Nguyện Thứ Mười Tám: "Mười Niệm Ắt Vãng Sanh" (Lần 2)

NPSTD7

 

Nguyện Thứ Mười Tám: "Mười Niệm Ắt Vãng Sanh" (Lần 2)

Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả, bất thủ Chánh Giác; duy trừ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp.

Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sanh, nghe danh hiệu tôi, chí tâm tin ưa, tất cả thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh cõi tôi, dẫu chỉ mười niệm, nếu chẳng được sanh thì chẳng lấy Chánh Giác. Chỉ trừ kẻ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp.
(Nguyện mười tám: Mười niệm ắt vãng sanh)

Giải:

(...)

“Duy trừ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp” (Chỉ trừ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp): Tội ác trái nghịch với Lý đến cùng cực thì gọi là Nghịch (逆). Do Ngũ Nghịch sẽ cảm lấy ác nghiệp khổ quả trong Vô Gián địa ngục nên còn gọi là Vô Gián Nghiệp.

Kinh A Xà Thế Vấn Ngũ Nghịch chép:

“Hữu Ngũ Nghịch tội, nhược tộc tánh tử, tộc tánh nữ, vi thử ngũ bất cứu tội giả, tất nhập địa ngục bất nghi. Vân hà vi ngũ? Vị sát phụ, sát mẫu, hại A La Hán, đấu loạn Tăng chúng, khởi ác ý ư Như Lai sở” (Có năm thứ tội nghịch; nếu tộc tánh tử, hoặc tộc tánh nữ phạm năm tội chẳng cứu được này, quyết sẽ vào địa ngục, không còn ngờ gì nữa. Những gì là năm? Chính là: Giết cha, giết mẹ, hại A La Hán, gây rối chúng Tăng, khởi ác ý đối với Như Lai).
Sách Hoa Nghiêm Khổng Mục Chương quyển ba có đoạn viết: “Ngũ Nghịch, vị hại phụ, hại mẫu, hại A La Hán, phá Tăng, xuất Phật thân huyết. Sơ nhị bội ân dưỡng, thứ tam hoại phước điền, cố danh vi Nghịch” (Ngũ Nghịch là hại cha, hại mẹ, hại A La Hán, phá Tăng, làm thân Phật chảy máu. Hai thứ đầu là bội ân dưỡng dục, ba thứ sau là phá hoại phước điền. Vì vậy, gọi là Nghịch).
Nói nôm na, Ngũ Nghịch là giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng. Phạm những tội nghịch này ắt đọa Vô Gián địa ngục trong một đại kiếp chịu khổ không ngừng ngớt.
Trong chữ “phỉ báng”, “phỉ”(誹) có nghĩa giống như “báng”(謗). Báng là chê bai, nhục mạ. Nói việc xấu của người khác quá mức sự thật là báng. Phỉ báng chánh pháp tức là phỉ báng Phật pháp. Ðại nguyện “mười niệm ắt được sanh” này phổ độ hết thảy, nhưng không độ được kẻ đã phạm tội Ngũ Nghịch và hủy báng chánh pháp. Quán Kinh dạy: “Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung thập niệm, diệc đắc vãng sanh” (Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung mười niệm cũng được vãng sanh), kinh này lại loại trừ họ ra là vì họ đã phạm trọng tội Ngũ Nghịch lại còn phỉ báng chánh pháp, tội càng thêm tội. Vả lại, tội phỉ báng rất nặng! Kẻ báng pháp gọi là “báng pháp xiển-đề” nên chẳng được vãng sanh vậy.
Hỏi: Quán Kinh bảo người phạm tội Ngũ Nghịch nhưng chẳng phỉ báng chánh pháp cũng được vãng sanh. Vậy thì kẻ chỉ phỉ báng chánh pháp nhưng chẳng phạm Ngũ Nghịch có được vãng sanh hay chăng?
Vãng Sanh Luận Chú đáp: “Nếu chỉ phỉ báng chánh pháp, dẫu chẳng phạm các tội khác cũng nhất định chẳng được vãng sanh. Vì sao bảo vậy? Kinh dạy: Tội nhân Ngũ Nghịch đọa trong A Tỳ đại địa ngục, chịu đủ hết thảy trọng tội (chỉ đến khi kiếp tận mới được ra). Người phỉ báng chánh pháp đọa trong A Tỳ đại địa ngục, nếu kiếp này tận rồi bèn bị chuyển sang A Tỳ đại địa ngục ở phương khác. Lần lượt trải qua trăm ngàn A Tỳ đại địa ngục như thế mà Phật chẳng huyền ký lúc nào sẽ thoát khỏi. Như vậy, tội phỉ báng chánh pháp nặng nề nhất”.
Sách còn viết thêm: “Ông chỉ biết năm tội nghịch là trọng mà chẳng biết năm tội nghịch đều là do không có chánh pháp mà sanh. Vì vậy, tội người báng chánh pháp rất nặng”.
Trong Quán Kinh Sớ, đại sư Thiện Ðạo lại có cách giải thích khác biệt: Nói Ngũ Nghịch, báng pháp chẳng được vãng sanh là do Phật muốn ngăn ngừa điều ác nên phương tiện nói như thế. Sách viết:

