Như Bần Đắc Bảo [Như Kẻ Nghèo Được Của Báu]

NPSTD7

 

Như Bần Đắc Bảo [Như Kẻ Nghèo Được Của Báu]

Chánh kinh:

Ngô ai nhữ đẳng, khổ tâm hối dụ, thọ dữ kinh pháp, tất trì tư chi, tất phụng hành chi. Tôn ty, nam nữ, quyến thuộc, bằng hữu, chuyển tương giáo ngữ. Tự tương ước kiểm, hòa thuận nghĩa lý, hoan lạc, từ hiếu. Sở tác như phạm, tắc tự hối quá, khử ác, tựu thiện, triêu văn, tịch cải, phụng trì kinh giới, như bần đắc bảo. Cải vãng tu lai, sái tâm, dịch hạnh, tự nhiên cảm giáng, sở nguyện triếp đắc.

Ta thương xót các ông, khổ tâm khuyên dụ, trao cho kinh pháp, [các ông] đều phải nên thọ trì, suy nghĩ lấy, đều phải phụng hành. Tôn ty, nam nữ, quyến thuộc, bằng hữu lần lượt dạy bảo nhau. Tự phải ước thúc, gìn giữ cho nhau, hòa thuận nghĩa lý, hoan lạc, từ hiếu. Nếu trót phạm lỗi liền tự hối lỗi, bỏ ác, hướng về điều lành. Sáng nghe, chiều đổi, phụng trì kinh giới như kẻ nghèo được của báu. Sửa đổi quá khứ, tu hành tương lai, rửa lòng, đổi hạnh; tự nhiên cảm giáng, sở nguyện ắt thỏa.
Giải:
Thế Tôn mấy lượt khuyên lơn, chỉ mong đại chúng phụng trì kinh giới nên trong đoạn này trước hết Phật bảo: “Thọ dữ kinh pháp” (Trao cho kinh pháp), khuyên bảo chúng sanh thọ trì, tư duy, phụng hành đúng pháp. Sau đấy, Phật lại khuyên “phụng trì kinh giới như bần đắc bảo” (tuân phụng kinh giới như kẻ nghèo được của báu).
Sách Hội Sớ giảng câu “ngô ai nhữ đẳng, khổ tâm hối dụ” (ta thương xót các ông khổ tâm khuyến dụ) như sau: “Ngô ai’ là Như Lai đại từ, ‘nhữ đẳng’ là căn cơ được đức Phật rủ lòng thương. Năm thời giáo hóa, dạy cho bán giáo, mãn giáo nên bảo là khổ tâm hối dụ”.
Ý nói: Như Lai đại từ thương xót các căn cơ, rát miệng xót lòng khai thị, dạy dỗ. Năm thời thuyết pháp nhằm thích ứng các căn cơ. Giáo pháp có bán (bán tự giáo) hay mãn (mãn tự giáo) nhưng đều là tùy duyên độ thoát nên mới bảo là “khổ tâm hối dụ, thọ dữ kinh pháp”.
