Chánh kinh:
Sở phát thệ nguyện viên mãn thành tựu, như thật an trụ, cụ túc trang nghiêm, oai đức quảng đại, thanh tịnh Phật độ.
Thành tựu viên mãn thệ nguyện đã phát, như thật an trụ đầy đủ trang nghiêm, oai đức rộng lớn thanh tịnh cõi Phật.
Giải:
“Viên mãn” là đầy đủ những điều tốt đẹp, kỳ diệu một cách trọn vẹn. Trong sách Pháp Hoa Luận Sớ, ngài Gia Tường giảng chữ “thành tựu” như sau: “Ðầy đủ không sót gì, chẳng thể phá hoại nên bảo là thành tựu”. Sách Vãng Sanh Luận Chú cũng bảo: “Nương vào bốn mươi tám bổn nguyện của Pháp Tạng Bồ Tát nên nay A Di Ðà Phật thần lực tự tại, nguyện phát sanh lực, lực đáp ứng nguyện, nguyện chẳng luống uổng, lực chẳng dối bày, lực và nguyện hỗ trợ nhau rốt ráo chẳng sai chạy nên bảo là thành tựu”.
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát cũng có nói: “Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, thành tựu tứ pháp, ư Như Lai diệt hậu, đương đắc thị Pháp Hoa kinh. Nhất giả, vị chư Phật hộ niệm. Nhị giả, thực chúng đức bổn. Tam giả, nhập Chánh Định Tụ. Tứ giả, phát cứu nhất thiết chúng sanh chi tâm” (Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thành tựu bốn pháp thì sau khi đức Như Lai diệt độ sẽ được kinh Pháp Hoa này: Một là được chư Phật hộ niệm, hai là trồng các cội đức, ba là nhập Chánh Định Tụ, bốn là phát tâm cứu hết thảy chúng sanh).
Kinh Pháp Hoa nói thành tựu bốn pháp sẽ được nghe hiểu kinh Pháp Hoa, còn trong kinh này, hết thảy thệ nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ đều đã viên mãn thành tựu nên Ngài được “như thật an trụ, cụ túc trang nghiêm, oai đức quảng đại, thanh tịnh Phật độ” (đầy đủ trang nghiêm, oai đức rộng lớn, cõi Phật thanh tịnh).
Câu “như thật an trụ” trong kinh đây ý nói an trụ nơi chân thật trí huệ vô vi Pháp Thân, nên “như thật an trụ” gói gọn trong một thanh tịnh cú. Sự thanh tịnh ấy gồm có hai thứ thanh tịnh: Một là khí thế gian thanh tịnh, hai là chúng sanh thế gian thanh tịnh. Một pháp cú gồm trọn cả hai thứ thanh tịnh và ba thứ trang nghiêm nên bảo là “cụ túc trang nghiêm" (đầy đủ trang nghiêm). Vãng Sanh Luận Chú bảo: “Sự trang nghiêm ấy dẫu cho Tỳ Thủ Yết Ma - kẻ được khen là khéo tay tột bực - dốc lòng nghiền ngẫm cũng chẳng thể phác họa nổi” (Tỳ Thủ Yết Ma là tên của một vị Thiên Ðế. Ông này rất khéo tay, khéo biến hóa, giỏi kiến trúc). Năng Sanh (cái làm chủ thể phát sanh ra, ở đây là nguyện tâm vi diệu của Phật Di Ðà) đã tịnh thì Sở Sanh (cái được phát sanh ra, tức là cõi Cực Lạc...) sao lại chẳng tịnh? Vì vậy, kinh bảo: “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” (Hễ tâm tịnh thì cõi Phật tịnh).
“Oai đức”: Đáng kiêng nể là Oai (威), đáng tôn trọng, yêu mến là Ðức (德). Sách Sớ Giải kinh Pháp Hoa của ngài Gia Tường ghi: “Dè nể là Oai, yêu mến là Ðức. Lại nữa, chiết phục là Oai, nhiếp thọ là Ðức”.