“Với nghĩa này, nên dùng Ức Chỉ Môn để hiểu. Trong bốn mươi tám nguyện loại trừ kẻ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp là vì hai nghiệp này gây chướng rất nặng. Chúng sanh nếu trót phạm phải liền vào thẳng A Tỳ, kinh hoàng bao kiếp, biết nhờ đâu để thoát khỏi. Ðức Như Lai sợ chúng sanh tạo hai tội lỗi ấy nên mới thốt lời ngăn ngừa ‘chẳng được vãng sanh’, nhưng chẳng phải là Ngài chẳng nhiếp thủ bọn họ...
Dẫu tạo tội vẫn được nhiếp thủ vãng sanh, tuy được vãng sanh nhưng hoa sen trong nhiều kiếp chưa nở. Lúc ở trong hoa, bọn tội nhân ấy có ba thứ chướng: Một là chẳng được thấy Phật và các thánh chúng; hai là chẳng được nghe chánh pháp; ba là chẳng được qua khắp các nơi cúng dường. Trừ những điều trên đây ra, không còn các nỗi khổ nào khác”.
Trong phần nói về tông chỉ của kinh, sách Hợp Tán cũng nhận định: “Nói chỉ trừ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp là đối với căn cơ chưa tạo nghiệp, chỉ là để ngăn ngừa mà thôi. Nếu với căn cơ đã trót tạo nghiệp, đã hồi tâm thì Phật cũng nhiếp thủ chẳng để sót vậy”. Ý nói: Nói “trừ” nhưng thật sự là nhằm ngăn dứt điều ác để kẻ chưa tạo ác sẽ chẳng dám tạo. Kẻ đã trót tạo nếu biết hồi tâm, sám hối niệm Phật thì vẫn nhiếp thủ như cũ chẳng để sót vậy.
Như vậy, Di Ðà đại nguyện nhiếp thủ căn cơ vô tận nên Thiện Ðạo đại sư bảo: “Như Lai sở dĩ xuất hiện trong đời chỉ là để nói biển bổn nguyện của Phật Di Ðà”. Ý nói: Tam thế chư Phật xuất hiện trong đời chỉ để nói đại sự nhân duyên sau đây: Tuyên thuyết nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn của A Di Ðà Như Lai nhằm cứu vớt chúng sanh. Vì vậy, đại sư lại bảo: “Nay được gặp gỡ di tích của Phật Thích Ca trong đời Mạt Pháp, pháp môn trọng yếu bổn thệ nguyện Cực Lạc của Phật Di Ðà, hết thảy phàm phu thiện ác được vãng sanh không ai lại chẳng nương vào đại nguyện nghiệp lực của A Di Ðà Phật để làm tăng thượng môn vậy”.
Thoạt nhìn, thuyết của Vãng Sanh Luận Chú tựa hồ mâu thuẫn với thuyết của Quán Kinh Sớ, nhưng thật ra cả hai thuyết dung thông lẫn nhau. Thuyết của Vãng Sanh Luận Chú thật phù hợp với ý chỉ ngăn ngừa (Ức Chỉ) của Như Lai: khiến cho con người kinh sợ chẳng dám báng pháp. Trong luận lại có câu: “Kẻ ngu si trong đời này đã sanh lòng phỉ báng thì lẽ nào nguyện sanh cõi Phật?” Vì vậy, kinh dạy Ngũ Nghịch, báng pháp chẳng được vãng sanh. Quán Kinh Sớ thì hiển thị bi nguyện vô tận của Phật Di Ðà: “Tuy Ngũ Nghịch, báng pháp, nhưng lúc lâm chung lại có thể niệm Phật thì chính là sám hối phát tâm, người như vậy trong ức ức người khó được một, hai kẻ, nên Phật vẫn từ mẫn nhiếp thọ”.
Thiện Ðạo đại sư lại bảo: “Hoằng Thệ Môn nói đến cả bốn mươi tám nguyện, nhưng chỉ bảo Niệm Phật là thiết yếu. Ai niệm Phật thì Phật niệm người ấy. Chuyên tâm tưởng Phật thì Phật biết người ấy”. Ngài lại bảo: “Chỉ có niệm Phật là được quang minh nhiếp thọ. Ta nên biết rằng bổn nguyện là mạnh mẽ nhất”.
Thiện Ðạo đại sư phán định trong bốn mươi tám nguyện, chỉ có năm nguyện chân thật. Xét trong năm nguyện ấy, chỉ có nguyện mười tám là chân thật, nên Ngài viết trong sách Sự Tán như sau: “Mỗi một lời nguyện đều dẫn về nguyện thứ mười tám”.
Sách Bình Giải nói: “Bốn mươi tám nguyện tuy rộng, nhưng chỉ quy về nguyện mười tám”. Sách còn viết: “Do nơi nguyện này nên chúng sanh được sanh về cõi không có ba đường ác, sẽ chẳng đọa trong đường ác nữa, đủ tướng hảo, hiện thần thông mà được diệt độ do nhập vào biển quang minh, thọ lượng. Vì vậy, riêng nguyện này thật tối thắng vậy”.
Sách Tiên Chú cũng nhận xét: “Rõ ràng, trong bốn mươi tám nguyện, nguyện niệm Phật vãng sanh này là vua của các nguyện căn bản”.
Nguyện này thể hiện phương tiện rốt ráo, Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh, công đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật Di Ðà. Do danh hiệu chính là thật đức nên “thanh, chữ đều là Thật Tướng” vậy.

