gồm có: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ý ngữ, tham dục, sân nhuế, tà kiến.
(4) Báng Pháp: Hủy báng Chánh pháp.
(5) Xiển đề: Nói đủ là Nhất Xiển đề. Đó là hạng người cắt đứt tính làm Phật hay tiêu diệt giống Phật của mình.
(6) Đại Kinh: Tức Kinh Vô Lượng Thọ.
Trích Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh
Tuyển Thuật: PS Huệ Tịnh
Biên Đính: PS Tịnh Tông
Người Dịch: TK. Thích Giác Quả