Dưới đây là tổng hợp một số trích đoạn trong các thư Đại Sư trả lời cư sĩ Cao Thiệu Lân.
Thư thứ nhất
Hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ quá khứ, là vị lai chư Phật. Giết để ăn sao nuốt cho trôi? Nếu biết nghĩa này, dẫu táng thân mất mạng cũng chẳng thể ăn hết thảy loại thịt. Nhưng Phật dạy người khéo dẫn dụ dần dần, với bậc thượng căn liền dạy đoạn hoàn toàn. Với trung hạ căn bèn dạy giảm dần cho đến khi hoàn toàn đoạn được.
Chỉ cầu không đói, không rét, mong chi phát tài cự vạn? Để cho con một rương vàng đầy không bằng dạy cho con một quyển kinh
Đối với kẻ ngu không tin nhân quả, chẳng tin tội phước báo ứng, ương bướng cứng đầu, hãy theo những gì An Sĩ Toàn Thư đã giảng mà diễn nói khiến cho họ bắt đầu tin nhân quả dần dần, lần hồi sẽ tin sâu Phật pháp, cuối cùng được vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. Một người như thế công đức còn vô lượng vô biên, huống chi nhiều người. Nhưng chính mình tận lực thực hành không sai sót mới hòng cảm hóa người chung quanh. Vợ con mình nếu tin nhận, phụng hành, người khác nhìn vào thấy là thiện, há có phải vì nhiều của cải ư? Chỉ cầu không đói, không rét, mong chi phát tài cự vạn? Để cho con một rương vàng đầy không bằng dạy cho con một quyển kinh. Tổ đức bị khuyết, bèn thẹn đến chết; tổ nghiệp dù bị khuyết, nào thương tổn gì?
Tùy duyên qua ngày chính là tri mạng, vui theo lẽ trời
Nhưng đến giờ đây, thân không còn nhiều ngày tháng nữa, nghĩ muốn nhanh chóng khôi phục [tổ nghiệp], uổng sanh vọng tưởng, trọn không có lợi ích thật sự gì. Hãy nên tùy duyên qua ngày chính là tri mạng, vui theo lẽ trời. Sống vừa thọ vừa khỏe trong đời, chỉ thuận không nghịch, người đời ai không mong được vậy, nhưng người được như thế rất ít, người không được thật nhiều. Do đời trước, đời này, không vun bồi lớn lao, không nhân chẳng thể có được quả vậy. Nay các hạ muốn sanh Tây Phương liễu sanh tử, hãy nên nguyện thần thức của cao, tằng tổ phụ mẫu v.v… nương vào sức tu trì tịnh nghiệp tự hành, dạy người của chính mình liền được Phật từ tiếp dẫn vãng sanh. Như vậy mới đáng gọi là “đại hiếu tôn thân” vậy. Còn như cúng tế tổ tiên chẳng dứt và khôi phục tổ nghiệp v.v… đều là cảnh giới thấy biết thiển cận của khắp phàm tình thế gian.
Hơn nữa, cầu sanh Tây Phương không được sợ chết. Nếu chết ngay ngày hôm nay thì hôm nay bèn sanh về Tây Phương, như câu nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ” (Buổi sáng nghe đạo, tối chết cũng được); há đâu hôm nay phải chết lại chẳng muốn chết. Đã tham luyến trần cảnh, chẳng thể buông xuống, bèn do tham thành chướng, cảnh Tịnh Độ không hiện, cảnh giới theo nghiệp thọ sanh trong đường thiện, nẻo ác bèn hiện. Cảnh hiện sẽ theo nghiệp thọ sanh trong đường thiện, nẻo ác vậy. Chuyện vãng sanh Tây Phương bèn thành bánh vẽ! Vì thế, người tu Tây Phương hôm nay chết cũng được, dẫu phải sống tới một trăm hai mươi tuổi mới chết cũng xong. Hết thảy phó mặc nghiệp trước, chẳng vọng sanh so đo. Nếu tín nguyện chân thành, thiết tha, khi báo hết mạng tận, thần thức bèn siêu nơi tịnh vực, nghiệp trả lại trần lao, sen nở hoa chín phẩm, trong một đời được Phật thọ ký.
