Kinh Hoa Nghiêm riêng thích hợp cho căn cơ Đại Thừa
Kinh Hoa Nghiêm mầu nhiệm lý sự viên dung, Lý do Sự hiển, Sự do Lý thành. Lý lẫn Sự đều đạt đến tột cùng, viên chứng Tỳ Lô Pháp Thân. Vì thế, lúc đức Như Lai mới thành Chánh Giác bèn cùng với các vị Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị là Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác nói các pháp môn và các pháp nhân quả do đức Như Lai đã tự chứng. Nhân quả chính là Sự, pháp do đức Như Lai tự chứng chính là Nhất Chân pháp giới, Chân Như Phật Tánh tịch - chiếu viên dung, bất sanh, bất diệt, chẳng phải có, chẳng phải không. Phật Tánh ấy nơi phàm chẳng giảm, tại thánh không tăng. Phật do chứng rốt ráo nên thường hưởng pháp lạc Thường - Lạc - Ngã - Tịnh; chúng sanh do triệt để mê nên hằng chịu nỗi khổ huyễn vọng sanh tử luân hồi. Ví như tấm gương báu tròn lớn bị bụi phủ cả kiếp, tuy có ánh sáng chiếu trời soi đất nhưng không do đâu tỏ lộ để thụ dụng được. Vì thế, nhờ vào các vị Bồ Tát cùng nhau xướng đáp để nói ra các pháp môn Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác. Lại còn dùng mười đại nguyện vương hướng dẫn về Cực Lạc để mong viên mãn Phật Quả. Đấy chính là đức Như Lai dùng nhân quả tự chứng để làm một khuôn mẫu lớn lao hòng dạy khắp hết thảy chúng sanh, khiến cho ai nấy đều đích thân chứng đắc. Kinh Hoa Nghiêm riêng thích hợp cho căn cơ Đại Thừa; chứ Nhị Thừa, phàm phu chẳng thể vâng nhận được! Vì thế, trong hội Phương Đẳng, đức Phật đặc biệt nói ra ba kinh Tịnh Độ để dù phàm hay thánh đều cùng chuyên chú tu trì, ngõ hầu trong đời này thoát khỏi cõi Ngũ Trược đây, lên được cõi sen chín phẩm kia.
Tịnh Độ ba kinh
1) Trong núi Linh Thứu nước Ma Kiệt Đề, đức Phật nói đến nhân địa đầu tiên của đức Phật A Di Đà: Bỏ nước xuất gia, phát ra bốn mươi tám nguyện, lại trải qua nhiều kiếp dài lâu tu hành đúng như lời nguyện cho đến khi phước huệ viên mãn, được thành Phật đạo, cảm được thế giới trang nghiêm, mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được, mười phương chư Phật đều cùng tán thán. Mười phương Bồ Tát và hàng Nhị Thừa hồi Tiểu hướng Đại lẫn phàm phu đầy dẫy Hoặc nghiệp đều được vãng sanh, được bình đẳng nhiếp thọ. Đấy là Vô Lượng Thọ Kinh.
2) Trong vương cung nước Ma Kiệt Đề, nói ba phước Tịnh nghiệp, mười sáu phép Quán mầu nhiệm để hết thảy chúng sanh hiểu rõ những nghĩa “tâm này làm Phật, tâm này là Phật, biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ tâm tưởng mà sanh. Tâm này làm chúng sanh, tâm này là chúng sanh. Biển nghiệp phiền não của chúng sanh từ tâm tưởng mà sanh” vượt ngoài ngôn ngữ. Nếu có thể hiểu được sâu xa nghĩa này, ai chịu bị luân hồi oan uổng? Cuối kinh nói rõ những nhân vãng sanh của chín phẩm ngõ hầu ai nấy đều tu Thượng Phẩm. Đó là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh.
3) Nơi vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ, nói diệu quả y báo, chánh báo của Tịnh Độ để [người nghe] sanh lòng tin, khuyên người nghe hãy nên phát nguyện cầu vãng sanh, dạy hành giả lập hạnh chấp trì danh hiệu. Ba điều Tín - Nguyện - Hạnh là cương tông của pháp môn Tịnh Độ. Đầy đủ ba pháp này rồi, hoặc suốt một đời chấp trì đã đắc nhất tâm, hoặc lâm chung mới được nghe pháp này chỉ xưng mười tiếng, đều được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Đấy là kinh A Di Đà.