Phật lại dạy rằng: Ðối với những kinh pháp đã được nghe như thế, đều phải nên “trì tư” (thọ trì, suy nghĩ), “phụng hành”, “chuyển tương giáo ngữ” (lần lượt dạy bảo nhau). “Phụng” (奉) là tin kính, “hành” (行) là tu hành. Ðó là tự lợi. Ðối với các thân hữu liền “chuyển tương giáo ngữ” chính là lợi tha. “Nếu chẳng thuyết pháp độ sanh thì chẳng thể báo nổi Phật ân”.
Tiếp đó, Phật lại khuyên “tự tương ước kiểm, hòa thuận nghĩa lý, hoan lạc, từ hiếu” (tự ước kiểm lẫn nhau, hòa thuận nghĩa lý, hoan lạc, từ hiếu). “Ước kiểm” (約檢) cũng giống như ước liễm (約斂: bó buộc, kiểm soát), tức là “đương tự đoan tâm, đương tự đoan thân” (nên tự đoan chánh cái tâm, nên tự đoan chánh cái thân). “Hòa thuận nghĩa lý” nghĩa là lời lẽ lẫn cử chỉ đều vừa hòa hợp với nghĩa, vừa thuận với lý. Hòa hợp với nghĩa thì cử chỉ thích đáng. Thuận theo lý thì tự nhiên được đúng chừng mực.
Từ câu “sở tác như phạm” (hễ trót phạm lỗi) cho đến “sái tâm, dịch hạnh” (rửa lòng, đổi hạnh) đều khuyên phụng trì kinh giới. Phẩm này mang tên Như Bần Đắc Bảo (như kẻ nghèo được của báu) nên câu “phụng trì kinh giới như bần đắc bảo” chính là câu cốt lõi của phẩm này. Ðức Thế Tôn tâm Từ đến tột bực nên ban lời dạy như thế. Kẻ nghèo được của báu ắt diệt ngay các khổ, bởi đó hoan hỷ, vô ưu. Ở đây, Phật dùng của báu để sánh ví diệu dụng của kinh giới.
Hơn nữa, kẻ nghèo một khi có được của báu thì sẽ coi như tánh mạng của chính mình, sẽ toàn lực gìn giữ, chẳng để mất đi. Ở đây, đức Phật khuyên hành nhân được lãnh thọ kinh giới thì phải tự khéo vâng giữ như bảo vệ đầu, mắt. Nếu lỡ khuyết phạm thì phải mau sám hối, thề chẳng tái phạm!
“Khử ác, tựu thiện… cải vãng tu lai” là bỏ những ác hạnh sai trái trong quá khứ, tu thiện nghiệp đúng đắn trong hiện tại. “Triêu văn, tịch cải” (sáng nghe, chiều đổi) là thuận theo việc thiện, biết lỗi liền sửa đổi.
“Sái tâm” (洒心) chính là rửa sạch cấu nhơ trong tâm. “Dịch hạnh”: “Dịch” (易) là biến dịch (thay đổi), nghĩa là dứt ác hướng thiện, bỏ tà theo chánh, hồi Tiểu hướng Ðại, bỏ cái hư ngụy, giữ lấy cái chân thật.
Ðược như thế thì “tự nhiên cảm giáng, sở nguyện triếp đắc”, nghĩa là: tự nhiên cảm ứng, Phật lực ngầm gia hộ, có nguyện cầu chi đều được viên mãn.