Sách Thám Huyền Ký giảng chữ “quảng đại” (rộng lớn) như sau: “Ðại nghĩa là bao dung, Quảng là thể đến tột bực (bản thể viên mãn đến cùng cực), diệu dụng trùm khắp”.
Ngoài ra, “Quảng Ðại Hội” chính là một danh hiệu khác của Phật A Di Ðà. Do hội tụ tất cả những đức quảng đại nên Ngài có danh hiệu này. Mười phương chúng sanh sanh về Cực Lạc, pháp hội lớn lao, thánh chúng vô lượng, toàn là do cái đức vời vợi của Phật Di Ðà cảm nên. Ở đây, kinh nói “quảng đại” chính là để diễn tả cái đức ấy.
“Thanh tịnh Phật độ” (Cõi Phật thanh tịnh): Phẩm mười một trong kinh Vô Lượng Thọ đây có nói thế giới Cực Lạc “thanh tịnh trang nghiêm siêu du thập phương” (thanh tịnh trang nghiêm vượt trội mười phương), bản Hán dịch còn bảo A Di Ðà Phật là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật, hoặc là Vô Lượng Thanh Tịnh Giác. Cực Lạc là từ chân tâm đức Như Lai hiện ra, do tự tánh thanh tịnh cảm thành nên Cực Lạc phải thanh tịnh vô lượng.
Hơn nữa, Cực Lạc thế giới chính là tên gọi khác của Mật Nghiêm thế giới và Hoa Tạng thế giới. Kinh Ðại Thừa Mật Nghiêm bảo: Ðại Nhật Như Lai “y tùng Nan Tư Định, hiện ư chúng diệu sắc, sắc tướng vô hữu biên, phi dư sở năng kiến, Cực Lạc trang nghiêm quốc, Thế Tôn Vô Lượng Thọ” (từ Nan Tư Định hiện ra cõi Cực Lạc trang nghiêm, các thứ sắc nhiệm mầu, sắc tướng chẳng có hạn lượng, chưa từng thấy cõi nước nào khác được như vậy, Phật [trong cõi ấy] hiệu Vô Lượng Thọ). Kinh dạy rõ Ðại Nhật Như Lai trụ trong nan tư diệu định, từ trong Định hiện ra cõi Cực Lạc và Vô Lượng Thọ Phật. Như vậy, Ðại Nhật chính là Di Ðà, Mật Nghiêm chính là Cực Lạc.
Kinh còn nói: “Mật Nghiêm Tịnh Độ siêu chư Phật quốc, như vô vi tánh, bất đồng vi trần” (Cõi Tịnh Ðộ Mật Nghiêm vượt hơn các cõi Phật, như tánh của vô vi, chẳng do vi trần hợp thành). Sách Mật Nghiêm Pháp Tạng Sớ cũng ghi: “Mật Nghiêm Tịnh Độ giả, tức thị chư Phật Tha Thụ Dụng độ” (Mật Nghiêm chính là cõi Tha Thụ Dụng của chư Phật) và: “Kim thử Mật Nghiêm, đản ư thanh tịnh Như Lai tạng tâm chi sở hiện” (Nay cõi Mật Nghiêm này chỉ là do Như Lai tạng tâm thanh tịnh biến hiện). Sách Vãng Sanh Luận lại bảo: “Lấy chuyên tâm niệm Phật phát nguyện sanh cõi ấy thì chứng nhập được Hoa Tạng thế giới”. Kinh Kim Cang Ðảnh cũng dạy: “Duy thử Phật sát, tận dĩ Kim Cang tự tánh thanh tịnh sở thành, Mật Nghiêm Hoa Tạng” (Chỉ có cõi Phật này hoàn toàn do kim cang tự tánh thanh tịnh hóa thành, [đó là cõi] Mật Nghiêm Hoa Tạng). Như vậy, Cực Lạc chính là Mật Nghiêm hay Hoa Tạng, đều từ Như Lai tạng tâm thanh tịnh biến hiện, do kim cang tự tánh thanh tịnh tạo thành. Do vậy, cõi ấy “thanh tịnh trang nghiêm siêu du thập phương” (thanh tịnh trang nghiêm vượt trội mười phương) nên mới bảo là “oai đức quảng đại, thanh tịnh Phật độ” (oai đức rộng lớn, cõi Phật thanh tịnh).