Thư thứ hai
Thành kính
Lễ tụng trì niệm, các thứ tu trì đều phải lấy thành kính làm chủ. Nếu thành kính cùng cực thì công đức sẽ như trong kinh nói: “Dẫu thuộc địa vị phàm phu, tuy chưa thể viên đắc, nhưng sở đắc của người ấy đã khó thể nghĩ bàn”. Nếu không thành kính sẽ giống như diễn tuồng, khổ, sướng, buồn, vui đều là giả vờ, chẳng do nội tâm phát ra. Dẫu có công đức cũng chẳng thể vượt khỏi si phước trong nhân thiên mà thôi; nhưng ắt sẽ lại ỷ vào si phước ấy tạo ác nghiệp, cái khổ tương lai khi nào hết được? Hãy đem ý này bảo khắp bè bạn, ngõ hầu tu thì phải chân tu, hành thì phải thật hành, lợi ấy rộng khắp!
Đức Phật Thế Tôn và Chư Tổ các đời đều dạy nhất tâm chuyên niệm
Chớ bảo duyên tưởng một vị Phật công đức chẳng lớn bằng duyên tưởng nhiều vị Phật. Phải biết A Di Đà Phật là Pháp Giới Tạng Thân, một mình Phật A Di Đà có đủ toàn thể công đức của tất cả mười phương pháp giới chư Phật, như những hạt châu nơi cái lưới của Thiên Đế, ngàn hạt châu in bóng trong một hạt châu, một hạt châu trọn khắp ngàn hạt châu, nêu lên một mà thâu trọn tất cả, chẳng thiếu, chẳng thừa. Nếu là bậc đại sĩ tu hành đã lâu thì cảnh duyên rộng lớn chẳng ngại, cảnh càng rộng tâm càng chuyên nhất. Nếu là kẻ sơ tâm mạt học mà duyên cảnh rộng thì tâm thức phân tán, nhưng chướng sâu huệ cạn rất có thể khiến cho các ma sự khởi lên. Vì thế, đức Phật Thế Tôn ta và chư Tổ các đời đều dạy nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật là vì lý do này. Đợi đến khi nào niệm Phật chứng được tam muội thì trăm ngàn pháp môn, vô lượng diệu nghĩa, thảy đều đầy đủ. Cổ nhân nói: “Đã tắm trong biển cả ắt dùng nước trăm sông. Thân đã đến điện Hàm Nguyên, cần gì hỏi Trường An chi nữa!” có thể nói là hình dung [ý này] khéo nhất.
Thư thứ ba
Hãy nên phát tâm quyết định, lâm chung nhất định về Tây [tuyệt hẳn sanh tâm đời sau]
Phật thương chúng sanh không sức đoạn Hoặc, khó liễu sanh tử; vì thế riêng mở pháp môn hoành siêu cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Bất luận đoạn Hoặc hay không, nếu đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha trì danh hiệu Phật (đây là Chánh Hạnh) và tu trì các điều thiện, hồi hướng vãng sanh (đây là Trợ Hạnh), không một ai chẳng được vãng sanh. Dẫu kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung tướng địa ngục hiện, nếu tâm thức không mê, nghe thiện tri thức dạy niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Nếu niệm được mười tiếng, hoặc chỉ một tiếng, ngay khi đó mạng chung cũng được vãng sanh (điều này chép trong Thập Lục Quán Kinh, Hạ Phẩm Hạ Sanh Chương là lời chân thành từ kim khẩu). Đã vãng sanh liền được cao dự hải hội, vĩnh viễn thoát luân hồi; dần dần tấn tu viên thành Phật Quả. Tội nhân nghịch ác như thế nếu chẳng được nghe pháp chẳng thể nghĩ bàn này, trải kiếp số nhiều như vi trần, khó thoát khỏi địa ngục. Ngạ quỷ, súc sanh còn khó được sanh vào, huống gì lại được làm thân người để tu hành liễu sanh tử?