 

CKMPTG125

Ảnh minh họa: "Quang minh chiếu khắp mười phương thế giới, không bị chướng ngại"

(Kinh A Di Đà bằng tranh)

Đây là Đại Nguyện thứ 18 "Mười niệm ắt vãng sanh", chính là Hồng Tâm của Bổn Nguyện, được nhiều nơi gọi là Bổn Nguyện Niệm Phật, chính là Đại Nguyện này. Chúng ta đã luận bàn rất kỹ về Đại Nguyện này trong lần trước rồi, nên không cần nhắc lại về Tông Chỉ Tông Yếu. Chỉ trích đoạn phần cuối các chú giải của các Ngài về chỗ Kinh văn: "Duy trừ Ngũ Nghịch, phỉ báng Chánh Pháp". Phần chú giải đã quá tường tận, tỉ mỉ, chúng ta chỉ cần đọc kỹ, học tập. Chúng ta cần lưu ý một chút, với Pháp môn 'khó tin' này, nếu ai tin được thì tốt, nếu chưa tin được thì tuyệt đối đừng buông lời dèm pha, chê bai kẻo lại mắc vào tội "phỉ báng Chánh Pháp" thì khổ đấy. Trong thời đại Mạt pháp sâu nặng này, tình trạng này cũng không ít, nếu không muốn nói là rất nhiều nữa là khác. Ngay đến các vị tuyên lưu Tịnh Độ, mỗi người có một cách nhìn nhận, hoằng hóa, nhưng tuyệt đối đừng bao giờ mang tư tưởng hạ thấp xem nhẹ Kinh giáo từ kim ngôn Phật thuyết ra, cho rằng [Kinh giáo Tịnh Độ] không cần thiết nữa hay bỏ qua đừng dùng tới nữa, rõ ràng đây cũng là một dạng của 'phỉ báng Chánh Pháp' vậy. Thật sự là như thế đấy, cho nên chúng ta hãy hết sức cẩn thận khi hoằng dương Tịnh Độ Tông.