Chánh kinh:
Phật sở hành xứ, quốc ấp khâu tụ, mỵ bất mông hóa. Thiên hạ hòa thuận, nhật nguyệt thanh minh, phong vũ dĩ thời, tai lệ bất khởi, quốc phong dân an, binh qua vô dụng. Sùng đức, hưng nhân, vụ tu lễ nhượng. Quốc vô đạo tặc, vô hữu oan uổng, cường bất lăng nhược, các đắc kỳ sở.
Phật đi đến đâu thì mọi người trong các quốc gia, thôn ấp, phường xóm, tụ lạc, không ai chẳng được Ngài giáo hóa. Thiên hạ hòa thuận, mặt trời, mặt trăng sáng tỏ, mưa gió đúng thời, tai ương, tật dịch chẳng khởi, nước giàu, dân yên, vũ khí [trở thành] vô dụng. Đức được tôn sùng, lòng nhân mạnh mẽ, chăm tu lễ nghĩa, nhân nhượng. Nước không trộm cướp, chẳng có oan uổng, mạnh chẳng hiếp yếu, ai nấy đều được yên vui.
Giải:
Ðoạn kinh này nói lên từ đức vô lượng của Phật.
Câu “Phật sở hành xứ” chỉ những chỗ Phật đã từng đi đến, mà cũng có nghĩa là những nơi Phật pháp lưu truyền đến.
“Quốc ấp khâu tụ” (Quốc gia, thôn ấp, xóm phường, tụ lạc) bất cứ nơi nào Phật đã đặt chân đến thì không ai là chẳng được nhận lãnh sự giáo hóa của Phật nên bảo là “mỵ bất mông hóa” (không ai chẳng được Ngài giáo hóa). Ðược nhận lãnh sự giáo hóa của Phật tất nhiên sẽ cảm ứng được những điều tốt lành. Bởi thế, “thiên hạ hòa thuận” cho đến “các đắc kỳ sở” (ai nấy đều được sống yên). “Thiên hạ hòa thuận” là thế giới hòa bình, mọi xứ hòa hiếu với nhau.
“Nhật nguyệt thanh minh, phong vũ dĩ thời” (Mặt trời, mặt trăng sáng tỏ, mưa gió đúng thời) là mưa hòa gió thuận, không có các thiên tai như hạn hán, lũ lụt, gió bão, mưa đá…
“Tai lệ bất khởi”: “Tai” (災) là tai họa, “lệ” (厲) là dịch lệ (bệnh dịch) nghĩa là chẳng những không có các tai vạ: núi lở, động đất, biển trào, đất chìm… các nạn: nước, lửa, đao binh, mà cũng chẳng hề có các thứ ôn dịch lưu hành.
“Quốc phong dân an” là quốc gia sung túc, sản xuất dồi dào, nhân dân an lạc.
“Binh qua vô dụng”: “Binh” (兵) là đao binh, tức là những khí giới có mũi nhọn chế bằng kim loại; “qua” (戈) là các loại kích có mũi tù (không nhọn). Chữ “binh qua” thường được dùng để chỉ chiến tranh.
“Binh qua vô dụng” nghĩa là trong nước không có giặc cướp, phản nghịch; ngoài không bị nước khác xâm lấn nên có thể dẹp võ dụng văn, xếp vũ khí không dùng đến nữa.
“Sùng đức hưng nhân”: Tôn sùng đạo đức gọi là “sùng đức”; phát triển chánh sách nhân từ thì gọi là “hưng nhân”.
Sách Hội Sớ giảng chữ “vụ tu lễ nhượng” (chăm tu lễ nhượng) là: “Tôn ty có trật tự là Lễ, nhường nhịn người khác là Nhượng”.
“Nhượng” (讓) còn nghĩa là nhường bước, đưa cái tốt lành cho người, chẳng giành lấy về mình.
“Quốc vô đạo tặc” là nhân dân đều tuân theo lẽ phải, vâng giữ pháp luật nên chẳng có trộm cướp.
“Vô hữu oan uổng” (Chẳng có oan uổng) vì kẻ nắm giữ chức vị thì liêm minh công chánh, xét kỹ từng chi tiết nên chẳng phán án lầm.
“Cường bất lăng nhược, các đắc kỳ sở” (Mạnh chẳng hiếp yếu, ai nấy đều được sống yên vui): Ỷ mạnh hiếp yếu chính là nguồn cội của mọi tai vạ trong thế gian. Nước hùng mạnh cậy vào quân lực hiếp đáp nước nhược tiểu, kẻ giàu cậy vào tiền của để bóc lột người nghèo, kẻ nắm giữ quyền bính thường dựa quyền thế để rúc rỉa nhân dân; còn không thì kẻ mạnh lại kết thành giặc cướp bức hại người lương thiện. Cậy đông hiếp đáp kẻ cô thế, cậy thế khinh người, rúc rỉa máu xương người khác để cốt ấm thân, tàn nước hại dân, không còn gì tệ hơn thế nữa. Bởi thế, nguyện “cường bất lăng nhược” (mạnh chẳng hiếp yếu), ai nấy “các đắc kỳ sở” (ai nấy đều được sống yên). Ðây, kia đều an, kẻ có người không chia sẻ cho nhau, chung sống hòa bình, nguyện thế giới đạt đến đại đồng.
Phật đi đến đâu, chỗ đó đều được hưởng những lợi ích như thế, đủ thấy từ lực của Phật khó thể suy nghĩ, khó bàn luận nổi!

