Biệt Tự còn gọi là Phát Khởi Tự vì nó dẫn phát chánh văn của toàn bộ kinh. Hiện tại, do A Nan phát ra câu hỏi, Thế Tôn hứa nói, diễn giảng pháp môn Tịnh Ðộ là phương tiện rốt ráo, cực viên, cực đốn, thù thắng này. Nhưng do đây là pháp siêu tình ly kiến chẳng thể nghĩ bàn, khó tin, chúng sanh tình chấp sâu nặng chẳng thể tin nổi, nên trong phần phát khởi, thâm nhập chứng tín, tổng cộng có đến năm tầng:
- Thứ nhất, Thế Tôn phóng quang, hiện tướng lành để chứng tín.
- Thứ hai, A Nan hoan hỷ thưa hỏi. Lời hỏi của A Nan có hai nghĩa trọng yếu:
1. Một, A Nan thấy Phật phóng ra quang minh hy hữu, biết là Phật ắt hẳn trụ pháp kỳ đặc, hạnh đạo sư, đạo tối thắng; nhưng pháp ấy, hạnh ấy, đạo ấy ắt là những điều đều được chư Phật nghĩ đến, chứ không phải là pháp nào khác.
2. Hai, A Nan do đâu có thể hỏi diệu nghĩa ấy? Chính điểm này chỉ rõ A Nan vốn là vị đại Bồ Tát đức tuân Phổ Hiền, từ quả hướng nhân. Trong hội thuần nhất chẳng tạp, diễn nói viên âm, nay chính là đúng lúc. Hội chúng thù thắng chính là ngụ ý diệu pháp hy hữu.
- Lần chứng tín thứ ba là Thế Tôn khen ngợi công đức của lời hỏi đó khó thể nghĩ nổi. Phật nói hết thảy hàm linh trong tương lai đều do lời hỏi này được độ thoát. Chỉ một lời đã phô trọn chánh nhân hưng khởi pháp môn Tịnh Ðộ. Vì vậy tên của phẩm này là Ðại Giáo Duyên Khởi.
- Thứ tư, Phật lại bảo A Nan: Như Lai sở dĩ xuất hiện trong đời chỉ vì muốn cứu vớt quần manh, ban cho lợi ích chân thật. Ban cho điều gì? Chính là “Chỉ nên cậy vào sáu chữ hồng danh Di Ðà Nguyện Hải”.
Chính bởi lời hỏi của A Nan mà Phật khai thị diệu pháp khó gặp hy hữu đến thế như hoa Ưu Ðàm. Hết thảy chúng sanh trong tương lai toàn là nhờ vào lời hỏi của A Nan mà được độ thoát. Vì thế, Phật khen ngợi A Nan để chứng tín.
- Thứ năm, Thế Tôn biết một cách sâu xa rằng đây quả thật là pháp hết thảy thế gian khó thể tin nổi, nên khuyên nhủ chúng sanh rằng: Giác trí của Như Lai khó lường, thần thông vô ngại, Định Huệ thông suốt rốt ráo, tự tại nơi pháp. Lời Thế Tôn nói chân thật chẳng dối, muôn vàn chớ khinh nghi, chỉ nên tín ngưỡng. Kinh lại còn dùng thí dụ chỉ cho chúng ta: Phật là Quả Giác, ta là phàm phu, lẽ nào ta lại dùng cái tâm phàm phu phân biệt ngu muội để đo lường Như Lai trí một cách hư vọng? Chỉ nên tin nhận ắt sẽ mãn nguyện.
Do những điều trên, ta thấy được rằng Tự Phần của kinh toàn là chứng tín. Ngẫu Ích đại sư chỉ ra tông của Tiểu Bổn kinh này là “Tín, Nguyện, Trì Danh”. Ba thứ tư lương ấy khuyết một chẳng được, nhưng lấy Tín làm đầu, đủ thấy sự trọng yếu của Tín. Trong Tự Phần, trước hết nói đến cái gốc của kinh này là Chân Thật Tế, cho nên pháp này đáng tin. Diệu dụng của kinh này rộng ban cho chúng sanh cái lợi chân thật, cho nên phải tin.
Chân Thật Tế là gì? Chính là như Liên Trì đại sư trong Sớ Sao đã dạy rằng: “Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng, chẳng trược, chẳng thanh, không lui, không tới. Lớn thay chân thể, chẳng thể nghĩ bàn được, chỉ có mỗi tự tánh [mới được như thế mà] thôi!” Vì vậy, Chân Thật Tế chính là tự tánh của đương nhân.
Cái lợi chân thật là gì? Sớ Sao lại nói: “Lắng nhơ trược thành thanh tịnh, quay lưng [bỏ cõi Sa Bà], hướng về [Tịnh Ðộ], siêu việt ba A-tăng-kỳ trong một niệm, ngang với chư thánh trong một lời. Diệu dụng cùng cực thay, cũng chẳng thể nghĩ bàn nổi. Chỉ là Phật Thuyết A Di Ðà Kinh mà thôi!”.
Kinh A Di Ðà chính là Tiểu Bổn của kinh này, cho nên biết được rằng: “Diệu dụng đến cùng cực chỉ là kinh này thôi!” Tông của kinh này là “Phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Phát Bồ Ðề tâm bao hàm trọn vẹn Tín, Nguyện. Nhất hướng chuyên niệm chính là Trì Danh.
Hai bổn Ðại, Tiểu có cùng một cương tông. Diệu pháp như thế cùng thâu gồm trọn vẹn ba hạng, khiến cho phàm phu chóng cùng được Bổ Xứ. Diệu dụng lớn lao, chẳng thể nghĩ bàn chính là việc phát tâm niệm Phật dạy trong kinh này. Ðấy chính là cái lợi chân thật. Do diệu dụng chân thật như thế nên trong khoảng một niệm, vượt qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp một cách nhanh chóng. Xưng danh một tiếng, địa vị bằng với chư thánh. Chúng ta may mắn được nghe, thật đúng là một dịp hy hữu trong vô lượng kiếp đến nay.
Hoa Ưu Đàm
Ngài Hoàng Niệm Tổ