Nguyện thứ hai mươi sáu là “nghe danh được phước” và nguyện bốn mươi bảy là “nghe danh đắc Nhẫn”, thì nguyện thứ mười chín “nghe danh phát tâm” này phải nên được hiểu là: Do nghe danh hiệu của Phật, được Phật gia bị nên phát tâm Bồ Ðề. Hiểu như vậy sẽ liền thấy rõ công đức của danh hiệu A Di Ðà chẳng thể nghĩ bàn, sức hoằng thệ nguyện của đấng Nguyện Vương chẳng thể nghĩ bàn.
“Tu chư công đức… trú dạ bất đoạn” (Tu các công đức... ngày đêm chẳng ngớt) là đại hạnh sẽ làm sau khi phát tâm. Câu này và câu trước đó hợp thành toàn văn của nguyện thứ mười chín: Do nghe danh hiệu Phật Di Ðà nên phát tâm và tu các đại hạnh.
Trong lời nguyện, chữ “lục Ba La Mật” chỉ Lục Độ. Ðộ (度) là vượt qua được biển sanh tử đạt tới bờ Niết Bàn. Sáu độ là Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Ðịnh và Bát Nhã. Lục Ðộ bao trùm vạn hạnh.
“Kiên cố bất thoái” nghĩa là các đại nguyện, đại hạnh trên quyết định chẳng lay động, vĩnh viễn chẳng lui sụt. Như phần kệ tụng đã nói: “Ngã hạnh quyết định kiên cố lực, duy Phật thánh trí năng chứng tri, túng sử thân chỉ chư khổ trung, như thị nguyện tâm vĩnh bất thoái” (Hạnh tôi sức kiên cố quyết định, chỉ Phật thánh trí chứng biết nổi, dẫu thân ở trong các chốn khổ, nguyện tâm như vậy trọn bất thoái) thì kiên cố có nghĩa là bất thoái.
Trong câu “nhất tâm niệm ngã” (nhất tâm niệm tôi), chữ “nhất tâm” như phần trên đã giải thích: Nhất tâm chỉ thật thể Chân Như của vạn hữu. Nay xét trong kinh này, nhất tâm là tín tâm kiên định, chẳng bị các tâm khác não loạn nên gọi là nhất tâm. Sách Giáo Hạnh Tín Chứng Văn Loại nói: “Tín tâm chính là nhất tâm. Nhất tâm chính là lòng tin chân thật. Vì vậy, luận chủ khăng khăng nói nhất tâm”.
Nhất Tâm chính là lòng tin chân thật
Trích Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Ngài Hoàng Niệm Tổ