Thuyết của sách Bình Giải đã hiển thị sâu xa ý kinh này vì chủ lẫn bạn trong Tịnh Ðộ đều là Ðại Thừa nên đều trụ trong Chánh Định Tụ. Dẫu thị hiện Thập Thánh, Tam Hiền v.v… nhưng về bản thể đều quyết định nhập Niết Bàn, ngay nơi tướng này chính là Pháp Thân. Do đó, tiếp ngay theo câu “giai tất trụ ư Chánh Định chi tụ” (đều trụ trong Chánh Định Tụ), kinh nói ngay: “Quyết định chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Người vãng sanh đều thuộc trong Chánh Định Tụ, quyết định thành Phật, hiển thị sự bất khả tư nghị của Di Ðà đại nguyện đến mức độ cùng cực.
Phẩm này hội tập cả ba bản dịch Ngụy, Ðường, Tống. Câu kinh: “Nhược dĩ sanh, nhược đương sanh” (hoặc đã sanh, hoặc sẽ sanh - Chữ “nhược đương sanh” lấy từ hai bản dịch đời Ðường và Tống) “giai tất trụ ư Chánh Định chi tụ” (đều trụ trong Chánh Định Tụ) hiển thị sâu sắc sự sâu rộng của Di Ðà đại nguyện: Chẳng những người đã vãng sanh Cực Lạc trụ trong Chánh Định Tụ, quyết chứng Vô Thượng Ðạo mà hết thảy những người cầu vãng sanh Cực Lạc trong hiện tại hoặc trong tương lai chỉ cần phát Bồ Ðề tâm, một dạ chuyên niệm thì sẽ tương ứng với Bổn Nguyện của Phật A Di Ðà, dẫu ở trong uế độ vẫn còn là phàm phu đầy dẫy, nhưng hễ vãng sanh thì ắt trụ trong Chánh Định Tụ, quyết chứng Bồ Ðề. Ðây thật là điều siêu tình ly kiến chẳng thể nghĩ bàn, dứt bặt đối đãi một cách viên dung, phương tiện rốt ráo.
Bản Ðường dịch lại chép: “Nhược đương sanh giả, giai tất cứu cánh Vô Thượng Bồ Đề, đáo Niết Bàn xứ. Hà dĩ cố? Nhược Tà Định Tụ cập Bất Định Tụ, bất năng liễu tri kiến lập bỉ nhân cố” (Nếu là kẻ sẽ sanh [về cõi Cực Lạc] sẽ đều rốt ráo Vô Thượng Bồ Ðề, đến chốn Niết Bàn, vì cớ sao? Nếu là Tà Định Tụ và Bất Định Tụ thì chẳng thể biết rõ, kiến lập nổi cái nhân ấy), ý nói: Người sẽ sanh về Cực Lạc đều phải kiến lập chánh nhân vãng sanh. Nương theo chánh nhân ấy ắt sẽ đạt cái quả vãng sanh, tất nhiên đạt tới địa vị Bổ Xứ thành Phật, nên kinh bảo: “Quyết định chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Kẻ Tà Định Tụ và Bất Định Tụ chẳng thể thật sự vì sanh tử phát tâm Bồ Ðề, dùng tín nguyện sâu xa trì danh hiệu Phật, nên “bất năng liễu tri kiến lập bỉ nhân cố” (chẳng thể biết rõ, kiến lập nổi cái nhân ấy).
Hơn nữa, Thiện Ðạo đại sư đời Ðường là bậc thâm nhập Kinh tạng đã chỉ rõ đại nguyện “nhập Chánh Định Tụ” của Phật Di Ðà tạo lợi ích cho cả nhân dân cõi Cực Lạc lẫn chúng sanh trong cõi Sa Bà này. Sách Bình Giải viết: “Chánh Định Tụ trong cõi này (Sa Bà) là mật ích (lợi ích ngầm), Chánh Định Tụ trong cõi kia là hiển ích (lợi ích hiển nhiên)”. Sách còn viết: “Mật ích ngay trong đời này chính là giáo nghĩa bất cộng của kim gia (ngài Thiện Ðạo)”.
Ta thấy sách Bình Giải đã cực lực tán dương thuyết của Thiện Ðạo đại sư: Người sẽ được vãng sanh tuy thân còn đang ở trong cõi Sa Bà đã được hưởng lợi ích bí mật là nhập vào Chánh Định Tụ; đấy là diệu nghĩa thù thắng bất cộng của tổ sư. Gọi là “mật ích” vì người vãng sanh ngầm được hưởng lợi ích này. Ngay trong kinh Tiểu Bổn cũng có đoạn tương hợp với giáo thuyết này, kinh chép: “Nhược hữu nhân dĩ phát nguyện, kim phát nguyện, đương phát nguyện, dục sanh A Di Đà Phật quốc giả, thị chư nhân đẳng, giai đắc Bất Thoái Chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Nếu có kẻ đã phát nguyện, nay phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh cõi A Di Ðà Phật thì những người ấy đều đắc Bất Thoái Chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Rõ ràng, hết thảy những ai phát nguyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Ðộ trong quá khứ, tương lai, hiện tại đều được bất thoái chuyển nơi Vô Thượng Bồ Ðề; đủ thấy lợi ích thù thắng bất thoái chuyển hiện hữu cho suốt cả chúng sanh hai cõi, thật tương đồng với huyền chỉ của đoạn kinh Vô Lượng Thọ đây. A Di Ðà Phật đại nguyện, đại lực chẳng thể nghĩ bàn.
Trích Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Ngài Hoàng Niệm Tổ