Ảnh minh họa: "Lại này Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu, nước tám công đức tràn đầy trong đó. Ðáy ao toàn trải cát bằng vàng. Thềm đường bốn phía do các thứ vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành. Bên trên có lầu có các, cũng dùng đủ loại vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não để trang sức.
Hoa sen trong ao lớn như bánh xe, màu xanh có ánh sáng xanh, màu vàng có ánh sáng vàng, màu đỏ có ánh sáng đỏ, màu trắng có ánh sáng trắng, thơm ngát vi diệu."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đoạn Kinh văn này nói về sự thành tựu viên mãn của Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo, nay đã thành tựu viên mãn 48 lời Thệ Nguyện của mình, đã được "như thật an trụ, cụ túc trang nghiêm, oai đức quảng đại" nơi chân thật trí huệ vô vi Pháp Thân là A Di Đà Như Lai, còn cõi nước của Ngài thì viên mãn thành tựu "thanh tịnh Phật độ". Chúng ta có thể đọc đoạn trích lược bên trên để biết rõ hơn về nghĩa lý đoạn Kinh văn này. Nói chung nếu mà nói rộng ra thì vô tận vô biên, "chẳng thể dùng ngữ ngôn" mà nói được, bất khả tư nghì, mà chỉ có thể gói gọn trong một 'thanh tịnh cú' đó là "cụ túc trang nghiêm, oai đức quảng đại, thanh tịnh Phật độ" [đầy đủ trang nghiêm, oai đức rộng lớn, thanh tịnh cõi Phật]. Với tâm lượng trí lượng của chúng sanh thì Như Lai chỉ tùy thuận mà 'khái quát' như vậy thôi. Rồi từ các Kinh Chú khác, các Ngài trích dẫn, chú giải giúp chúng ta hiểu rõ hơn phần nào đó thôi.
Chúng ta cần lưu tâm một chút rằng, cõi Phật ấy đều được thành tựu từ những sự "chân thật", tức Bất sanh bất diệt, chẳng có cái gì là hư vọng, giả tạm cả, cái gì cũng thể hiện sự 'vô lượng vô biên', không có ngằn mé, không có hạn lượng... Và chúng sanh một khi được về cõi ấy thì từ thân tướng, tâm địa đều phải tương ưng như thế cả. Nếu như vậy thì phàm phu chúng ta về đó thì sao đây? Liệu rằng mình có phần [được về] cõi ấy hay chăng? Đừng lo! A Di Đà Phật đã 'tính toán' hết cả rồi! Ví dụ, về thân tướng, xác thân giả tạm bất tịnh này chắc chắn là không thể 'dùng' được trên ấy rồi, cho nên một khi mãn phần ở đây thì phải 'nói lời tạm biệt' với nó ngay, đừng có tham luyến gì nữa cả. Cho nên nhiều người, đừng nói là chẳng tu, dẫu có tu mang tiếng là tu lâu năm, hành giả Tịnh Độ có thâm niên, đã 'sống mòn' nơi cõi Ngũ trược này rồi nhưng cho đến lúc thọ mạng sắp hết rồi vẫn còn lưu luyến chẳng chịu buông xả nó ra đấy. Chúng ta tu tập, phải như các Ngài nói, giống như thay đổi y phục, thay cái áo cũ rách bằng bộ đồ mới. Về đó A Di Đà Phật sẽ 'sắm' cho chúng ta một cái khác với 'thân Kim Cang bất hoại", "ba mươi hai tướng tám mươi vẻ đẹp'... Đây là Phật 'tái tạo' cho mỗi chúng sanh về đó chứ chẳng phải là do tự chúng