Thật ra, càng đi sâu vời thời Mạt pháp, chúng ta lại càng nên phải bám chặt vào Kinh giáo hơn bao giờ hết. Vì sao vậy? Vì đã gọi là thời kỳ Mạt pháp rồi [tức là Chánh pháp đang suy tàn] mà còn chẳng cố gắng bám chặt, giữ gìn tuyên lưu Chánh Pháp nữa [vốn đã ngày càng trở nên hiếm hoi], vậy thì làm sao có thể 'Y giáo phụng hành' Chánh Pháp cho được? Hay nói cách khác, nếu không như vậy, thì vô hình trung chúng ta lại đang cùng 'chung tay' tận diệt [chẳng ra sức giữ gìn] Chánh Pháp này chăng?! Cho nên càng Mạt pháp sâu lại càng phải cố giữ gìn, tuyên lưu Chánh Pháp, lại cố phải 'Y giáo phụng hành' đúng Chánh Pháp thì mới mong thành tựu nhiều được. 

Thật sự, với Pháp môn này, việc tuyên lưu trong thời đại này là phù hợp nhất, khế lý khế cơ, như Đức Phật đã huyền ký lại. Cho nên các vị Tổ Sư Đại Đức liên tục xuất hiện trong giai đoạn gần đây [và chắc chắn mai sau sắp tới nữa] để cực lực xiểng dương Tịnh Độ môn, ngõ hầu cứu vớt chúng sanh được giải thoát khỏi sinh tử khổ đau, bằng con đường thẳng tắt này. Ngay đến các vị trong Tăng chúng, hay Cư sĩ tại gia cũng có thể thừa lệnh từ lời Kinh lời Tổ mà tuyên nói chia sẻ lại cho chúng sanh hữu duyên cùng được hưởng nhân duyên tốt lành này mà cùng được hành trì 'tắm gội' trong mưa Pháp, ngõ hầu cầu được đại lợi ích trong một đời này. Yếu tố cần thiết ở đây là gì? Chỉ cần có chút Tín tâm kiên cố vững chắc là có thể 'tự hành, khuyên người' được thôi. Không có [hay chưa có Tín tâm chân thật] thì thôi, tốt nhất hãy ra sức gầy dựng cái đã. Chưa có Tín tâm chân thật thì nói Tịnh Độ kiểu gì cũng không thể đúng với Tông chỉ đường lối Pháp môn này được. Vì sao vậy? Bởi đơn giản đường lối Tông chỉ Pháp môn chỉ là gầy dựng Tín tâm Nguyện tâm, rồi hành trì dụng công niệm Phật cho tinh tấn. Đơn giản, tâm yếu chỉ có vậy, chứ đâu phải động tới Kinh giáo, Tông chỉ chắc là phải nhất thiết dùng văn tự cao siêu lắm à? Mà bản thân chưa thể lĩnh hội được thì Khuyên người kiểu gì đây? Khuyên họ... đừng tin nữa à? [để cho giống như mình!] Cho nên từ bi không khéo thành đa họa hại đấy chứ chẳng chơi đâu! Mà điều này chẳng phải nói mò nói đại đâu, mà là từ chính kim khẩu Phật thuyết trong Kinh đấy nhé ["...Pháp vi diệu Như Lai khó tin. Như người mù hằng thấy tối đen. Không thể dẫn đường cho người khác"].