 

ttdt12

Ảnh: Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang

Đoạn: Từ câu “sở tác như phạm” (hễ trót phạm lỗi) cho đến “sái tâm, dịch hạnh” (rửa lòng, đổi hạnh) đều khuyên phụng trì kinh giới. Phẩm này mang tên Như Bần Đắc Bảo (như kẻ nghèo được của báu) nên câu “phụng trì kinh giới như bần đắc bảo” chính là câu cốt lõi của phẩm này. Ðức Thế Tôn tâm Từ đến tột bực nên ban lời dạy như thế. Kẻ nghèo được của báu ắt diệt ngay các khổ, bởi đó hoan hỷ, vô ưu. Ở đây, Phật dùng của báu để sánh ví diệu dụng của kinh giới.

Rõ ràng, Đức Thế Tôn ví Phật pháp như báu vật, cần phải nắm giữ cho chắc. Đó chính là chiếc phao cứu sinh, là thuyền từ độ thoát chúng sinh khỏi biển khổ, đến bến bờ giác ngộ, giải thoát. Thời đại ngày nay, sau khi Đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn, thì Kinh, Pháp chính là báu vật của chúng sanh, mỗi chúng ta cần ra sức thọ trì, giữ gìn, tuyên lưu [tùy phận, tùy lực của mình]. Những nơi Phật Pháp không lưu truyền đến được, chắc chắc thường xảy ra các ách nạn, nhân dân khổ sở lầm than, binh đao, ôn dịch, thiên tai nhân họa... Nguyên nhân do đâu thì chúng ta đều đã rõ. Thế giới này, mặc dù chúng ta cùng chung sống trên quả địa cầu này, nhưng Đức Phật đã huyền ký, không phải nơi nào Phật Pháp cũng có thể tuyên lưu đến được, chúng sanh nơi ấy [phước mỏng] đành phải cam chịu vậy. Hoặc giả, cùng một nơi, nhưng Phật Pháp lúc thịnh lúc suy, chúng sanh [nơi ấy] tùy từng thời kỳ mà được thọ dụng [Chánh Pháp] một cách khác nhau.

Câu “Phật sở hành xứ” chỉ những chỗ Phật đã từng đi đến, mà cũng có nghĩa là những nơi Phật pháp lưu truyền đến.

Nơi nào có Phật Pháp lưu truyền đến, nơi đó có ...mùa xuân, có hạnh phúc, an vui, có ánh sáng và hy vọng [giải thoát]. Nếu không, đêm tối mù mịt, chúng sanh biết đi đâu về đâu đây.

Bởi thế, chúng ta đây dẫu cho nhiều người trong đó có thể căn cơ, thiện căn sâu dày, nhưng cũng phải cần có phước báu, nhân duyên tốt lành để sanh phùng thời, đúng nơi [Chánh Pháp đang lưu truyền] thì thiện căn nhiều đời nhiều kiếp mới có thể phát huy diệu dụng được. Cho nên, tu hành cũng cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong đạo ấy chính là thiện căn, phước báu, nhân duyên tròn đầy, chúng ta đừng để lỡ, có thể gọi là hy hữu khó gặp, từ nhiều đời nhiều kiếp [chờ đợi] đến nay vậy.