sanh tu tập mà có được như thế. Đó là thân thể, còn về tâm trí thì sao đây? Cái này mới thật rắc rối đây, có rất nhiều kiến giải, luận bàn về vấn đề này. Rằng tâm địa phải thế này thế kia mới có thể tương ưng với cõi ấy. Rằng cõi Phật người ta thanh tịnh như thế, toàn là bậc Bồ Tát hay Thượng thiện nhân câu hội về đó mà tâm địa ông bà [phàm phu tục tử], hãy còn tham sân si mạn dấy khởi ra như thế thì làm sao về được? Bộ ông bà về rồi làm ô uế cõi nước của người ta ra à?... Họ lập luận như vậy có đúng chăng? Dạ vâng, câu trả lời là... chẳng biết nữa [cho nên khỏi bàn cãi chi cho mệt]. Chúng ta chỉ học tập từ Kinh giáo, rồi qua sự hướng dẫn, khai thị của Chư Tổ Sư, còn việc ai muốn học tập từ những lời thế gian như thế đó là việc của họ. Mỗi người có những sự lựa chọn khác nhau, tùy thích, tùy duyên vậy.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần dẫn dụ một chút. Rằng qua các Kinh giáo, trước tác của Phật, Tổ chúng ta cũng ít nhiều biết được rằng, cõi Cực Lạc bao gồm nhiều thứ bậc khác nhau mà các Ngài gọi là Phẩm vị. Chúng sanh về đó tùy theo công đức, tâm địa của mình tu tập có được mà thọ nhận nơi phẩm vị tương ưng với mình. Ví dụ, bậc Thánh nhân hay Thượng thiện nhân, căn cơ vượt trỗi, ngay nơi đây đã đoạn dứt sạch được Phiền hoặc, tức Kiến hoặc và Tư hoặc, thì hành theo Tịnh Độ môn, nếu được về cõi ấy sẽ đạt phẩm vị cao, hoa nở thấy Phật Di Đà ngay. Lưu ý là chúng ta dùng từ 'nếu được về' nhé [chứ không phải ai cũng được về]. Rồi như căn tánh phàm phu thì sao? [như đa phần chúng ta đây]. Khi chưa đoạn sạch được phiền não [tức tham sân si vẫn còn, thỉnh thoảng 'đụng chuyện' vẫn dấy khởi lên, chưa diệt trừ hay điều phục được hết], thế thì sao? Có 'nếu được về' như trên không? Dạ vâng, vẫn như thế, rằng là nếu được về cõi ấy thì chắc chắn phẩm vị sẽ không thể bằng các vị trên kia, rằng phải đợi một thời gian dài ngắn gì đó ở trong thai hoa mà tu tập, rồi một khi phiền hoặc đoạn sạch mới được ra khỏi thai hoa, khi đó mới được "hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh" [nhẫn]. Qua đó chúng ta thấy rằng, A Di Đà Phật ngài đã tính toán sắp đặt cả rồi. Phàm phu [về đó] có chỗ của phàm phu, bậc Thánh nhân có chỗ của bậc Thánh nhân, chẳng thể lộn xộn [mà làm nhiễm ô] cho nhau được. Cho nên với hành giả Tịnh Độ chúng ta, bất luận căn cơ, hoàn cảnh ra sao, hãy cứ một lòng tin tưởng vào lời Thệ Nguyện tiếp dẫn thâm trọng của Phật mà ra sức nổ lực tu tập cầu sanh về, quyết tâm giải thoát trong đời này. Cứ kiên định như thế chẳng đổi dời, ắt sẽ được toại chí nguyện thôi. Dĩ nhiên, để có được và giữ vững những điều này [tức Tín Nguyện Niệm Phật cầu sanh về] thì cần phải ra sức học tập, tu sửa, giữ gìn rất nhiều thứ trên bước đường tu học chứ chẳng