Phàm Đại Từ Bi chính là nhà của Như Lai
Đại Từ Bi Thất chính là phòng ngủ của Châu Phu Nhân mẹ ông Vương. Châu phu nhân mẹ ông Vương chính là người vợ đức hạnh của Sơn Âm Xử Sĩ Vương Sở Thần ở Chiết Giang, là mẹ đẻ của hai cư sĩ Tâm Tam và Vi Nghiễm. Phàm Đại Từ Bi chính là nhà của Như Lai, sao phu nhân lại trộm lấy tên này? Trong hội Pháp Hoa, đức Như Lai dạy những thiện nam tử, thiện nữ nhân hoằng kinh phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, rồi giải thích: “Nhà của Như Lai là tâm đại từ bi đối với hết thảy chúng sanh. Áo Như Lai là tâm nhu hòa, nhẫn nhục. Tòa của Như Lai là hết thảy pháp không”. Lại [nói bài] tụng rằng: “Đại từ bi là nhà, áo nhu hòa nhẫn nhục, các pháp Không làm tòa. Ở nơi ấy thuyết pháp”. Hễ đã vào nhà ấy, chắc chắn không lẽ nào chẳng mặc áo, ngồi tòa. Phu nhân đã lấy “Đại Từ Bi” để đặt tên cho thất thì ba pháp hoằng kinh ấy có thật sự tồn tại hay chăng?
[Đại lược] Châu Phu Nhân
Đáp: Nghĩa này nên dùng thuyết Lục Tức để luận. Nếu luận về viên chứng rốt ráo thì chỉ có mình đức Phật. Nếu luận về Lý Tức [Phật] thì hết thảy chúng sanh không ai tâm chẳng sẵn đủ. Phu nhân do Danh Tự mà khởi Quán Hạnh để cầu chứng nhập Tương Tự, Phần Chứng. Xin trình bày đại lược! Phu nhân năm hai mươi sáu tuổi mới về với ông Vương. Nhà ông Vương khá giàu có, dốc lòng tin tưởng Phật pháp, tánh ưa bố thí, đã một mình dựng một ngôi miếu hai chái để thờ Quán Thế Âm và thần Thiên Y, ấy là vì muốn cho Đại Sĩ tầm thanh cứu khổ, Thiên Y ngầm tiêu các bệnh vậy. Hằng năm lại còn thường thí trà, thí thuốc, thí đèn, thí áo; đối với mỗi chuyện phóng sanh, tiếc chữ, đều lập hội để đề xướng. Trong họ hàng, nhờ vào ông để nổi lửa [nấu cơm hằng ngày] mười mấy nhà, tiền chi phí cho con em trong họ đi học rất nhiều. Vì thế, gia đạo nghèo đi. Chuyện này tuy do ông Vương thực hiện, nhưng thật ra là do phu nhân ngầm giúp cho thành tựu. Nếu phu nhân không có tâm đại từ bi, tâm nhu hòa nhẫn nhục, và chẳng biết thật nghĩa của “hết thảy các pháp không” ắt sẽ sớm trì kéo, ngăn trở. Nếu không thì cũng sẽ liều mạng tranh giành, há để cho gia đạo rốt cuộc nghèo đi, nửa đời phải sống trong nghèo hèn, cùng quẫn ư?
Lại nữa, phu nhân sau khi đã về nhà chồng liền ăn chay, vĩnh viễn dứt bỏ thức ăn tanh hôi (đồ mặn). Phàm những thứ như dầu mè, trái cây có mùi thơm v.v… cũng không ăn, chỉ uống nước trắng, chỉ mặc áo vải thô, những thứ lụa là, áo cừu, vải the, son, phấn, trâm, xuyến đều bỏ hết. Ngày thì dệt cửi, khâu vá, đêm thì lễ Phật, tụng kinh, suốt năm chẳng ra khỏi cửa, trầm mặc, ít nói. Thân thích đến chơi, thăm hỏi xong, liền bàn về sự lý nhân quả báo ứng. Thờ bố mẹ chồng trọn hiếu, giúp đỡ chồng vẹn đức, dạy con đúng cách. Thế gian lấy [gương các bà] Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự để khen ngợi nữ nhân nên gọi [nữ nhân] là Thái Thái, đa phần đáng thẹn; còn như phu nhân thì chẳng thẹn với danh xưng ấy!
Tận phận...
Sau mười lăm năm, ông Vương mất, Tâm Tam và Vi Nghiễm đều còn bé, phu nhân trên thờ mẹ già, dưới nuôi con thơ, trải đủ nỗi gian nan, cay đắng dường như quên bẵng xưa kia mình giàu có. Đến khi con đến tuổi theo học, bà liền bán sạch quần áo, trang sức [đã mang về nhà chồng] lúc vu quy để lo tiền học cho con. Bà giạm hỏi Lâu Thị cho Tâm Tam, chưa cưới thì [Lâu Thị] đã bị mù, thân tộc đều khuyên nên thoái hôn, phu nhân tuyệt chẳng nghe. Cưới xong, bà dặn dò Tâm Tam phải khéo chăm sóc, không được ruồng rẫy. Phu nhân thoạt đầu mỗi ngày tụng thầm Tâm Kinh số biến nhất định; sau khi ở góa bèn nhất tâm niệm Phật để cầu thoát khỏi Sa Bà, sanh về Cực Lạc.