 

Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ (trích lục)

Phẩm 37. Như Bần Đắc Bảo

Ngài Hoàng Niệm Tổ

Các Bài Pháp Nổi Bật

Chỉ Giữ Tấm Lòng Tốt Lành, Nói Lời Tốt Lành, Làm Chuyện Tốt Lành, Nhất Tâm Niệm Phật, Lần Lượt Khuyên Người

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng

    Vãng sanh Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào tín - nguyện
    Tục ngữ nói: “Phú ông bất tri bần nhân chi khổ, tráng phu bất tri lão nhân chi khổ” (Phú ông chẳng biết nỗi khổ kẻ nghèo, người khỏe mạnh chẳng biết nỗi khổ của người già). Ông cho rằng Quang cự tuyệt chẳng qua là để tịnh tu mà thôi ư? Ông chẳng biết thật ra là vì mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Chỉ nội chuyện đọc thư ông gởi đến và để viết thư trả lời thì kiếng đeo mắt lẫn kiếng cầm tay (kính lúp) đều phải dùng đến hết, mới xem, mới viết được!

  • Tích Công Lũy Đức Vô Lượng Vô Biên, Được Tự Tại Trong Hết Thảy Pháp, Chẳng Thể Dùng Ngữ Ngôn, Phân Biệt Để Biết Được Nổi

  • Mô tả

    Phẩm 9. Viên Mãn Thành Tựu
    Phẩm thứ chín này có tên là Viên Mãn Thành Tựu. Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám đều nói hạnh nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ lúc tu nhân; từ phẩm này trở đi, kinh nói về quả đức thành tựu. Nội dung phẩm này gồm ba phần:
    - Phật khen ngợi Pháp Tạng nhân viên quả mãn.
    - A Nan thưa hỏi.
    - Thế Tôn đáp thẳng vào câu hỏi.

  • Pháp Niệm Phật Khẩn Yếu Nhất Là Có Lòng Tin Chân Thật, Nguyện Thiết Tha

  • Mô tả

    Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự

    Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự. Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao.

  • Chẳng Bị Xoay Chuyển Bởi Những Thứ Tri Kiến Ấy, Lại Còn Giữ Vẹn Luân Thường, Trọn Hết Bổn Phận, Dứt Lòng Tà, Giữ Lòng Thành...

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Hùng Huệ Dực (trích lục)
    (năm Dân Quốc 20 -1931)

    Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao?
    Cha mẹ ông tuổi đã cao, đúng là lúc nên mềm mỏng khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao? Hãy nên làm cho anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, họ hàng, bạn bè và hết thảy những người quen biết cùng tu Tịnh nghiệp.

  • Hương Báu Xông Khắp

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện, lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới. Chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao, suối, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

  • Sẽ Vĩnh Viễn Không Còn Lo Ngờ Nữa!

  • Mô tả

    Biết tâm vui đạo hết sức chân thành, tha thiết [nên 'cảm ứng đạo giao']

    Nhận được thư biết tâm cư sĩ vui đạo hết sức chân thành, tha thiết. Còn những lời khen ngợi Bất Huệ chưa thoát khỏi thói quen thế tục. Quang là một ông Tăng tầm thường, chỉ biết học theo ngu phu ngu phụ chuyên niệm danh hiệu Phật, sao lại khen ngợi quá mức như thế? Như ông quyên góp in bộ An Sĩ Toàn Thư, thật đúng là pháp chí thành tu [thân] tề [gia] trị [quốc] bình [thiên hạ] và đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, mỗi mỗi đều đầy đủ.

  • Hồng Danh Vạn Đức Chính Là Vô Thượng Giác Đạo Như Lai Đã Chứng Nơi Quả Địa!

  • Mô tả

    Chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới

    Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! 

  • Trụ Chánh Định Tụ; Vui Như Lậu Tận

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, quốc trung vô bất thiện danh. Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đồng nhất tâm, trụ ư Định Tụ, vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương. Sở thọ khoái lạc, do như Lậu Tận tỳ-kheo. Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi làm Phật, trong nước không có danh từ bất thiện. Tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi đều đồng một tâm, trụ nơi Ðịnh Tụ, vĩnh viễn thoát khỏi nhiệt não, tâm được thanh lương, hưởng thọ khoái lạc như là Lậu Tận tỳ-kheo. Nếu họ khởi tưởng niệm tham chấp cái thân thì chẳng lấy Chánh Giác.