phải chuyện giản đơn, mà không phải ai ai cũng thực hiện được. Cho nên, trên bước đường đạo, chúng ta thấy có người gặp những 'kiếp nạn' này kia, có người 'sa hầm sụp hố', 'lên bờ xuống ruộng'... rồi có người bỏ cuộc giữa chừng, hay thay đổi pháp môn, cầu phước báo nhân thiên chẳng cầu giải thoát nữa, v.v... Bởi thế, trong tu học quan trọng ở sự kiên định, bất luận hoàn cảnh môi trường hay con người có thay đổi ra sao! Dĩ nhiên cần phải đi đúng đường đúng lối thì sự 'kiên định' đó mới cho kết quả tốt đẹp được, cuối đời được Phật rước. Chứ còn đã đi lầm đường lạc lối rồi mà cứ 'kiên định' [lầm lũi] mà đi như thế, chẳng chịu chuyển đổi, thì chắc chắc có ngày được gặp... Diêm Vương để tính sổ, hay cùng lắm là vẫn ở lại Nhân thiên thọ hưởng, rồi lại tiếp tục trôi lăn mãi trong luân hồi, chẳng biết đến khi nào ra nữa.
Nói chung, qua phân tích một chút như thế để thấy được rằng, cõi Phật Tịnh Độ và A Di Đà Phật là đang hiện diện để tiếp nhận chúng sanh thập phương vân tập về tu hành để thành tựu đến quả vị Phật rốt ráo viên mãn. Ngài đã thành tựu hạnh nguyện cứu độ chúng sanh thập phương khắp pháp giới, còn nhiệm vụ của chúng sanh [có chúng ta ở đây] là y cứ theo lời Thề Nguyện của Ngài mà hành trì, cầu sanh về cõi nước của Ngài [thanh tịnh Phật độ]. Điều này là chân thực, rõ ràng và phụ thuộc vào sự tu tập của mỗi chúng ta, chứ chẳng phải ở Pháp Phật truyền trao [Bổn Nguyện của Phật]. Bởi Pháp Ngài đã thành tựu viên mãn, không ngằn mé không giới hạn việc cứu độ [bất luận căn cơ, chủng loại, thời gian, nơi chốn...], hết thảy đều có phần trong thập phương pháp giới. Vấn đề là chúng sanh có chịu nghe, chịu hành, chịu về và quan trọng là có chịu 'tiếp nhận' sự cứu độ của Ngài hay không mà thôi, bởi nhiều khi về thì cũng muốn về lắm đấy nhưng 'tin nhận' thì lại chẳng dám tin, sợ Phật 'từ chối' cứu độ, rồi đến cuối cùng lại cứ đi 'năn nỉ, van xin' mãi [Xin Phật cho con về Tây Phương Cực Lạc!]. Chúng ta cần biết rằng, giữa 'xin được về' và 'tin được về' [nhờ Phật cứu độ] là hoàn toàn khác nhau đấy nhé. Một đằng là vào thẳng Pháp Phật truyền trao, tức y giáo phụng hành, nên [dụng cái tâm như thế] mà hành trì chắc chắc được thành tựu, được Phật cứu độ, 'đàng hoàng' vào thẳng Chánh Quốc; còn một đằng thì chỉ là cầu ở Pháp Biên Địa, tức là do chẳng y giáo phụng hành từ Pháp Phật truyền trao, mà hành trì [dụng tâm] theo kiểu thế gian pháp [năn nỉ, van xin]. Dĩ nhiên nếu thực hành thật tốt thì vẫn có thể được Phật từ bi cứu vớt lúc cuối, nhưng chẳng thể đảm bảo, còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố và nếu được thì cũng phải vào Biên Địa một thời gian.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 9. Viên Mãn Thành Tựu (trích lược)
Ngài Hoàng Niệm Tổ