Pháp môn đặc biệt: Phàm - Thánh gồm thâu
Ba kinh này chuyên nói về Tịnh Độ, nhưng kinh A Di Đà lời lẽ đơn giản, ý nghĩa phong phú, nhiếp thọ căn cơ bậc nhất nên các tông Thiền, Giáo, Luật đều vâng dùng làm kinh nhật tụng. Các kinh Đại Thừa nói kèm về Tịnh Độ nhiều không thể kể xiết, nhưng chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm quả thật là khai thị mầu nhiệm nhất về pháp Niệm Phật. Nếu có thể như con nhớ mẹ, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối mà niệm, há chẳng trong hiện tại hay tương lai nhất định thấy Phật, gần là chứng viên thông, xa là thành Phật đạo ư? Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt trong giáo pháp suốt một đời đức Phật: Tuy là phàm phu sát đất đầy dẫy Hoặc nghiệp, chỉ cần tín nguyện niệm Phật sẽ có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Dù là vị Bồ Tát đã chứng địa vị Đẳng Giác cao cả vẫn phải hồi hướng vãng sanh thì mới viên mãn Phật quả được!
Khắp pháp giới chúng sanh [cửu giới chúng sanh] nếu bỏ pháp này...
Do vậy biết: Pháp môn Tịnh Độ lớn lao không gì ra ngoài được, thích hợp khắp ba căn, thâu nhiếp hoàn toàn lợi căn lẫn độn căn. Chúng sanh trong chín giới bỏ pháp này thì trên sẽ chẳng có gì để viên thành Phật đạo; mười phương chư Phật lìa pháp này thì dưới chẳng có gì để phổ độ quần manh. Hết thảy pháp môn không pháp nào chẳng lưu xuất từ pháp giới này, hết thảy hạnh môn không hạnh nào chẳng trở về pháp giới này, bởi đây là pháp môn tổng trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Vì thế, được chín giới cùng hướng về, mười phương cùng khen ngợi, ngàn kinh đều xiển dương, muôn luận đều tuyên nói.
Đức Thích Ca nơi Sa Bà dạy rõ Tịnh Độ, đức Di Đà nơi Cực Lạc đợi lâm chung tiếp dẫn
Nhưng pháp môn này do hai đức Thế Tôn hai cõi tạo lập, đức Thích Ca nơi Sa Bà dạy rõ Tịnh Độ để đưa con người đi về [cõi Cực Lạc], đức Di Đà nơi Cực Lạc đợi lúc họ lâm chung tiếp dẫn [từ Sa Bà] về tới [Cực Lạc]. Ấy là muốn cho chúng sanh thoát được nỗi khổ sanh tử ngay trong đời này, chứng sự vui chân thường. Tâm thương xót, che chở, bảo vệ ấy dẫu hết cả kiếp khó thể nói trọn. Có kẻ bảo: “Đã là đệ tử Phật Thích Ca, hãy nên niệm Thích Ca Mâu Ni Phật cầu sanh Hoa Tạng thế giới trong cõi này”, họ chẳng biết đức Thích Ca dạy niệm A Di Đà Phật là nhằm làm cho hàng phàm phu sát đất nương vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương hòng siêu phàm nhập thánh. Chỉ có bậc Đại Sĩ đã phá vô minh chứng Pháp Thân mới thấy được Hoa Tạng thế giới của cõi này; phàm phu chỉ thấy uế độ, chẳng thấy được cõi Thật Báo Trang Nghiêm, há nên mong tưởng quá phận! Huống chi Tây Phương cũng nằm trong Hoa Tạng thế giới, mà trong hội Hoa Nghiêm hết thảy các vị Bồ Tát trong Hoa Tạng thế giới hải đều dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương để mong viên mãn Phật Quả. Ông là hạng người như thế nào mà dám chống đối các vị ấy?