Chúng ta lại dành một chút thời gian, để tiếp tục nói về vấn đề quan trọng trong tu học, đó là việc gầy dựng Tín tâm trong tu học. Ở lần trước, chúng ta đã luận bàn kỹ về đề tài này, tức là làm sao gầy dựng được Tín tâm chân thật đối với hành giả Tịnh Độ. Cụ thể đó là làm sao gầy dựng cho được cái tâm "Chí tâm tin ưa". Chúng ta đã trình bày hai cách [để đạt được điều này] từ lời Phật lời Tổ chỉ dạy. Ở đây không nhắc lại hai cách này nữa. Nếu ai đã thành tựu được thì ra sức 'giữ gìn', rồi chân thật dụng công hành trì, đợi ngày mãn phần theo Phật về Tây thôi. Nếu ai chưa được, hay 'gần được' thì hãy kiên trì, tiếp tục gầy dựng, huân tập, dụng công ắt sẽ có ngày 'liễu ngộ' mà phát khởi Tín tâm chân thật thôi. Ở đây, chúng ta trình bày một cách khác [tạm gọi là cách thứ ba] để gầy dựng cho được Tín tâm đạt "chí tâm tin ưa, bất sanh nghi hoặc" mới được!

Cách thứ ba này rất đơn giản, ngắn gọn, cũng chính từ Kinh văn Phật thuyết ra. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật thuyết rằng: "Nhất nhất quang minh, biến chiếu thập phương thế giới niệm Phật chúng sinh, nhiếp thủ bất xả. [Mỗi mỗi quang minh, soi chiếu thập phương thế giới niệm Phật chúng sanh, thâu nhiếp chẳng rời]". Rằng, chúng sanh niệm Phật, bất luận căn cơ, bất luận công phu sâu cạn, hễ cứ niệm Phật là quang minh biến chiếu của Phật thâu nhiếp chẳng rời. Quan trọng là ở chỗ "chẳng rời" [bất xả] này! Thể hiện tâm Đại từ đại bi tột cùng không gì hơn được nữa của Đức Phật A Di Đà! Chúng sanh chỉ cần tin như thế [rằng Phật không bao giờ bỏ sót chúng sanh niệm Phật, dù nhiều ít, dù sâu cạn (chứ không phải khi nào niệm thì Phật mới soi chiếu, lúc ngưng niệm thì Phật ngưng soi chiếu đâu nhé!)], cùng tâm nguyện chân thật muốn về, rồi nhờ tâm lực này thôi thúc mà chân thật dụng công hành trì, được như thế thì đến lúc cuối ắt sẽ như lời Phật thuyết là "BẤT XẢ", tức là Phật đến rước về Cực Lạc, vãng sanh liễu thoát sanh tử trong một đời này. Thật sự, đây là một cách gầy dựng Tín tâm chân thật quá hay [tâm lại thường luôn 'nhớ Phật niệm Phật' chẳng rời], mà chính Chư Tổ Sư đã thị hiện, lưu lại cho hàng hậu học chúng ta vậy. Ngài Pháp Nhiên trước khi thị tịch chỉ nói đúng câu Kinh này rồi thị tịch, vừa để làm chứng chuyển Pháp luân, vừa thị hiện lời Kinh Phật thuyết: "Quang minh biến chiếu, thập phương thế giới niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả". 