‘Buồn không gì lớn bằng cõi lòng đã chết’, tự tại vãng sanh
Năm Tuyên Thống nguyên niên (1909), bà đã 60 tuổi, giữa tháng Ba, mẹ chồng mất; phu nhân đích thân lo liệu tống táng, nhọc nhằn, buồn thương thành bệnh. Qua bốn mươi ngày, hình dung khô gầy, nhưng thần khí cực sáng suốt. Hai ngày trước khi lâm chung, dặn dò Tâm Tam và Vi Nghiễm chuẩn bị áo tang, quan tài, nói: “Sau trưa mai ta sẽ đi”, nhân đó, răn con: “Mong các con hãy tấn đức tu nghiệp, gắng làm người hoàn toàn. Trang Tử nói: ‘Buồn không gì lớn bằng cõi lòng đã chết’(*). Các con hãy hiểu ý ấy thì tâm ta mới yên”. Bình thường khi niệm Phật phu nhân đều thầm niệm. Đến lúc này, trông bà hết sức an nhiên, thư thái. Tâm Tam hỏi mẹ thấy gì, bà bảo: “Đừng quấy rối chánh niệm của ta”, dặn con thắp đèn lồng trước cửa thất, rồi ngồi yên qua đời. Mất rồi, hai tay vẫn mềm mại như khi còn sống.
Tịnh nghiệp [tròn đầy], tín nguyện sâu, nhất tâm niệm Phật
Ôi! Bình thời chí nguyện như thế đó, lâm chung an tịnh như thế này, được vãng sanh Tây Phương là điều có thể đoan chắc. Quán Kinh lấy “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu mười thiện nghiệp và thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi và phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả” làm chánh nhân của Tịnh nghiệp. Trong mười một việc này, hành được một việc, dùng tín nguyện sâu, hồi hướng vãng sanh đều được như nguyện. Huống chi hơn ba mươi năm, phu nhân khắc khổ tinh ròng tu tập, vĩnh viễn dứt được thói quen của nữ giới, tận lực giữ khuôn phép khuê các, hai mươi năm qua nhất tâm niệm Phật, chán nhàm Ngũ Trược sâu xa, mong sanh về Liên Bang. Lúc lâm chung con hỏi còn sợ bị nhiễu loạn, chẳng được sanh về Tịnh Độ thì sẽ phải sanh về nơi đâu!
[Tấm gương] hành theo lời Phật dạy
Nếu như phu nhân chẳng biết hết thảy pháp [đều là] không, chẳng có lòng nhu hòa, nhẫn nhục và tâm đại từ bi thì lúc mới vu quy, ắt sẽ hằng ngày chăm chút trang điểm, chỉ chuyên chú ăn ngon, mặc đẹp, há chịu cơm rau, áo vải, cam chịu đạm bạc giống như một vị lão đầu-đà trong chốn núi sâu ư? Như bà hành thí xả đến nỗi nhà cửa sa sút chẳng hối hận thì vẫn chưa phải là khó, giạm hỏi nhằm dâu mù mọi người đều khuyên thoái hôn vẫn kiên quyết không nghe, lại càng thương xót. Đấy đều là những chỗ hé lộ lòng đại từ bi, nhu hòa, nhẫn nhục. Ai nấy đều cho đó là khó khăn, nhưng phu nhân trọn chẳng nghĩ là khó vì đã biết hết thảy pháp [đều là] không. Nếu không [biết như vậy], những tướng nhân - ngã chẹn ngang trong ngực, quyết chẳng thể coi người khác như chính mình, coi phú quý như phù vân, vui giữ phận nghèo, lấy pháp làm niềm vui. Đến lúc cuối cùng biết trước lúc mất, con hỏi thấy được gì vẫn răn “đừng nhiễu loạn chánh niệm”, bảo treo đèn ngoài cửa Đại Từ Bi Thất rồi liền ngồi qua đời. Trong tâm bà cố nhiên đã đem những tình mẹ con yêu thương, danh dự thế gian gạt bỏ hết sạch. Chuyện này thật ra thuộc loại “châm kim xuống ngay đảnh đầu, trừ phi da dầy ắt thấy đau ngay”. Hai tay mềm mại biểu thị sử dụng tánh đức nghèo và bệnh để làm chứng cớ cho lòng từ bi, nhẫn nhục. Ôi! Như phu nhân có thể nói là người hoàn thiện đôi bề. Trong đời hiện thời, giáo huấn “giữ yên cửa nhà” bị buông lỏng chẳng được đề cao, nếu chẳng có người phát tâm đại từ bi dùng thân làm gương hòng giữ vững [giáo huấn ấy] thì còn biết nhờ vào đâu? Cổ nhân nói: “Dùng lời lẽ để dạy thì còn bị tranh cãi, chứ dùng thân để dạy thì [mọi người] đều vâng theo”.