Hãy nên phát tâm quyết định, lâm chung nhất định muốn sanh về Tây Phương. Đừng nói chi thân người tầm thường kém cỏi chẳng muốn thọ nữa, ngay cả làm vua trời - người và xuất gia làm Tăng, nghe một hiểu ngàn, đắc Đại Tổng Trì, làm thân cao tăng đại hoằng pháp hóa, lợi khắp chúng sanh cũng xem như cỏ độc, rừng tội, quyết định chẳng sanh một niệm tâm muốn hưởng. Quyết định như thế thì Tín - Nguyện - Hạnh của chính mình mới có thể cảm được Phật; thệ nguyện của Phật mới nhiếp thọ được mình, cảm ứng đạo giao được Phật tiếp dẫn, lên thẳng chín phẩm, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Tam Quy, Ngũ Giới là cửa ban đầu để vào Phật pháp, tu các pháp môn khác đều nương vào đây để nhập, huống chi pháp môn Tịnh Độ giản dị, dễ dàng nhất, chí viên, chí đốn chẳng thể nghĩ bàn? Chẳng soi xét tam nghiệp, chẳng trì Ngũ Giới sẽ không có phần được thân người lần nữa, huống gì muốn được thân liên hoa hóa sanh, đầy đủ quang minh tướng hảo ư?
Tín - Nguyện là khẩn yếu nhất
Phải biết Tây Phương Cực Lạc thế giới đừng nói là phàm phu không hiểu, ngay cả thánh nhân Tiểu Thừa cũng không thể hiểu nổi, bởi pháp này thuộc về cảnh giới Đại Thừa chẳng thể nghĩ bàn vậy. Tiểu thánh hồi tâm hướng Đại mới hòng đạt tới. Phàm phu nếu không dùng tín - nguyện để cảm Phật, dẫu có tu hết thảy các hạnh thù thắng khác cùng với hạnh trì danh thù thắng vẫn chẳng thể vãng sanh. Do vậy, tín - nguyện là khẩn yếu nhất. Ngài Ngẫu Ích nói: “Được vãng sanh hay không toàn là do có tín nguyện hay không? Phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”, đấy chính là lời phán định đanh thép dẫu ngàn đức Phật xuất thế cũng không thay đổi được. Tin cho tới nơi, đảm bảo ông sẽ có phần nơi Tây Phương.
Thư thứ tư
Thập niệm ký số
(Đã trích đăng trong bài Thập Niệm Ký Số - Phương Pháp Trừ Vọng, Dưỡng Thần Tốt Nhất)
Nên chuyên chú một môn Tịnh Độ
Cư sĩ nay đã gần năm mươi, thân bị ràng buộc, chưa tham tầm tri thức, muốn liễu thoát trong đời này hãy chỉ nên chuyên chú một môn Tịnh Độ. Kim Cang, Pháp Hoa hãy gác ra ngoài, đợi đến khi thông suốt Tịnh Độ, đã đắc nhất tâm rồi mới lại nghiên cứu cũng không muộn. Nếu theo đuổi ngay trong lúc này, e trí lực không đủ, được cái kia mất cái này. Một pháp chưa tinh, hai điều lợi đều mất! Sách Giản Ma Biện Dị Lục thuộc Thiền Tông, dẫu bậc thông đạt giáo lý sâu xa còn chưa dễ gì biết được, huống là cư sĩ! Phàm những sách vở của Thiền Tông, nhất loạt chớ nghiên cứu, bởi Thiền Tông “ý tại ngôn ngoại”, nếu dựa theo mặt chữ để hiểu nghĩa sẽ hiểu lầm Phật pháp, do nhân lành chuốc lấy quả ác!
Hãy trở về với cuộc sống thường nhật của mình [sau các phần việc], tùy duyên qua ngày, tích cực tu trì cầu giải thoát, chẳng mong chi khác.
Trích, lục Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1
Đại Sư Ấn Quang