 

Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ (trích lục, lần 2)

Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện

Ngài Hoàng Niệm Tổ

Các Bài Pháp Nổi Bật

Chỉ Giữ Tấm Lòng Tốt Lành, Nói Lời Tốt Lành, Làm Chuyện Tốt Lành, Nhất Tâm Niệm Phật, Lần Lượt Khuyên Người

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng

    Vãng sanh Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào tín - nguyện
    Tục ngữ nói: “Phú ông bất tri bần nhân chi khổ, tráng phu bất tri lão nhân chi khổ” (Phú ông chẳng biết nỗi khổ kẻ nghèo, người khỏe mạnh chẳng biết nỗi khổ của người già). Ông cho rằng Quang cự tuyệt chẳng qua là để tịnh tu mà thôi ư? Ông chẳng biết thật ra là vì mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Chỉ nội chuyện đọc thư ông gởi đến và để viết thư trả lời thì kiếng đeo mắt lẫn kiếng cầm tay (kính lúp) đều phải dùng đến hết, mới xem, mới viết được!

  • Tích Công Lũy Đức Vô Lượng Vô Biên, Được Tự Tại Trong Hết Thảy Pháp, Chẳng Thể Dùng Ngữ Ngôn, Phân Biệt Để Biết Được Nổi

  • Mô tả

    Phẩm 9. Viên Mãn Thành Tựu
    Phẩm thứ chín này có tên là Viên Mãn Thành Tựu. Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám đều nói hạnh nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ lúc tu nhân; từ phẩm này trở đi, kinh nói về quả đức thành tựu. Nội dung phẩm này gồm ba phần:
    - Phật khen ngợi Pháp Tạng nhân viên quả mãn.
    - A Nan thưa hỏi.
    - Thế Tôn đáp thẳng vào câu hỏi.

  • Pháp Niệm Phật Khẩn Yếu Nhất Là Có Lòng Tin Chân Thật, Nguyện Thiết Tha

  • Mô tả

    Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự

    Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự. Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao.

  • Chẳng Bị Xoay Chuyển Bởi Những Thứ Tri Kiến Ấy, Lại Còn Giữ Vẹn Luân Thường, Trọn Hết Bổn Phận, Dứt Lòng Tà, Giữ Lòng Thành...

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Hùng Huệ Dực (trích lục)
    (năm Dân Quốc 20 -1931)

    Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao?
    Cha mẹ ông tuổi đã cao, đúng là lúc nên mềm mỏng khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao? Hãy nên làm cho anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, họ hàng, bạn bè và hết thảy những người quen biết cùng tu Tịnh nghiệp.

  • Hương Báu Xông Khắp

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện, lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới. Chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao, suối, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

  • Sẽ Vĩnh Viễn Không Còn Lo Ngờ Nữa!

  • Mô tả

    Biết tâm vui đạo hết sức chân thành, tha thiết [nên 'cảm ứng đạo giao']

    Nhận được thư biết tâm cư sĩ vui đạo hết sức chân thành, tha thiết. Còn những lời khen ngợi Bất Huệ chưa thoát khỏi thói quen thế tục. Quang là một ông Tăng tầm thường, chỉ biết học theo ngu phu ngu phụ chuyên niệm danh hiệu Phật, sao lại khen ngợi quá mức như thế? Như ông quyên góp in bộ An Sĩ Toàn Thư, thật đúng là pháp chí thành tu [thân] tề [gia] trị [quốc] bình [thiên hạ] và đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, mỗi mỗi đều đầy đủ.

  • Hồng Danh Vạn Đức Chính Là Vô Thượng Giác Đạo Như Lai Đã Chứng Nơi Quả Địa!

  • Mô tả

    Chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới

    Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! 

  • Trụ Chánh Định Tụ; Vui Như Lậu Tận

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, quốc trung vô bất thiện danh. Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đồng nhất tâm, trụ ư Định Tụ, vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương. Sở thọ khoái lạc, do như Lậu Tận tỳ-kheo. Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi làm Phật, trong nước không có danh từ bất thiện. Tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi đều đồng một tâm, trụ nơi Ðịnh Tụ, vĩnh viễn thoát khỏi nhiệt não, tâm được thanh lương, hưởng thọ khoái lạc như là Lậu Tận tỳ-kheo. Nếu họ khởi tưởng niệm tham chấp cái thân thì chẳng lấy Chánh Giác.