Đời nào cũng có cao nhân, tục diệm truyền đăng
Kể từ khi đại giáo được truyền sang phương Đông, Viễn Công lập Liên Xã đầu tiên, một người xướng, trăm người hòa, không ai chẳng noi theo, thỏa thích bổn hoài của Phật chỉ có mỗi một mình pháp môn này là bậc nhất! Từ đấy trở đi, đời nào cũng có cao nhân, tục diệm truyền đăng, rạng rỡ trong ngoài nước mãi cho đến tận hiện thời, tông phong chẳng suy sụp, nhưng Trí Giả đại sư thuộc tông Thiên Thai, Thanh Lương quốc sư thuộc tông Hiền Thủ, Khuy Cơ pháp sư thuộc tông Từ Ân, Bách Trượng thiền sư thuộc Thiền tông, Đại Trí luật sư thuộc Luật tông, không vị nào chẳng giải thích kinh, soạn luận, khuyên khắp mọi người tu trì. Những sự tích của họ đã được chép tường tận trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Do vậy biết những vị tri thức các tông Thiền, Giáo, Luật đều noi theo Hoa Tạng hải hội, nhất trí tiến hành cầu sanh Cực Lạc, huống chi kẻ căn cơ cạn mỏng đời Mạt Pháp ư?
Có cái để nương tựa, hướng về
Nhân duyên Linh Nham sáng lập Tịnh Độ đạo tràng đã được chép đầy đủ trong tấm bia [thuật duyên khởi] xây dựng Niệm Phật Đường trước kia. Nay tu bổ đại điện, đặc biệt nêu rõ nguyên do của pháp môn Tịnh Độ để những bậc thông sáng mai sau có cái để nương tựa, hướng về. Chi phí xây cất và phương danh của người đã quyên tặng được ghi trong một tấm văn bia riêng, không ghi tường tận nơi đây.
Ảnh: Kỳ thọ Cấp Cô Độc (Tinh xá Kỳ viên)
Đoạn đầu: Lại còn dùng mười đại nguyện vương hướng dẫn về Cực Lạc để mong viên mãn Phật Quả. Đấy chính là đức Như Lai dùng nhân quả tự chứng để làm một khuôn mẫu lớn lao hòng dạy khắp hết thảy chúng sanh, khiến cho ai nấy đều đích thân chứng đắc. Kinh Hoa Nghiêm riêng thích hợp cho căn cơ Đại Thừa; chứ Nhị Thừa, phàm phu chẳng thể vâng nhận được!
Các bậc Đẳng Giác Bồ tát dùng mười đại nguyện vương hồi hướng cầu sanh về Cực Lạc để viên chứng Phật quả. Coi như bước cuối cùng cũng phải quy về Tịnh Độ mới trọn thành Phật đạo. Dĩ nhiên dưới 'huệ nhãn' của các Ngài thì việc đồng quy về Cực Lạc là sự chọn lựa thỏa đáng nhất, nên mới khuyên khắp đồng nhân trong hội [Hoa Nghiêm] cùng thực hành như thế. Rõ ràng chúng ta thấy việc viên chứng Phật quả, nếu tự lực tu chứng, là khó khăn thế nào, dẫu cho chỉ còn một bước cuối cùng đi nữa. Trong các trước tác, giảng luận, các Ngài thường lấy đoạn quy kết này trong Kinh Hoa Nghiêm để dẫn giải cho chúng sanh thấy mà phát khởi tín tâm đối với Tịnh Độ, rằng đến hàng Đẳng Giác còn phải quy hướng Tịnh Độ huống hồ hạng phàm phu sát đất trong thời Mạt như chúng ta.