Và để lại cho đời
Đối với cả Nho lẫn Phật, phu nhân đều kham nêu gương. Bà chính là bậc nương theo bản nguyện làm bậc mẫu nghi chốn khuê các, làm bậc thầy gương mẫu cho nữ lưu. Tôi bẩm tánh cương trực, học thức nông cạn ngoài da, vì thế tự chôn sống ngoài hải đảo để mong giấu dốt, hầu tránh khỏi tội khiên, nhưng cư sĩ Tâm Tam lại lầm tưởng tôi là bậc tri thức, nên mới gởi thư thỉnh giáo. Do vậy, tôi chẳng biết kiêng dè, buông lời thẳng thừng, ngỡ ông ta nhất định tuyệt giao, ngờ đâu ông lại bội phục, ắt là trong gia đình khéo được dạy dỗ. Ông vẫn tiếc là chưa thể biểu lộ đức đẹp, lòng trinh của mẹ nên bèn viết rõ tâm hạnh, tu trì của thân mẫu xin tôi thuật bày. Vì thế, tôi bèn phát huy những nghĩa lý ẩn kín để những người làm cha mẹ và làm thân phụ nữ trong cõi đời biết cách học theo, ai nấy khéo dạy dỗ con gái để mai kia giúp chồng dạy con. Nếu là những đứa có thiên tư sẽ đều là bậc hiền sĩ thân lành giác ngộ cõi đời, nếu là đứa không có thiên tư thì cũng là người dân lành vâng giữ quy củ, ắt là thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc, hết sức cầu chúc vậy!
_____________________________________________
(*) Nguyên văn: “Ai mạc đại vu tử tâm”. Câu này trích từ sách Trang Tử, thiên Điền Tử Phương: “Phù ai mạc đại vu tử tâm, nhi nhân tử diệc thứ chi” (Buồn không gì lớn lao bằng cõi lòng đã chết, ngay cả cái chết của con người cũng chẳng bằng). “Tử tâm” tức là cõi lòng nguội lạnh, không mong cầu điều gì, thờ ơ, hờ hững, không quan tâm đến gì nữa. Dĩ nhiên sẽ không thể lo tấn tu đức hạnh, đạo nghiệp!
Ảnh minh họa: "Vạn pháp giai không"
“Mong các con hãy tấn đức tu nghiệp, gắng làm người hoàn toàn. Trang Tử nói: ‘Buồn không gì lớn bằng cõi lòng đã chết’. Các con hãy hiểu ý ấy thì tâm ta mới yên”. Lời dạy con trước lúc ra đi của Châu Phu Nhân có thể để lại trong chúng ta những suy ngẫm gì chăng? Chư Tổ Sư thường nhắc "Làm bậc nam nhi [và nữ nhi] phải có huyết tánh, đừng sống làm thây đi thịt chạy, chết mục cùng cỏ cây". Rõ ràng, lời dạy của các bậc Thánh nhân, Chư tổ cũng khá tương đồng. Lại có một lời giáo huấn khác, gần gũi xác thực ý nghĩa với hành giả chúng ta hơn "Thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm; dùng Tín Nguyện sâu, trì danh hiệu Phật". Tu Tịnh Độ mà Bồ Đề tâm [tâm giải thoát] không kiên cố, dễ bị dao động lui sụt, hay chạy theo trần cảnh, danh lợi thì thôi... xác định, giống như một động cơ đốt trong bị hết năng lượng hay dùng xăng 'giả' vậy.
"Hết thảy pháp đều là không", thế nên chúng ta có thể thí [xả], có xả mới có đắc, không xả không thể đắc được. Ví như báu thân này mà chẳng dám xả thì thôi, Tây Phương Cực Lạc còn xa lắm. Thế nên, Chư Tổ luôn nhấn mạnh rằng, người tu Tịnh Độ điều cần kíp là tâm chân thật cầu vãng sanh, không được sợ chết, hôm nay chết cũng được mà một trăm tuổi chết cũng xong. Chúng ta đừng nghĩ việc này chưa quan trọng, rồi xem thường nhé [do chúng ta còn trẻ, còn khỏe mạnh...], những nghiệp chướng, những ách nạn, những sự trở ngại [trên bước đường tu tập]... phần lớn là do chúng ta chưa gầy dựng đầy đủ được hai cái tâm này mà gây ra cả [cùng với Tín tâm]. Nguyên do vì sao vậy? Đó là vì như thế là đã bị cách trở với Bổn Nguyện của Phật, không thể cảm được với sự gia trì của Tha lực đại đạo, mà [như thế] túc nghiệp cũng thật khó tiêu trừ mạnh được [nếu hai tâm này khiếm khuyết].
Cho nên, để Niệm Phật trở thành Chánh Hạnh vãng sanh [thật sự], một đời này liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, không thể không gầy dựng Tín tâm Nguyện tâm một cách nghiêm túc, chân thực, thiết tha, cùng với đó [ắt sẽ là] dũng mãnh tinh tấn dụng công phu tu tập, như thế, nhất định một đời này thành tựu đạo nghiệp giải thoát.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Nêu tỏ ý nghĩa ẩn tàng của Đại Từ Bi Thất
Đại Sư Ấn Quang