Trong đoạn ba kinh Tịnh Độ, rõ ràng với Kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thường đọc tụng thời nay, là đầy đủ rõ ràng nhất, còn gọi là Đại Kinh [Kinh A Di Đà gọi là Tiểu Kinh], có Phẩm thứ 6 với 48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà, mà "Mười phương Bồ Tát và hàng Nhị Thừa hồi Tiểu hướng Đại lẫn phàm phu đầy dẫy Hoặc nghiệp đều được vãng sanh, được bình đẳng nhiếp thọ". Đọc Kinh này chúng ta sẽ thấy rõ, rằng việc nhiếp thọ của Đức Phật là "bình đẳng", không phân biệt, chúng sanh chỉ cần thực hiện đúng như Thệ Nguyện, thì Ngài sẽ tiếp dẫn, bất luận là ai, là chúng sanh ở cảnh giới nào, hay ở quốc độ nào. Còn Phẩm vị cao thấp thì tùy năng lực hành trì của hành giả cao thấp thế nào. Dĩ nhiên, để thực hiện đúng như Thệ Nguyện, tức là y giáo phụng hành, rồi gìn giữ được cả một đời, thì nhất định cũng phải cần nhiều yếu tố quan trọng để tổng hợp, cấu thành nên, chứ chẳng phải mà bổng không cứ nói thực hiện là thực hiện được. Nói một chuyện, làm là một chuyện. Nói thì ai cũng nói được, làm được mới khó. Làm được [đúng như pháp] thì ắt thành tựu giải thoát ngay trong một đời này, bởi chính từ kim khẩu của Đức Phật cũng như của các Ngài Tổ sư đại đức đều nói rằng đây là "Pháp môn một đời thành tựu", "hãy tinh tấn, cần khổ trong một đời ngắn ngủi này thôi" ["sau được sanh về cõi ấy thọ mạng, an lạc khôn cùng"]...
Đoạn kế tiếp: Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt trong giáo pháp suốt một đời đức Phật: Tuy là phàm phu sát đất đầy dẫy Hoặc nghiệp, chỉ cần tín nguyện niệm Phật sẽ có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương.
Hành giả Tịnh Độ mong mỏi điều gì? Cả đời hành trì giữ vững được đạo tâm đạo hạnh, không thối lui, cuộc sống thế gian thì an ổn, ít gặp 'sóng gió', đời đạo đều hanh thông thuận lợi, rồi cuối đời được Phật rước về... ai ai cũng mong được vậy. Nhưng nghiệp duyên mỗi người mỗi khác, dẫu gặp được Pháp môn thù thắng, cao thâm nhưng nhân quả có vay có trả, trồng gì gặt nấy. Cho nên trong Vô Lượng Thọ Kinh, chúng ta thấy Đức Phật Ngài cực lực khuyên răng: hãy ra sức làm lành, đoạn ác hành thiện, người sáng thì đi từ sáng vào sáng, người tối thì đi từ tối vào tối, chỉ có Đức Phật Ngài biết rõ mà khai thị chỉ giáo...
Chúng sanh thời Mạt đúng là "phàm phu sát đất đầy dẫy Hoặc nghiệp", thật sự vậy, chúng ta hãy tự chân thực kiểm điểm lại bản thân mà xem! Nội chuyện 'sân si' không thì sẽ thấy, đặc biệc với cư sĩ tại gia, đường đời đường đạo, hằng ngày phải đối diện với đủ thứ cảnh duyên, đủ mọi loại hạng người... liệu có mấy ai có đủ duyên phước mà đoạn dứt muôn duyên đâu. Thôi thì như các Ngài nói "sống trong cảnh trần học đạo", "tu chân nơi cõi tục", cố gắng "chuyển phiền não thành Bồ Đề" [chuyển được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu]. Có như vậy chúng ta mới trụ vững mãi cho đến lúc mãn phần được. Đặc biệt là phải biết "nương cậy Phật từ lực để cầu vãng sanh Tây Phương", bởi đây chính là đạo lý cốt lõi của hành giả Tịnh Độ, thật vậy, chúng ta thử xem có thư nào nói về tu trì Tịnh Độ mà các Ngài bỏ qua cụm từ này không?! Cũng xin nói rõ việc "nương cậy" ở đây là mang ý nghĩa cả đời hành đạo, chứ chẳng phải đợi tới lâm chung mới "nương cậy", bởi như thế mới đảm bảo được tấm vé về Tây, bình thời có "cảm" thì lúc lâm chung ắt cũng sẽ "cảm", thậm chí "cảm" đặc biệt nữa là đằng khác. Còn nếu không thì như các Ngài nói là "khó đoán định" vậy.
Các đoạn tiếp theo chúng ta cùng đọc, học tập.
Văn Sao Tục Biên - quyển Hạ
Bài ký về chuyện xây dựng đại điện của đạo tràng chuyên tu Tịnh nghiệp tại núi Linh Nham
Đại Sư Ấn Quang